Phân vùng bảo tồn di sản kiến trúc trong quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 21/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hiện đại và có bản sắc thì quy hoạch tổng thể phải đề ra các giải pháp phát huy hợp lý giá trị di sản kiến trúc, đảm bảo sự hài hoà giữa khu vực bảo tồn di sản kiến trúc với các khu vực xây dựng mới. Do vậy, việc đánh giá tiềm năng và phân vùng di sản kiến trúc đặc trưng trong quy hoạch TP.Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng.

I. Đánh giá tiềm năng di sản kiến trúc TP. Hồ Chí Minh

Thành phần cơ bản của di sản kiến trúc TP. Hồ Chí Minh bao gồm:

- Quỹ kiến trúc đô thị là toàn bộ khối lượng vật chất và kỹ thuật đã được tạo dựng như hạ tầng cơ sở, khu phố và đường phố, quần thể và công trình kiến trúc, cảnh quan.

- Quỹ kiến trúc có giá trị di sản là các công trình, quần thể hay khu vực kiến trúc đô thị, đã hình thành trong lịch sử Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, tuy chưa đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích, song có giá trị nhất định về lịch sử, văn hoá, kiến trúc và giá trị sử dụng, đóng góp vào cảnh quan kiến trúc đô thị TP. Hồ Chí Minh.

- Di tích kiến trúc là các công trình hay tổ hợp công trình kiến trúc đã hình thành trong lịch sử Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và xây dựng đô thị, được xếp hạng cấp thành phố hay cấp quốc gia.

Từ cách nhìn nhận trên, quỹ kiến trúc có giá trị di sản là đối tượng nghiên cứu, điều tra, khảo sát, kiểm kê, phân loại, đánh giá nhằm bảo tồn, cải tạo, hồi sinh và thích ứng để phát huy giá trị di sản kiến trúc trong không gian đô thị đương đại. Quỹ này là di sản đô thị, cần được bảo tồn và phát huy theo những nguyên tắc phù hợp để tiếp tục tồn tại trong cơ thể đô thị phát triển. Chúng thuộc diện quản lý của các cơ quan hành chính, của ngành xây dựng, của chính người dân sống trong đó, chứ không chỉ của các cơ quan văn hoá và du lịch.

Lâu nay, Quỹ kiến trúc có giá trị di sản ở TP. Hồ Chí Minh ít được quan tâm, nên chưa có cơ chế và công cụ ứng xử hiệu quả. Do đó, cần sớm có văn bản pháp quy đối với Quỹ kiến trúc có giá trị di sản với tư cách là một tài nguyên đô thị, cần được quản lý và khai thác hợp lý.

Một số nội dung cần thực hiện đối với Quỹ kiến trúc có giá trị di sản là: Điều tra, khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ. Phân loại, đánh giá theo các tiêu chí, xếp hạng và lập "Danh mục các kiến trúc có giá trị cần bảo tồn tại TP. Hồ Chí Minh", có phân loại theo cấp độ giá trị và trên cơ sở đó phân cấp quản lý theo điều kiện thực tiễn tại thành phố. Xây dựng quy chế bảo tồn, cải tạo nâng cấp và cải tạo thích hợp. Lập bản đồ ghi nhận, định vị các công trình, quần thể có giá trị, làm cơ sở cho các quy hoạch chi tiết. Danh mục, quy chế, bản đồ của Quỹ kiến trúc có giá trị di sản phải được các cơ quan có thẩm quyền pháp chế hoá và cần công bố rộng rãi.

II. Phân vùng di sản kiến trúc đặc trưng tại TP. Hồ Chí Minh

Xác định các di sản kiến trúc đặc trưng cần bảo tồn, đặc biệt ở trung tâm lịch sử của TP. Hồ Chí Minh gồm cả việc xác định ranh giới không gian đệm, không gian chuyển tiếp và không gian ảnh hưởng. Các không gian cách ly và bảo vệ di sản kiến trúc cần bảo tồn khi là di tích được xếp hạng thì phải xác định luôn ranh giới khoanh vùng bảo vệ. Chúng thường được chia làm 2 khu vực là Khu vực bảo vệ 1 và Khu vực bảo vệ 2.

