Suy ngẫm về quá trình quy hoạch thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ

Thứ năm, 15/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ đô Hà Nội, đô thị có quá trình phát triển hàng nghìn năm lại đang trong thời vận cả nước có những cơ hội mới trong quá trình phát triển và hội nhập với khu vực và thế giới thì nhìn nhận lại quá trình quy hoạch, tổ chức không gian là vấn đề cần quan tâm. Tổ chức không gian không chỉ là biểu hiện mức độ phát triển kinh tế xã hội, biểu hiện của văn hoá, khoa học – kỹ thuật, xác lập được vị thế, vai trò của Thủ đô với cả nước và khu vực, với thế giới mà phải chăng còn từ quá trình này rút ra được những bài học, những truyền thống và quy luật cần quan tâm.

Nhìn nhận lại quá trình quy hoạch của Hà Nội trước hết phải xem xét việc đánh giá về vị thế của đô thị. Không phải đến bây giờ chúng ta mới thấy được những lợi thế về vị trí của Hà Nội với cả nước mà ngay từ xa xưa, Hà Nội đã là nơi có sức hút lớn và ngày càng phát triển. Từ xa xưa, thế kỷ 3 trước Công nguyên, An Dương Vương đã định đô ở Cổ Loa (Huyện Đông Anh), mà ngày nay nhưng di tích còn lại đã chứng minh đây là một đô thị cổ nhất của nước Việt Nam, trung tâm của nền văn hoá sông Hồng. Qua nhiều biến động, phải đến năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Đại La thì từ đây Thăng Long Hà Nội ngày càng khẳng định rõ vai trò và ngày càng phát triển bền vững. Trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ – một bản Luận chứng khoa học, đầy đủ nhất, chính xác nhất về địa điểm xây dựng Thủ đô của nước Việt đã khẳng định: “Đất rộng rãi mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa, dân cư không phải cái nạn tối tăm, ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui... xem khắp nước Việt đó là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời”. Hàng ngàn năm nay Thăng Long – Hà Nội dù có thăng trầm nhưng vẫn luôn kiên cường và sẽ tiếp tục phát triển như vị thế vốn có của nó đã được nêu trong “Chiếu dời đô”. Song phát triển mạnh mẽ và chất lượng đô thị thay đổi rõ nét phải kể đến từ sau Cách mạng tháng Tám và nhất là từ sau thời kỳ “đổi mới”.

* Giai đoạn 1954 - 1964

Năm 1954 khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội với diện tích 152 km2 gồm 8 quận huyện với dân số 37 vạn ở nội thành và 16 vạn ngoại thành. Để bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế chuyển từ thành phố tiêu sài sang sản xuất, xứng với tầm vóc là Thủ đô của cả nước, ngày 20/4/1961 Quốc hội Khoá II kỳ họp thứ 2 phê chuẩn Nghị quyết của Chính phủ mở rộng thành phố Hà Nội. Theo đó Hà Nội có diện tích 586,13 km2 (nội thành 37 km2, bao gồm 4 khu phố là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 363 khối, ngoại thành 549 km2 gồm 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm với 103 xã, 3 thị trấn). Số dân 913,13 người (nội thành: 436.820 người, ngoại thành 449.608 người).

Từ năm 1960 bắt đầu Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất phát triển kinh tế: Xây dựng một số cụm công nghiệp, một số công trình kiến trúc lớn như trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, giải quyết nhu cầu về nơi ở thích hợp. Trong thời kỳ này gần 2 vạn hộ dân sống trong các khu xóm lao động đã được từng bước cải thiện môi trường sống. Gần 1 vạn hộ trong khu xóm nghèo như ở An Dương, Tương Mai, Phúc Tân đã được cải thiện hoặc xây dựng mới.

Một số khu công nghiệp xây dựng mới như Thượng Đình, Minh Khai... đã tạo ra được cơ cấu mới cho đô thị góp phần cải thiện công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là một số khu nhà ở tập thể như: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ... được xây dựng với những mô hình căn hộ xã hội chủ nghĩa. Cùng việc xoá nạn mù chữ, nhiều trường học lớn ra đời: Tổng hợp, Bách khoa, Sư phạm, Nông lâm... một số bệnh viện cũ đã được cải tạo, nâng cấp, một số bệnh viện mới được ra đời như: Việt Nam Cu Ba, Y học dân tộc...

