- Gìn giữ và tôn tạo hình thái ban đầu của cảnh quan, địa hình và thảm thực vật.
- Sử dụng các thủ pháp quy hoạch- kiến trúc thích hợp cho việc xây dựng đô thị nhằm đạt được các tiêu chí về độ thông gió, che- chiếu nắng...
- Sử dụng các công trình kiến trúc nhỏ để tổ chức tiện nghi "nội thất đô thị", lợi dụng đặc điểm địa hình có sẵn phủ xanh các vùng lãnh thổ của đô thị.
- Sử dụng các phương tiện kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.
Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải giữ gìn tối đa cảnh quan thiên nhiên và địa hình ở trạng thái ban đầu của chúng khi khai thác các diện tích đất đai của đô thị mới. Tùy theo khả năng mà bảo tồn địa hình vốn có của địa phương, thảm thực vật và lớp đất màu, các khu rừng cây, loại cây quý hiếm; giữ gìn và sửa sang địa hình đặc thù (gò đồi, núi...) cũng như các nguồn nước mặt (ao, hồ, sông ngòi...) nằm trên địa bàn khu dân cư. Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ này phải là thủ pháp quy hoạch cụ thể: vạch tuyến giao thông cơ giới và đi bộ vòng qua các khu cây xanh hiện hữu có giá trị, kể cả tuyến giao thông ngầm. Sử dụng các khu vực có chỉ số thiên nhiên cao nhất để bố trí làm nơi nghỉ dưỡng và dạo chơi...
Sự hiện diện nhưng khu cây xanh, hồ nước, gò đồi, hẻm đá, dòng sông- suối và các yếu tố cảnh quan khác, đem lại cho chúng ta sự cảm nhận năng động, sự thay đổi trong tầm nhìn. Khi thiết kế đường giao thông cho xe cộ và người đi bộ trong khu dân cư, để không bị ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, thì các tuyến đường không được động chạm tới khu vực có giá trị nhất; chúng phải hài hoà với không gian chung quanh về quy mô và đặc điểm. Tác động đáng kể tới chất lượng môi trường ở là thông khí và giãn nắng. Trong từng trường hợp cụ thể, nó có đặc thù riêng. Chế độ thông khí và giãi nẵng có thể điều chỉnh được nhờ các biện pháp quy hoạch- kiến trúc. Yêu cầu chung cho mọi trường hợp là phải làm sao để yếu tố thông khí và giãi nẵng được tính toán ở độ cao từ 1m- 2m cách mặt đất tự nhiên, nghĩa là ở "lớp" không gian cần được thông thoáng và giãi nắng tốt nhất do ở đó hoạt động của con người là mạnh mẽ nhất.
Độ giãi nắng của các không gian mở thuộc khu nhà ở (diện tích các sân chơi của trẻ, các khu vực chơi thể thao hay nghỉ ngơi giải trí) đòi hỏi chúng nhất thiết phải được mặt trời chiếu sáng dù là ngắn ngủi trong ngày. Nói chung độ giãi nắng của nhà ở được hình thành tuỳ thuộc vào việc mặt tiền toà nhà xoay về hướng nào trên đường chân trời, vào vị trí tương hỗ của các toà nhà, số tầng và đặc điiểm chung của cấu trúc quy hoạch. Như chúng ta đã biết, khoảng cách tối thiểu giữa hai ngôi nhà ở được xác định tuỳ thuộc vào số tầng của chúng, cũng như vào đặc điểm định hướng vị trí tương hỗ. Khi các toà nhà nằm theo trục Bắc- Nam (định hướng kinh tuyến) bóng râm hàng ngày, hoặc phủ xuống phía Đông hay phía Tây theo hướng của đường chân trời, khi chúng nằm theo trục dọc Đông - Tây (định hướng vĩ tuyến) thì bóng râm đổ xuống từ phía Nam. Cũng cần phải chú ý rằng khi đó bóng râm phía Nam tồn tại ngắn hơn từ phía Tây và phía Đông, để từ đó có các biện pháp cụ thể về mức độ giãi nắng cho phép của vị trí nhà ở cho từng hướng nhà.
Đối với các chế độ thông thoáng khí, thông thường được xác định bằng tỷ lệ tương quan nhất định của các đặc tính nhiệt độ và gió, được tính bằng thử nghiệm cho từng khu dân cư trong các điều kiện khí hậu cụ thể. Tại những vùng có gió mạnh và bất lợi (gió phơn chẳng hạn) thì các toà nhà kéo dài chắn ngang hướng gió thổi chính có thể bảo vệ khu nhà ở (người ta gọi đó là các toà nhà- màn chắn chống gió. Các toà nhà như vậy cần phải được thiết kế và trang bị đặc biệt, hoặc từ phía gió thổi phải bố trí các hành lang hoặc các không gian phụ trợ). Ở các vùng gió mạnh và bất lợi (gió phơn) đem lại hiệu ứng nhất định cho việc bố trí các toà nhà nằm chéo góc với hướng gió thổi. Hợp lý nhất nên tạo hình các các công trình có dạng sân khép kín, để các phòng ở nằm vào khu vực khuất gió của sân. Môi trường ở bên trong và bên ngoài được tích hợp với nhau thành một khối chặt chẽ thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra vi khí hậu tốt hơn so với những công trình không có sân trong.