Di sản kiến trúc đặc trưng ở TP. Hồ Chí Minh được lựa chọn phải thoả mãn những tiêu chí:

- Gắn liền với lịch sử khu vực và có tính chất tiêu biểu.

- Giá trị thẩm mỹ góp phần tạo nên giá trị di sản kiến trúc cảnh quan khu vực và đô thị.

- Phản ánh giá trị văn hoá, phong tục của cộng đồng cũng như vai trò của người thiết kế, xây dựng và người chủ sử dụng.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra các khu vực di sản kiến trúc ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh cần bảo tồn là: Khu vực dọc theo các trục cảnh quan và đường phố tiêu biểu: Khu Chợ cũ, khu Hội trường Thống Nhất; Khu biệt thực. Cụ thể:

1. Di sản kiến trúc đặc trưng dạng tuyến

Theo lịch sử, di sản kiến trúc Sài Gòn xưa được hình thành ở những nơi "trên bến dưới thuyền" hoặc dọc theo quan lộ nên sự chuyển hoá không gian kiến trúc thường trải dài theo tuyến. Vì vậy những khu vực bảo tồn di sản hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh có dạng kéo dài song song, kết hợp chặt chẽ với những không gian đường phố và kênh rạch, như những "gạch nối di sản" giữa các khu vực lịch sử.

Như vậy, trục cảnh quan tiêu biểu và tuyến đường cổ trở thành thành phần đặc trưng của kiến trúc đô thị và cảnh quan TP. Hồ Chí Minh. Chúng phát triển song song, liền kề và hỗ trợ nhau về mặt bảo tồn và phát triển không gian đô thị. Đây là đặc điểm cần lưu ý khi nghiên cứu bảo tồn.

Các trục cảnh quan đặc trưng bao gồm: Đại lộ Nguyễn Huệ, từ đường Lê Thánh Tôn tới đường Tôn Đức Thắng. Đại lộ Hàm Nghi, từ quảng trường Quách Thị Trang tới đường Tôn Đức Thắng. Đại lộ Lê Lợi, từ quảng trường Quách Thị Trang tới đường Hai Bà Trưng. Đường Tôn Đức Thắng, từ đại lộ Lê Duẩn tới đại lộ Hàm Nghi. Đại lộ Lê Duẩn, từ Hội trường Thống Nhất tới Thảo CầmViên. Đường Trần Hưng Đạo, kết nối hai khu vực trung tâm lịch sử Chợ Lớn cũ và Sài Gòn xưa.

Trục cảnh quan sông nước từ sông Sài Gòn xuôi về kênh Bến Nghé: Dải đất hẹp kéo dài giữa kênh Bến Nghé và quan lộ xưa (Nguyễn Trãi hiện nay) có thể được xem như hạt nhân lịch sử hội tụ sự phát triển liên tục từ phố thị Bến Nghé đến Sài Gòn xưa. Ở đây, tuyến cảnh quan sông nước lượn theo sông Sài Gòn, xuôi về kênh Bến Nghé là điểm phát khởi của thành phố, tiềm năng những giá trị bản sắc của thành phố sông nước trong thành phố hiện đại nếu được khai thác khéo léo.

Các tuyến đường đặc trưng bao gồm: Đường Đồng Khởi, từ quảng trường Nhà thờ Đức Bà tới đường Tôn đức Thắng. Đường Lê Thánh Tôn, từ Ngã 6 Phù Đổng đến Thảo Cầm viên, theo hướng Đông bắc - Tây nam. Đường Nguyễn Trãi, từ Ngã 6 Phù Đổng (Quận 1) đến Khu vực Chợ Lớn (Quận 5). Đường Triệu Quang Phục, từ bến Trần Văn Kiểu đến đường Kỳ Hoà, mở ra về hướng Tây đến đường Lương Nhữ Ngọc và hướng Đông đến đường Phù Đổng Thiên Vương (Quận 5).

