Để quản lý dự án đúng pháp luật và hiệu quả

Thứ sáu, 19/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ sau khi Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành cho đến thời điểm hiện tại, một hệ thống văn bản dưới Luật đã được ban hành bao gồm các Nghị định của Chính phủ 16CP, 112CP, 209CP, 49CP, 99CP, 58CP và các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành liên quan được ban hành hoặc công bố mang tính tham khảo áp dụng trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên để đảm bảo quản lý dự án đúng pháp luật và hiệu quả cần được tiếp tục làm rõ một số nội dung mang tính nguyên tắc và những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung.

I. Những vấn đề mang tính nguyên tắc cần được tiếp tục làm rõ

1. Việc phân loại dự án theo quy mô và tính chất

Bao gồm: Các dự án quan trọng quốc gia – dự án nhóm A – B và C trước hết là nhằm phục vụ cho việc phân cấp quản lý các dự án, đồng thời được phân định theo hai loại nguồn vốn.

- Vốn NSNN trách nhiệm trực tiếp phê duyệt thuộc về các cấp quản lý nhà nước Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp.

- Vốn của các doanh nghiệp bao gồm vốn tín dụng có bảo lãnh, vốn tự có hoặc vốn vay thương mại của các doanh nghiệp trách nhiệm trực tiếp thuộc về Chủ tịch HĐQT các Tổng công ty, tập đoàn hoặc Giám đốc các công ty độc lập.

1.1. Về thẩm định  - thẩm tra dự án

Việc phê duyệt bất kỳ dự án loại nguồn vốn nào cũng phải được thực hiện việc “thẩm tra" và “thẩm định”, cần làm rõ việc thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở TKCS của dự án là thẩm định mang tính quản lý nhà nước về sự đảm bảo quy hoạch và kết nối liên quan: điện, nước, giao thông, về đảm bảo an toàn công trình liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ việc thẩm định này không thuộc công việc của các tổ chức tư vấn như một số địa phương đang thực hiện. Việc thẩm tra dự án chỉ được thực hiện sau khi có kết quả của thẩm định TKCS. Việc thẩm tra dự án đòi hỏi tính chuyên nghiệp của các tổ chức tư vấn như đánh giá sự cần thiết của dự án, việc điều tra nghiên cứu nhu cầu xã hội hoặc thị trường, phân tích đánh giá các phương án tài chính của dự án cũng như kiểm tra xác định quy mô vốn đầu tư. Những nội dung này cần sử dụng tối đa năng lực thẩm tra của các tổ chức tư vấn, khắc phục những quyết định mang tính chủ quan duy ý chí khá phổ biến hiện nay, còn cơ quan nhà nước chỉ thực hiện việc thẩm định bao gồm thụ lý hồ sơ, lựa chọn quyết định dựa trên kết quả thẩm tra của các tổ chức hoặc chuyên gia tư vấn. Trong thực tế vấn đề “thẩm tra – thẩm định dự án” chưa được phân định cả về nội dung và cơ chế chính sách mà thể hiện rõ nhất là dự án nào cần thẩm định hoặc thẩm tra? Xét trong bối cảnh hiện nay cần quy định tất cả các dự án nhóm A và B sử dụng vốn nhà nước bao gồm vốn NSNN và vốn của DNNN nhất thiết phải thực hiện việc thẩm tra của tổ chức tư vấn độc lập và cần thực hiện nguyên tắc trả cho tổ chức tư vấn chi phí thẩm tra cả trong trường hợp kết luận dự án không hiệu quả? Về định mức chi phí cho công việc này mới chỉ được quy định cho công tác thẩm định Thông tư số 109/2000/BTC còn việc thẩm tra dự án khi ký kết hợp đồng tư vấn hiện nay chưa được quy định mặc dù là khá phổ biến hiện nay cũng như trong tương lai bao gồm cả Báo cáo đầu tư – PFS và Dự án đầu tư FS.

