Quy hoạch và phát triển đô thị xanh và thông minh tại tỉnh Nghệ An

Thứ ba, 21/01/2014 14:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, phía bắc giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 419 km đường biên giới trên bộ, phía Đông giáp Biển Đông có bờ biển dài 82km. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên là 16.490,251km2. Hơn 80% diện tích là vùng đồi núi nằm ở phía tây gồm 10 huyện, và 01 thị xã; phía Đông là phần diện tích đồng bằng và duyên hải ven biển gồm 7 huyện, 2 thị xã và thành phố Vinh.

Dân số Nghệ An hiện có hơn 3 triệu người, số người trong độ tuổi lao động chiếm 52,58%. Toàn tỉnh có khoảng 20 tộc người, trong đó 7 tộc người có số dân chiếm đa số là Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Mường, Đan Lai. Đông nhất là dân tộc kinh chiếm 86,65%. Các dân tộc thiểu số khác như dân tộc Thái chiếm 9,42%, dân tộc Thổ chiếm 1,97%, dân tộc Khơ Mú chiếm 0,94%...

Với vị trí địa lý tự nhiêm và dân số như trên đã tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế- xã hội Bắc- Nam, xây dựng và phát triển kinh tế biển, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh phát triển kinh tế- xã hội chung của cả nước, thì Nghệ An vẫn đang là một tỉnh nghèo, chưa đạt được mức trung bình chung. Nhưng xét trong điều kiện của địa phương khoảng 10 năm trở lại đây thì Nghệ An trên một số lĩnh vực kinh tế- xã hội có những tiến bộ đáng kể.

Về phát triển đô thị, theo Quyết định số 4566/QĐ- UBND ngày 12/11/2007 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 144 đô thị các loại (gồm các TP, thị xã, thị trấn và thị tứ, trung tâm cụm xã). Trong đó: 01 thành phố loại I, 19 đô thị trung tâm huyện lỵ (02 thị xã và 17 thị trấn), 25 đô thị trung tâm vùng và 99 thị tứ, trung tâm cụm xã.

Đến nay, toàn tỉnh có 67 đô thị các loại. Trong đó: 01 đô thị loại I (TP Vinh), 01 đô thị loại II (thị xã Cửa Lò), 02 đô thị loại IV (thị xã Tháo Hòa và thị xã Hoàng Mai), 17 đô thị loại V là các thị trấn, trung tâm huyện lỵ, ngoài ra các cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định, phê duyệt đồ án 13 đô thị trung tâm vùng (thị trấn) và 33 thị tứ, trung tâm cụm xã.

Trong 5 năm (2008- 2012) Nghệ An đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức lập, điều chỉnh Quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa- Bắc Nghệ An đến năm 2025 và tầm nhìn sâu 2025 (được phê duyệt tại Quyết định số 1447/QĐ- TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ) và phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An- Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025(được phê duyệt tại Quyết định số 2082/QĐ- TTg ngày 21/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Nghệ An đang tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Dự án này do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn lập đồ án quy hoạch là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản). Sau 2 lần hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và quản lý góp ý vào đồ án quy hoạch (lần gần đây nhất là vào ngày 15/9/2013), hiện nay Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD đang hoàn chỉnh đồ án để chủ đầu tư trình Bộ Xây dựng thảm định và trình Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó nêu rõ “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp, công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhan dân được nâng cao”. Nghị quyết 26- NQ/TW cũng nhấn mạng nhiệm vụ “Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm Vùng Bắc Trung Bộ… cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Cùng với Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển vùng Nam Thanh Hóa- Bắc Nghệ An. Cùng với Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển vùng Nam Nghệ An- Bắc Hà Tĩnh. Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo ô tô, thiết bị công nghệ cao.

Về nhiệm vụ xây dựng quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, Nghị quyết số 26- NQ/TW nhấn mạnh: “Phải tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý quy hoạch đo thị và nông thôn gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…tập trung nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, nâng cấp san bay Vinh thành sân bay quốc tế, xây dựng và khai thác hiệu quả các cảng biển. Xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê ngăn lũ, cống ngăn mặn, giữ ngọt, hệ thống cấp nước, thoát nước đô thị, xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông”.

Hướng tới “Quy hoạch và phát triển đô thị xanh và thông minh” trong quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh Nghệ An

Về nội dung “Quy hoạch và phát triển đô thị xanh” khoảng 10 năm trở lại đây chúng ta đã khá quen với khái niệm này. Nhà nước đã có nhiều văn bản quy định tương đối chi tiết và đầy đủ trên mọi phương diện quy hoahcj, thiết kế cây xanh đo thị cũng như quản lý môi trường đô thị ( TCXDVN: 362- 2005 về quy hoạch cây xanh đô thị; Nghị định 64/2010/NĐ- CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; các quy định về tiêu chuẩn cây xanh trồng đường phố, tiêu chuẩn đất công viên cây xanh đô thị; quy cách trồng cây xanh đường phố…). Chính vì vậy mà trong tất cả các đồ án quy hoạch phát triển đô thị cũng như các thiết kế xây dựng đô thị nội dung “đô thị xanh” đều được thể hiện một cách rõ nét. Điều này ở Nghệ An được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền rất quan tâm khi tiến hành lập các quy hoạch đô thị trên địa bàn.

