Quy hoạch và phát triển đô thị xanh và thông minh tại tỉnh Quảng Ninh

Thứ sáu, 03/01/2014 15:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Định hướng không gian phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ninh: “một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai điểm đột phá”. Trong đó:

- Tâm: là thành phố Hạ Long, là trung tâm chính trị hành chính- kinh tế- văn hóa của tỉnh, có Vịnh Hạ Long là di sản kỳ quan thiên nhiên mới thế giới, trong khu vực phát triển cụm cảng biển quốc tế Quảng Ninh- Hải Phòng.

- Tuyến phía Tây: gồm 5 đơn vị hành chính (Ba Chẽ, Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều), xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, liên kết vùng ở cấp quốc gia bởi hệ thống đường thủy, đường bộ, đường sắt.

- Tuyến phía Đông: gồm 8 đơn vị hành chính (Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà), xuất phát từ Hạ Long đến Móng cái và hướng tới khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc, kết nối khu vực ở cấp quốc tế bởi các cửa khẩu, cụm cảng hàng không và hàng hải quốc tế (Cái Lân, Hải Hà, Hòn Gai, Cẩm Phả, Mũi Chùa, Vạn Hoa, Vạn Gia).

- Đa chiều: là sự phát triển không bị giới hạn bởi địa giới hành chính, có tính chất động và mở. Động là quá trình không ngừng hợp tác mở rộng liên kết, hỗ trợ, bổ sung, hoàn thiện cho nhau phát triển. Mở là nhằm thúc đẩy tự do hóa, tương tác, cạnh tranh, tiệm cận nhau cùng phát triển.

- Hai điểm đột phá: là xây dựng và phát triển hai đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái.

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 và ngoài năm 2050

Quan điểm mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch

1. Phù hợp với đường lối chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước, Quy hoạch xây dựng (QHXD) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; QHXD Vùng duyên hải Bắc Bộ, Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng; QHXD Vùng biên giới Việt Trung; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ninh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII; Đề án phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh tỉnh Quảng Ninh và thí điểm xây dựng 2 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái.

2. Đặt Quảng Ninh trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế. Gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ninh với vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Bộ, Vùng biên giới Việt Trung, Khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt- Trung; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, góp phần tạo động lực cho phát triển của cả vùng và miền Bắc. Là cơ sở cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao năng lực chất lượng và sức acnhj tranh của nền kinh tế.

3. Xây dựng hệ thống đô thị Quảng Ninh, trong đó thành phố Hạ Long làm đầu tàu sẽ trở thành đô thị loại I (đã là đô thị loại I tháng 10/2013); tỉnh Quảng Ninh cơ bản là tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2020, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc, là trung tâm du lịch quốc tế, là một trong ba cực tăng trưởng của Vùng đồng bằng sông Hồng và trở thành một “trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo du lịch, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh. Cả tỉnh có tốc độ phát triển cao so với các thành phó ở trong nước, ngang tầm với những thành phó phát triển khác trong khu vực Đông Nam Á vào những năm 2030.

4. Mở rộng và phát triển hệ thống đo thị Quảng Ninh theo hướng “một tâm hai tuyến đa chiều và hai điểm đột phá”, nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại các đô thị dọc Quốc lộ 18A, đặc biệt là 4 đô thị lớn: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, đồng thời giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử long.

5. Xây dựng một nền kiến trúc mang đặc trưng riêng với truyền thống văn hóa Quảng Ninh, đồng thời phù hợp với kiến trúc tổng thể Vùng Bắc Bộ và các đô thị lớn trong vùng. Xây dựng tỉnh Quảng Ninh hướng tới mục tiêu văn hiến, văn minh, hiện đại, sinh thái gắn với không gian truyền thống tâm linh; đô thị Quảng Ninh trở thành một trung tâm chính trị- hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục- đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế.

Về các định hướng quy hoạch phát triển không gian đã được Tư vấn Nikken Sekkei nghiên cứu, đề xuất:

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thành 05 vùng đô thị:

- Vùng đô thị Hạ Long (gồm TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ; lấy TP Hạ Long là trung tâm).

- Vùng đô thị miền Tây (gồm TP Uông Bí, thị xã Quảng Yên, huyện Đông Triều; lấy thị xã Quảng Yên làm đầu mối phát triển).

- Vùng đô thị biển đảo (gồm huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô; lấy Vân Đồn làm trung tâm -xây dựng Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn).

- Vùng đô thị cửa khẩu (gồm KKT cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô- Đồng Văn), bao gồm TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu, lấy TP Móng Cái làm trung tâm.

- Vùng đô thị núi phía Bắc (gồm huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ; lấy Tiên Yên làm đầu mối phát triển).

Trong đó, Vùng đô thị Hạ Long sẽ là đô thị lõi, trung tâm của tỉnh, trong mỗi vùng đô thị các đô thị được kết nối hạ tầng với nhau, thành một vùng đô thị lớn, thống nhất, có đặc trưng riêng biệt… Các vùng đô thị trên được kết nối với nhau và nối các địa phương khác thông qua hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, phù hợp với đặc thù địa hình.

