Những bài học kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam trong quá trình đô thị hoá và phát triển bền vững

Thứ ba, 25/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mở đầuMức độ đô thị hoá gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây và tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Liên Hiệp quốc, dân số đô thị thế giới năm 2005 là 3,2 tỷ người chiếm 49% tổng dân số, hiện nay (2008) con số này đã là 50%, dự báo đến năm 2030 có 4,9 tỷ người tương đương 60% dân số thế giới sống trong các đô thị. Hiện nay trong quá trình phát triển, tất cả các đô thị trên toàn cầu đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong quá trình đô thị hoá, nhiều đô thị trên thế giới đã sử dụng các kinh nghiệm có được để tiến tới phát triển đô thị và vùng bền vững. Lựa chọn một số kinh nghiệm từ các thành phố trên thế giới áp dụng cho nước ta là hết sức khó khăn, tuy nhiên, bài viết này cố gắng tìm hiểu các đối tượng quốc tế khác nhau. Đó là các thành phố hàng đầu thế giới về quy hoạch và quản lý đô thị, ở châu Mỹ, châu Úc, châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, bài viết nêu một kinh nghiệm của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP. Hồ Chí Minh.
Curitiba ở Brazil được coi là thành phố dẫn đầu thế giới về thực tiễn phát triển đô thị bền vững. Vancouver ở Cacnada được cả thế giới biết đến nhờ họ sử dụng khái niệm sinh thái trong phát triển đô thị. Brisbane ở Australia được coi là một trong những thành phố sống động nhất thế giới với sự cải tổ của nó trong lĩnh vực quản lý khu vực công cộng. Manchester ở Anh là thành phố đầu tiên trên thế giới có mức độ đô thị hoá nhanh trên cơ sở công nghiệp hóa, thành phố trải qua rất nhiều biến động không thuận lợi về môi trường, kinh tế và xã hội và ngày nay đã trở nên một trong những thành phố bền vững hàng đầu ở châu Âu. Singapore dẫn đầu thế giới về thiết kế đô thị bền vững, phát triển nhà ở, dịch vụ và phục hồi đô thị. TP. Hồ Chí Minh đưa ra bài học kinh nghiệm quan trọng về xây dựng và triển khai một dự án nâng cấp chất lượng môi trường đô thị theo mục tiêu phát triển bền vững.
Những đô thị này phát triến về mọi mặt, từ quy hoạch, quản lý hệ thống giao thông và cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điều hành và quản lý chính quyền đô thị, cải thiện môi trường, phát triển bền vững đến cân đối nguồn lực và phát triển kinh tế.
Những bài học kinh nghiệm
1. Curitiba - Brazil
Curitiba là thủ phủ bang Parana nằm ở phía Tây Nam thành phố Sao Paolo, Brazil. Sự phục hồi đô thị Curitiba được bắt đầu bằng quy hoạch tổng thể (Master Plan) năm 1966 và việc thành lập Viện Nghiên cứu và quy hoạch Curitiba. Quy hoạch tổng thể chỉ cung cấp các định hướng, tuy nhiên không giống với những cố gắng tương tự như của nhiều thành phố khác, đối tác địa phương tham gia vào quy hoạch thường xuyên thể hiện sự năng động của họ trong việc cung cấp những thông tin và ý tưởng cụ thể vào cấu trúc đô thị và việc triển khai ý tưởng.
Nhờ có sự phục hồi đô thị, nhìn chung thu nhập của người dân thành phố tăng lên đáng kể (từ dưới 50% đến trên 70% mức độ trung bình của quốc gia) mặc dù thành phố vẫn phải cáng đáng một số lượng dân nhập cư đáng kể từ các vùng nông thôn. Sự bền vững của đô thị còn thu nhận được từ các lĩnh vực khác, nổi trội là việc cung cấp một cơ sở vững chắc về kinh tế cho cải tổ đô thị .
