Một số ý kiến nhằm đơn giản hoá trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Thứ tư, 20/05/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trình tự, thủ tục để thực hiện một dự án đầu tư xây dựng công trình có ý nghĩa rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến thời gian thực hiện và hiệu quả đầu tư của một dự án. Hiện nay, khi thực hiện một dự án đầu tư công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục do Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của địa phương nơi xây dựng công trình quy định. Thực tế cho thấy, trình tự, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản còn rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Điều này đã kéo dài thời gian thực hiện dự án, đồng thời làm phát sinh chi phí đầu tư dẫn đến hiệu quả đầu tư của dự án giảm. Vì vậy, hoàn thiện trình tự, thủ tục thực hiện một dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình là hết sức cần thiết.

I. Một số bất cập về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước

1. Trình tự, thủ tục thực hiện một dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Khi thực hiện một dự án đầu tư xây dựng công trình có nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục sau đây:

Bước 1. Xin chủ trương đầu tư và lập hồ sơ xin kế hoạch vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình.

1. Xin chủ trương đầu tư. Đối với dự án quan trọng Quốc gia, Chủ đầu tư lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình trình Quốc hội xem xét, quyết định về chủ trương đầu tư. Đối với các dự án khác, Chủ đầu tư không phải lập Báo cáo đầu tư mà lập tờ trình xin chủ trương đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ, Ngành, UBND cấp Tỉnh, Huyện, Xã theo phân cấp.

2. Lập hồ sơ xin kế hoạch vốn cho dự án. Quy trình xin kế hoạch vốn được thực hiện theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước. Một dự án muốn được bố trí kế hoạch vốn phải thực hiện các bước, các thủ tục được quy định rất rườm rà và phức tạp, thời gian thực hiện các thủ tục không rõ ràng.

Bước 2. Chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng công trình

3. Xin giới thiệu địa điểm dự án. Chủ đầu tư lập hố sơ xin giới thiệu địa điểm theo mẫu gửi đến Sở Quy hoạch Kiến trúc (hoặc sở Xây dựng).

4. Thoả thuận của địa phương (nơi có đất) về địa điểm của dự án. Chủ đầu tư gửi hồ sơ đến UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tuỳ thuộc vào quy định của từng địa phương.

Đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng.

5. Xin cấp chứng chỉ quy hoạch (đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500); Xin thoả thuận kiến trúc quy hoạch (đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500), hồ sơ xin cấp chứng chỉ quy hoạch, xin thoả thuận kiến trúc quy hoạch gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc (hoặc Sở Xây dựng).

6. Xác định chỉ giới đường đỏ và cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật: Hồ sơ gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc (hoặc Sở xây dựng).

7. Thoả thuận quy hoạch tổng mặt bằng và xác nhận phương án kiến trúc. Chủ đầu tư lập hồ sơ theo mẫu gửi đến Sở Quy hoạch Kiến trúc (hoặc Sở xây dựng).

Đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000

8. Chấp thuận giao cho chủ đầu tư lập QHCTXD tỉ lệ 1/2000. Chủ đầu tư gửi hồ sơ để UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

9. Đề nghị thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và đồ án QHCTXD tỉ lệ 1/2000. Chủ đầu tư lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ QHCTXD tỉ lệ1/2000 và nộp hồ sơ cho Sở Quy hoạch kiến trúc (hoặc Sở xây dựng), cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện đề nghị thẩm định. Sau khi thẩm định xong, Sở Quy hoạch kiến trúc (hoặc Sở xây dựng), cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện trình UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện phê duyệt.

10. Chấp thuận lập nhiệm vụ QHCTXD tỉ lệ 1/500. Hồ sơ gửi tới sở Quy hoạch kiến trúc (hoặc Sở xây dựng).

11. Chấp thuận ranh giới, mốc giới và diện tích ô đất lập QHCTXD tỉ lệ 1/500 và lập dự án. Hồ sơ gửi tới Sở Quy hoạch Kiến trúc (hoặc Sở xây dựng).

12. Đề nghị thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án QHCTXD tỉ lệ 1/500. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ QHCTXD tỉ lệ 1/500 và đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc (hoặc Sở xây dựng), cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện thẩm định. Sau khi thẩm định xong, Sở Quy hoạch kiến trúc (hoặc Sở xây dựng), cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện trình UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện phê duyệt.

