Sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị

Thứ sáu, 17/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Về lý thuyết, để nâng cao hiệu quả quy hoạch và quản lý môi trường đô thị, nhất là môi trường cư trú, cần thiết có sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là của cộng đồng dân cư. Nói rộng hơn, đó chính là phát huy vai trò của xã hội công dân, thực hiện quá trình xã hội hoá trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị. Thực tế ở nước ta vấn đề bắt đầu thu hút sự quan tâm nghiên cứu và triển khai. Đó là các công trình nghiên cứu của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Xã hội học và hiện tại có Hợp phần “Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo”, Dự án hợp tác giữa Bộ Xây dựng với DANIDA Đan Mạch.

Sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị là vấn đề lớn và phức tạp. Trong bài chỉ tập trung đề cập đến cách thức khai thác hiệu quả sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường đô thị trên cơ sở phát huy những giá trị tích cực của cách thức tổ chức cộng đồng xã hội trong lịch sử và học tập kinh nghiệm quốc tế để góp phần đảm bảo môi trường sống tốt trong đô thị Việt Nam hiện đại.

 1. Thực trạng tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị

Ở giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận sự tham gia có hiệu quả của khu vực tư nhân và cộng đồng trong phát triển đô thị, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở. Trái lại trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản có thể dễ dàng nhận thấy là vai trò của khu vực tư nhân và cộng đồng chưa được làm rõ trong chính sách và trong quá trình quy hoạch. Cụ thể hơn, chưa có các văn bản pháp lý đồng bộ hướng dẫn sự tham gia cụ thể trong hoạt động quy hoạch và quản lý môi trường đô thị. Gần đây, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng mới ở giai đoạn công bố quy hoạch hoặc giai đoạn chuẩn bị phê duyệt văn bản pháp quy. Trong khi hiệu quả hơn nếu sự tham gia ấy xuất hiện ngay trong quá trình lập và soạn thảo quy hoạch. Mặt khác khu vực tư nhân luôn thiếu thông tin để xác định cơ hội đầu tư. Hơn thế, mối quan tâm và nhu cầu của các nhà đầu tư tư nhân chưa được chính quyền và cơ quan lập quy hoạch chú trọng trong quá trình quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể đô thị.

 Về phía các nhà đầu tư tư nhân, thường chú trọng vấn đề hiệu quả kinh tế trước mắt hơn là lợi ích về môi trường lâu dài. Giữa nhà đầu tư tư nhân với cộng đồng thường phát sinh mâu thuẫn và xung đột lợi ích, trong khi chính quyền đia phương lại ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế để thu hút các nhà đầu tư tư nhân và dễ dàng bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường. Còn nguyên nhân khác sâu xa hơn, trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế là quán tính bao cấp trong nhận thức và hành động chưa theo kịp nhu cầu phát triển nhanh của thị trường. Tư tưởng ấy thể hiện cụ thể hơn trong cách thức phát triển đô thị chưa đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên tham gia và thiếu chuyên nghiệp giữa một bên chủ thể là Nhà nước với cách làm chính thống có phần duy ý chí, áp đặt với bên kia là khu vực tư nhân và cộng đồng với cách làm dân gian, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thực dụng và linh hoạt. Kết quả là đô thị phát triển lớn nhưng chưa có bộ mặt kiến trúc đô thị hoàn chỉnh.

 Rõ ràng cần khẳng định tầm quan trọng của khu vực tư nhân và cộng đồng trong quá trình quy hoạch và quản lý môi trường đô thị. Đồng thời xác định rõ mối quan hệ hợp tác khăng khít giữa chính quyền, nhà đầu tư có cả khu vực tư nhân và cộng đồng trong các bước của quá trình quy hoạch và quản lý môi trường đô thị vì mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

 2. Những lĩnh vực khuyến khích khu vực tư nhân và cộng đồng tham gia trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị 

 Đó là các lĩng vực: xử lý chất thải đô thị bao gồm các chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí thải ra từ sinh hoạt và sản xuất trong đô thị. Về nguyên tắc, để giải quyết phải đánh giá đúng nguyên nhân mới có biện pháp xử lý thích hợp, cụ thể: thu gom, phân loại, xử lý, tái chế để sử dụng.

Doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng có thể đầu tư để thực hiện một hay nhiều khâu của xử lý chất thải nêu trên. Đây chính là vấn đề xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường đô thị. Trên thực tế đã có nhiều hình thức triển khai có hiệu quả, dưới dạng doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã hay tổ vệ sinh môi trường.

Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong đô thị là những lĩnh vực đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nhưng khu vực tư nhân vẫn có nhiều cơ hội đầu tư được khuyến khích như: Đầu tư cấp nước sạch, cấp điện, giao thông, xây dựng cảng… đầu tư công trình văn hoá, trường học, sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu…

3. Vai trò của xã hội dân sự trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị 

Đô thị, hiểu theo nghĩa rộng là không gian xã hội, văn hoá và kinh tế, có vai trò động lực của văn minh. Còn quy hoạch và quản lý môi trường đô thị chính là thao tác nhằm tạo lập và phát triển một đô thị, một môi trường sống tốt hiện đại và có bản sắc. Về bản sắc đô thị, chắc chắn có nguồn gốc từ văn hoá. Ở nước ta, đó là văn hoá làng, ở đó tính tự quản hay tự trị làng xã là một đặc điểm của sự tham gia cộng đồng và là thành quả vận hành của thiết chế xã hội dân sự Việt Nam rất cần được khai thác.

Khái niệm xã hội dân sự, theo cách nhìn nhận của nhiều người, là không gian hoạt động công cộng giữa Nhà nước và công dân, nơi thực hiện các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng và của quốc gia. Xã hội dân sự đòi hỏi các hình thức quản trị, điều hành phối hợp giữa các thành phần trong xã hội thông qua quá trình đối thoại dân chủ, không đơn thuần là mệnh lênh từ trên xuống.

Ở Việt Nam, thực chất xã hội công dân đã từng tồn tại trong lịch sử với vai trò của các tổ chức cộng đồng cơ sở như phường, hội, giáp trong làng xã. Và “Hương ước”, văn bản pháp quy điều chỉnh sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và quản trị làng xã, phường, phố - một hình thức tự quản cần thiết. Pháp lệnh số 34/2007 của Đảng về thực hiện quy chế dân chủ tại xã, phường, thị trấn một dạng hương ước mới cùng với Quyết định số 80/2005 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xây dựng, quy định trách nhiệm của cộng đồng trong giám sát đầu tư thông qua Ban Giám sát của cộng đồng do Mặt trận tổ quốc chỉ đạo là những văn bản pháp quy cơ bản cho phép phát huy hiệu quả tham gia của cộng đồng trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị.

Như vậy, trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị hiện nay cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức cộng đồng cơ sở. Đó là các tổ chức đoàn thể chính thức và không chính thức, của cộng đồng  và người dân địa phương. Thực tế tại một số khu dân cư, ví dụ phường Thanh Xuân Bắc, xã Tân Triều Hà Nội hay ở Bắc Giang,… cho thấy: Những hoạt động của các tổ chức cộng đồng cơ sở này đã có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện kinh tế gia đình và cộng đồng, cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và người dân cũng như cải thiện chất lượng môi trường sống nơi cư trú.

Mặt khác, về hợp tác quốc tế và huy động sự giúp đỡ quốc tế trong xây dựng và phát triển đô thị, ngoài phương thức hợp tác quốc tế chính thống giữa Nhà nước - Nhà nước quen thuộc, thường thông qua các tổ chức chính thức tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Mặt trận tổ quốc, Hiệp hội, đoàn thể, còn có các tổ chức cộng đồng cơ sở khác hình thành và hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản. Các tổ chức này thuộc dạng tổ chức phi chính phủ. Và chính các tổ chức này tạo điều kiện tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ tương ứng của các nước khác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong hợp tác đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế trong xu thế hội nhập.

4. Sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị với ví dụ ở làng Triều Khúc, Hà Nội

Như đã trình bày ở trên, lợi ích là rất lớn, nhưng sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quy hoạch và quản lý môi trường đô thị ở nước ta còn nhiềuhạn chế. Do đó vấn đề hàng đầu là nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các chiến lược hành động, các chương trình truyền thông, tập huấn… đồng thời khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia trực tiếp của người dân và các tổ chức cộng đồng cơ sở trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị.

Rõ ràng khi được thông tin, kiến thức và hiểu biết của cộng đồng về chính môi trường mình cư trú được nâng cao thì sự tham gia sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Những lợi ích cụ thể của sự tham gia cộng đồng trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị là: Được cung cấp kiến thức về mục tiêu phát triển môi trường nơi cư trú; Biết được các ưu tiên trong quy hoạch xây dựng phù hợp với lợi ích của cộng đồng, hạn chế những xung đột lợi ích hay những mâu thuẫn tiềm tàng trong triển khai; Tăng cường tính minh bạch trong quá trình ra quyết định và giám sát trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị, làm cho các dự án đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực của các tầng lớp cư dân và hài hoà nhiều nhóm lợi ích khác nhau trong cộng đồng.

Triều Khúc là một làng nghề ngoại ô Hà Nội điển hình đang trong quá trình đô thị hoá mạnh. Đối mặt với những thách thức của kinh tế thị trường nhưng Triều Khúc vẫn phát huy được sự tham gia hiệu quả của các tổ chức cộng đồng cơ sở theo mô hình tự quản, nhất là phụ nữ trong quản lý môi trường đô thị.

Triều Khúc có tổng diện tích là 180 héc-ta và dân số khoảng 8.000 người với 1600 hộ, trong đó khoảng 1050 họ làm nghề thủ công dệt và tái chế chất thải nhựa, các - tông, đồng, thuỷ tinh và lông vịt. Môi trường sống bị ô nhiễm nặng do bãi rác lộ thiên và các hoạt động tái chế chất thải.

Hội Phụ nữ trong số các tổ chức cộng đồng cơ sở ở Triều Khúc hoạt động có hiệu quả nhất, trong đó có lĩnh vực quản lý môi trường thông qua các Tổ dịch vụ môi trường thành lập năm 1996. Nhiệm vụ là thu gom, vận chuyển rác đến nơi quy định để xí nghiệp vệ sinh môi trường của huyện xử lý, đồng thời quét đường sá, dọn ao, khơi cống rãnh,…

Hội Phụ nữ còn tham gia các chương trình môi trường từ cấp quốc gia, thành phố và huyện. Hội thường tổ chức các cuộc họp tuyên truyền về môi trường. Ngoài ra còn có các hội đoàn thể khác Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường.

Điều quan trọng là để thống nhất hoạt động, các hội lập văn bản pháp quy như quy chế dân chủ, quy ước về bảo vệ môi trường. Các hội còn lập các câu lạc bộ, các xưởng để hoạt động. Những hoạt động của các tổ chức cộng đồng cơ sở này đã có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, và cải thiện môi trường sống.

Tóm lại, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng cơ sở ở Triều Khúc đã phát huy được truyền thống và đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản về dịch vụ, xã hội, môi trường ở địa phương. Hơn nữa, các tổ chức này còn có vai trò trung gian, là cầu nối cải thiện quan hệ giữa chính quyền địa phương và người dân. Đây là hoạt động rất đáng khích lệ có thể nhân rộng ở các địa phương khác.

Tuy nhiên trong quy hoạch và quản lý môi trường đô thị, hạn chế chủ yếu ở năng lực quản lý, còn lệ thuộc vào chính quyền, thiếu kinh phí hoạt động, kỹ thuật và pháp luật. Cuối cùng là cần chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về những vấn đề đặt ra của môi trường và vai trò của họ trong việc bảo vệ chính môi trường của mình. Và về phía chính quyền, cần tạo ra môi trường thuận lợi, khuyến khích cộng đồng tự chủ để sự tham gia của họ hiệu quả hơn.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.16708.1699' />
Sơ đồ hệ thống tổ chức bộ máy chính trị xã hội xã Tân Triều - Hệ thống tổ chức điển hình hiện nay ở đơn vị hành chính cơ sở xã, phường.




Nguồn: TC Xây dựng, số 8/2008 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)