Ngành công nghiệp tấm lợp fibrô - ximăng thâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1966 - 1968 với 2 nhà máy Tấm lợp Biên Hoà tỉnh Đồng Nai và nhà máy Tấm lợp Thủ Đức - Tp. Hồ Chí Minh. Dây chuyền sản xuất của 2 nhà máy là của Pháp - Ý, sợi amiăng nhập từ các nước châu Âu. Tổng công suất của 2 nhà máy là 6 triệu m2/năm.
Đến nay trên lãnh thổ Việt Nam đã có 41 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng ximăng với công suất thiết kế đạt trên 100 triệu m2/năm.
I. Sản xuất tấm lợp lợp A - C và vấn đề môi trường
Các nguyên liệu chính để sản xuất tấm lợp fibrô - ximăng là sợi amiăng, xi măng với tỷ lệ 1:10 và một vài phụ gia như bột giấy, sợi thuỷ tinh.
Amiăng là một loại khoáng vật hydrosilicate ở dạng sợi không có phát xạ Radon, quá trình khai thác và chế biến sợi A - C không toả nhiệt bốc hơi làm ô nhiễm môi trường như những sợi tổng hợp khác có nhiều đặc tính vượt trội như cách điện, cách nhiệt, chống ma sát,… được sử dụng nhiều trong công nghiệp composit amiăng - ximăng, chiếm 90% sản lượng amiăng toàn thế giới.
Đã là sợi thì dù tự nhiên hay nhân tạo, vô cơ hay hữu cơ đều tiềm ẩn rủi ro, cần có biện pháp đề phòng.
Các nhà máy sản xuất tấm lợp A - C Việt Nam đều áp dụng công nghệ ướt của Haasheck - chuyên gia người Áo đề ra năm 1950, rất ít phát tán bụi.
Hơn bất kỳ loại sợi nào khác, sợi amiăng có diện tích phủ rộng 160m2/1gAC, dai, chịu lực, độ trương nở lớn và đồng tương thích với xi măng kiềm tính nên khi được khuấy trộn với xi măng trong nước, sợi amiăng sẽ bám dính các hạt xi măng tạo ra huyền phự rất tốt, thuận lợi cho quá trình xeo thành tấm. Sau 28 ngày dưỡng hộ tấm A - C hoàn toàn đông cứng đạt cường độ tối đa có thể cung cấp cho người tiêu dùng.
Theo Công ước 162 tháng 6 năm 1986 của Tổ chức Lao động Thế giới ILO, Chính phủ Việt Nam chỉ cho phép sử dụng amiăng chrysotile AC amiăng trắng thuộc nhóm Secpentile, có kiểm soát và nghiêm cấm việc nhập khẩu sử dụng amiăng nhóm amphibol amiăng xanh, nâu theo Thông tư liên tịch số 1529 ngày 17/10/1998 của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường và đặc biệt là Quyết định 133/2004/TTg của Chính phủ.
Thực hiện sự chỉ đạo đó, ngành Tấm lợp không ngừng đầu tư mới thiết bị và công nghệ xử lý môi trường theo hướng hạn chế chất thải và tái sử dụng triệt để chất thải để làm tấm lợp gạch block…
Dưới đây là kết quả xử lý quá trình các dạng chất thải trong vài năm qua:
Xử lý môi trường
1. Bụi
Bụi là đối tượng nguy hiểm nhất gây ra các bệnh bụi phổi trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Bụi AC chủ yếu phát sinh trong giai đoạn nghiền AC và trộn phối liệu. Các giải pháp sau đã làm để hạn chế bụi.