1.2. Về việc phân định lập “Dự án đầu tư XDCB” và Lập “Báo cáo kinh tế kỹ thuật XDCT”. Mục đích của việc phân định này trước hết là nhằm đơn giản hoá nội dung cũng như thủ tục lập thẩm định, thẩm tra và phê duyệt đối với các dự án có quy mô nhỏ; Trong lịch sử hình thành cơ chế quản lý đầu tư từ những thập niên 60, 70 đã phân biệt công trình lớn thì lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật TEO còn công trình nhỏ chỉ lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật TED. Nhưng cơ chế hiện hành quy định quy mô công trình dưới 7 tỷ lập Báo cáo KTKT còn trên 7 tỷ lập Dự án đầu tư quy định này nảy sinh nhiều bất cập khi áp dụng trong thực tế vì nó liên quan đến một nội dung quan trọng về kỹ thuật đó là việc xác định các bước thiết kế, công trình lập Báo cáo KTKT chỉ thiết kế một bước TKBVTC còn dự án đầu tư yêu cầu thiết kế 2 bước hoặc 3 bước, nhiều cơ quan quản lý không chuyên về xây dựng đã yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện những điều phi lý như: khi lập và phê duyệt Báo cáo KTKT nhỏ hơn 7 tỷ đồng, nhưng do yếu tố trượt giá khi tổng mức đầu tư điều chỉnh lớn hơn 7 tỷ họ đã yêu cầu chủ đầu tư phải lập lại dự án đầu tư và đương nhiên là phải thiết kế 2 bước, trong khi quy mô, công suất, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình không thay đổi. Hoặc phi lý hơn khi phần xây lắp công trình chỉ là 3 tỷ nhưng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 5 tỷ do đó Tổng mức đầu tư của dự án duyệt là 8 tỷ đồng, cơ quan quản lý không chuyên về xây dựng lại bắt lập DAĐT và đương nhiên là kéo theo việc thiết kế 2 bước. Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương gây tác hại không nhỏ đến tiến độ thực hiện hàng ngàn các dự án có quy mô nhỏ hiện nay đòi hỏi về mặt cơ chế chính sách cần làm rõ và giải quyết.

1.3. Cần phân biệt sự khác nhau giữa: “Chi phí xây dựng” và “Chi phí thiết bị” trong Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt với “Dự toán chi phí xây dựng công trình” được phê duyệt trong giai đoạn thiết kế khi áp dụng trong thực tế công tác quản lý. Trước hết cần khẳng định những khái niệm mang tính pháp lý này trong các văn bản pháp quy như Luật Xây dựng, các Nghị định  16, 112, 209, 99CP và các văn bản hướng dẫn của các Bộ Xây dựng – Tài chính về cơ bản là nhất quán; Tuy nhiên trong việc thực thi của các ngành, các cấp đặc biệt ở các địa phương hiện nay còn nhiều bất cập chưa phù hợp với pháp luật hiện hành. Sau đây là mấy vấn đề nổi cộm cần quan tâm xử lý.