2. Di sản kiến trúc đặc trưng dạng khu vực

- Khu vực cảng cũ: ở vị trí gặp nhau của sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Là vị trí cổ nhất của Sài Gòn, thể hiện Sài Gòn như một thành phố cảng có bề dày lịch sử, cùng với những hạng, mục di sản riêng lẻ bên trong khu vực.

- Khu vực Chợ cũ: ở gần khu vực cảng cũ, nhưng được tách biệt bằng đại lộ Hàm Nghi, gồm khoảng 6 đường phố theo cấu trúc phố thị truyền thống. Ở khu vực này, lối buôn bán truyền thống của Sài Gòn có cơ hội phát triển thu hút nhiều du khách. Chiều rộng của đại lộ Nguyễn Huệ và Hàm Nghi cũng là khoảng đệm thích hợp tách khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực của việc phát triển hiện nay ở khu vực trung tâm hiện hữu.

- Khu vực Hội trường Thống Nhất: bao gồm một công viên rộng và một công trình đang hoạt động như một bảo tàng. Là một khu vực lịch sử, với vị trí địa lý "đắc địa", khu vực di sản này có vai trò lớn trong cấu trúc không gian đô thị tại khu vực trung tâm lịch sử của TP. Hồ Chí Minh.

- Khu vực phố cổ Chợ Lớn: địa điểm định cư sớm nhất của người Hoa ở Chợ Lớn cùng thời với người Việt ở Sài Gòn, có tính tiêu biểu và còn nguyên vẹn nhất, thể hiện lịch sử định cư, sinh hoạt và văn hoá của người Trung Quốc. Khu vực này hàm chứa tiềm năng bảo tồn văn hoá, lối sống và cảnh quan phố thị đặc trưng của khu vực.

- Khu vực biệt thự có giá trị: tại Quận 3, dọc hai bên đường Tú Xương, gồm 6 ô vuông phố từ đường Nam Kỳ Khởi nghĩa đến Cách mạng Tháng Tám. Ở đây chủ yếu là những biệt thực có giá trị được xây từ thời Pháp, hiện nay ít chịu sự đe doạ so với các khu vực khác. Nhiều biệt thự vẫn còn trong tình trạng sử dụng tốt.

3. Di sản kiến trúc đặc trưng dạng đơn lẻ

Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã có bảng kiểm kê tạm thời khoảng 60 hạng mục di sản, bao gồm nhiều loại công trình với niên đại xây dựng từ đầu thế kỷ XIX cho đến những năm 70. Việc đánh giá, phân loại các hạng mục di sản riêng lẻ này được liệt kê cụ thể trong "Thông báo số 46/TB-UB-QLĐT ngày 17/5/1996 của UBND TP về việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP. Hồ Chí Minh".

III. Kết luận

Bảo tồn di sản kiến trúc cần thể hiện trong quá trình lập quy hoạch đô thị TP. Hồ Chí Minh. Như vậy sẽ đảm bảo tính liên tục của quá trình phát triển TP. Hồ Chí Minh. Bảo tồn di sản kiến trúc không chỉ là bảo tồn các di sản đơn lẻ mà cả tổng thể không gian đô thị, với tư cách là môi trường sống của con người trong một giai đoạn lịch sử. Đây là giá trị đặc trưng của đô thị cũ - cái hồn của đô thị, cùng với khu vực phát triển mới sẽ tạo nên một hệ thống giá trị văn hoá đô thị mới có tính kế thừa. Do vậy, cần thiết phải đánh giá tiềm năng và phân vùng đặc trưng di sản kiến trúc TP. Hồ Chí Minh để có cơ sở định hướng quy hoạch bảo tồn hệ thống di sản kiến trúc trong quá trình lập quy hoạch tổng thể xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hoà nhập chúng vào cấu trúc đô thị TP. Hồ Chí Minh phát triển trong tương lại.


(Nguồn: T/C Xây dựng, số 9/2008)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)