Xã hội hoá thu gom và xử lý chất thải rắn

Thứ ba, 18/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đềTrong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ rất nặng nề. Một trong những nhiệm vụ bảo vệ môi trường là quản lý hiệu quả chất thải, trong đó có chất thải rắn để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, tái sinh, tái sử dụng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên… Đây là những vấn đề bức xúc, khó khăn ở nước ta trong nhiều năm qua. Vì vậy, cần phải tìm nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý chất thải rắn ngày càng tốt hơn.
Chất thải rắn là vật chất ở thể rắn được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc từ các hoạt động của con người. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam hiện nay khoảng gần 13 triệu tấn/năm, trong đó tại các đô thị chiếm khoảng 50%. Dự báo lượng gia tăng chất thải trong những năm tới là 10 - 12%. Việc thu gom và vận chuyển chất thải rắn hiện tại còn rất yếu kém, các thành phố lớn có tỷ lệ thu gom chất thải rắn khoảng từ 65% đến 80%. Các thị xã, thị trấn tỷ lệ này chỉ đạt từ 40% đến 65%, ở nông thôn rất thấp khoảng 20%.
2. Sự cần thiết của vấn đề xã hội hoá trong quản lý chất thải rắn
Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường là chủ trương, định hướng chiến lược lớn, lâu dài của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.
Hiểu một cách đơn giản, xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường là nâng cao nhận thức về môi trường của cộng đồng và huy động các nguồn lực trong xã hội cũng như ban hành các chính sách, cơ chế, các điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện các công tác bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng.
Hiện nay các hoạt động trong công tác quản lý chất thải rắn chủ yếu do các công ty môi trường đô thị đảm nhiệm; trừ một số ít đô thị có sự tham gia của cộng đồng nhưng chủ yếu là thu gom, vận chuyển. Như vậy công tác quản lý chất thải rắn hiện nay đang sử dụng nguồn vốn rất lớn từ ngân sách nhà nước đặc biệt là công tác xử lý và tiêu huỷ chất thải. Khi hoạt động quản lý chất thải được xã hội hoá sẽ đem lại nhiều lợi ích như:
- Nguồn lực về con người và vật chất được thu hút, công tác quản lý chất thải sẽ có điều kiện phát triển, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; tham gia giải quyết những khâu còn bất cập trong quản lý mà Nhà nước chưa có đủ điều kiện và khả năng làm tốt.
- Khi việc cung ứng dịch vụ hạ tầng cho quản lý chất thải được xã hội hoá sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác, hạn chế được thất thoát trong đầu tư xây dựng và cải thiện được chất lượng dịch vụ…
- Tạo được sự năng động của xã hội trong quản lý chất thải, tăng cường tính tự lực và tính chủ động của cộng đồng, cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường xảy ra hàng ngày tại địa phương.
- Tạo cơ hội việc làm, giảm bớt thất nghiệp ở địa phương.
- Tạo môi trường xanh, sạch, đẹp mà mọi người dân đều được hưởng lợi, giảm thiểu các nguy cơ về tai biến hoá, lý, sinh, do chất thải gây ra.
Thực tế cho thấy, nhiều công việc không thể dựa hoàn toàn vào Nhà nước mà phải huy động thêm lực lượng của cộng đồng tham gia mới đạt hiệu quả cao. Việc xã hội hoá nhằm huy động cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào các hoạt động công ích, góp phần hạn chế các tệ nạn tham nhũng, quan liêu. Mặt khác thông qua các hoạt động này giúp người dân thấy được vai trò và trách nhiệm của mình đối với môi trường, qua đó tạo ra những chuyển biến tích cực về thói quen và nếp sống thân thiện với môi trường.
3. Tình hình xã hội hoá trong quản lý chất thải rắn ở một số đô thị
a. Xã hội hoá quản lý chất thải tại Tp Hồ Chí Minh
Mỗi ngày thành phố thải ra hơn 6.000 tấn rác. Trong đó chất thải rắn công nghiệp 260tấn/ngày, trong đó có 25 tấn chất thải rắn nguy hại và khoảng 11 tấn chất thải bệnh viện. Thành phố chi mỗi năm khoảng 500 tỉ đồng để xử lý rác, gồm 140 - 150 tỉ đồng quét dọn vệ sinh đường phố; 9 - 10 tỉ đồng vớt rác trên sông, kênh rạch; 200 - 250 tỉ đồng vận chuyển chất thải rắn từ các nơi về bãi chôn lấp chất thải và xử lý môi trường. Đó là chưa kể 150 - 200 tỉ đồng xây dựng các bãi chôn lấp và các công trình liên quan.