Nhưng về “đô thị thông minh” thì đây là mọt khái niệm mới mẻ, không phải chỉ ở các tỉnh mà ngay các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM…cùng mới chỉ “tiếp cận” được bước đầu mà thôi. “Đô thị thông minh” là một đô thị có đầy đủ các tính năng và tiện nghi hiện đại phục vụ cho nhu cầu của con người và các hoạt động của họ, trong đó nét nổi bật và có tính then chốt là hình thành được mọt hệ thống phát triển hạ tầng mạng truyền dẫn (mạng Internet), lấy công nghệ thông tin và truyền thông làm giải pháp nền tảng xuyên suốt để kết nối thông tin một cách “thông minh” ngoài những vấn đề hạ tầng kỹ thuật truyền thống như giao thông, điện, cấp thoát nước…giúp cho việc quản lý đô thị đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng…đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, trong thực tế, sự phát triển của đô thị ở Việt Nam nói chung và của Nghệ An nói riêng cũng chỉ đang ở mức độ là cung cấp cho người dân những dịch vụ và điều kiện thông thường như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin (mạng Internet, cáp, truyền hình) ở mức đơn giản. Đối với hạ tầng đô thị phần lớn đang ở trong tình trạng phát triển thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch phát triển các công trình viễn thông. Còn có nhiều hạn chế trong vấn đề ngầm hóa các mạng cáp thông tin, sử dụng chung cở hạ tầng viễn thông… dẫn tới tình trạng giữa các ngành, các cơ quan liên quan trực tiếp mạnh ai nấy làm, chưa hoặc không quan tâm vấn đề kết nối lại với nhau.

Để khắc phục những khiếm khuyết hạn chế trong hoạch định chiến lược quy hoạch phát triển đô thị xanh và thông minh nói trên, đồng thời để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động số 24- Ctr/TW ngày 8/10/2013. Trong đó, xây dựng chương trình cụ thể cho công tác quy hoạch xây dựng là “ Quy hoạch chi tiết xây dựng vùng Bắc Nghệ An gắn vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ, vùng Nam Nghệ An với vùng Nam Nghệ- Bắc Hà. Xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 gồm các dự án: Quốc lộ 1A và các đườngq uốc lộ, ven biển, đường phía Tây, nâng cấp sân bay Vinh, các cảng biển, xây dựng, nâng cấp các công trình trọng điểm về thủy lợi, hệ thống đê ngăn lũ, cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam và các công trình hạ tầng quan trọng khác…”.

UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình hành động số 24- Ctr/TW ngày 8/10/2013 của Tỉnh ủy. Đã tổ chức 3 cuộc họp lấy ý kiến các ngành và các UBND cấp huyện góp ý vào dự thảo Kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 26- NQ/TW. Từ các chủ trương và Nghị quyết của Bộ Chính trị và Tỉnh ủy cũng như các giải pháp tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương, Nghệ An đã chú trọng hướng tới “Quy hoạch và phát triển đô thị xanh và thông minh” trong Quy hoạch phát triển đô thị một cách rõ nét.

Khảo sát qua nội dung các quy hoạch cụ thể (Quy hoạch vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ, quy hoạch vùng Nam Nghệ- Bắc Hà Tĩnh, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh) để tìm hiểu thêm, tất cả các đồ án trên đều:

- Ưu tiên phát triển hệ thống đô thị, dân cư nông và dịch vụ hạ tầng xã hội

- Xác định tổ chức không gian và định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng nói chung và các đô thị riêng lẻ một cách cụ thể

- Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong vùng quy hoạch và của thành phố Vinh rõ ràng, có căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị trong thời gian qua

- Hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội (giao thông, điện, nước, nhà ở, bệnh viện, trường học, công viên, viễn thông, truyền hình, khu công nghiệp công nghệ cao…) đã được chú trọng bố trí quy hoạch phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn nhất định

- Đã chú trọng tập trung khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, nghỉ dưỡng cấp quốc gia, quóc tế gắn liền với các cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử văn hóa.

Như vậy, có thể thấy được rằng, Nghệ An mặc dù xuất phát điểm đang là một tỉnh nghèo, điều kiện cơ sở kinh tế- xã hội hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị hóa hiện đại trong thời gian trước mắt nhưng với tiềm năng và nguồn nhân lực sẵn có, cộng với nhận thức và tư duy mới của các cấp lãnh đạo, hy vọng Nghệ An trong thời gian không xa “đô thị xanh và đô thị thông minh” sẽ được mọc lên và phát triển một cách bền vững.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch đô thị, số 15/2013
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)