Ngay ở trong giai đoạn này Nhà nước và Thành phố đã khẳng định cần phải sớm có Quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho việc xây dựng và làm cơ sở cho phát triển kinh tế xã hội. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Ba Lan đã giúp lập phương án quy hoạch phát triển Thủ đô. Bộ Chính trị đã xem xét và ra Nghị quyết 18/NQ-TW, Đoàn chuyên gia Liên Xô đã nghiên cứu lập phương án quy hoạch cải tạo Thủ đô, phương án có quy mô 1 triệu dân với khoảng 20.000 ha đất có xu hướng phát triển về phía Bắc sông Hồng.

* Giai đoạn 1964 - 1974

Khi cuộc chiến tranh ở miền Nam trở nên ác liệt, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Công cuộc xây dựng vẫn cần thiết tiến hành, song Thủ đô Hà Nội bị đe doạ bởi chiến tranh nên phải tính đến phương án phân tán, chú trọng hơn tới yếu tố an ninh quốc phòng. Năm 1962, Đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô được lập nhằm xác định phương hướng khôi phục và phát triển Thủ đô, với trọng tâm là xây dựng các công trình trong nhà ở, công nghiệp và công cộng. Quy mô dân số dự kiến khoảng 1 triệu người kể cả nội thành và ngoại thành, quy mô diện tích đất tới 20.000 ha. Hướng phát triển không gian thành phố chủ yếu về phía Nam và phía Tây có một phần phía Đông Bắc (khu vực Gia Lâm). Tháng 11/1068 Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Nội mới chỉ được 3 năm khôi phục kinh tế thì Mỹ quay trở lại thực hiện chiến tranh phá hoại, song chỉ đến tháng 12/1972 phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nhiều xí nghiệp của trung ương và địa phương bị đánh phá đã được xây dựng lại. Tháng 2/1973 cầu Long Biên được nối liền. Thành phố đã được xây dựng mới và sửa chữa mở rộng gần 100 xí nghiệp, một số công trình giao thông quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng: Cầu Đuống, Cảng Phà Đen, Sân bay quốc tế Nội Bài, Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương. Tháng 6 /1972 đánh phá khu công nghiệp Đức Giang, tháng 12/1972, B52 ném bom Khâm Thiên, An Dương... giữa thời kỳ đánh phá ác liệt của chiến tranh phá hoại thì Hà Nội lại bị đe doạ bởi thiên tai lũ lụt (đợt lũ tháng 8/1971 mực nước sông Hồng lên tới 12.5 m). Trong bối cảnh như vậy rõ ràng cần xem xét lại hướng phát triển của Thủ đô đã xác lập trong quy hoạch 1962, phải gắn kết với khu vực xung quanh Sơn Tây, Xuân Mai. Nhiều phương án về luận chứng phát triển Thủ đô đã được nghiên cứu cuối cùng phương án chọn là khống chế Hà Nội với 40 vạn dân, phát triển thủ đô ở Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Khái niệm chùm đô thị Hà Nội đã được triển khai.

* Thời kỳ 1975 - 1986

Cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng đã mở ra các giai đoạn mới phát triển của Thủ đô. Yêu cầu mới đòi hỏi lại phải nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch. Các chuyên gia Liên Xô đã cùng chuyên gia nước ngoài nghiên cứu Quy hoạch chung điều chỉnh. Hội đồng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt số 163/CP ngày 17/7/1976, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 quy mô dân số là 1,5 triệu dân. Ngoại thành Hà Nội là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hoá nghỉ ngơi, các công trình đầu mối giao thông và vành đai bảo vệ môi trường, các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội làm chức năng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch, nghỉ mát: Xuân Mai – Sơn Tây – Ba Vì, Vĩnh Yên – Tam Đảo – Bắc Ninh. Với định hướng như vậy tháng 12/1978 Chính phủ đã có quyết định phân định ranh giới Hà Nội, sát nhập thêm Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Hà Đông và 1 số xã của Hà Sơn Bình... Thủ đô Hà Nội có diện tích đất tự nhiên là 2136 km2 với dân số 3.5 triệu người. Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, phát triển đô thị gắn với an ninh quốc phòng cần quán triệt một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Hướng phát triển chủ yếu cho Hà Nội là ở phía Nam sông Hồng. Để phù hợp với tình hình trên lại phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung. Các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam đã phối hợp nghiên cứu điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô tới năm 2000 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 100/TTg ngày 24/4/1982, theo đồ án quy hoạch này dân số thủ đô nội thị là 1.5 triệu người với quy mô đất đai là 100 km2, vùng ngoại thị được mở rộng với 11 huyện thị.

