Cần một cơ chế tài chính thích hợp để ứng dụng công nghệ chiếu sáng tiên tiến, đạt hiệu quả và tiết kiệm năng lượng

Thứ hai, 01/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với sự phát triển của đất nước trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, những năm gần đây tốc độ đô thị hoá của thành phố Bắc Ninh phát triển nhanh chóng, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư phát triển đồng bộ, trong đó hệ thống điện chiếu sáng công cộng đô thị có những bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội, đẩy mạnh sản xuất xã hội, tăng cường hoạt động của các loại hình dịch vụ thương mại, du lịch, văn hoá, nghệ thuật và văn minh đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Hiện nay, thành phố Bắc Ninh đã đầu tư cho hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị với 4.696 đền cao áp các loại, chiều dài toàn hệ thống là 170km, tổng lượng điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng đô thị trên toàn thành phố 847 Kw/h, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 25%. Nhìn chung, nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho chiếu sáng đô thị, sản xuất vật chất và trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội ngày càng tăng, đặc biệt trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Trong nhiều năm qua, tốc độ đầu tư phát triển hệ thống cung cấp điện quốc gia nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, chưa đáp ứng đủ với yêu cầu phát triển sản xuất và nhu cầu dùng điện của xã hội; nguy cơ thiếu điện trầm trọng nhiều năm tới đã hiện hữu. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động tìm mọi biện pháp khắc phục tình trạng thiếu điện.
Trước mắt, giải pháp chống nguy cơ thiếu điện hiện nay cũng như về lâu dài là phải tiết kiệm, bởi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, mang tính chiến lược, có hiệu quả to lớn đảm bảo cho sự phát triển bền vững, đó là việc đầu tư ít tốn kém nhất, nhanh nhất và khả thi, có nhiều tiềm năng.
Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện năng nói riêng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thường xuyên và khuyến khích toàn dân tiết kiệm trong việc xây dựng các công trình, mua sắm phương tiện, thiết bị dùng cho đời sống sinh hoạt, tiết kiệm trong sử dụng điện, nước sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày. Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg ngày 02/6/2005 về việc thực hành tiết kiệm điện. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện tiết kiệm điện trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Việc triển khai thực hiện phải được tiến hành rộng khắp ở các cấp, các, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và mọi công dân, trong đó có các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng đô thị.
Vấn đề tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng đô thị bằng công nghệ tiên tiến mang lại nhiều lợi ích không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chiếu sáng đô thị.
Công nghệ chiếu sáng tiên tiến, hiệu suất cao đã có những bước phát triển mạnh mẽ đem lại hiệu quả tích cực khi được đầu tư lắp đặt vào thực tế. Nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ chiếu sáng tiên tiến, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng vào lắp đặt trong hệ thống chiếu sáng đô thị, chính quyền tỉnh và huyện, thành phố phải có cơ chế chính sách phù hợp, thống nhất và lộ trình thực hiện thích hợp. Trong đó, ngoài những vấn đề về xây dựng qui hoạch tổng thể, chi tiết, khảo sát, thiết kế, thiết bị công nghệ... thì phải xây dựng và ban hành cơ chế tài chính phù hợp với từng địa phương và lộ trình thời gian thực hiện cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ chiếu sáng tiên tiến, hiệu suất cao, chi phí đầu tư xây dựng và lắp đặt ban đầu cao hơn nhiều so với việc áp dụng công nghệ thông thường cho nên phải có cơ chế tài chính thích hợp để đảm bảo các điều kiện cần và đủ trong việc ứng dụng thành công công nghệ chiếu sáng tiên tiến đạt hiệu quả và tiết kiệm điện năng một cách toàn diện, khi xây dựng công trình mới, bao gồm: công trình chiếu sáng đường phố và công trình chiếu sáng xóm, ngõ; cải tạo các công trình hiện có với công nghệ lạc hậu, đèn cao áp thuỷ ngân... đảm bảo sử dụng tối đa thiết bị cũ, tiết kiệm và tránh lãng phí.