Các giải pháp đã làm
TT
|
Các giải pháp đã làm
|
Số đơn vị
|
Tỷ lệ
|
1
|
Làm ẩm AC trước khi vận chuyển và mở bao
|
41/41
|
100
|
2
|
Nghiền AC và trộn phối liệu ở dạng kín, có nắp đậy
|
28/41
|
68
|
3
|
Lọc bụi bằng máy Cyclon và lọc bụi tay áo ở nơi nghiền
|
15/41
|
36
|
4
|
Dùng máy tự động xé bao AC
|
3/41
|
7
|
5
|
Nạp xi măng rời từ Silô bằng vít tải kín
|
16/41
|
36
|
6
|
Phun sương khu vực sản xuất
|
38/41
|
92
|
7
|
Trồng cây xanh trong khu vực nhà máy
|
38/41
|
92
|
Ngoài ra, Hiệp hội đã kết hợp với Viện Máy - Bộ Công nghiệp chế tạo gần 20 máy tạo sóng bằng hút chân không, theo mô hình của Pháp - Ý đang được dùng ở Công ty Đồng Nai và Nam Việt nhưng có cải tiến, làm giảm 50% nhân công và hạn chế tối đa sự tiếp xúc của người lao động đối với ximăng và amiăng trong công đoạn này.
Nhờ đó mà kết quả đo kiểm tra gần đây, nồng độ bụi trong các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrô - ximăng là 0,5 - 1 sợi/cm3 không khí, đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước và Nghị định 172 của ILO và thấp hơn một số nước trong khu vực.
2. Chất thải rắn
Chủ yếu là ba-via và từ bể lắng lọc chất thải ướt, mảnh vỡ và chất lắng đọng khi vệ sinh máy chất thải khô, chất thải rắn thường chiếm 1 - 2% nguyên liệu đầu và khoảng 6000tấn/năm.
Các giải pháp đã làm
TT
|
Các giải pháp đã thực hiện
|
Số đơn vị
|
Tỷ lệ%
|
1
|
Thu gom chất thải ướt để tái sản xuất tấm lợp
|
41/41
|
100
|
2
|
Nghiền chất thải khô để làm gạch block thay chất độn clinker ximăng
|
23/41
|
58
|
3
|
Chôn lấp
|
10/41
|
24
|
Vừa qua Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam kết hợp với Viện Thổ nhưỡng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nghiên cứu sử dụng chất thải rắn làm chất cải tạo đất ở Thái Bình. Ban đầu đã có kết quả tốt. Theo kết luận của Viện Thổ nhưỡng - Nông hoá - Bộ NN&PTNT thì chất thải rắn từ sản xuất tấm lợp AC cho lúa có tác dụng làm ổn định số bông hữu hiệu trên một khóm của cây lúa, làm tăng số hạt chắc trên bông. Đối với khoai lang thì làm giảm khối lượng dây khoai và làm tăng khối lượng củ. Đặc biệt sử dụng chất thải rắn của sản xuất tấm lợp không làm giảm chất lượng nông sản, không làm thoái hoá đồng ruộng trái lại còn có tác dụng khử chua rất tốt và trong chất thải có nhiều CaO. Ngoài ra, chất thải này cũng có khả năng giữ nước, ngăn sức nóng mặt trời làm cho gốc cây trồng luôn ẩm, dễ phát triển.
3. Nước thải
Chủ yếu từ vệ sinh máy và dưỡng hộ sản phẩm.
Các giải pháp đã thực hiện để hạ thấp pH và chất lơ lửng để tái sử dụng
TT
|
Các giải pháp đã thực hiện
|
Số đơn vị
|
Tỷ lệ%
|
1
|
Làm hệ thống bể lọc để tái sử dụng
|
36/41
|
86
|
2
|
Sục khí CO2 vào bể chứa nước thải hoặc dùng H2SO4 để hạ pH xuống <9
|
32/41
|
76
|
Nhìn chung, lượng nước thải rất ít và nên được tái sử dụng trong quá trình sản xuất.
Theo qui định, hàng năm các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrô-ximăng đều có mời Cơ quan Quản lý Môi trường về đo kiểm tra môi trường và lập biên bản nộp cho các cơ quan chuyên môn để theo dõi. Hầu hết các thông số như tiếng ồn, mật độ bụi, nồng độ pH của các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
Trong năm 2002, Trung tâm Y tế Bộ Xây dựng cùng với Cục Bảo vệ Môi trường đã tổ chức chụp phim cho công nhân trực tiếp sản xuất trong các nhà máy sản xuất tấm lợp A-C với quy mô lớn.