Ngày 21/1/1983, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá V) ra Nghị quyết 08 – NQ/TW về công tác Thủ đô Hà Nội đã xác định: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế. Mặc dù có những khó khăn nhất định song đây cũng là thời kỳ tốc độ xây dựng đô thị nhất là nhà ở có những kết quả đáng kể. Nếu như năm 1980 xây dựng chỉ đạt 5 vạn mét vuông nhà ở thì thời kỳ 1981 – 1985 đã xây dựng được 45 vạn mét vuông nhà ở cùng với hạ tầng kỹ thuật xã hội tối thiểu. Năm 1986 Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới kinh tế, chuyển nền kinh tế quy hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, kinh tế thủ đô đã có nhiều khởi sắc. Trong đô thị nhiều yếu tố mới được xuất hiện đòi hỏi phải có sự điều chỉnh quy hoạch. Trong thời kỳ này đã có 2 đợt điều chỉnh. Quy hoạch được phê duyệt năm 1982 trong thực tế rất khó thực hiện, đặc biệt là phải giải phóng mặt bằng lớn để xây dựng các tuyến đường trục. Do vậy, năm 1984 đã điều chỉnh về tổ chức không gian song vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Quy hoạch điều chỉnh này là định hướng thực hiện trong suốt 10 năm 1982 đến 1992. Do mối quan hệ với vùng và cơ cấu đô thị vùng ngoại thành; Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội Khoá XIII kỳ X (12/1991), ranh giới Hà Nội được điều chỉnh và chuyển lại 7 huyện thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc. Với điều chỉnh này quy mô đất đai tự nhiên Hà Nội còn 924 km2. Tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô Hà Nội lại được nghiên cứu lại theo chỉ đạo của Nhà nước. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Quyết định 132/CT ngày 18/4/1992 đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Thủ đô Hà Nội đến năm 2010, thành phố Hà Nội chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng với dân số nội thị dự kiến là 1,3 triệu người vào năm 2000 và 1,5 triệu người vào năm 2010 với chỉ tiêu đất đô thị bình quân là 43,7 m2/người lên 54 m2/người.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch này đã thấy rõ những điều còn hạn chế đó là:

Phạm vi nghiên cứu mới chỉ nhìn trong khu vực nhỏ hẹp của nội thị và ven nội Thủ đô, chưa thấy hết được những tác động của vùng.

Chưa lường hết được nhịp độ tăng trưởng của kinh tế xã hội và tốc độ đầu tư xây dựng trong quá trình đô thị hoá.

Quy hoạch đô thị phải gắn với nền kinh tế thị trường và kinh nghiệm của thế giới.

Gắn với dự án lớn mang tính chất chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đất nước tới năm 2020 với thời kỳ phát triển mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Xác định những hạn chế nói trên, đòi hỏi phải có nghiên cứu quy hoạch chung đô thị. Để nghiên cứu quy hoạch điều chỉnh lần này các chuyên gia quy hoạch trong nước với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức trong nước và cả nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ...) đã tập trung để hoàn chỉnh và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ - TTG ngày 20/6/1998. Trong quá trình triển khai thực hiện theo quyết định này đã có 9 lần điều chỉnh cục bộ lớn (tính đến năm 2007) bao gồm điều chỉnh chức năng một số khu, sử dụng đất dự trữ sang phát triển công nghiệp, khu ĐTM, điều chỉnh một số khung hạ tầng.

Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua về tổ chức không gian Hà Nội đã có nhiều đổi thay, nhiều thành tựu song cũng còn những tồn tại cần quan tâm.

Với Thủ đô đang phát triển trong điều kiện đất nước đang ở trong giai đoạn quá độ thì: Quy hoạch không gian gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội song không phải quan hệ một chiều mà là quan hệ tương hỗ, tác động điều chỉnh lẫn nhau.

Mối quan hệ giữa phát triển mới với bảo tồn quỹ di sản đã hình thành hàng nghìn năm, gắn với chỉnh trang các khu cũ cần được giải quyết hài hoà để hội nhập mà không mất đi bản sắc.

Sự quan tâm của nhân dân cả nước và các bạn nước ngoài về những khu đặc trưng của Hà Nội như: Khu Phố Cổ, Hoàng Thành – Thành cổ, khu phố Pháp, hệ thống cây xanh, mặt nước, hệ thống di tích, cảnh quan đang là những vấn đề cần có giải pháp để bảo tồn, tôn tạo thích hợp. Quy hoạch Hà Nội qua các thời kỳ đều có tính đến kế thừa yêu cầu này song thực hiện chưa quyết liệt.