Một số kiến nghị cụ thể
Thứ nhất, đối với công trình chiếu sáng đô thị xây dựng mới:
- Phải được khảo sát kỹ, thiết kế đúng qui chuẩn nhà nước ban hành, tuân thủ đúng qui hoạch tổng thể, đạt các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, các chỉ tiêu kỹ thuật chiếu sáng hiệu quả, các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát, quản lý vận hành phải là đơn vị có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong việc thiết kế, thi công, giám sát, quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng; đảm bảo bố trí đủ kinh phí đầu tư công trình.
- Các cấp có thẩm quyền chỉ xem xét quyết định đầu tư xây dựng các dự án chiếu sáng sử dụng thiết bị công nghệ chiếu sáng tiên tiến đạt hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Ưu tiên thực hiện các dự án có kết quả so sánh, đánh giá hiệu quả chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng tốt nhất (không phân biệt nguồn vốn đầu tư).
- Có chính sách hỗ trợ tài chính cho các công trình, dự án chiếu sáng của các tổ chức và cá nhân vì mục tiêu chung của cộng đồng, sử dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.
Thứ hai, đối với các hệ thống chiếu sáng đang sử dụng:
- Chính quyền địa phương sở hữu hệ thống chiếu sáng đô thị cần đặt ra kế hoạch cụ thể theo lộ trình hàng năm để điều tiết bố trí ngân sách hợp lý thực hiện việc cải tạo nâng cấp các công trình chiếu sáng đang sử dụng, đã lạc hậu kém hiệu quả hoặc cũ nát không đảm bảo an toàn.
- Hệ thống chiếu sáng đang sử dụng là kết quả của nhiều năm xây dựng, số lượng đèn tương đối nhiều và rất đa dạng về chủng loại, công suất, cho nên để đầu tư áp dụng hiệu quả thiết bị và công nghệ chiếu sáng tiên tiến tiết kiệm điện năng, địa phương cần có chính sách đầu tư kinh phí cho việc khảo sát, đánh giá chính xác hiện trạng của toàn bộ hệ thống, sau đó xây dựng kế hoạch thực hiện, phân kỳ theo thứ tự ưu tiên và lựa chọn một số tuyến điển hình phù hợp, theo nguyên tắc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, để đầu tư lắp đặt thí điểm các thiết bị, công nghệ chiếu sáng tiên tiến, tiết kiệm điện năng, đánh giá hiệu quả thực tế, làm cơ sở áp dụng trên toàn địa bàn.
Thứ ba, đối với công tác quản lý, vận hành và sửa chữa, bảo trì hệ thống:
- Hàng năm, căn cứ vào khối lượng toàn bộ hệ thống chiếu sáng và định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo trì, thay thế, chính quyền địa phương bố trí đủ kinh phí để duy trì có hiệu quả hệ thống chiếu sáng. Đồng thời có kế hoạch dự phòng tài chính phù hợp để đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình chiếu sáng kém hiệu quả hiện có.
- Cho phép đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng được chủ động sử dụng nguồn tài chính có từ việc tiết kiệm điện để đầu tư thiết bị, công nghệ chiếu sáng tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, trên cơ sở hồ sơ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các chế độ Nhà nước quy định.
Thứ tư, Chính quyền các cấp có chính sách hỗ trợ (nhà nước và nhân dân cùng làm) khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng hiện có kém hiệu quả, bằng công nghệ tiên tiến, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.
Với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương trên cơ sở một cơ chế tài chính thông thoáng, phù hợp, vì mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện chủ trương của Hội Chiếu sáng Việt Nam về "Nâng cao chất lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng các hệ thống chiếu sáng đô thị Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế" cùng với sự nỗ lực phấn đấu đầy trách nhiệm của các công ty quản lý, vận hành chiếu sáng, chắc chắn rằng chất lượng chiếu sáng đô thị sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.
 
 
Nguồn: Bài tham luận của KS. Nguyễn Văn Cảnh - Phó GĐ Cty TNHH Một thành viên Môi trường & CTĐT Bắc Ninh tại Hội thảo khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2008 "Những giải pháp công nghệ tiên tiến và cơ chế tài chính để thực hiện chiếu sáng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng", tháng 11/2008
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)