13. Xin thoả thuận với các cơ quan chuyên ngành (cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy, môi trường, tài chính...).

Bước 3. Đăng ký đầu tư và xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

14. Chủ đầu tư gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và đầu tư đăng ký đầu tư và xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bước 4. Tổ chức việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

15. Chủ đầu tư có thể tự thực hiện hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện tổ chức việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bước 5. Trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; báo cáo đánh giá tác động môi trường.

16. Trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình. Tuỳ thuộc vào thẩm quyền quyết định đầu tư mà chủ đầu tư phải gửi hồ sơ trình thẩm định dự án tới Hội đồng thẩm định Nhà nước hay đơn vị chuyên môn trực thuộc các Bộ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; đơn vị chức năng quản lý kế hoạch ngân sách trực thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo phân cấp để thẩm định trước khi trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

17. Trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Sau khi có kết quả thẩm định dự án phải gửi hồ sơ tới người quyết định đầu tư để phê duyệt. Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội và các dự án quan trọng khác; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư đối với các dự án A, B, C hoặc được uỷ quyền, phân cấp quyết định đầu tư đối với dự án nhóm B, C cho cơ quan cấp dưới trực tiếp; Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư các dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.

18. Trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Bước 6. Thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật/bản vẽ thi công.

19. Chủ đầu tư tự tổ chức việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực thẩm định thì được phép thuê tư vấn thẩm tra làm cơ sở cho việc thẩm định.

20. Chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình và nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bước 8. Cắm mốc tạm thời, giải phóng mặt bằng, cắm mốc chính thức:

21. Cắm mốc tạm thời tại hiện trường: chủ đầu tư, công ty địa chính nhà đất cùng với sở Tài nguyên và Môi trường; phòng quản lý đô thị cấp huyện và UBND phường sở tại tổ chức cắm mốc giới tạm thời tại hiện trường.

22. Lập phương án giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng:

22.1. Trình thẩm định, phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng) và thông báo thu hồi đất. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường (có sự tham gia của đại diện chủ đầu tư) lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gửi cho cơ quan tài chính để thẩm định và trình UBND cùng cấp phê duyệt. Sau khi phương án được phê duyệt, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thông báo cho người đang sử dụng đất biết.

22.2. Kê khai, kiểm kê và xác định nguồn gốc đất đai. Sau khi có quyết định thu hồi đất, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thực hiện việc kê khai, kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất và xác định nguồn gốc đất đai.

22.3. Lập, thẩm định và xét duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án chi tiết). Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập và trình phương án chi tiết để cơ quan tài chính thẩm định và UBND cùng cấp phê duyệt.

22.4. Công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường (có sự tham gia của đại diện chủ đầu tư) thực hiện.

22.5. Liên hệ với Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, thành phố để làm thủ tục nộp tiền thuế sử dụng đất.

23. Cắm mốc giới chính thức. Sở Tài nguyên và Môi trường và Chủ đầu tư (có sự chứng kiến của phòng QLĐT quận, UBND phường sở tại).

Bước 9. Xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

24. Xin chuyển mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư gửi hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường xin chuyển mục đích sử dụng đất.

25. Xin cấp trích lục bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bước 10. Lựa chọn nhà thầu thi công, giám sát thi công xây dựng công trình.

Bước 11. Tổ chức triển khai thi công xây dựng.

Bước 12. Nghiệm thu, thanh toán, bàn giao công trình.

Bước 13. Quyết toán vốn đầu tư. Chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán gửi cơ quan tài chính thẩm tra và trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

2. Những bất cập về trình tự , thủ tục thực hiện một dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Một là: Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải làm việc với rất nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau, theo quy định các cơ quan này đều có thẩm quyền ban hành các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng. Điều này dẫn đến bất cập là chủ đầu tư phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính. Không những thế, nhiều thủ tục hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến cơ chế “xin – cho” làm phát sinh thủ tục, mất nhiều thời gian và gây tốn kém cho chủ đầu tư.

Hai là: Các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng thường xuất phát từ nhu cầu quản lý của cơ quan Nhà nước, nhiều thủ tục được ban hành trái quy định pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền, đẩy khó khăn về phía chủ đầu tư.