Kết quả đạt được còn là sự hưởng ứng phi thường của khu vực tư nhân đối với các sáng kiến công cộng, hàng tỷ đôla Mỹ được các nhà đầu tư, đặc biệt từ nước ngoài đầu tư vào thành phố. Điều quan trọng đảm bảo cho phát triển bền vững là việc quan tâm đến vấn đề môi trường và sự thành công của việc điều hành tốt, phần nào bù đắp cho thiếu hụt của sự tham gia cộng đồng trước đây.
Phục hồi đô thị Curitiba được đặc trưng bởi hàng loạt đổi mới, quan trọng nhất là hệ thống giao thông công cộng, đây là một hình mẫu cho các đô thị có quy mô vừa. Sự thay đổi bao gồm việc phân luồng và loại phương tiện giao thông cũng như việc thiết kế phương tiện. Những mối quan tâm về tài chính và sinh thái đã yêu cầu từ bỏ tàu điện ngầm và đường sắt đô thị, thay thế bằng giao thông xe buýt và hạ tầng với luật lệ công cộng đầu tư bởi thành phần tư nhân. Những tuyến đường riêng của xe buýt cùng các bến đỗ được thiết kế đặc biệt đã giảm đáng kể thời gian vận chuyển và chi phí đầu tư.
Mô hình này đã hạn chế tắc nghẽn giao thông và đóng góp mạnh mẽ vào bảo tồn các khu phố lịch sử. Mặc dù là đô thị có sở hữu xe máy tư nhân lớn nhất Brazil, 75% dân cư Curitiba đi làm hàng ngày bằng giao thông công cộng. Hiện nay, mô hình hệ thống giao thông Curitiba đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các thành phố trên thế giới.
2. Vancouver - Canada
Vùng Vancouver là vùng đô thị lớn thứ 3 và là vùng phát triển nhanh nhất Canada với dân số 2,1 triệu người. Đây được coi là một trong những nơi lý tưởng nhất cho cuộc sống trên thế giới với nhiều không gian xanh công cộng và chất lượng cao của môi trường nước và không khí.
Bài viết này giới thiệu Sáng kiến Vùng bền vững (SRI) của Vancouver. SRI không chỉ cung cấp khung quy hoạch và phát triển vùng bền vững mà còn đưa ý tưởng thành hành động cho việc xác định và thực hiện “thực tiễn bền vững nhất”. SRI đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng quản lý đô thị, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, kể cả tính bền vững của xã hội và môi trường của vùng Vancouver.
Bốn nội dung về thực tiễn phát triển bền vững tốt nhất của vùng Vancouver được kể đến gồm:
i)Các dải cây xanh được phối kết và sử dụng theo hành lang;
ii) Trạm trung chuyển Surrey;
iii) Trạm xử lý nước cống tràn;
iv) Tiết kiệm gas tại các nhà máy xử lý nước thải.
Các dải cây xanh được phối kết và sử dụng theo hành lang là một sáng kiến vươn tới bền vững cho các khu giải trí, bảo vệ môi trường sống, giao thông công cộng và các tiện nghi khác. Các đường ống nước, đường điện, đường cho xe đạp và đường đi bộ được kết hợp với dải cây xanh nối liền các không gian trống cho con người. Những công việc này được triển khai với sự kết hợp giữa chính quyền vùng và cộng đồng dân cư, góp phần tiết kiệm kinh phí và các nguồn lực khác.
Trạm trung chuyển Surrey được khai trương vào ngày 28/4/2004 theo đúng kế hoạch và rất tiết kiệm kinh phí. Việc xây dựng các thiết bị quản lý chất thải là bộ phận quan trọng nhất của dự án, với trách nhiệm quản lý chất thải, Ban Quản lý đã ra chủ trương và ủng hộ việc giảm thiểu chất thải thông qua chương trình tái chế. Những chương trình này đã tái chế phần lớn rác thải xây dựng, hơn 80% được tái chế và 15% được sử dụng lại làm chất đốt. Phần lớn cây xanh tự nhiên được chăm sóc và trồng lại, số còn lại được dùng làm lớp bảo vệ cho cây mới trồng.
