Đưa công tác kiến trúc quy hoạch về nông thôn thời đổi mới là nhiệm vụ cấp bách của giới kiến trúc sư Việt Nam

Thứ năm, 15/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các làng quê Việt Nam vốn là một thực thể sống động, hình thành đã rất lâu đời, cảnh quan kiến trúc mang đậm dấu ấn của nhiều kiếp người, đã in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Việc định hướng Kiến trúc - Quy hoạch nhằm duy trì và phát triển được những đặc thù, những duyên dáng, đằm thắm của hình ảnh các làng quê Việt Nam vừa mang hơi thở của thời đại trong quá trình công nghiệp hoá nông thôn, tuy không phải là một việc làm đơn giản, song đó chính là giải pháp rất cơ bản để vực dạy cả một kho tàng tiềm lực để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước bằng nội lực như đường lối chiến lược của Đảng đã vạch ra.

Các làng quê ở mỗi vùng, miền đều có truyền thống lâu đời, có những đặc trưng riêng về tập quán sống và sản xuất, lại trải qua biết bao nhiêu biến động và gập ghềnh của biến thiên lịch sử, do vậy không thể tránh khỏi không bao chứa ngay trong bản thân nó những yếu tố mang tính hạn chế khả năng phát triển: Mật độ xây dựng dày đặc, mật độ cư trú cao, hạ tầng kỹ thuật còm cõi, lạc hậu và quá tải, môi trường sống và sản xuất bị ô nhiễm nặng nề... Đó là những vòng đai thép ngày càng bó chặt nhiều nhu cầu phát triển của các tụ điểm dân cư nông thôn hiện nay.

Đến một thời điểm nào đó, khi sức chịu đựng tới hạn, mọi sự chỉnh trang, hoàn thiện trong lòng nó trở nên vô nghĩa, thì các làng quê phải vượt qua khỏi những gò bó của khuôn khổ đã định hình bằng những cách nhìn, những tư duy cùng những giải pháp mạnh bạo hơn, cơ bản hơn, do nhiều nhu cầu của xu thế thời đại đòi hỏi: Sự nghiệp công nghiệp hoá nông thôn đòi hỏi, thời điểm chúng ta ra nhập AFTA đã đến gần là một đòi hỏi, nhất là yêu cầu nội dung của Nghị quyết TƯ về Tam nông là đòi hỏi có tính cấp bách...

Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ VII kết thúc đã qua nửa nhiệm kỳ, song những nội dung tham luận của nhiều đại biểu mang đến Đại hội những điều tâm huyết mà Chủ tịch nước quan tâm, phát biểu trước Đại hội về những cái được và chưa được của nền kiến trúc Việt Nam vẫn còn đọng lại, làm cả giới chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở.

Những cái được không thể phủ nhận đó là:

Sự tăng trưởng về kinh tế, ổn định về chính trị đã tạo đà cho nền kiến trúc nước nhà trong những năm qua phát triển nhanh và mạnh.

Sự đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá cùng với sự trưởng thành của nền kinh tế thị trường là điều kiện tiên quyết cho thị trường đầu tư và tư vấn xây dựng phát triển.

Dân chủ hoá đi kèm pháp luật hoá các quan hệ xã hội đã tạo dựng môi trường phù hợp hơn cho sáng tạo văn hoá nghệ thuật, trong đó có kiến trúc.

Luật Xây dựng ban hành năm 2003 cùng với Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 đã tạo ra những cơ sở pháp lý và chuyên môn cho các hoạt động kiến trúc và xây dựng.

Sự quan tâm và đòi hỏi gia tăng của xã hội đối với kiến trúc là một nhân tố đặc biệt thúc đẩy sự vươn lên của kiến trúc.

Trong bối cảnh đó để nhìn lại bộ mặt kiến trúc tại các vùng nông thôn nước ta đang trong quá trình cải tạo, mở mang với qui mô và tốc độ chưa từng thấy, có thể nhận ra kiến trúc nông thôn cũng đang thay đổi nhanh. Từ "ngói hoá" đến "bê tông hoá", nay đang tiến tới "thành thị hoá" từ kiến trúc ở, sản xuất đến kiến trúc hạ tầng, phản ánh sự giàu lên của nhiều tầng lớp dân cư nông thôn.

Bên cạnh những mặt đáng ghi nhận về thành tựu như trên, vẫn còn không ít những điều trăn trở của nghề nghiệp mà nhiều tham luận cũng như báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nêu , đó là:

Các xóm làng miền xuôi cũng như miền ngược đang thay da đổi thịt trong sự thiếu qui hoạch, thiếu hiểu biết, thích phô trương.

Nhiều làng quê giàu lên nhờ có nghề thủ công truyền thống hoặc kịp thời đổi mới tư duy sản xuất..., đang mọc lên nhan nhản những công trình vay mượn từ thành thị một cách tuỳ tiện, tự phát, không ai nghiên cứu, hướng dẫn.