1.3.1. Theo pháp luật hiện hành: “Chi phí xây dựng” và “Chi phí thiết bị” trong Tổng mức đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình, chi phí phá dỡ, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí XDCT tạm, CTXD phù trợ, nhà tạm tại hiện trường để ở và làm việc, chi phí mua sắm thiết bị công nghệ, đào tạo công nhân vận hành. Các chi phí này được xác định trong Tổng mức đầu tư và sau khi được phê duyệt là căn cứ để xác định các chi phí tư vấn lập, thẩm tra dự án, chi phí quản lý dự án kể cả trường hợp Lập Ban QLDA hoặc đi thuê tư vấn QLDA, trường hợp Chủ đầu tư ký kết hợp đồng tư vấn để thực hiện các công việc trên nếu dự án được người có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng phải được thanh toán và thanh lý cho dù sau đó dự án được thực hiện hoặc quá trình thực hiện được điều chỉnh tăng hoặc giảm Tổng mức đầu tư hoặc thậm chí DA vì lý do nào đó không được thực hiện, không phải lỗi do nhà tư vấn gây ra, chủ đầu tư vẫn phải trả cho nhà tư vấn chi phí đã cam kết trong hợp đồng. Tình trạng nhiều cơ quan quản lý các địa phương khi thanh toán đã loại trừ một số các chi phí đã được quy định trong “chi phí xây dựng” và “chi phí thiết bị” như: chi phí phá dỡ, chi phí xây dựng công trình tạm, chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ trong các hợp đồng tư vấn đã được ký kết hoặc chờ hai, ba hoặc bốn năm sau khi quyết toán công trình mới xác định các chi phí tư vấn trên để thanh toán là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cần phân biệt việc ký kết hợp đồng và thanh toán đối với công việc kiểm toán và thẩm tra phê duyệt quyết toán thì chi phí này phải được xác định sau khi dự án đã được hoàn thành vì vậy nhất thiết phải dựa trên tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc Tổng mức đầu tư được điều chỉnh cuối cùng phù hợp với giá trị quyết toán được xác định và phê duyệt.

2. Việc phân loại công trình theo công năng và phân cấp công trình theo quy mô vật chất và kết cấu tức các loại công trình Dân dụng – Công nghiệp – Giao thông – Thuỷ lợi – Hạ tầng kỹ thuật, trong đó các loại được phân cấp: Cấp Đặc biệt, Cấp I, II, III, IV. Có thể nói đây là những khái niệm mới được xây dựng một cách chính thức và có hệ thống kể từ khi Luật Xây dựng và các Nghị định về Quản lý chất lượng công trình được ban hành 2004.

Về nguyên tắc việc phân loại công trình trước hết là nhằm phân công quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật cũng như về mặt kinh tế chi phí của các công trình thuộc dự án đầu tư XDCT, đồng thời việc phân cấp công trình là nhằm phục vụ cho việc quản lý kỹ thuật công trình mà cụ thể là để xác định các bước thiết kế 1, 2 hoặc 3 bước hoặc để phục vụ bảo hành công trình theo cấp công trình cũng như để quản lý và phân loại năng lực của các tổ chức, cá nhân hành nghề: khảo sát, thiết kế, thi công và giám sát thi công. Về mặt quản lý kinh tế chi phí thông qua việc công bố các chỉ tiêu định mức chi phí lập, thẩm tra thiết kế, dự toán, chi phí lập, đánh giá hồ sơ thầu, chi phí giám sát xây dựng và lắp đặt thiết bị đều dựa trên việc phân loại và phân cấp công trình. Tuy nhiên, trong thực tế quản lý đã nảy sinh những bất cập cần được làm rõ hoặc tiếp tục giải quyết về mặt cơ chế chính sách. Cụ thể:

2.1. Việc phân chia thành 5 loại công trình với việc quản lý theo 3 nhóm đó là: “Nhóm các công trình xây dựng dân dụng - công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật”, “Nhóm các công trình giao thông” và “Nhóm các công trình thuỷ lợi”. Cơ sở của nguyên tắc này là trong thực tế vẫn cần tồn tại các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành và việc cấp chứng chỉ hành nghề cũng đi theo nguyên tắc phân chia trên như chững chỉ hành nghề Giám sát thi công theo 3 chuyên ngành: “Dân dụng + Công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật”, “Giao thông”, “Thuỷ lợi, thuỷ điện”. Tuy nhiên, trong thực tế một vài địa phương lại chỉ cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp mà không cấp luôn giám sát các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định, cần xem lại việc thực thi như vậy là chưa phù hợp theo pháp luật quy định. Cũng như tiêu chí để cấp chứng chỉ hành nghề cho lĩnh vực khảo sát địa hình ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn lúng túng do thiếu căn cứ pháp lý hướng dẫn thực hiện.