Để quản lý vệ sinh nước cống tràn do rò rỉ hoặc nước mưa khi có mưa bão, chính quyền vùng Vancouver đã có sáng kiến xây dựng trạm thu gom nước tràn, đây là hệ thống đầu tiên ở Bắc Mỹ. Hệ thống hoạt động tự động nhằm thu nước cống tràn vào trạm thu khi mưa bão, sau đó đẩy ngược trở lại trạm bơm. Ngoài ra, họ còn tái sử dụng những phần nước thải có thể được cho các khu vệ sinh, sáng kiến này đã giảm thiểu được việc sử dụng nước sạch. Nét đặc biệt của thiết kế bền vững còn là việc sử dụng vật liệu bền vững, ví dụ một khối lượng lớn bê tông trộn được tái chế và việc sử dụng cây xanh tự nhiên để chống trôi cho đất mặt.
Đương đầu với chi phí rất lớn về gas tại các nhà máy, công nhân vận hành đã có sáng kiến giảm thiểu việc tiêu thụ không thật quá cần thiết như các đèn nhấp nháy trong quá trình xử lý nước thải. Sử dụng số liệu máy tính và hệ thống điều khiển nhằm điều tiết và cân đôi lượng gas cần thiết cho các thiết bị.
3. Brisbane - Australia
Brisbane nằm về phía Đông Nam bang Queensland, có diện tích 1.220km2 với dân số gần 1 triệu người, là một khu vực đặc biệt ở Australia vì chỉ ở đây mới có một chính quyền vùng đô thị duy nhất cho toàn bộ thành phố (thủ phủ các bang khác như Sydney hay Melbourne đều chia nhỏ thành các chính quyền địa phương). Brisbane là một trong 10 thành phố sống động nhất thế giới.
Quy hoạch đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển của thành phố. Năm 1995, Hội đồng thành phố đưa ra một cấu trúc mới về mô hình quản lý khu vực công cộng người mua - người cung cấp. Mô hình này mô tả hai kinh nghiệm quản lý đô thị rất thành công được thực hiện ở Brisbane nhằm nâng cao tính bền vững và phát triển của thành phố. Thứ nhất là việc áp dụng mô hình người mua - người cung cấp, nhằm tách biệt chức năng của những người mua và những người cung cấp dịch vụ. Thứ hai bao gồm các kế hoạch chi phí hạ tầng, giới thiệu chính sách người dùng trả tiền cho các dịch vụ hạ tầng đối với các khu vực phát triển mới hoặc các khu vực đô thị cải tạo.
Trước năm 1996, hầu hết các dịch vụ đô thị được cung cấp theo chính sách và quy định của chính quyền. Tuy nhiên, người ta cho rằng các chính sách và quy định phải được phân biệt và tách ra khỏi việc cung cấp dịch vụ; các chức năng cung cấp dịch vụ cần được cạnh tranh và thương mại hoá. Để thực hiện điều này, việc thừa nhận mô hình người mua - người cung cấp đã đưa đến rất nhiều thay đổi. Trong quá trình cải tổ nội bộ Hội đồng thành phố Brisbane, các nhà chính trị đã tăng cường kỹ năng phối hợp điều hành, các viên chức được phân rõ chức năng về chính sách, luật lệ, hành chính và cung cấp dịch vụ.
Người mua sở hữu tài sản, đảm bảo quyền lợi, cung cấp tài chính và thoả thuận hợp đồng về cung cấp dịch vụ với người cung cấp. Người cung cấp là bộ phận kinh doanh tách biệt tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ, có thể được đánh giá bằng chất lượng, thời gian, giá cả của dịch vụ thông qua thoả thuận. Bằng mô hình này, người mua (thay mặt cộng đồng) tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ từ các nhà cung cấp với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng, có giá cạnh tranh. Có 4 loại nhà cung cấp: thương mại, chương trình, kinh doanh và các công ty phụ trợ.