Ví dụ, trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, một số địa phương tự đặt ra các thủ tục hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải làm trái quy định của pháp luật như: xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp như: xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; yêu cầu chủ đầu tư phải xin thoả thuận về địa điểm dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch, chấp thuận lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng; chấp thuận về ranh giới, mốc giới và diện tích ô đất để lập quy hoạch; chấp thuận chỉ giới đường đỏ và các số liệu hạ tầng kỹ thuật; chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng; chấp thuận phương án kiến trúc.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 08/2005/NĐ - CP thì việc quản lý và cung cấp thông tin về quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương phải có quy hoạch, công bố, công khai quy hoạch và cung cấp thông tin quy hoạch cho chủ đầu tư. Đối với việc thẩm định thiết kế cơ sở, Sở Xây dựng các địa phương yêu cầu chủ đầu tư làm thay việc của cơ quan đầu mối thẩm định thiết kế cơ sở như: Yêu cầu chủ đầu tư đi xin ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn cấp điện, cấp nước, môi trường, phòng cháy chữa cháy..., một số Sở yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ thiết kế cơ sở quá chi tiết trái với qui định của Chính phủ.

Ba là: Hầu hết các thủ tục hành chính đầu không có quy định rõ ràng và cụ thể các loại giấy tờ, tài liệu cần phải có khi làm thủ tục hành chính. Chính vì vậy, một số địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư nộp thêm các loại giấy tờ khác, gây khó khăn cho chủ đầu tư. Một số thủ tục hành chính yêu cầu số lượng hồ sơ cần phải lập quá nhiều, rất nhiều các tài liệu trong các thủ tục được lặp lại do đó cần phải huỷ bỏ.

Bốn là: thời gian hoàn tất thủ tục hành chính thường là quá dài và không có thời điểm cuối cùng, không có cơ chế chịu trách nhiệm nếu để quá thời gian quy định.

Năm là: nhiều quy định, chính sách trong đầu tư xây dựng còn tản mạn nên khó thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Hiện nay không ai có thể thống kê được ở nước ta đang tồn tại những thủ tục hành chính nào.

II. Một số ý kiến nhằm đơn giản hoá trình tự, thủ tục thực hiên dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

1. Nghiên cứu rút ngắn số bước trình tự, ví dụ như: gộp một số thủ tục để giảm bớt số đầu mối quản lý và giảm hồ sơ giấy tờ như gộp thủ tục số 13 là 5 thoả thuận chuyên ngành bao gồm thoả thuận cấp điện (Sở Điện lực); thoả thuận cấp nước (Công ty Kinh doanh nước sạch); thoả thuận thoát nước (Công ty Thoát nước); thoả thuận PCCC (Sở Công an); thoả thuận môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường); và thủ tục số 18 thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong bước 2 và 5 thành thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án (QHCTXD tỉ lệ 1/500).

2. Bãi bỏ các quy định tại các văn bản của địa phương trái với các luật và nghị định của Chính phủ như bãi bỏ quy định yêu cầu chủ đầu tư phải xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; yêu cầu chủ đầu tư phải xin thoả thuận về địa điểm dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch, chấp thuận lập nhiệm vụ QHCTXD; chấp thuận về ranh giới, móc giới và diện tích ô đất để lập quy hoạch; chấp thuận chỉ giới đường đỏ và các số liệu hạ tầng kỹ thuật; chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng; chấp thuận phương án kiến trúc.

3. Sớm sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan để giải quyết các vấn đề không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn như: quy định về căn cứ giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án sử dụng nguồn vốn NSNN là phải có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (điều 30 Nghị định 181/2004/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) nhưng trên thực tế chỉ khi được giao đất chủ đầu tư mới có điều kiện nghiên cứu để lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

4. Sửa đổi, gộp các văn bản trong đầu tư xây dựng còn tản mạn cho gọn để giảm thủ tục, quy trình rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Tóm lại, để khắc phục những bất cập về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn NSNN, Chính phủ cần sớm ban hành quy trình mẫu về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trong đó nghiên cứu rút ngắn số bước trình tự, gộp một số thủ tục để giảm bớt số đầu mối quản lý, hồ sơ giấy tờ; bãi bỏ các quy định do địa phương đặt ra trái với quy định của pháp luật; sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan để giải quyết các vấn đề không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn trong đầu tư xây dựng.


(Nguồn: Xây dựng & Đô thị số 1/2009)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)