Cần lựa chọn quy mô Hà Nội đủ điều kiện và thích hợp với vị thế Thủ đô mà Đảng, Nhà nước và cộng đồng mong đợi. Hà Nội phải là động lực để cả vùng phát triển nhưng cũng phải tạo được lợi thế để các tỉnh lân cận cùng phát triển, tạo điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Hà Nội cần có mật độ dân cư hợp lý cũng như phát triển lao động có chất lượng cao tương xứng với cơ cấu kinh tế mới là dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp sinh thái. Dân số Việt Nam đông thứ 13 trên thế giới với mật độ dân số 254 người/km2. Trong khi đó ở TP. Hồ Chí Minh là trên 2900 người/km2, còn ở Hà Nội tới gần 3500 người/km2, cần nghiên cứu để giảm cho thích hợp. Quy hoạch không gian phải phân bổ được các khu chức năng hợp lý gắn với đưa ra cơ chế mới về phân bố dân cư.

Khai thác không gian mới phải phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội song phải đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Để giải quyết tồn tại nhằm xây dựng mô hình phát triển không gian Hà Nội được bền vững thì về khách quan cần xem xét tới một quy mô mới, một mô hình cơ cấu không gian mới. Hà Nội mới phải mang tính hiện đại mà trước hết hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như xử lý chất thải, nghĩa trang phải được xem xét trong cả vùng chứ không phải chỉ trong ranh giới Hà Nội hiện nay. Đáng quan tâm nhất phải tính đến Hà Nội đang có sức hút lớn mà dân số tăng cơ học là vấn đề quan tâm. Qua kiểm tra sơ bộ hộ khẩu 2007 vừa qua cho thấy so với 2006, dân số Hà Nội đã tăng tới 3,5% (Số liệu sơ bộ tính đến 10/2007, tổng số nhân khẩu Hà Nội đã tới 3.398.887 người).

Tình trạng khó kiểm soát gia tăng dân số sẽ dẫn đến xu thế Hà Nội phát triển như một siêu đô thị với nhiều khó khăn mới là có thể xảy ra nếu không có điều chỉnh, định hướng phát triển không gian và khai thác có hiệu quả, hợp lý quỹ đất.

Mục tiêu hướng phát triển Hà Nội vào những năm tới là hoàn thành cơ bản về CNH – HĐH vào năm 2015 (trước 5 năm so với cả nước). Đến năm 2020 phải trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố du lịch, một đô thị không chỉ xứng đáng là Thủ đô của cả nước mà còn có vai trò xứng đáng với khu vực. Không gian kinh tế phải được mở rộng hợp lý, phát triển cả chiều sâu và chiều rộng. Dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp là công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái. Đến năm 2020 thành phố đã xác định phấn đấu với tốc độ tăng trưởng GDP: từ 11 đến 12%/năm. Khi xem xét đề án phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, tại Văn bản số 6204/VPCP ngày 16/12/2003 Chính phủ cũng đã có định hướng cần mở rộng không gian Hà Nội, cụ thể là: Mở rộng địa giới hành chính Hà Nội cho ngang tầm vị thế Thủ đô (có từ 2000 km2 trở lên). Trong buổi làm việc của Thủ tướng (1/12/2007) với Hà Nội, đã có nêu những đề xuất cần mở rộng Thủ đô gấp 3 lần hiện nay (khoảng 3200 km2) và được Thủ tướng cho phép nghiên cứu. Như vậy mở rộng không gian Hà Nội không chỉ theo yêu cầu của Trung ương của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu mới mà còn là yếu tố khách quan, tất yếu để Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Phương án mở rộng địa giới Hà Nội đã được Quốc hội thông qua và đã có Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29/7/2008 với quy mô: 334.470 ha, dân số 6.232.940 người có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Đến lúc này Hà Nội lại cần có một đồ án quy hoạch chung cho Hà Nội mới.

Việc lựa chọn mở rộng không gian, mở rộng địa giới Hà Nội trước hết là yêu cầu khách quan song cũng là ý chí, nguyện vọng mong muốn của người dân Hà Nội và hướng của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, thuận lợi trong hội nhập với khu vực thế giới. Với quy hoạch lần này chắc rằng Hà Nội sẽ có một quy mô mới, diện mạo mới để xứng đáng khi tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một cơ hội mới không phải ai, không phải một đô thị nào cũng có được và xa hơn nữa là để có một Thủ đô xứng đáng có vai trò đáng kể với khu vực.

 

Nguồn: Tham luận của Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT Hà Nội tại Hội thảo Khoa học "Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội và Thách thức", tháng 11/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)