Cộng đồng tham gia quy hoạch và xây dựng nhà ở tại thành phố Tân An

Thứ năm, 26/12/2013 10:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng quanThành phố Tân An (tỉnh Long An) có 14 đơn vị hành chính gồm 9 phường và 5 xã, với khỏang1.000 hộ dân hiện đang sinh sống trong các khu thu nhập thấp, thiếu hạ tầng đô thị tối thiểu, trong đó có một số hộ lấn chiếm đất công (khu gò mả, ven kênh rạch…) và họ đã ở đây qua nhiều thế hệ. Các hộ này trước đây kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và sinh sống trên ghe xuồng.Do nhà sát bên rạch nên họ thường phải chịu cảnh ngập khi mùa mưa về và ngay cả khi thủy triều dâng. Mùa mưa nước lên ngập nền nhà đến gần đầu gối, môi trường bi ô nhiễm nặng vì không có nhà vệ sinh, rác thải vứt ngay tại chỗ, tất cả các hộ phải sử dụng điện và nước sinh hoạt giá cao do nhà ở bất hợp pháp và không có hộ khẩu.Chính quyền thành phố nhiều lần muốn giải quyết tình trạng này bằng cách di dời người dân đến các khu tái định cư, nhưng còn gặp bế tắc vì chưa tìm được nguồn tài chínhđể xây dựng các khu tái định cư. 

Khởi đầu một cách làm mới

Nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương và người dân nơi đây được tiếp cận với một phương pháp mới trong giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo/thu nhập thấp trên địa bàn thành phố, Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học Kiến trúc TP. HCM tổ chức Hội thảo kiến trúc sư cộng đồng với chủ đề” Cộng đồng cùng tham gai quy hoạch và xây dựng nhà ở” vào tháng 3/2012. Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Mạng lưới kiến trúc sư cộng đồng châu Á, nhóm kiến trúc sư trẻ tình nguyện thuộc Hiệp hội các đô thị Việt Nam, đại diện chính quyền và 15 hộ dân sinh sống trên những mảnh đất công lấn chiếm đã từ lâu đời tại khu phố Bình Đông 1, phường 3, thành phố Tân An và một số đại biểu một số đô thị như Cà Mau, Sóc Trăng, Vinh, Hải Dương…

Khác với các hội thảo thông thường được tổ chức tại hội trường với những bài tham luận đã chuẩn bị trước, các Kiến trúc sư đã sử dụng bản đồ nền địa chính (tỷ lệ 1/500) của khu đất hiện hữu vfa các mảnh giấy nhỏ có ghi tên các hộ để xúc tác cho một cuộc hội thảo sâu về phương án quy hoạch, chỉnh trang khu dân cư, sao cho đáp ứng tối đa nguyện vọng chính đáng của từng hộ. Người dân đã cùng ngồi lại bàn bạc sôi nổi xem vị trí nhà hiện tại của từng người đang ở đâu và nên sắp xếp lại như thế nào?

Với những cân nhắc đo lường về thời gian cư ngụ, công sức san lấp mặt bằng thời còn sơ khai, cả sự thân thiết, mối quan hệ huyết thống giữa các hộ, họ đã tự tranh cãi để đưa ra phương án vị trí nhà hợp lý nhất. Người có công san lấp mặt bằng và sông lấu năm được nằm ngoài mặt tiền đường lộ, các hộ có họ hàng thì ở gần nhau để tiện chăm sóc lẫn nhau…Sau đó, các Kiến trúc sư giúp thể hiện các ý tưởng của cộng đồng thông qua bản dự thảo sơ đò mặt bằng quy hoạch khu dân cư.

Cũng tại hội thảo này, chính quyền và người dan thành phố Tân An cũng được nghe các chia sẻ những bài học thành công trong việc cải thiện nhà ở của người nghèo/thu nhập thấp tại khối 6A phường Cửa Nam- thành phố Vinh, phường Nguyễn Trãi và phường Thanh Bình- thành phố Hải Dương do chính người dân tại chỗ thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh vai trò chủ động của cộng đồng dân cư với sự hỗ trợ tạo điều kiện về chủ trương từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng. Sau ba ngày hội thảo, một kế hoạch hành động của cộng đồng đã được các bên nhất trí thực hiện, gồm các hoạt động chính:

1. Các hộ chuẩn bị nguồn tài chính cho việc cải thiện nhà ở bằng hình thành nhóm tiết kiệm và đưa ra mức góp tiết kiệm hợp lý dựa trên thu nhập của bản thân.