Năm 1997, chính quyền bang Queensland ban hành Luật Quy hoạch hợp nhất, Luật này yêu cầu các chính qưyền địa phương thừa nhận giải pháp hợp nhất quy hoạch đa ngành và đánh giá phát triển cũng như giới thiệu giải pháp người dùng trả tiền cho các dịch vụ và việc nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Chi phí cho hạ tầng kỹ thuật dựa vào khái niệm người dùng trả tiền ở những nơi mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật được cung cấp một cách trực tiếp và có lợi. Chi phí này không áp dụng cho việc đầu tư các tiện nghi cộng đồng như trường học, bệnh viện hay đường quốc lộ.
4. Manchester - Anh
Là một trong những cái nôi của cách mạng công nghiệp, Manchester chịu đựng mức độ ô nhiễm nặng nề và trải qua 50 năm suy sụp và xây dựng lại. Từ những thách thức về thất nghiệp, bệnh tật, lạc hậu và bị bỏ rơi, thành phố hiện nay đang hồi phục, trở thành một trung tâm toàn cầu về sáng tạo và công nghiệp tri thức. Thành phố đang tiên phong cho phong trào “đô thị hoá mới” và quản lý môi trường đô thị ở Anh; Đây cũng là một trung tâm chính cho nghiên cứu và phát triển bền vững. Manchester trung tâm được bao quanh bởi các vùng ngoại ô và các thành phố vệ tinh với khoảng 2,5 triệu người.
Một số thông tin quan trọng dưới đây thể hiện các khuynh hướng phát triển nhằm cung cấp định hướng cho tương lai:
Đô thị hoá, hiện tại và tương lai. Khuynh hướng hiện hành đang biểu thị toàn cảnh cho các vùng đô thị tương tự ở thế giới phát triển, đó là toàn cầu hoá, thành phố thông tin và thành phố phân tán. Trong khi sự sản xuất và tiêu thụ đang toàn cầu hoá thì một khuynh hướng đối lập là “địa phương hoá” đang được chấp nhận thông qua tiện nghi xã hội và tính hấp dẫn của tiêu thụ và sản xuất. Về mặt vật thể, các thành phố vệ tinh được coi là đối trọng trong khi trung tâm lịch sử được tái đô thị hoá và các khu công nghiệp là những khu vực tái sinh. Về xã hội, sự phát triển không cân đối tạo nên thất nghiệp và cản trở cần phải xoá bỏ.
Khuynh hướng kinh tế và xã hội. Một vùng đô thị như vùng Manchester có cả 2 đặc điểm là dễ bị tổn thương và có cơ hội trong hệ thống thứ bậc toàn cầu. Cùng với kinh tế là các động lực đảm bảo công bằng xã hội. Khuynh hướng nhân khẩu học là thay đổi cấu trúc dân số, cân bằng giới, cấu trúc tổ chức gia đình và thu nhập. Những nền văn hoá điều hành trước đây và cung cấp phúc lợi đã được thay thế bằng một sự “cho quyền” trong mối quan hệ với các tổ chức khác.
Hiện thực và các sáng kiến bền vững. Manchester thường xuyên được coi là một kinh nghiệm quốc tế tốt mặc dù nó không hoàn toàn xanh, có trách nhiệm xã hội hoặc được tổ chức tốt như một thành phố ở Bắc Âu hay Mỹ La tinh. Tuy nhiên Manchester có cơ sở để chứng minh cho việc đáng học tập từ các thành phố khác, đó là quá trình phát triển.
Những giải pháp đổi mới mà vùng Manchester ứng dụng suốt quá trình 200 năm phát triển đô thị vẫn còn có giá trị cho các đô thị của các nước đang phát triển ngày nay. Sự thúc đẩy mạnh mẽ có thể tạo ra các tồn tại; Sự chồng chéo của các nền văn hoá, kinh tế, cấu trúc không gian khác nhau và các vấn đề môi trường tại vùng Manchester có thể được nhìn nhận từ 2 phía: những tồn tại về sự điều hành yếu kém, xã hội và hình thái đô thị bị phân chia trong khi nó cung cấp chất xúc tác cho sự đa dạng, cải tổ và những hình thức mới cho phát triển.