2.2. Việc phân loại công trình theo công năng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi và hạ tầng kỹ thuật và phân cấp công trình cấp Đặc biệt, I, II, III, IV là nhằm phục vụ cho việc xác định các bước thiết kế một bước, hai bước, ba bước cũng như để xác định mức chi phí thiết kế, giám sát thi công , lập và đánh giá hồ sơ thầu…. Cụ thể:

2.2.1. Cần khắc phục sớm việc quy định các công trình được áp dụng thiết kế một bước theo Tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ như trên đã đề cập mà cần căn cứ vào cấp công trình để xác định các bước thiết kế và giao cho Chủ đầu tư dựa trên đề xuất của tư vấn để xác định và quyết định; đây là vấn đề hệ trọng vì hàng năm trong phạm vi toàn quốc thường xuất hiện dăm bảy ngàn dự án loại này, và các dự án này hiện gặp nhiều trở ngại không đáng có do cách hiểu khác nhau bởi các cơ quan quản lý như phần trên đã đề cập.

2.2.2. Việc chuyển đổi từ quy chế bảo hành theo dự án theo quy chế cũ nhóm A, B, C sang quy chế mới bảo hành theo cấp công trình điều đó đồng nghĩa với việc áp dụng quy chế bảo hành khác nhau phụ thuộc vào cáp công trình; đồng thời mạnh dạn chuyển sang quy chế bảo hành mới theo thư bảo lãnh của ngân hàng thay thế cho quy chế cũ Chủ đầu tư giữ tiền bảo hành của nhà thầu dưới dạng “Tiền tươi thóc thật” đang gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu trong bối cảnh “đói vốn” hiện nay trừ trường hợp nhà thầu không được ngân hàng bảo lãnh, nhưng cũng không được buông lỏng việc ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu mà không thực hiện quy định bảo hành, đặc biệt là các công trình nhỏ ở các địa phương trong thời gian vừa qua.

2.2.3. Đi theo việc phân loại và phân cấp công trình là sự gắn liền với chỉ tiêu “Dự toán chi phí xây dựng công trình” khác với chi phí xây dựng trong Tổng mức đầu tư của dự án. “Dự toán chi phí xây dựng công trình” bao gồm chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công, trực tiếp khác, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước… những chi phí này được gọi là “Chi phí xây dựng trước thuế”. Đó là căn cứ để xác định định mức chi phí đi theo công trình như chi phí tư vấn lập, thẩm tra thiết kế, dự toán công trình; chi phí giám sát xây dựng, lắp đặt thiết bị; chi phí lập đánh giá hồ sơ thầu…. Tuy nhiên, khi vận dụng vào thực tế một số cơ quản quản lý đã có sự nhầm lẫn giữa khái niệm dự án và khái niệm công trình. Qua một vài thực tế đã nói lên điều đó. Cụ thể:

Trong một dự án bao gồm nhiều công trình dân dụng, giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật… về nguyên tắc lẽ ra khi xác định các chi phí về thiết kế, giám sát thi công hoặc lập hồ sơ mới thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… phải dựa trên “Chi phí xây dựng trước thuế” của từng loại công trình mà tổng hợp lại thành chi phí tư vấn và thiết kế của dự án, nhưng trong thực tế một số cơ quan quản lý đã dựa theo tên của dự án như thuỷ điện vận dụng theo công trình công nghiệp để xác định các chi phí nói trên và đương nhiên thường xảy ra kết quả của cách tính chi phí này thường nhỏ hơn chi phí khi xác định theo loại và cấp công trình tổng hợp lên. Cách làm này thường làm cho chi phí tư vấn và thiết kế của dự án bị thiếu, gây thiệt hại cho các Chủ đầu tư và các nhà tư vấn khi tham gia công trình và trên tất cả là trái với nguyên tắc lập và quản lý chi phí các dự án đã được ban hành hoặc công bố.