Đó là sự khuyếch tán ấu trĩ kiến trúc thành thị: Thay thế những nếp nhà cổ truyền bằng kiểu nhà ống, nhà nhiều tầng, dạng biệt thự... Nhiều vùng dân tộc ít người vốn ở nhà sàn, nay cũng theo miền xuôi xây dựng, các kiểu nhà bằng vật liệu kiên cố, kiểu dáng nhà theo đó cũng "Xuôi hoá".

Cấu trúc không gian tại nhiều vùng quê có nguy cơ tan vỡ, đang phai dần bóng dáng những nếp nhà tranh tre nứa lá, những nhà ngói cây mít, ẩn hiện sau luỹ tre xanh với chiếc cổng làng đã trở thành dấu ấn của một thời để trở thành những tụ điểm dân cư khó mà xác định là thị trấn, thị tứ hay nông thôn?

Điều đáng quan tâm hơn nữa là trong xu thế kiến trúc nông thôn đang "thành thị hoá" thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật lại không được qui hoạch, cải tạo lại, nên đã phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, gây ô nhiễm rất nặng nề. Những Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Tân Triều (huyện Thanh Trì)... ngay tại Thủ đô, một thời đã khiến dư luận bức xúc là một ví dụ.

Đi tìm nguyên nhân của những trăn trở nghề nghiệp nói trên có thể viện ra rất nhiều lý do chính đáng và không chính đáng.

Song tựu trung có thể là cơ sở pháp lý còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời. Trình độ năng lực của đội ngũ kiến trúc hành nghề còn hạn chế, công tác tuyên truyền để xã hội hiểu, đồng tình và tham gia thực hiện còn ít, chưa hiệu quả. Nhưng có lẽ "tội lớn" phải chăng chính là sự yếu kém của cả bộ máy quản lý nhà nước hữu quan?

Việc đưa Qui hoạch - Kiến trúc về các vùng nông thôn đòi hỏi sự xem xét cụ thể và cân nhắc cẩn trọng trên nhiều mặt, bắt đầu bằng việc đưa điều tra, phân loại, và xác  định những đặc thù của từng làng, những giá trị văn hoá cần được bảo tồn, những khu vực cần cải tạo, và những khu vực cần giải toả, xây dựng lại để phát triển; trên cơ sở đó tiến hành bước nghiên cứu các khả năng xử lý không gian, các giải pháp mặt bằng nhằm hai mục tiêu: Hiện đại hoá (cải thiện) môi trường sống, công nghiệp hoá sản xuất, và tạo dựng bộ mặt nông thôn mới XHCN. Từ đấy đưa ra những khống chế về kiến trúc, trước hết là trên hai phạm trù: Tỷ lệ kiến trúc (Trong đó có chiều cao) và những biểu hiện kiến trúc đặc thù (tạo dáng, trang trí nội, ngoại thất...). Những công việc này đều quan hệ lẫn nhau và nằm trong một quá trình liên hoàn.

Linh hồn của các làng quê Việt Nam xưa kia là những khu có đình, chùa, đền miếu, văn chỉ, chợ..., những nơi được coi là khu công cộng, ngày nay nhu cầu về khu công cộng đã phát triển do những nhu cầu mới của thời đại.

Việc tổ chức lại các làng để phát triển sản xuất, cũng còn là để phát triển sản xuất, cũng còn là để giải quyết nhiều bức xúc của nhu cầu cuộc sống mới hiện đại, đây là khu vực có tính nhạy cảm nhất trong sáng tạo của mỗi tác giả (nhất là đối với qui hoạch khu dân cư nông thôn) và cũng là khu vực để đánh giá sự phát triển có sự chọn lọc - kế thừa.

Việc chậm đưa các giải pháp Qui hoạch - Kiến trúc vào các làng, trước làn sóng đô thị hoá ào ạt hiện nay, không chỉ là cho môi trường các làng ngày càng ô nhiễm nặng nề, huỷ hoại dần tuổi thọ cư dân địa phương, phá huỷ nhiều di sản văn hoá vật chất và phi vật chất đã hình thành từ ngàn đời nay, mà trước hết là sự kìm hãm sản xuất, kéo lùi sự tụt hậu của sản phẩm truyền thống vật thể và phi vật thể một khi chúng ta hoà nhập với thế giới bên ngoài.

Để cụ thể hoá nhưng lý thuyết đại cương về vai trò của công tác Qui hoạch - Kiến trúc trong việc tổ chức, sắp xếp lại các vùng nông thôn, trước mắt là các khu vực nông thôn sát các đô thị, nhằm tạo cho các làng quê Việt Nam nói chung, các vùng dân cư ngoại đô thị nói riêng một diện mạo mới thích hợp cho phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, thì vai trò của giới kiến trúc sư, của các Hội nghề nghiệp mà trước hết là Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các Chi hội địa phương trong cuộc cách mạng này rất to lớn và vẻ vang.

 

Nguồn: Tham luận của KTS. Lê Vũ Phàm - Tổng hội XDVN tại Hội thảo "Kiến trúc nông thôn thời kỳ đổi mới", tháng 12/2008

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)