5. Singapore
Nền kinh tế đảo Sigapore phụ thuộc chủ yếu vào xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ để hỗ trợ sự phát triển của nó. Singapore đang dẫn đầu sự phát triển về nâng cấp nhà ở, quản lý môi trường và giao thông. Sơ lược dưới đây là 3 trường hợp tốt về giải pháp phát triển đô thị bền vững:
Từ nhà ổ chuột đến cuộc sống có chất lượng. Cung cấp khả thi nhà ở cho lượng dân cư đô thị tăng trưởng luôn luôn là thử thách cho rất nhiều đô thị. Đến năm 2005, gần như toàn bộ nhà tạm ở Singapore đã được giải toả, 3,2 triệu dân (84%) được cung cấp chỗ ở đảm bảo, kể cả 92% sở hữu nhà ở do nhà nước cung cấp. Hơn 850.000 đơn vị nhà ở công cộng trong 23 đô thị mới được xây dựng và tình trạng thiếu nhà ở đã không tồn tại. Đầu tiên, chính phủ tham gia và đóng vai trò chính để tổ chức các điều kiện cho phát triển và sử dụng nhà ở công cộng. Tổ chức nhà ở quốc gia, Ban nhà ở và phát triển được thành lập với năng lực về pháp lý, đất đai và tài chính để triển khai chương trình nhà ở công cộng. Thông qua chương trình này, nhà ở kém chất lượng, chật chội và nhà ở dân sự xây tạm thời trong các khu ổ chuột dần dần bị xoá bỏ và thay thế bằng chung cư cao tầng với hệ thống dịch vụ công cộng đầy đủ.
Phát triển tốc độ cao. Từ những năm 1960, Singapore đã chuyển đổi từ chỗ không có hoặc rất ít quan tâm đến quy hoạch giao thông, đến quy hoạch giao thông với xu hướng giải quyết tình thế và quy hoạch giao thông theo tầm nhìn. Từ những năm 1990, Singapore đã trở thành một đô thị nhiệt đới lý tưởng tầm cỡ quốc tế về hạ tầng và tiện nghi xã hội. Thành phố đã thực hiện những giải pháp đa dạng, bao gồm:
i) Việc phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất và giao thông, phát triển các khu đa chức năng nhằm giảm thiểu nhu cầu đi lại;
ii) Mở rộng mạng lưới đường và tối đa hoá công suất đường phố thông qua hệ thống giao thông thông minh;
iii) Quản lý nhu cầu sử dụng đường phố thông qua việc kiềm chế sở hữu và sử dụng phương tiện tư nhân;
iv). Cung cấp việc lựa chọn giao thông công cộng chất lượng cao, kể cả xe chạy nhanh, đường sắt đô thị và hỗn hợp nhằm hạn chế sử dụng xe cá nhân.
Đưa thiên nhiên vào với đô thị. Singapore có chủ trương giảm bớt áp lực của đô thị hoá và công nghiệp hoá vào môi trường và xây dựng nhanh chóng đô thị thành những địa điểm tốt hơn cho cuộc sống. Là một mục tiêu của Chính phủ, việc phát triển thành phố vườn của Singapore được kiên trì theo đuổi như một dự án của nhà nước với sự hỗ trợ của thể chế, tài chính và luật lệ. Chính sách quốc gia là giữ gìn Singapore: "sạch và xanh”, mọi hoạt động đều kết hợp sự tham gia của cộng đồng vào làm đẹp thành phố. Ba chiến lược chính được đề xuất để tăng cường độ “xanh” trong môi trường đô thị là:
i) Có nhiều hơn công viên và vườn hoa;
ii) Chăm sóc cẩn thận thực vật tự nhiên;
iii) Đưa môi trường tự nhiên vào gần hơn các khu vực đô thị. Các giải pháp có thể kể đến là “mảng xanh liên tục” nối liền các công viên với nhau; “mảng xanh thẳng đứng” trên các tường và nóc nhà cao tầng, trồng cây ăn quả tại các vườn hoa khu chung cư và khuyến khích các trường học cũng như các tổ chức cộng đồng có thái độ làm chủ khi tham gia sáng kiến thành phố vườn.