3. Về hợp đồng và thanh toán trong xây dựng: Hiện vẫn còn nhiều bất cập, những cam kết về quyền lợi và trách nhiệm của các bên vẫn thường xuyên bị một bên thứ 3 vô hiệu đang là hiện tượng phổ biến hiện nay ở nhiều ngành và đặc biệt ở các địa phương.  Đơn cử các ví dụ sau đây:

Các hợp đồng về tư vấn lập dự án hoặc về tư vấn và thiết kế… theo quy định dù là ban hành hay công bố như hiện nay đều được xác định dựa trên định mức tỷ lệ % văn bản 1751/2007/BXD-VP và dựa trên “Chi phí xây dựng” và “Chi phí thiết bị” chưa có thuế giá trị gia tăng trong Tổng mức đầu tư được duyệt đối với chi phí tư vấn lập dự án; còn dựa trên “Dự toán chi phí xây dựng công trình” chưa có thuế giá trị gia tăng trong dự toán chi phí xây dựng công trình được duyệt đối với chi phí thiết kế, chi phí thiết kế giám sát thi công, chi phí lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu điều đó cần được hiểu một khi hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ mời thầu …. được cấp có thẩm quyền phê duyệt nghĩa vụ của các bên đã hoàn tất, hợp đồng phải được thanh toán và thanh lý; thực tế một số cơ quan quản lý các địa phương lại không thực hiện như trên mà chờ cho đến ký quyết toán công trình, có nhiều trường hợp công trình kéo dài 3, 4 năm sau mới xác định giá trị hợp đồng dựa trên giá trị được quyết toán và khi đó mới được thanh toán, nhiều trường hợp đòi truy thu phần chênh lệch giảm đối với các chi phí tư vấn đã được ký kết. Cần khẳng định những trường hợp ký hợp đồng nói trên cần thực hiện nguyên tắc “Bất hồi tố” vì các bên đã hoàn tất nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hợp đồng trừ những trường hợp vi phạm hợp đồng hoặc gian lận bị phát hiện phải được thanh toán một khi hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán được người có thẩm quyền phê duyệt là phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế đối với các hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

II. Những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung nhằm hoàn thiện từng bước hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình

1. Việc Luật hoá khâu thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở trong các dự án đầu tư xây dựng công trình có thể đánh giá là một trong những đề xuất thành công nhất trong việc đảm bảo quản lý nhà nước đối với mọi dự án thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đảm bảo các dự án đầu tư xây dựng công trình phải tuân thủ quy hoạch phát triển ngành hoặc là quy hoạch định hướng đảm bảo quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, cần nghiên cứu giảm thiểu các thủ tục hành chính trong khâu thẩm định của các cơ quan liên quan, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư đang là vấn đề bức xúc đối với các Chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình hiện nay, trong đó đặc điểm là các dự án các khu đô thị mới, các công trình cao tầng để ở và làm việc hiện nay theo hướng:

1.1. Tách hai khâu chuẩn bị đầu tư cho phần hạ tầng và phần công trình chính, đồng thời cho phép được thực hiện song song. Cụ thể:

- Sau khi Chủ đầu tư đã hoàn tất bản đồ hiện trạng 1/500, đã có văn bản xác định chỉ giới và nhiệm vụ thiết kế được Chủ đầu tư phê duyệt, Chủ đầu tư thuê tư vấn thiết kế lập quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được tham vấn của cơ quan có trách nhiệm và trình duyệt quy hoạch tổng mặt bằng và được các cơ quan liên quan xây dựng, quy hoạch kiến trúc xác nhận.

- Chủ đầu tư tiến hành hợp đồng khảo sát địa chất phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng công trình và xin các thoả thuận đấu nối các công trình ngoài hàng rào cấp điện, nước, phòng chống cháy nổ, giao thông nếu có.

- Tiếp theo Chủ đầu tư thuê tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình và để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cho loại công trình này kiến nghị cho phép tiến hành song song hai quá trình:

Một là, lập thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phần hạ tầng. Cụ thể:

+ Lập thiết kế cơ sở phần hạ tầng và thuyết minh dự án đầu tư xây dựng công trình phần hạ tầng cùng với phương án thiết kế sơ bộ công trình chính, thẩm định và phê duyệt dự án phần hạ tầng bao gồm quyết định đầu tư, trình hồ sơ xin giao đất để cơ quan tài nguyên môi trường thẩm định nhu cầu sử dụng đất trình UBND tỉnh, thành phố ra quyết định giao đất.