Để từng bước xã hội hoá công tác quản lý chất thải, năm 2002 thành phố đã triển khai dự án “Phân loại chất thải rắn tại nguồn”, dự kiến kinh phí 280 tỉ đồng trong 10 năm để “rác không còn là gánh nặng mà trở thành nguồn lợi lớn”. Từ ngày 3 - 2006 đến tháng 11 - 2006, đã tiến hành thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn tại quận 6, phát miễn phí 2 thùng đựng rác dung tích 15 lít cho mỗi hộ dân nằm trong chương trình tại các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9: Mỗi thùng dùng để đựng rác thực phẩm (hữu cơ) như thức ăn thừa, rau, củ quả, một thùng đựng rác có thẻ tái chế như bao bì ni lông, giấy, kim loại, thuỷ tinh.
Hiện nay, dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn được triển khai rộng ở các quận 1, 4, 5, 10 và Củ Chi. Như vậy, khối lượng rác của các quận huyện này vào khoảng 1.500 tấn sẽ được chia ra: 1.125 tấn rác hữu cơ sẽ được đưa vào làm phân compost và chuyển cho nhà máy phát điện, khoảng 275 tấn rác vô cơ sẽ được tái chế, tiết kiệm được một diện tích đất chôn lấp rác không nhỏ. Ngoài 6 quận huyện trên, giai đoạn 2009 - 2010, thành phố sẽ tiếp tục triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn tại khắp các quận nội thành và từ 2010 trở đi sẽ tiến hành triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn tại các quận, huyện còn lại.
b. Xã hội hoá quản lý chất thải tại Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng với dân số 800.321 người (số liệu 2005), với trên 12.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lượng chất thải rắn phát sinh trung bình 252,422 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn y tế được xử lý đốt tại chỗ khoảng 380kg/ngày (8% lượng thải). Lượng chất thải rắn còn lại được thu gom (hơn 80% tổng lượng thải - khoảng hơn 200 tấn), đưa lên bãi rác Khánh Sơn hàng ngày để chôn lấp. Mặc dù đã đóng cửa, nhưng bãi rác Khánh Sơn cũ đã, đang và sẽ còn gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho môi trường đất, nước ngầm, nước mặt và cả môi trường không khí do bãi rác không được lót đáy, không có hệ thống thoát khí và hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác. Bắt đầu từ năm 2007, bãi rác Khánh Sơn mới đi vào hoạt động được thiết kế bài bản hơn.
Một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất là phải xã hội hoá công tác quản lý chất thải, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cũng như vận động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng.
Hiện nay, tại Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều đơn vị có khả năng rất tốt trong việc quản lý chất thải (cả thu gom, xử lý, tái chế, khai thác…) như Công ty Sông Thu, Công ty TNHH Môi trường Xanh… Nếu những đơn vị này đầu tư vào quản lý và khai thác bãi rác Khánh Sơn mới sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực.
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn”, thành phố Đà Nẵng sẽ đưa ra được cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia công tác quản lý, bảo vệ môi trường và có chế tài thích hợp để xử lý các vi phạm, giải quyết tốt các bất cập hiện nay.
c. Xã hội hoá quản lý chất thải tại Vũng Tàu
Hiện chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày khoảng 720 tấn/ngày, trong đó khối lượng rác thải được thu gom là 515 tấn/ngày (khoảng 70% lượng rác phát sinh). Trước nguy cơ từ rác thải, vừa qua UBND tỉnh BR-VT đã thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác quản lý chất thải, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải với nhiều chính sách ưu đãi.
Trong đó, có dự án Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên thuộc huyện Tân Thành với diện tích 100ha, được quy hoạch và phân theo các khu vực chức năng: khu chôn lấp chất thải và xử lý nước thải có diện tích 28ha, khu chôn lấp rác thải công nghiệp không độc hại có diện tích 38ha; khu chế biến phân vi sinh có diện tích 4,5ha, công suất khoảng 200 - 400tấn/ngày; khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại 4ha, công suất 50 -100tấn/ngày. Vốn đầu tư cho hạ tầng khu xử lý này khoảng 65 tỷ đồng. Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh BR - VT cho biết: “Tất cả các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đều có thể đầu tư vào một hoặc nhiều hạng mục của dự án. Tỉnh sẽ hỗ trợ DN một cách tối đa về mọi mặt để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất, cụ thể như đất, hạ tầng kỹ thuật như đường, điện, nước…”. Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, băn khoăn nhất khi kêu gọi các nhà đầu tư là vấn đề áp dụng công nghệ nào cho phù hợp với các loại chất thải của Việt Nam.
4. Kết luận
Môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường, bản thân các hoạt động đó đã mang tính xã hội cao,vì vậy xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nói chung hay công tác quản lý chất thải rắn nói riêng là việc làm cần thiết và phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Không có sự tham gia đóng góp của cộng đồng thì khó có thể thực hiện tốt được sự nghiệp bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
 
Nguồn: TC Xây dựng, số 9 - 2008
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)