Trong số 657 người lấy từ 9 nhà máy có thời gian hoạt động từ 30 - 40 năm. Có người làm ở bộ phận dễ nhiễm bệnh bụi phổi trên 15 năm và cũng có những người đã nghỉ hưu, sau khi dời nhà máy được 5 - 10 năm.
Một Hội đồng đọc phim gồm các giáo sư, tiến sĩ y khoa rất có uy tín tiến hành đọc toàn bộ các phim đã chụp. Hội đồng có đọc phim, xem xét hồ sơ của 657 công nhân và kết luận như sau:
- Số phim đạt tiêu chuẩn kỹ thuật: 609 phim - Tỷ lệ 93%
- Số bụi phổi amiăng: 04 Trong đó thể 1/1t 1 trường hợp; thể 1/0s 3 trường hợp
Có 1 trường hợp nghi ngờ cần chụp lại phim. Đầu năm nay, Bệnh viện Bộ Xây dựng đã tổ chức chụp phim, kiểm tra sức khoẻ của hơn 400 công nhân tại các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrô - xi măng trong cả nước nhưng cũng không phát hiện ca bụi phổi nào có liên quan rõ ràng đến amiăng.
II. Phương hướng trong năm tới
Việt Nam là một nước nhiệt đới, năm nào cũng chịu nhiều cơ bão lũ làm sập nhà, tốc mái hàng vạn nóc nhà, đẩy hàng triệu người không có chỗ ở. Các vật liệu truyền thống như tranh, tre, nứa, lá hầu như đã cạn kiệt. Nếu tiếp tục khai thác thì càng phá vỡ cân bằng sinh thái, tác hại thiên tai càng thêm khủng khiếp. Vì vậy, việc chuyển đổi tấm lợp hữu cơ sang tấm lợp vô cơ là hướng đi vô cùng đúng đắn. Nhưng các loại tấm lợp kim loại, tấm lợp xi măng - sợi tổng hợp thì quá đắt so với thu nhập của người nghèo. Vì vậy, phương hướng trong các năm tới ngành Tấm lợp Fibrrô-xi măng là:
1. Tiếp tục sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng
Hiện nay, Nhà nước đang cho phép tiếp tục sử dụng amiăng chrysotile để làm tấm lợp fibrô - xi măng và nhu cầu của nhân dân đối với loại tấm lợp này vẫn còn rất lớn, hàng năm là 1m2/người, nhất là người nghèo, người vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị bão lụt. Vì vậy, ngành Tấm lợp không có lý do gì để ngừng sản xuất loại tấm lợp fibrô-xi măng.
2. Tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất và xử lý môi trường
Ngành Tấm lợp Việt Nam luôn khuyến khích các thành viên không ngừng đầu tư để hoàn thiện công nghệ xử lý môi trường theo tinh thần Quyết định 133/TTg ngày 20-7-2008 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Đẩy mạnh việc đa dạng hoá sản phẩm
Hiện nay, ngành Tấm lợp Việt Nam chỉ có 2 sản phẩm chính là tấm lợp sóng lớn và tấm phẳng, không màu. Nguyên nhân là do sở thích và khả năng của người tiêu dùng. Sắp đến ngành Tấm lợp Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất và quảng bá các loại sản phẩm khác có độ thẩm mỹ cao hơn, đa chức năng hơn để mở rộng phạm vi sử dụng loại composit xi măng - sợi nhằm phát triển ngành công nghiệp này có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.
