Thời của kiến trúc xanh và vật liệu thân thiện với môi trường

Thứ sáu, 21/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kiến trúc xanhTrên thế giới, kiến trúc xanh là một khái niệm không mới, nó chỉ một dạng kiến trúc gần gũi với thiên nhiên. Trong đó, tiết kiệm năng lượng và tận dụng vật liệu tự nhiên là những dấu hiệu đặc trưng của loại hình kiến trúc này. Kiến trúc xanh cũng nhạy cảm với tác động của công trình đối với môi trường trong nhiều năm sau khi công trình hoàn thành, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa kiến trúc và sinh thái học. Điểm nhấn của kiến trúc xanh là duy trì sự hài hoà với những tài nguyên và đặc điểm tự nhiên bao quanh khu vực xây dựng, đồng thời sử dụng những nguyên vật liệu có khả năng tự chống đỡ hoặc tái chế, đặc biệt là nguyên vật liệu từ những nguồn tài nguyên có thể khôi phục.

Hàng năm Viện Kiến trúc Hoa Kỳ khi bình chọn trao giải công trình xanh đều lấy các tiêu chí như: Công trình có sử dụng năng lượng hiệu quả không? Có tận dụng ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm nước không? Công trình có hoà nhập với cộng đồng chung quanh không? Tóm lại, công trình được xây có tác động thế nào đến môi trường tự nhiên và hội chung quanh ta? Ở nước ta, Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong nhiều năm qua, bằng nhiều hoạt động của mình đã kiên trì chủ trương vận động các sáng tác kiến trúc theo xu hướng kiến trúc bền vững dựa vào các tiêu chí: Kiến trúc đảm bảo tính sáng tạo dân tộc - hiện đại; Kiến trúc sử dụng hiệu quả năng lượng, thân thiện với môi trường; Kiến trúc sử dụng công nghệ, vật liệu mới, không nung, giảm tải trọng...

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tránh thái độ cực đoan trong cách hiểu về kiến trúc xanh, không phải cứ trồng nhiều cây vào công trình là có kiến trúc xanh vì đời sống hiện đại không phải lúc nào cũng như thế được. Không nên quan niệm "xanh" là hoàn toàn không dùng máy lạnh, mà nên hiểu là trong phương án thiết kế có sử dụng các giải pháp cách nhiệt tốt, che chắn nắng tốt... để máy lạnh hoạt động thấp mà hiệu quả cao. Xanh cũng không phải là không dùng kính (vì kính giúp đưa ánh sáng vào nhà giảm chi phí chiếu sáng) nhưng phải dùng kính hai lớp, phản quang, cách nhiệt, cách âm, chống bụi tốt. Ở những nơi có thể, người ta tận dụng tối đa thông thoáng tự nhiên, cải tạo vi khí hậu quanh nhà bằng cây xanh, hồ nước, thảm cỏ... Từ đó tiến dần đến ngôi nhà hoàn toàn dùng thông thoáng tự nhiên.

Vật liệu thân thiện môi trường      

Vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai và nhân rộng mô hình kiến trúc xanh ở ta là do ngành sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường còn ít phát triển và vật liệu thân thiện với môi trường thường có giá thành ban đầu khá cao. Nó đòi hỏi đầu tư lớn và công nghệ phức tạp để đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt: Ví dụ như kính 2 lớp để giảm bức xạ nhiệt, tổ chức và tận dụng sự lưu chuyển năng lượng trong ngôi nhà; sử dụng cảm ứng để điều chỉnh ánh sáng đèn thích hợp, làm tường 2 lớp để ổn định và cách nhiệt. Cuộc sống hiện đại ngày càng đòi hỏi những vật liệu mới, đáp ứng yêu cầu đa dạng của cuộc sống. Tại nhiều nước, hệ thống quy phạm và các thể chế pháp luật của họ đều tạo điều kiện khuyến khích tối đa cho lĩnh vực này có cơ hội tốt nhất để phát triển.

Hiện tại, chúng ta chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ vật liệu thân thiện với môi trường một cách bài bản, chưa khích lệ được tiêu dùng, đầu tư công nghệ chưa tương xứng dẫn đến năng suất thấp, chủng loại không phong phú. Kết quả đương nhiên là giá bán sẽ cao, người tiêu dùng không chấp nhận.

Những vướng mắc hiện nay

Khó khăn cản trở chính để có thể đột phá sản xuất cũng như khơi thông thị trường vật liệu thân thiện với môi trường ở ta, đó chính là chúng ta cần một tiềm lực lớn từ nhà sản xuất, cùng một hành lang pháp lý thuận lợi để khích lệ ngành sản xuất này phát triển. Mấy chục năm công tác trong ngành xây dựng, chúng tôi cũng như bao nhiêu người nhận thấy, hành lang pháp lý của chúng ta hiện nay chưa thuận lợi cho vật liệu thân thiện với môi trường xác lập chỗ đứng, nên một số ít các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này phải chấp nhận đi "đường vòng" để xâm nhập và thiết lập thị trường.