Các mô hình đặc trưng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh tại Quảng Ninh trong thời gian tới:

- Thành phố Hạ Long (đô thị loại I) là thành phố trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế du lịch, dịch vụ, giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh. Thành phố gắn liền với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; quy hoạch xây dựng và phát triển Thành phố Hạ Long hướng tới thành phố đặc biệt, trung tâm du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế; chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”; giảm khai thác than lộ thiên, nâng cao các công nghệ khai thác và chế biến than, di chuyển các dự án sản xuất công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực, giải phóng các giải đất ven biển phát triển du lịch dịch vụ…; xanh hóa dô thị bằng cả hệ thống cây xanh công cộng, đồi đất- núi đá, mặt nước Vịnh Hạ Long; bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhà ở đô thị, văn minh đô thị…

- Khu kinh tế Vân Đồn, Cô Tô: hướng tới xây dựng Cái Rồng thành đô thị loại III, đô thị của Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, với thí điểm xây dựng mô hình đô thị hành chính, với tính chất đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao, phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại thân thiện với môi trường…Xây dựng Cô Tô thành một đảo du lịch, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, cùng với Vân Đồn là cửa mở ra biển của khu vực phía Bắc, tạo thành vùng đô thị đặc trưng biển đảo, gắn kết hai nhiệm vụ phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng.

- Khu đô thị- công nghiệp công nghệ cao tại thị xã Quảng Yên do tập đoàn AMATA (Thái Lan) nghiên cứu đầu tư sẽ phát triển mô hình đô thị thông minh (smart city)- công nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu, hạ tầng đồng bộ- khép kín. Trong đó, gắn nhiều với nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao với sản xuất công nghiệp công nghệ cao, khép kín, hiện đại, gắn với tổ chức môi trường sống- nghỉ ngơi của công nhân cư dân đô thị, gắn với môi trường sinh thái trong lành, đảm bảo phát triển bền vững…; khai thác lợi thế các hạ tầng liên kết vùng duyên hải Bắc Bộ, Vùng đô thị Hải Phòng- Hạ Long- Uông Bí- Quảng Yên.

Kết luận:

Một là: với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, thì việc Quy hoạch và phát triển đô thị xanh và thông minh tại Việt Nam nói chung, tại Quảng Ninh nói riêng là một nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, phù hợp với xu hướng phát triển, nhằm hướng tới phát triển đô thị bền vững, bảo vệ và hạn chế các tác động xấu của biến đổi khí hậu tới cư dân đô thị. Đặc biệt, với tỉnh Quảng Ninh, nơi có đường bờ biển dài 250km, tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế- xã hội thì việc quy hoạch phát triển đô thị xanh và thông minh sẽ góp phần tạo bước đột phá trong chuyển đổi mô hình phát triển, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, giảm thiểu việc phát triển dựa vào tài nguyên không tái tạo (than, đá…), phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên tái tạo (phát triển du lịch, dịch vụ, cảnh quan, di tích, di sản…); giải quyết các vấn đề xã hội (tệ nạn, lao động, việc làm…), thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ di sản- kỳ quan thiên nhiên thế giới Hạ Long.

Hai là: với các quan điểm, chỉ đạo, định hướng đột phá của tỉnh Quảng Ninh về công tác quy hoạch- chiến lược, nhất là Đồ án Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế- xã hội (Mckinsey lập); sự vào cuộc tích cực của các ngành - địa phương, chắc chắn Quảng Ninh sẽ có những quy hoạch ổn định, với tầm chiến lược, mang tính khả thi cao…Trong đó, đã có định hướng quy hoạch phát triển các đô thị xanh- đô thị thông minh. Các quy hoạch này là những sản phẩm thiết thực của tỉnh, các ngành và địa phương đã và đang ra sức hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, đánh dấu một tầm nhìn, một bước phát triển mới.

Ba là: quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 (do Nikken Sekkei lập) sẽ là một quy hoạch quan trọng nhất để thực thi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới; quy hoạch nhằm quy hoạch lại các vùng phát triển một cách tốt nhất, hiệu quả nhất; quy hoạch sẽ định ra hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, vùng sản xuất khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu bảo tồn…một cách hợp lý nhất, hiệu quả và phù hợp nhất với điều kiện đị lý, địa hình, nguồn lực, xu thế phát triển trong thời gian tới; quy hoạch cũng định ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên kết vùng. Quy hoạch cũng đã định hướng phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh- đô thị thông minh. Định ra các dự án tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng lớn thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Singapore…) đến đầu tư phát triển tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, bền vững, bảo vệ và khai thác Di sản Vịnh Hạ Long hiệu quả, hợp lý, góp phần đảm bảo vững chắc tuyến biên giới Tổ Quốc. Chắc chắn đây cũng là một sản phẩm, một dấu mốc lịch sử mà ngành Xây dựng Quảng Ninh đang phấn đấu thực hiện.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch đô thị, số 15/2013
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)