4. Khuyến khích đa dạng hoá nguyên liệu đầu vào
Hiện nay loại tấm lợp không Amiăng của Việt Nam đã có khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên rất khiêm tốn, nhưng đó là một tín hiệu đáng khích lệ. Hiệp hội chủ trương khuyến khích các nhà máy hoàn thiện công nghệ sản xuất các loại composit xi măng - sợi không có amiăng để đa dạng hoá sản phẩm tham gia vào thị trường chung của thế giới. Tại Thái Lan Chính phủ không cấm AC. Nhưng nếu người tiêu dùng không mua thì Hiệp hội Tấm lợp Thái Lan sẽ không sản xuất tấm AC nữa. Việt Nam hiện nay có 4 - 5 nhà máy, hàng năm có thể sản xuất 20 - 30 triệu m2 tấm lợp không amiăng, đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng lượng tiêu thụ chưa đến 1 triệu m2/năm.
Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm của Nhật Bản là nghiên cứu giảm dần tỷ lệ AC trong sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, không dễ vỡ, không ngấm nước và giá thành người nghèo có thể chấp nhận được.
5. Thành lập các Tập đoàn
Hiện nay, ngành Tấm lợp Việt Nam có 41 cơ sở sản xuất tấm lợp phân bố trên cả nước. Phần lớn là những cơ sở làm ăn bài bản, công nghệ ngày càng đổi mới, chất lượng ngày càng nâng cao, môi trường không ngừng được xử lý tốt, có thương hiệu, được các cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên cũng còn những cơ sở vốn đầu tư thấp, sản xuất ít, chất lượng sản phẩm và môi trường không được kiểm soát, giá bán tuỳ tiện làm rối loạn thị trường tấm lợp.
Để khắc phục tình trạng yếu kém nêu trên, phương hướng thành lập các Tập đoàn sản xuất và tiêu thụ tấm lợp và các sản phẩm composit xi măng - sợi là hướng đi cần thiết. Trên thực tế cũng đã hình thành những nhóm nhà máy mang dáng dấp của những Tập đoàn như Hạ Long, Đông Anh và đã mang lại những hiệu quả khả quan về chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường.
6. Mở rộng quan hệ Quốc tế
Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam Vietnam Roof Sheet Association là thành viên chính thức của Hiệp hội Chrysotile Thế giới ICA International Chrysotile Association từ năm 2002. Năm 1976, khi mới thành lập Tổ chức này có 34 thành viên. Nhưng từ năm 2000, sau khi EU có Quyết định 1999/77/EC ngày 26 - 7 - 1999, cấm sử dụng amiăng, nhiều nước trong Liên minh Châu Âu buộc phải rút ra. ICA hiện có 23 thành viên thuộc 23 quốc gia. Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam thường xuyên nhận được những thông tin kịp thời và bổ ích về khoa học, kinh tế, xã hội có liên quan đến Amiăng Chrysotile trên thế giới, đồng thời cũng thường xuyên cập nhật những thông tin từ các Tổ chức Thế giới như WHO, ILO, PIC và IBAS Văn phòng quốc tế về cấm amiăng.
Thông qua trang Web của mình và thông qua các cơ quan ngoại thương Việt Nam, ngành Tấm lợp sẽ mở rộng giao lưu với bên ngoài để trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, khách hàng.
7. Kiến nghị
Hiện nay, nhận thức của thế giới về amiăng nói chung và amiăng Chrysotile nói riêng vẫn còn nhiều khác biệt. Để có được sự thống nhất, đòi hỏi nhiều thời gian. Nhiều nhà khoa học của hai phía vẫn đang còn tiếp tục những công trình nghiên cứu để tìm ra những chứng cứ có sức thuyết phục cao. Trong khi đó nhu cầu tấm lợp của cả thế giới trong đó có Việt Nam đang còn lớn. Không thể chờ đợi được, gần 100 quốc gia, chiếm một nửa dân số thế giới vẫn tiếp tục sử dụng amiăng và các sản phẩm chứa amiăng.