Các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại vật liệu này đã dẫn chứng cho thấy, đa phần chỉ các công trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài, các công trình tư nhân mới dùng sản phẩm của họ, thậm chí sẵn sàng thay thế vật liệu so với thiết kế ban đầu. Ngược lại, các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước rất khó để làm điều tương tự, vì phải phụ thuộc rất nhiều khâu, nhiều người và nếu được đưa vào sử dụng cũng sẽ rất khó khăn trong thanh toán, và để vận động được nhà thiết kế đưa sản phẩm vào tư vấn vật liệu cho dự án là rất khó, bởi không chỉ là thay đổi một thói quen, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm khác. Nó thể hiện ở tính bảo thủ trong nhận thức của người ra quyết định, tính trì trệ trong sáng tạo hướng về cái mới. Trong khi kiến thức nhiều nơi, nhiều nước đã tiến xa với việc áp dụng công nghệ và vật liệu mới, vượt trội thì kiến trúc nước nhà vẫn đang loay hoay với công cuộc gạch hoá và bê tông hoá.

Vậy nên, bản thân công trình vốn đã không được sự "hưởng ứng" từ phía các nhà đầu tư (vì suất đầu tư ban đầu khá cao) lại không được khuyến khích và quảng bá một cách thiết thực từ các nhà quản lý xây dựng, từ chính quyền đô thị nên trong thực tế, các công trình "kiến trúc xanh", "nhà ở thông minh", "công trình tiết kiệm năng lượng" sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường vẫn đang tồn tại lẻ tẻ dưới dạng một dự án đơn lẻ mà không có bất cứ sự "tuyên dương", giới thiệu hay quảng bá nào và được ít người biết đến để rút kinh nghiệm và học tập. Trong khi, ở các nước trên thế giới, họ mặc nhiên coi việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để xây dựng kiến trúc xanh là một điều bắt buộc. Các chế tài xử phạt cho việc ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng cũng rất chặt chẽ.

Hiện nay, chúng ta có Nghị định 102/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/2006/QĐ-CP về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Xây dựng cũng đã ra nhiều tiêu chuẩn như: "Nhà ở cao tầng - Hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", "Nhà văn phòng - Hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả". Tuy nhiên nhìn tổng thể chúng ta vẫn chưa có một chế tài cụ thể nào cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình kiến trúc xanh và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ.

Trong danh mục tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay, xem xét riêng các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng, chúng ta hiện có 31 tiêu chuẩn về xi măng và phụ gia của xi măng, 24 tiêu chuẩn về cát sỏi, 42 tiêu chuẩn về gạch ngói, 57 tiêu chuẩn về bê tông vữa, 23 tiêu chuẩn về gỗ và gỗ xẻ, 8 tiêu chuẩn về bột màu và vecni, 4 tiêu chuẩn về gốm sứ vệ sinh, 26 tiêu chuẩn về kim loại. Đồng thời có 25 TCXD về thuỷ tinh và kính trong xây dựng, 4 tiêu chuẩn về vật liệu lợp, 17 tiêu chuẩn về vật liệu chịu lửa. Các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng đã bao trùm lên hầu hết các loại chủng loại vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển ngành công nghiệp VLXD. Tuy nhiên, để quy hoạch và hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn về VLXD theo hướng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường thì hiện vẫn chưa được nghiên cứu và đặt ra đúng với vai trò của nó trong xây dựng.

Vì vậy, việc đề ra một hệ thống các tiêu chuẩn hướng dẫn quy định vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường là một điều cấp bách mà cả xã hội đang đòi hỏi để tạo lập một môi trường sống phát triển bền vững. để làm được điều này, chúng ta cần xây dựng một chương trình hay một chiến lược phát triển công nghiệp VLXD tiết kiệm năng lượng, bắt đầu từ những vật liệu xây dựng thông dụng như vật liệu bao che cách nhiệt, kính cửa sổ, kính sử dụng ở mặt đứng toà nhà đảm bảo khả năng điều tiết năng lượng mặt trời, cách nhiệt, cách âm, an toàn và thân thiện với môi trường. Chỉ khi chính sách được khai thông thì những ách tắc trong việc triển khai vật liệu thân thiện với môi trường mới được giải toả. Đây là vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững của quốc gia nên những quy chuẩn, tiêu chuẩn vật liệu mới càng được ban hành sớm chừng nào, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia càng lớn chừng đó.

Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm thích hợp để giới KTS Việt Nam phát huy tốt vai trò quan trọng của mình, là đội ngũ tiên phong trong công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà, đồng cảm, đồng hành cùng với các nhà sản xuất, chế tạo vật liệu mới trong việc vận động toàn xã hội hướng về một nền kiến trúc hiện đại, thân thiện với môi trường và mang đậm sắc thái Việt Nam. Tất cả sẽ tạo tiền đề cho kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng với các vật liệu an toàn, bền vững, nhẹ, lắp ghép, và ít ô nhiễm môi trường có điều kiện phát triển, đi vào cuộc sống, mang lại những lợi ích to lớn cho cả cộng đồng và toàn xã hội.

Cuối cùng, để phát triển ngành công nghiệp vật liệu thân thiện với môi trường, chúng ta cần một nỗ lực toàn diện để tạo sức lan toả sâu sắc không chỉ trong nhận thức của xã hội, giới đầu tư, của người tiêu dùng mà còn phải chính từ các nhà xây dựng chính sách. Trong thời gian tới, việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường sẽ được ngành xây dựng đưa ra luận bàn với những thông số phân tích cụ thể, các giải pháp vĩ mô cũng sẽ được bàn đến một cách thấu đáo, mở đường cho một giai đoạn mới của ngành công nghiệp VLXD, thời của kiến trúc xanh và vật liệu thân thiện với môi trường phát triển mạnh.


(Tham luận của KTS. Nguyễn Tấn Vạn-Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Hội thảo quốc tế "Sử dụng kính an toàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường", tháng 10/2008)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)