Bảo lãnh vay vốn đầu tư - Một giải pháp quan trọng để kích cầu nhằm phát triển thị trường xây dựng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư, 27/05/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã và đang tác động mạnh đến nền kinh tế các nước trong đó có nền kinh tế Việt Nam. Trước tình hình đó, nhằm chống đỡ sự suy giảm kinh tế, từng bước khắc phục, dần tiến tới ổn định, chính phủ các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc, Việt Nam... đều đã đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước để cứu vãn nền kinh tế của mình bằng các khoản đầu tư lớn của nhà nước.

Ở Việt Nam, ngày 11/12/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với 3 nhóm giải pháp lớn:

- Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu

- Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng

- Chính sách tài chính tiền tệ

Trong các nhóm giải pháp trên, nhóm các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng có tác động trực tiếp đến sự phát triển thị trường xây dựng. Theo Nghị quyết đó Chính phủ đã chỉ đạo:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư và xây dựng để sửa đổi ngay những bất cập làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, khẩn trương xây dựng dự luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư xây dựng trình quốc hội tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XII thông qua.

- Đối với các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho phép tiếp tục giải ngân số vốn còn lại đến hết tháng 6 năm 2009. Đối với các dự án, công trình quan trọng cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn vốn, trong đó có dự án tái định cư các khu kinh tế, các Bộ, Ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư và chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý nguồn vốn, kể cả việc tạm ứng từ ngân sách nhà nước để thực hiện.

- Tạm hoãn thu hồi các khoản vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước kế hoạch năm 2009, trừ các khoản đã được tạm ứng năm 2009 để hoàn thành trong năm 2008. Giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2008 danh mục các dự án và mức vốn được hoãn thu hồi.

- Đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với các dự án đã có trong danh mục được Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao. Trên cơ sở đó thực hiện việc điều hoà vốn giữa các dự án công trình và được thanh toán theo tiến độ. Đồng thời cho phép tiếp tục giải ngân số vốn trái phiếu chính phủ còn lại của năm 2008 trong năm 2009.

- Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hoàn thành phương án phân bổ kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ năm 2009 trước ngày 24/7/2008, trong đó ưu tiên cho các dự án trong danh mục của Quyết định số 171/QĐ - TTg ngày 24/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung các dự án cấp bách khác trong các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục triển khai thực hiện.

- Để thực hiện chủ trương trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngày 21/01/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại tại Quyết định số 14/2009/QĐ - TTg. Theo Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng phát triển Việt Nam (25A Cát Linh - Hà Nội) thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh. Đối tượng được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh vay vốn là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả các Hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa là 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động. Phạm vi bảo lãnh vay vốn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (vay vốn đầu tư tài sản cố định); phương án sản xuất kinh doanh (vay vốn lưu động) phù hợp với quy định của pháp luật. Không bảo lãnh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ (trừ dịch vụ vận tải hàng hoá, giáo dục đào tạo, y tế); vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác.

- Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện và khuyến khích các ngành kinh tế tham gia trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc Chính phủ ban hành quy chế bảo lãnh để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với chủ trương kích cầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng giai đoạn hiện nay.

- Chủ trương kích cầu tạo cơ hội để những người muốn đầu tư thì đầu tư được, những người chưa định đầu tư ngay thì bắt tay vào đầu tư để tranh thủ cơ hội tốt, thuận lợi. Vì vậy, quy chế bảo lãnh sẽ góp phần tích cực để thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ; thúc đẩy các nhà đầu tư (các doanh nghiệp) mau chóng vào cuộc, các ngân hàng thương mại (người cho vay) thì yên tâm cho vay, vì sự có mặt của Ngân hàng phát triển với tư cách là người bảo lãnh của Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 14/2009/QĐ - TTg ngày 21/01/2009.

Để thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư của các Ngân hàng thương mại thuận lợi, sử dụng có hiệu quả cần hiểu đúng mối quan hệ và vai trò của các bên.

- Doanh nghiệp (người đi vay) là bên được bảo lãnh, có quyền vay vốn của Ngân hàng thương mại trong khi một số yếu tố đảm bảo cho việc vay vốn vẫn chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Ngân hàng thương mại. Những doanh nghiệp này có nghĩa vụ phải sử dụng vốn vay đúng mục đích là đầu tư phát triển sản xuất, tiết kiệm, hiệu quả.

- Ngân hàng thương mại (bên nhận bảo lãnh) có quyền cho vay khi có sự bảo lãnh của Ngân hàng phát triển, có nghĩa vụ giám sát người vay vốn sử dụng đúng mục đích, bám sát quá trình hoàn vốn để trả nợ vốn vay.

- Ngân hàng phát triển với tư cách là Người bảo lãnh, có nghĩa vụ phải thực hiện bảo lãnh để thực hiện thắng lợi chủ trương kích cầu của Chính phủ và chịu rủi ro khi phát hành bảo lãnh ra thị trường.

- Để được Ngân hàng phát triển Việt Nam xem xét bảo lãnh vay vốn, các doanh nghiệp phải gửi đến chi nhánh Ngân hàng phát triển đóng trên địa bàn doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư (vay vốn để đầu tư xây dựng dự án) hoặc phương án sản xuất kinh doanh (đối với vay vốn lưu động), hồ sơ đề nghị bảo lãnh và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực, chính xác, hợp pháp của các tái hiện trong hồ sơ như:

- Giấy đề nghị bảo lãnh của doanh nghiệp làm theo mẫu hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

- Hồ sơ doanh nghiệp: Hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, báo cáo về tình hình quan hệ tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức cho vay khác đối với doanh nghiệp, của cổ đông sáng lập, hoặc thành viên góp vốn đến thời điểm gần nhất.

- Hồ sơ dự án đầu tư (đối với trường hợp vay vốn để đầu tư xây dựng dự án): Dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt (đối với dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 7 tỷ đồng), giấy chứng nhận đầu tư (đối với dự án bắt buộc phải có) và một số văn bản của cơ quan thẩm quyền về các nội dung liên quan đến dự án.

- Hồ sơ phương án sản xuất kinh doanh (đối với trường hợp vay vốn lưu động): Phương án sản xuất kinh doanh (theo mẫu của Ngân hàng phát triển Nông thôn Việt Nam). Giấy phép khai thác tài nguyên (đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên). Các hợp đồng kinh tế liên quan đến việc thực hiện phương án sản xuất kinh doanh.


(Nguồn: Xây dựng & Đô thị, số 1/2009)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)