Vì vậy Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đề nghị:
Trong nước
a/ Đối với Chính phủ:
- Đề nghị Chính phủ cần có định hướng tương đối lâu dài, ít nhất là 20 năm để ngành Tấm lợp có thể yên tâm đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá nguyên liệu đầu vào ngang tầm với Thái Lan để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, đồng thời xử lý triệt để môi trường, làm cho bộ mặt của ngành Tấm lợp fibrô - ximăng Việt Nam sáng sủa, văn minh hơn. Nếu không được phát triển ổn định lâu dài thì không có nhà kinh doanh nào dám đầu tư.
- Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hỗ trợ vốn, giảm thuế VAT để ngành Tấm lợp Việt Nam phục vụ tốt hơn cho người nghèo.
b/ Đối với các tổ chức chính trị xã hội và truyền thông báo chí
- Đề nghị các cơ quan, tổ chức này cần quán triệt và ủng hộ chủ trương đúng đắn của Chính phủ, cho phép tiếp tục xử dụng AC để làm tấm lợp phục vụ trước hết cho người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa, vùng thường xuyên bị bão lụt. Hiệp hội rất hoan nghênh và kịp thời khắc phục những phát hiện của báo chí cũng như các tổ chức chính trị - xã hội về những cơ sở không làm tốt các công tác môi trường với tinh thần xây dựng. Việt Nam là nước không có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về dịch tễ học đối với sợi AC và thực tế, nước ta cũng chưa phát hiện nạn nhân nào tử vong vì sợi amiăng. Vì vậy, đề nghị tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, không nên đưa ra những ý kiến hay quan điểm chỉ dựa vào những thông tin từ một phía của nước ngoài, không phù hợp với chủ trương của Chính phủ ta thể hiện trong Quyết định 133/TTg ngày 20 - 07 - 2004 mà nhiều nước trên thế giới đều đã biết.
Đối với các tổ chức thế giới
Các nước giàu ở châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thì đã sử dụng amiăng các loại từ cuối thế kỷ 19. Trong vòng 50 năm 1950 - 2000 15 nước châu Âu đã sử dụng 22 triệu tấn amiăng các loại, tính bình quân đầu người trong năm là 0,88kg, gấp 3 lần bình quân đầu người thế giới. Nhật Bản từ năm 1970 đến 1990 năm nào cũng nhập xấp xỉ 300000 tấn amiăng các loại, đạt 4 kg/người gấp 15 lần bình quân thế giới.
Thời đó không cấm sử dụng amiăng amphibol và cũng không có nước nào quy định số sợi có trong 1cm3 không khí nơi sản xuất. Trong khi đó các nước này lại sử dụng rộng rãi công nghệ phun vào các công trình như: trường học, bệnh viện, văn phòng, khách sạn, hội trường, thư viện, nhà hát…, dùng làm vật cách âm, bê tông cốt thép trong các nhà máy và vật liệu chịu lửa cốt thép chữ S.
Công nghệ phun đã gây ra hệ luỵ lâu dài và rất khó khắc phục. Vì vậy các nạn nhân amiăng được phát hiện trong những năm gần đây có thể do tác động của nhiều yếu tố. Nhưng do những yếu tố nào thì chưa được công bố? Do khai thác, chế biến hay do kỹ thuật phun; điều đặc biệt lưu ý là do loại amiăng nào gây ra, amphibol hay Chrysotile.
Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định rằng AC gây bệnh cho những người sống dưới các mái nhà lợp bằng tấm amiăng xi măng. Thực tế ở miền Nam Việt Nam có nhiều gia đình đã sống trong những mái nhà lợp fibrô - ximăng từ thời Pháp đến nay đã 50 năm nhưng vẫn không ai bị bệnh do amiăng gây ra.
Các luận điểm cho rằng không có ngưỡng an toàn cho amiăng hay amiăng nào cũng độc như nhau rõ ràng là không phù hợp với Công ước 162 và Nghị định 172 của ILO và cũng không phản ánh đúng thực tế hành tinh của chúng ta vì đá gốc tạo ra amiăng là loại đá bazic và siêu bazic phân bố rộng khắp bề mặt vỏ trái đất. Rất nhiều nước đã có mỏ amiăng, riêng Việt Nam đã phát hiện 17 điểm quặng loại này.
