Cải thiện môi trường ở trong các khu đô thị

Thứ sáu, 21/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Môi trường ở trong các đô thị được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó đáng kể là điều kiện tự nhiên, đặc điểm cấu trúc của khu đô thị với các loại công trình kiến trúc và hạ tầng khác nhau. Đồng thời, chất lượng môi trường của các khu đô thị còn phụ thuộc vào vị trí của chúng trong đô thị; trong trung tâm lịch sử hay ở ngoại vi thành phố,… Bài báo đề cập đến một số vấn đề cải thiện không gian môi trường ở trong đô thị; cụ thể theo ba khu tiêu biểu như: khu phố trung tâm lịch sử; khu chung cư cũ và khu phố do dân tự xây.

1. Môi trường ở tại các khu phố trung tâm lịch sử có mật độ xây dựng cao

Không gian khu phố hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau về thời gian và khác nhau cả về nguồn gốc, có mật độ xây dựng cao, nhưng vẫn có sự hài hoà nhất định trong tổng thể. Cùng với chức năng hoạt động, gắn liền với nhu cầu của người dân mang đậm nét văn hoá địa phương tạo nên những giá trị truyền thống.

Về phương diện chức năng, sự hỗn hợp trong sử dụng công trình là phổ biến. Chức năng không để ở (thương mại, dịch vụ) chiếm hàng đầu, còn chức năng ở là thứ hai. Nếu là trong một khu, thường thì phần công trình ở 4 mặt đường dành cho buôn bán hay làm dịch vụ tạo thành phố. Nét đặc trưng của môi trường ở đây là sự phát triển như mang tính tự nhiên, thậm chí dường như vô tổ chức cả về công trình xây dựng và giao thông. Bù lại trên thực tế cách tổ chức này đáp ứng cho cư dân các nhu cầu dịch vụ và khả năng tiếp cận dễ dàng ở mức chuẩn cao hơn mức trung bình của toàn thành phố, ngoại trừ nhà trẻ và trường học luôn thiếu diện tích, không đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành.

Các khu phố lịch sử ở trung tâm cần được cải tạo để có được một môi trường ở hiện đại và tối ưu hơn, đồng thời tăng sức hấp dẫn về nhiều mặt của các khu phố di sản này. Việc cải thiện môi trường ở của các khu phố trung tâm có giá tri lịch sử tập trung vào giải quyết các vấn đề quy hoạch cơ cấu chức năng, có chú ý chức năng mới, bảo tồn các di sản kiến trúc và cải tạo hệ thống hạ tầng và vệ sinh môi trường đô thị, đặc biệt đối với giao thông, cấp và thoát nước.

2. Môi trường ở tại các khu chung cư cũ

Đây là các tiểu khu nhà ở tập thể được xây dựng phổ biến từ những năm 60 của thế kỷ XX. Hình thức không gian kiến trúc đô thị đơn điệu, thiếu bản sắc trừ một số khu có cây xanh, mặt nước chiếm ưu thế. Trong các khu phố này, khả năng tiếp cận các cơ sở dịch vụ cao hơn hoặc bằng mức trung bình của thành phố. Dòng chuyển động của khách bộ hành và xe cộ có định hướng hơn, các chức năng buôn bán và dịch vụ thường được bố trí dọc theo các đường phố, các phần còn lại là chức năng ở, ngoài ra còn có các cơ quan hành chính cấp phường (có thể cả cấp quận, thậm chí cấp thành phố) được tổ chức không theo một hệ thống nhất định.

Nhược điểm chung của các khu phố này là: nhà ở và các công trình công cộng không đáp ứng nhu cầu của cư dân, chẳng hạn về vệ sinh, y tế, nghỉ ngơi giải trí… Hơn thế, chất lượng kỹ thuật của nhiều công trình nhà ở bị xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, các khu chung cư cũ này rất cần được cải tạo, cải thiện môi trường ở. Và vấn đề trở nên cấp bách tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Hiệu quả xã hội trong cải tạo khu chung cư cũ có thể thấy ngay sau một thời gian ngắn, mật độ xây dựng thấp và kiến trúc các ngôi nhà không nhiều giá trị như các di sản kiến trúc đô thị khác.

3. Môi trường ở tại các khu phố do dân tự xây

Đó là các khu nhà ở thấp tầng theo dạng chia lô hay biệt thự, thường ở vị trí xen kẽ với các khu công nghiệp và kho bãi. Qui mô của các khu dân cư này là rất khác nhau, không theo quy chuẩn cho phép, nên thiếu các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu, hình ảnh kiến trúc pha tạp, lộn xộn. Hơn nữa, do thiếu cây xanh, mặt nước nên chất lượng môi trường ở đây có nhiều hạn chế.

Cải thiện môi trường ở tại những khu dân cư này đòi hỏi tiến hành đồng bộ như một cuộc “đại phẫu thuật” bởi vì mật độ xây dựng quá cao và thiếu đồng bộ về hạ tầng. Mặt khác, để cải thiện điều kiện môi trường ở tại các khu do dân tự xây này cũng phải chú ý cải tạo hay di chuyển các xí nghiệp sản xuất hay kho bãi độc hại. Đây chính là cơ hội để có thể đưa các công trình phúc lợi công cộng vào để hoàn thiện cơ cấu chức năng và không gian của các khu phố đó.

