Khu phố Pháp cũ ở Hà Nội hay làm thế nào để “DI SẢN hài hoà với PHÁT TRIỂN”Thierry HuauKTS – Nhà quy hoạch cảnh quan

Thứ sáu, 15/05/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
"Khu phố Pháp cũ" ở Hà Nội, theo cách gọi hiện nay chính là khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm nối tiếp khu phố cổ được xây dựng từ 1883 đến 1940. Khu phố hình thành năm 1883 do sự cần thiết chiến lược phải nối 2 khu vực đầu tiên mà người Pháp chiếm được trước đó ở Hà Nội là Hoàng thành và Nhượng địa.

Với dạng hình học của các ô phố cùng đại lộ rộng hai bên trồng cây rất dễ nhận biết, người Pháp muốn thể hiện một cách làm đô thị kiểu thực dân. Đó là một khu phố rộng 200 ha gồm nhà ở và cơ quan hành chính. Ngày nay không ít những tổng thể kiến trúc còn lại đã trở thành di sản kiến trúc Đông Dương có giá trị ở khu vực Đông Nam Á. Hiện tại quỹ di sản này, nhất là những biệt thực đang đứng trước nguy cơ biến dạng. Đó là việc xây thêm thiếu thẩm mỹ trong khuôn viên biệt thự, thậm chí xây những công trình cao tầng làm mất đi dáng vẻ của một "thành phố vườn".

UBND TP Hà Nội với sự hỗ trợ của chính quyền Vùng Pháp thông qua Viện Đào tạo Đô thị (IMV) ở Hà Nội, năm 2007 đã giao cho ông Thierry Huau, KTS Quy hoạch cảnh quan và bà Christine Larousse, nhà quy hoạch đô thị thuộc thuộc Văn phòng Interscène phối hợp với các KTS quy hoạch Hà Nội triển khai dự án nghiên cứu khu phố Pháp cũ ở Hà Nội. Dự án bao gồm các nội dung: chọn phương pháp phân tích, đề xuất thiết kế đô thị và quy chế sao cho khu phố phát triển phù hợp với nhu cầu hiện đại nhưng không xoá đi đặc trưng lịch sử. Dự án mong muốn làm rõ những nét riêng được coi là "di sản" của khu phố để từ đó phát triển. Đó là mạng ô bàn cờ với các tuyến phố rộng có hàng cây cùng sự đa dạng của kiến trúc.

Vẽ ghi và phân loại di sản

Công việc khảo sát, vẽ ghi và đánh giá được thực hiện từ 11/2007 đến 11/2008. Khoảng 400 công trình đã được khảo sát trên hệ thống tiêu chí thống nhất với kết quả đánh giá theo 3 loại: Có giá trị đặc biệt; Có giá trị đáng chú ý và Có giá trị trung bình. Vị trí của các công trình kết hợp với cảnh quan và hình thái khu phố cùng với mật độ di sản là cơ sở để đánh giá và phân loại các tuyến phố và khu vực trong khu phố.

Ba khu vực được đánh giá là khác nhau về chất lượng kiến trúc, cảnh quan và đô thị trùng khớp với những khu vực có bộ mặt tiêu biểu của khu phố. Chúng là những khu vực nhạy cảm cần được bảo vệ toàn vẹn để nhấn mạnh giá trị đặc trưng của trung tâm thành phố trong phát triển hiện đại; nghĩa là tôn trọng đặc tính hài hoà và nét riêng của cảnh quan khu phố trong quá trình phát triển hiện đại.

- Khu phía Đông hồ Hoàn Kiếm có chức năng hành chính. Không gian công cộng, lô phố và công trình có quy mô tương đối lớn tạo nên vẻ khá hoành tráng của khu vực. Nhiều không gian xanh và nhất là cách bố cục kiến trúc ở 2 nút giao thông hình sao nhấn mạnh thêm vẻ phô trương của kiến trúc đô thị châu Âu. Ở khu vực này dễ nhận ra các yếu tố di sản có giá trị đặc biệt là sự kết hợp các phong cách kiến trúc cổ điển, art déco hay phong cách Đông Dương, như Nhà khách Chính phủ, Khách sạn Métropole, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử, Ngân hàng Nhà nước,...