Mặt khác các thí nghiệm gần đây của các nhà khoa học Thuỵ Sỹ, Mỹ, Đức về độ trơ của các loại sợi đã xác nhận rằng chu kỳ bán tiêu huỷ của sợi Amiăng Chrysotile là 15 ngày trong khi sợi Amiăng Amphibol là 466 ngày gấp 30 lần AC, có nghĩa là khả năng gây bệnh của nó gấp 30 lần AC.
Còn EPA thì đưa ra phương pháp “tích hợp hệ thống thông tin rủi ro” viết tắt là IRIS Integrated Risk information system là phương pháp được EPA áp dụng khi đánh giá độ độc hại của các loại thuốc trừ sâu theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thì xác định rằng amphibol có độ rủi ro gấp trăm lần AC.
Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á, châu Phi khác còn rất nghèo lại nằm ở vùng nhiệt đới khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thường xuyên bão lụt. Có một mái nhà để ổn định cuộc sống là mơ ước của hàng triệu con người. Nhưng giải quyết bằng cách truyền thống là chặt cây, phá rừng làm chất lợp, huỷ hoại môi trường thì hậu quả của thiên tai sẽ vô cùng khủng khiếp. Vì vậy, việc tìm kiếm một loại tấm lợp rẻ tiền, bền và dễ sử dụng khư tấm lợp fibrô - ximăng là một thành tựu to lớn của loài người.
Ngành Tấm lợp Việt Nam đến nay đã tròn 40 năm, sản xuất hàng tỷ m2 tấm lợp từ sợi AC, cung cấp cho hàng triệu người tiêu dùng nhưng vẫn chưa phát hiện một ca tử vong nào có nguyên nhân từ sợi amiăng. Ngay cả hiện tượng phơi nhiễm amiăng rất hiếm. Sau cả 2 lần kiểm tra với quy mô lớn, số lượng người phơi nhiễm cũng chỉ chiếm 0,006% trong tổng số 10000 người tham gia sản xuất.
Nếu chuyển sang sản xuất với các sợi tổng hợp thì giá thành sẽ tăng hơn 40%, người nghèo khó có khả năng sử dụng. Hơn nữa nếu Việt Nam cấm mà các nước láng giềng không cấm thì AC và các sản phẩm có chứa AC của các nước láng giềng có thể bị nhập lậu vào Việt Nam rất khó kiểm soát.
c/ Vì vậy kiến nghị
- Nên xem xét khâu nào có nguy cơ rủi ro cao thì tập trung giải quyết khâu đó, cách ly con người ra khỏi môi trường đó, không nên cấm AC.
- Giải quyết vấn đề amiăng cần tính đến cả 2 mặt y tế và xã hội, giữa cuộc sống an toàn của con người và gia đình họ trước mắt với các bệnh tật có thể xảy ra trong vài chục năm sau. Chính vì vậy mà nhiều mối rủi ro lớn hơn AC như khói thuốc, benzen hay những chất đứng trên AC trong bảng Danh mục các hoá chất độc của IPCS hay các chất gây ung thư của IARC vẫn chưa được đề cập một cách quyết liệt. Trong khi đó, trong bảng Danh mục các chất độc hại, cấm buôn bán và vận chuyển bằng đường biển của PIC Công ước Rottterdam cho đến năm 2007 vẫn không có AC mà chỉ có 5 loại của Amphibol Crocidolite, Actinolite, Anthophyllite, Amosite, Tremolite.
- Muốn giải quyết vấn đề AC có hiệu quả cần một giải pháp đồng bộ và có sự hỗ trợ nhiều mặt về tài chính, kỹ thuật, thị trường, việc làm của những quốc gia giàu có đã từng sử dụng một khối lượng lớn amiăng trong quá khứ.
Nguồn:Báo cáo của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam tại Hội nghị khoa học "Amiăng trong sản xuất - Giải pháp an toàn và sức khoẻ", tháng 8/2008