2. Trên cơ sở bản dự thảo quy hoạch ban đầu, nhóm Kiến trúc sư (KTS) tình nguyện tình nguyện tiếp tục thảo luận với cộng đồng để đưa ra nhiều phương án khác nhau, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng khu đất, trong đó đặc biệt lưu tâm đến việc bố trí không gian công cộng.

3. Hiệp hội các đô thị Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm nguồn tài chính để cấp vón vay cho các hộ thực hiện dự án cải thiện nhà ở.

4. UBND TP giao cho Phòng quản lý đô thị cùng phối hợp để thống nhất phương án quy hoạch, tạo hành lang pháp lý cho dự án (áp dụng chính sách giao đất có thu tiền sử dụng đất, chop phép nợ/trả chậm tiền sử dụng đất), hỗ trợ thủ tục xin cấp điện/nước sinh hoạt…

5. UBND phường ký hợp đồng xây dựng với nhà đầu thàu do cộng đồng dân cư chọn lựa và hỗ trợ giám sát trong quá trình thi công.

Kết quả

Sau hơn một năm kể từ lúc khởi đầu, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã được chính thức khánh thành nhân ngày Nhà ở thế giới năm 2013 với kinh phí hoàn toàn do người dân tự đóng góp (từ tiết kiệm và vay trả chậm) trong niềm hân hoan vô hạn của 20 hộ dân- trong đó có 15 hộ tại chỗ và 5 hộ nghèo không có nhà ở từ các khu vực khác trong phường được đưa về đây.

Bài học kinh nghiệm

1. Nhà nước đóng vai trò tạo điều kiện là nhân tố quyết định sự thành công của dự án:

Việc xóa sổ các khu dân cư tạm bợ/bất hợp pháp từ lâu đã là mối quan tâm của chính quyền thành phố, nhưng chưa giải quyết được do tư duy bao cấp từ phía Nhà nước (cần bố trí ngân sách để xây dựng các khu tái định cư để di dời dân) trong khi nguồn lực hạn chế. Với cách tiếp cận mới này, chính quyền thành phố đã không cần tốn một đồng ngân sách nhưng vấn đề đã được giải quyết trong thời gian ngắn (17 tháng).

2. Sự trao quyền chủ động cho người dân đã giúp giảm giá thành xây dựng và tăng sự gắn kết cộng đồng:

Phương án quy hoạch xuất phát từ ý tưởng của người dân, các hộ được tự lựa chọn nhà thầu xây dựng, tự mua vật liệu xây dựng, tự giám sát thi công, tận dụng vật liệu cũ còn tốt, ưu tiên các hộ thân tộc ở gần nhau để xây chung móng, chung tường, tận dụng các rẻo đất “đầu thừa, đuôi thẹo” để tạo các không gian sinh hoạt chung của cộng đồng.

3. Sự hỗ trợ mang tính kết nối của nhóm chuyên gia/kiến trúc sư tình nguyện thuộc Hiệp hội các Đô thị Việt Nam:

Các thành viên trong nhóm hỗ trợ đã bền bỉ song hành suốt 17 tháng qua, nhưng không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của địa phương. Khác với cách thông thường của các chuyên gia tư vẫn thường chỉ thu thập thông tin từ cộng đồng, sau đó dùng kiến thức chuyên môn của mình chru động xây dựng các giải pháp do các nhà chuyên môn đưa ra, nhóm hỗ trợ viên đến cộng đồng chủ yếu là để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng giúp tháo gỡ các vấn đề khó khăn khi được yêu cầu, sẵn sàng thay đổi các phương án quy hoạch nhiều lần, để cùng cộng đồng lựa chọn giải pháp tối ưu nhất trong hoàn cảnh thực tế của người dân.

(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch đô thị, số 15/2013)
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)