4. Giải pháp cải thiện môi trường ở

Nói chung, một trong những nhiệm vụ chủ chốt của việc cải thiện môi trường ở của cả 3 loại hình khu phố như đã nói trên là phát huy vai trò tích cực của các diện tích đất trống nằm trong cấu trúc không gian của chúng. Điều quan trọng hơn là phải tạo thêm những không gian trống mới phục vụ cho các mục đích công cộng khác như trồng cây, tạo thêm các hệ thống dịch vụ cần thiết trong khu ở.

Để tạo ra những không gian trống mới trong điều kiện các khu phố có mật độ xây dựng cao như ở các khu trung tâm và các khu phố do dân tự xây dựng, thì tốt nhất là bằng cách phân vùng chức năng theo chiều cao. Cách phân vùng này có tính khả thi rất cao. Ví dụ như cải tạo những mái nhà hiện có với mục đích là trồng cây xanh để tăng cường khả năng sinh thái hoặc để làm các cơ sở dịch vụ văn hoá (không gian trống dành cho nghỉ ngơi, câu lạc bộ, cà phê - giải khát …). Cũng có thể xây dựng các cơ sở dịch vụ đời sống dưới các đường phố hay dưới các không gian trống (các loại cửa hàng, xưởng sửa chữa, các không gian kỹ thuật, kho tàng, ga ra…). Chính sách phân khu chức năng theo chiều cao trong các khu đô thị mở ra nhiều khả năng mới cho việc tổ chức các khu dân cư được tiện nghi hơn trong điều kiện sử dụng tiết kiệm đất và làm trong lành môi trường đô thị. Giải pháp này sẽ hỗ trợ cho việc sử dụng tích cực và hiệu quả hơn các không gian đô thị.

Một vấn đề không hoàn toàn mới trong việc cải thiện môi trường ở tại các khu đô thị, nhưng cho đến nay hầu như chưa được nghiên cứu kỹ, đó là vấn đề thẩm mỹ trong việc tổ chức các không gian trống.

Khi tạo hình các không gian trống (có sẵn, được tạo ra nhờ việc giảm bớt mật độ xây dựng hoặc phân vùng chức năng theo chiều cao) ở các khu trung tâm đô thị nên tìm giải pháp trong sử dụng các thành phần trang trí và màu sắc sao cho hài hoà với xung quanh. Đối với các khu do dân tự xây và các khu chung cư cũ, khi cải tạo kiến trúc sư không bị bó buộc bởi ranh giới cứng của cấu trúc đô thị giống như ở các khu trung tâm lịch sử, mà có sự tự do tương đối đủ để tổ chức môi trường ở với mức hiện đại và tối ưu hơn. Tuy nhiên, cảnh quan mới nên phát huy đặc điểm văn hoá và lịch sử của địa phương. Điều đó là cần thiết, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống - bản sắc văn hoá của đô thị. Mặt khác, cải thiện môi trường ở còn là việc đưa thêm vào các khu phố những chức năng và hoạt động mới, tạo nên nét đặc thù mới, chẳng hạn các hoạt động luyện tập thể thao, giải trí và sinh hoạt văn hoá mới…

Thực tế là, trong đô thị mỗi cộng đồng xã hội đô thị có thể tìm ở trong những khu phố của mình các kiểu không gian đáp ứng nhu cầu riêng. Đó là sức hấp dẫn của đô thị. Nhưng các khu phố trung tâm lịch sử của đô thị mới là khu vực có sức hút lớn nhất. Đó cũng chính là sức sống, thể hiện tính hiệu quả về mặt xã hội và kinh tế của trung tâm. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, các khu vực trung tâm lịch sử đang chịu sự “quá tải” về mọi phương diện, làm giảm đi chất lượng môi trường. Mặt khác, việc cải thiện môi trường ở không thể chỉ được thực hiện tại một khu phố riêng biệt nào đó, mà nên tiến hành đồng thời cả 3 khu vực đô thị tiêu biểu nêu trên. Cách giải quyết tổng thể này sẽ làm giảm đáng kể “áp lực” lên các khu trung tâm, ngoài ra còn tạo ra được mức tiện nghi đô thị đồng đều hơn ở các khu phố khác.

Tóm lại, việc cải thiện môi trường ở là khai thác mọi tiềm năng của những khoảng trống trong cấu trúc không gian của các khu dân cư. Để đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của cư dân thì ngoài việc cải thiện môi trường ở một cách đồng bộ còn phải xã hội hoá các chương trình cải thiện đó. Chỉ có như vậy thì chất lượng môi trường ở trong các khu đô thị của nước ta mới thực sự được nâng cao, là những địa điểm nghỉ ngơi, giải trí và giao tiếp có tổ chức của các cộng đồng dân cư đô thị.


(Nguồn: T/C Xây dựng, số 9/2008)
 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)