Phía Tây hồ Hoàn Kiếm là khu vực Hội truyền giáo xưa với Nhà thờ lớn St Joseph là trung tâm. Khu phố hấp dẫn bởi đặc điểm kết hợp và chiết trung của các phong cách kiến trúc. Phối cảnh Nhà thờ lớn, kiến trúc mặt phố Nhà Thờ, không gian mở với nhiều cây xanh cổ thụ, ngôi chùa cổ ở sâu trong lô phố,... Tất cả như cách biệt với các trục giao thông lớn, để lại ấn tượng của một tổng thể cảnh quan phù hợp với tôn giáo.

- Phía Nam là khu dân cư trú yên tĩnh được xây dựng những năm 1930 xung quanh hồ Thiền Quang cho thấy một cách bảo tồn khá đặc biệt. Ở phía Bắc, nhiều biệt thự màu trắng, xanh nhạt và màu vàng đất gợi ảnh hưởng của học phái Bauhaus và Tạp chí "Kiến trúc ngày nay". Nhiều ngôi nhà khác có mặt bằng tự do phát triển dọc mặt phố theo kiểu kiến trúc ngôi nhà ống truyền thống. Hiện tại khung cảnh của khu phố vẫn còn vẻ thanh bình và độc đáo của những năm 1930.

Ngoài những khu vực kể trên, còn có một số tổng thể di sản kiến trúc độc đáo dễ nhận diện, như Đại học Việt Nam, Toà án, Bảo tàng Cách mạng (Trụ sở Hải quan xưa) và nhiều biệt thực rải rác khác.

Lập quy hoạch tổng thể và quy chế

Đề xuất phân loại của chúng tôi là để giúp cho Thành phố Hà Nội nhanh chóng xác định những ưu tiên bảo tồn. Tương tự, đối với di sản được đánh giá là có giá trị đặc biệt và có giá trị đáng chú ý không nên phá mà có thể được chuyển đổi với những điều kiện nhất định. Cụ thể, khi can thiệp, bảo dưỡng nên tuân theo các quy định về sử dụng vật liệu, xử lý mặt đứng, mái,...

Tiếp theo, các thể thức bảo vệ và nhất là các quy định xây dựng sẽ được đề xuất cụ thể khác nhau tuỳ theo vị trí của từng khu vực trong quy hoạch tổng thể:

- Mỗi khu vực hay tổng thể kiến trúc có giá trị cao về di sản cần có các quy chế bảo tồn riêng.

Mọi công trình xây dựng mới sẽ phải tuân theo các quy định cụ thể về vị trí, khoảng lùi, chiều cao,... trên nguyên tắc gìn giữ mạng ô phố và nhịp điệu kiến trúc hiện có.

- Ngoài vùng di sản, các quy định cho phép về tỷ lệ chiếm đất và chiều cao công trình nhất thiết phải hài hoà với công trình lịch sử đã được xếp hạng trong cảnh quan chung. Mặt khác, các quy định có thể là khác nhau tuỳ theo đặc điểm hình thái kiến trúc đô thị và cảnh quan của từng khu vực.

Ví dụ: mật độ xây dựng cho phép có thể cao hơn dọc các tuyến như Hàng Bài và Bà Triệu. Trái lại, do tính chất cảnh quan nổi bật của các tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, các quy định về khoảng lùi và cây xanh là bắt buộc.

- Tương tự, chiều cao của các công trình mới ở khu vực phía Nam không lớn để không làm mất đi cấu trúc nhà ở có vườn của khu vực. Các công trình có thể cao hơn ở phía trung tâm do có sự pha trộn nhiều chức năng và phong cách kiến trúc.

Tóm lại về phương diện tổng thể, để phát huy giá trị di sản trong một cấu trúc đô thị đầy biến động, vẫn nên đưa các phong cách kiến trúc hiện đại vào nhưng chú ý không quá tương phản, phá vỡ cấu trúc di sản của khu vực, đồng thời các quy định cũng cho phép khai thác hợp lý tính tương phản của các vật liệu.

Phát huy giá trị liên kết của không gian xanh

Đúng là rất cần chỗ cho những không gian thoáng để bù lại mật độ cao tăng lên không ngừng trong phát triển do lợi thế của khu phố nằm giữa 2 hồ Hoàn Kiếm và Thiền Quang. Đó là giá trị biểu tượng và giá trị cảnh quan của khu phố – yếu tố cần phải được khai thác thông qua các liên kết bằng cây xanh để khẳng định vị thế của khu phố đối với thành phố. Mối liên kết quý giá này cũng là bài học từ lịch sử, là sự kết hợp hữu cơ giữa các yếu tố cảnh quan, kiến trúc và đô thị.