Kế hoạch làm xanh Singapore đến 2012 khẳng định thành phố không chấp nhận phát triển kiểu rừng bê tông và không bền vững như vẫn thường thấy.
6. Thành phố Hồ Chí Minh: Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè là Dự án cải thiện môi trường đô thị lớn nhất Việt Nam, được đầu tư bởi Ngân hàng Thế giới và UBND TP. Hồ Chí Minh. Dự án bao gồm việc nâng cấp chất lượng môi trường đô thị dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm tách biệt hệ thống thoát nước mưa và nước thải, giảm thiểu ảnh hưởng của ngập úng, khuyến khích phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả của cộng đồng tham gia vào công tác quản lý hệ thống của cộng đồng vào công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Khoảng 1,2 triệu người cư trú tại lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chiếm khoảng 14% dân số thành phố, chủ yếu là nhà nghèo. Chỉ có 73% dân cư ở đây được dùng nước máy và 64% căn hộ có khu vệ sinh khép kín. Mật độ dân số cao, khoảng 12600 - 55000 người /km2. Khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ô nhiễm nghiêm trọng, các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường đều vượt quá chỉ tiêu cho phép nhiều lần, vào mùa mưa nước thải sinh hoạt tràn cả ra đường phố và các khu vực công cộng ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ nhân dân thành phố.
Năm 1991, UBND TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thiết lập dự án nhằm giải toả dân cư, xây dựng nhà ở và cải thiện lòng kênh. Giai đoạn 1 tiến hành năm 1996 nhằm cải thiện 500 m kênh và xây dựng 1000 căn hộ phục vụ tái định cư. Giai đoạn 2 (từ năm 2000) dự án nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Ngân hàng Thế giới tập trung vào kỹ thuật môi trường nước thải; Nhà ở tái định cư nhằm giảm úng ngập, nâng cấp chất lượng môi trường, sức khoẻ và phúc lợi cộng đồng, khuyến khích phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cho công ty thoát nước đô thị. Ba hợp phần của giai đoạn này là hệ thống thoát nước bẩn, nước mưa và hỗ trợ kỹ thuật. Giai đoạn 2 có 3 bước:
i) Chuẩn bị xây dựng bao gồm việc dỡ bỏ 11400 căn nhà, xây dựng mới tái định cư cho 40000 dân với chi phí khoảng 51 triệu USD;
ii) Bước xây dựng được tiến hành cẩn thận theo thời gian quy định, tiếng ồn và bụi được hạn chế tối đa;
iii) Công tác vận hành, duy tu được quan tâm, khi hoàn thành công trình hệ thống hoạt động chủ yếu là ngầm.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế TP.HCM, 87% hộ gia đình được khảo sát nhận thấy sự nâng cấp rõ rệt về chất lượng môi trường. Việc tham gia của cộng đồng và tư vấn đã đem lại sự nâng cấp và lợi ích cho hệ thống công trình công cộng, đóng góp đáng kể cho mục tiêu của dự án về tổ chức quản lý, thiết kế tái định cư, công tác đền bù và các biện pháp phục hồi đô thị.
Dự án cải thiện kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đạt được những thành quả to lớn, đã và sẽ đóng góp đáng kể cho công tác xoá đói giảm nghèo. Sức khoẻ cộng đồng và điều kiện môi trường dọc con kênh đã được cải thiện mạnh mẽ, dân tái định cư được đền bù thoả đáng và có chỗ ở mới khang trang. Nhiều không gian công cộng với các hoạt động vui chơi giải trí được cung cấp cho người nghèo đô thị. Chính quyền thành phố được hưởng lợi của dự án thông qua việc nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân làm công tác thiết kế, xây dựng, duy trì hệ thống quản lý nước cấp và nước thải. Dự án còn hỗ trợ việc phát triển các tổ chức hoạt động hiệu quả quản lý bền vững các dịch vụ cấp thoát nước. Bằng việc giảm thiểu úng ngập và nâng cấp chất lượng nước trong lòng kênh, dự án đã mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế nói chung của thành phố cũng như cho từng hộ gia đình.
Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một bài học kinh nghiệm quan trọng cho Chính quyền và nhân dân TP.Hồ Chí Minh về xây dựng và triển khai một dự án nhằm nâng cấp chất lượng môi trường đô thị theo mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh nhiều thành công, dự án đã phải trả giá cho một số vấn đề về xã hội, tài chính và hành chính. Không phải tất cả mọi người, đặc biệt người nghèo được hưởng lợi từ dự án. Sự yếu kém về điều hành, quản lý dự án, quản lý đô thị, đất đai, chính sách đền bù đôi khi đã trì hoãn công việc và nảy sinh những phàn nàn về tiến độ thực hiện dự án. Bài học về lập kế hoạch, xây dựng và quản lý dự án các dự án có quy mô tương tự là những thách thức thực sự về năng lực thể chế của Chính quyền.
Kết luận
Rất nhiều bài học liên quan đến đô thị hoá và phát triển bền vững có thể học tập được từ những kinh nghiêm quốc tế và trong nước nêu trên.
Bài học thứ nhất, là vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo ở tầm nhìn phát triển và thực hiện các cam kết để khắc phục các khó khăn, giải quyết các vấn đề về môi trường và kinh tế.
Với bài học thứ hai, sự nổi trội của các khủng hoảng hoặc đe doạ là nhân tố chính trong các hành động ban đầu để đảm bảo cho sự tồn tại của các đô thị.
Thứ ba, thiện chí của cộng đồng chấp nhận thay đổi dẫn đến sự cải tổ về hành chính công, quản lý đô thị và thiết kế môi trường.
Thứ tư, các thành phố đều tìm kiếm các nguồn lực thúc đẩy thông qua nhiều dạng khác nhau của sự cộng tác để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cung cấp nhà ở và các tiện nghi cộng đồng.
Thứ năm, quy hoạch và phối hợp các dịch vụ giao thông dẫn đến hiệu quả tốt hơn cho xe cộ và hành khách trong các thành phố; Việc kết hợp sử dụng đất công trình nhà ở, xã hội, văn hoá và giáo dục với thương mại, nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng không gian đô thị cho con người cảm thấy thoải mái khi làm việc, hoạt động và sinh hoạt.
Thứ sáu, tầm quan trọng của quy hoạch đô thị, luật xây dựng, các chính sách môi trường và sự chú trọng vào quản lý và giữ gìn tài sản đã tạo điều kiện cho các thành phố duy trì hệ thống đô thị hiệu quả, chất lượng cao của các tiện nghi và sự sống động.
Bài học cuối cùng, muốn có tính bền vững cho các thành phố, những rủi ro phải được chấp nhận khi có sự thay đổi xuất hiện đối với thái độ của cộng đồng, công nghệ, điều hành và các giải pháp quản lý đô thị.
Để có được các đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ của đất nước, những bài học kinh nghiệm quý báu từ các nước trên thế giới là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc ứng dụng các kinh nghiệm một cách thông minh và hiệu quả kết hợp với những đặc thù của điều kiện Việt Nam thực sự quan trọng. Hy vọng rằng trong một tương lai gần, quá trình đô thị hoá và các hoạt động đô thị ở Việt Nam sẽ phát triển bền vững, đưa hệ thống đô thị và cả đất nước Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
 
 Nguồn: Tham luận của PGS. TS. KTS. Nguyễn Tố Lăng - Chủ nhiệm Khoa Quản lý Đô thị, Đại học Kiến trúc HN tại Hội thảo Khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội và Thách thức” tháng 11/2008
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)