Hỗ trợ cho việc cải thiện vi khí hậu và nâng cao tiện nghi môi trường ở là sử dụng các công trình trình kiến trúc nhỏ, với tư cách là các thành tố của hệ thống tiện nghi phúc lợi công cộng, tận dụng cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Xếp loại này là các nhà mái treo, các hoa đình, nhà hóng mát, đài phun nước hoặc hồ nước, các hệ tường trụ đỡ hay trang trí, các không gian kín đáo giành cho nghỉ ngơi. Việc sử dụng thành tố phủ xanh: trồng cây dọc các con đường đi bộ nhỏ và ở những địa điểm dành cho việc nghỉ ngơi yên tĩnh; trồng các cây bụi và thảm có vườn hoa ở các khu vực phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm tầm nhìn bao quát và độ chiếu nắng cho không gian rất có ý nghĩa. Các khối không khí tương đối lạnh hình thành dưới các tán cây rộng và phía dưới ngôi nhà ở (hoặc trong bóng râm của nó) di chuyển về phía bãi đất trồng cỏ bị mặt trời hun nóng, tạo nên chu trình luân chuyển khí tự nhiên. Các thảm thực vật (cây xanh, cỏ hoa) làm giảm bức xạ vào ban đêm (mặt đất toả lượng nhiệt đã tích luỹ), khi đó mức dao động nhiệt độ của các lớp không khí gần mặt đất trở nên điều hoà hơn. Kết quả đo đạc của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đô thị ở trong và ngoài nước đã chứng minh một điều: gần các khối cây xanh lớn, nhiệt độ không khí về mùa đông cao hơn, còn mùa hè thấp hơn so với những diện tích xây dựng chung quanh các toà nhà.
Các khu vực được trồng cây xanh còn có ảnh hưởng lớn tới chế độ gió: một mặt, sự chênh lệch nhiệt độ làm cho luồng không khí chuyển động, mặt khác, thảm thực vật ngăn trở sự phát tán cơ học của gió. Các thảm cây xanh làm suy giảm cường độ gió trên các khoảng cách bằng 15- 20 lần độ cao của cây. Khi tập hợp các toà nhà thành nhóm, cần tránh việc tạo nên các hành lang hút hay ngăn gío, bằng các khu cây xanh chia cắt không gian trống hay sân vườn. Ở khu vực nằm giữa dải bờ sông gần mặt nước và các nhóm nhà ở được xây dựng, ta cần dự kiến tạo ra một khu vực thảm thực vật ven bờ, ở đó có thể bố trí các công trình dịch vụ riêng biệt.
Độ dốc địa hình có ảnh hưởng tích cực đến việc bố trí các toà nhà. Để tránh công việc san nền phức tạp, tốt nhất nên xây dựng trên các sườn dốc thoai thoải. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp riêng biệt, có thể có những giải pháp hay, đáng quan tâm, để xây dựng trên các sườn dốc đứng (chẳng hạn các ngôi nhà nằm theo hình bậc thang, vuông góc với sườn dốc). Những chỗ nhô ra của địa hình có thể bảo vệ cho toà nhà, cũng như cho không gian chung quanh chúng tránh khỏi những cơn gió mạnh và lạnh. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt (vùng khí hậu có mùa đông rất lạnh ở cực Bắc của đất nước, vùng khí hậu nóng khô- vùng có gió phơn vào mùa hè), việc điều chỉnh môi trường kiến trúc hài hoà với môi trường tự nhiên, chủ yếu được thực hiện bằng sự thay đổi tích cực các tham số vi khí hậu của môi trường ở nhờ vào hình khối- không gian, cấu trúc hình thái và kỹ thuật của công trình. Ví dụ, chúng tôi đưa ra một quan điểm về mặt xây dựng đô thị nhằm tạo lập các khu vực nhà ở xây dựng với mật độ cao trong điều kiện vùng khí hậu khắc nghiệt có mùa đông rất lạnh ở cực Bắc của đất nước và vùng miền Trung khí hậu nóng khô- vùng có gió phơn vào mùa hè. Những nét chung trong các quan niệm này là dùng thủ pháp quy hoạch- kiến trúc nhằm cải thiện vi khí hậu bên trong các toà nhà và tại những diện tích kế cận chúng. Xếp vào loại thủ pháp này có các loại hình xây dựng theo kiểu tập trung- khép kín, chống gió, liên tục và tổ hợp- hình khối (liên kết trực tiếp các toà nhà hay hợp nhất chúng bằng các lối đi có mái che), cũng như các hình thức khác nhau về loại hình xây dựng với mục đích tích luỹ năng lượng mặt trời trong mùa đong của miền Bắc- nơi có mùa đông lạnh và chống nắng, tạo độ ẩm ở miền Trung- nơi có gió phơn vào mùa hè. Các vùng khí hậu còn lại, do đặc trưng là nắng và độ ẩm quá cao nên chế độ khai thác là tạo nhiều bóng râm cho môi trường, chế độ khai thác công trình trong môi trường là dạng mở, liên hệ trực tiếp với thiên nhiên. Đó là điều kiện quan trọng để tạo ra tiện nghi môi trường ở nhờ khả năng luân chuyển thuận lợi của các dòng khí.
Tóm lại, việc tạo lập bầu vi khí hậu thuận lợi trong môi trường ở là một quá trình toàn diện và lâu dài. Nó bắt đầu từ thời điểm thiết kế công trình, đến việc áp dụng các nguyên tắc bảo tồn cảnh quan và địa hình hiện hữu, cũng như tính tới đặc điểm khí hậu trong cấu trúc quy hoạch khu dân cư. Tổ hợp các khu nhà ở xây dựng xong, sẽ bắt đầu và kéo dài trong một thời gian dài là quá trình cư dân khai thác các khoảng sân cho tới khi lấp đầy môi trường bằng các thành tố tiện nghi phúc lợi công cộng và phủ xanh không gian trống.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 4/2009