Một hình vòng cung được gợi ý, nối Trường Đại học Việt Nam với hồ Thiền Quang, thậm chí có thể kéo dài đến cổng Công viên Thống Nhất, sẽ liên kết tất cả các tổng thể di sản nổi bật của khu phố. Mối liên kết này như một định hướng cho phép xử lý tuyến cảnh quan tổng thể một cách có chất lượng (như nối thành hệ thống và khai thác hiệu quả không gian xung quanh hồ với vườn của các công trình công cộng cùng các hàng cây xanh trên tuyến phố,...)

Vẫn với cách tiếp cận ấy, dự án nhấn mạnh đặc điểm lịch sử dễ nhận biết của khu phố Pháp cũ và mối liên kết hợp lý với các khu vực đặc trưng khác của thành phố, như: Khu 36 phố phường truyền thống, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực nhà ga, khu phía Nam, tuyến đê và sông Hồng.

Dự án cũng tập trung vào vấn đề kiểm soát xu hướng tăng mật độ xây dựng không thể tránh khỏi xung quanh các biệt thự và công trình công cộng khác bằng gợi ý các hình thức kiến trúc tham khảo và quy chế thực hiện. Chi tiết hơn, dự án đề xuất phát triển các trục xanh gắn với từng di sản quan trọng, tạo mối liên kết đi bộ – xanh giữa chúng để cảm nhận thêm đặc tính cảnh quan và thoáng của khu phố. Những định hướng này chắc chắn sẽ được nghiên cứu kỹ cùng với các quy chế để đưa vào quy hoạch tổng thể của Hà Nội mở rộng trong tương lai.

Bảo tồn khu phố Pháp cũ ở Hà Nội chính là củng cố hình ảnh độc đáo của một thủ đô có thể nói là duy nhất ở châu Á trước thềm 1000 năm tuổi biết kết hợp di sản với phát triển. Giá trị của bảo tồn vượt xa việc phát huy một khu phố xanh và thoáng đãng đơn thuần.

Cũng cần phải suy nghĩ về những công viên lớn ở Hà Nội trong tương lai, nơi người dân có thể nghỉ ngơi, học tập và giải trí với cả gia đình. Terra Botanica là ví dụ tích cực của chính sách cảnh quan mới mang lại hình ảnh sang trọng cho một vùng. Đó là nơi của kiến thức, của giải trí, có thể áp dụng để giới thiệu về lịch sử tiến hoá của con người và thực vật ở Việt Nam chẳng hạn. Đây cũng là vấn đề mà xã hội hiện đại phát triển quá nhanh, nhất là ở châu Âu đang hướng về màu xanh thiên nhiên và "cơn sốt xanh" này lan sang cả Trung Đông và Bắc Mỹ.

Vì thế, tại sao không triển khai một dự án công viên chuyên đề thực vật Terra Botanica như thế ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới xanh với bao kiến thức về thực vật đã được tích luỹ và luôn cần thiết. Có thể sẽ là công viên thực vật duy nhất ở châu Á, bao gồm 4 phân khu:

- Cây xanh đặc biệt hay lịch sử độc đáo về các giống cây có giá trị kinh tế, từ tre đến cọ và cây có dầu thơm.

- Cây xanh quen thuộc hay là một tập hợp các giống cây đẹp, cổ thụ cùng với rau quả, ruộng lúa và cây thuốc,...

- Cây xanh độc đáo. Cách giới thiệu gần giống ý tưởng Thành phố khoa học ở công viên La Villette ở Paris về thế giới thực vật. Có thể tìm hiểu tất cả các loài thực vật độc đáo từ về màu sắc, hương thơm đến cây ăn thịt,...

- Cuối cùng là cây xanh di thực và thuần hoá. Và chính qua các loài cây này mà có thể tìm hiểu môi trường sinh thái rất khác nhau cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên trái đất của chúng ta.

Công viên Terra Botanica có diện tích tối thiểu là 20 ha là phù hợp với thực tế Hà Nội. Đây sẽ là địa chỉ nghỉ ngơi và học tập hấp dẫn của Thành phố.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 4/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)