+ Chủ đầu tư nộp tiền đền bù GPMB, lệ phí địa chính và cơ quan tài nguyên môi trường ra quyết định giao đất, cắm mốc tạm cho công trình.

+ Lập hội đồng ĐBGPMB, tiến hành GPMB, cắm mốc chính thức và bàn giao mốc, lập trích lục bản đồ thửa đất kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Tiến hành thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán phần hạ tầng, thi công hạ tầng và các khâu thuộc giai đoạn thực hiện đầu tư, đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Hai là, lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phần công trình chính. Cụ thể:

+ Lập thuyết minh chi tiết phần dự án đầu tư xây dựng công trình chính.

+ Trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phần kiến trúc và công nghệ kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình .

Tiến hành thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán công trình chính và các bước tiếp theo của giai đoạn thực hiện đầu tư, đưa dự án vào khai thác sử dụng.

1.2. Cần quy định việc áp dụng công nghệ tin học đối với các cơ quan thẩm định của Nhà nước trên nguyên tắc: Công khai thủ tục việc tiếp nhận, thụ lý và xử lý hồ sơ bao gồm cả những nội dung cần chỉnh sửa cũng như kết quả xử lý giúp Chủ đầu tư hoàn chỉnh dự án theo lịch trình thông qua mạng. Đây là một trong những khâu đang bị kéo dài hàng năm do hồ sơ của Chủ đầu tư trả đi trả lại nhiều lần đối với các dự án hiện nay, trong đó đặc biệt là khâu thoả thuận chiều cao và số tầng công trình.

2. Có thể khẳng định việc gần đây Chính phủ ban hành các Nghị định 99/2007 về quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình  và Nghị định 58/2008 về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng cùng các văn bản hướng dẫn của các Bộ về quản lý chi phí hợp đồng và thanh toán là một bước thay đổi về chất trong quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình nói chung, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhằm thích ứng với nền kinh tế nước ta sau khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, vẫn rất cần tiếp tục sửa đổi bổ sung và hoàn thiện một số quy chế cấp bách sau đây:

2.1. Sự thiếu nhất quán trong sử dụng từ ngữ giữa các văn bản pháp quy từ Luật đến các Nghị định và các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành đã gây những sự hiểu lầm đáng tiếc trong quá trình vận dụng vào thực tế; hãy xem vài ví dụ cụ thể:

- Giữa loại hợp đồng hợp đồng tư vấn, hợp đồng thi công, hợp đồng cung ứng vật tư thiết bị, hợp đồng  tổng thầu và giá thanh toán phương thức thanh toán theo giá trọn gói, theo đơn giá cố định hay giá điều chỉnh được sử dụng trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng là tương đối phù hợp với tập quán quốc tế. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu lại sử dụng là hình thức hợp đồng hợp đồng trọn gói, hợp đồng  đơn giá, hợp đồng  theo %, hợp đồng  theo thời gian, ở một số địa phương khi vận dụng lại khẳng định và yêu cầu áp dụng như sau:

- Hợp đồng trọn gói khẳng định là không có phát sinh hoặc gần đây khi thừa nhận có phát sinh lại chỉ trong trường hợp bất khả kháng thiên tai, bão lụt… điều này lại không phù hợp với các Luật khác hiện hành: hợp đồng  trọn gói vẫn chấp nhận những phát sinh không phải lỗi do nhà thầu gây ra do Chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế, hoặc những yếu tố chưa xác định cụ thể được ở thời điểm ký hợp đồng như nhà nước điều chỉnh chính sách giá cả trong khi nhà thầu lại chưa được tính rủi ro những biến động khách quan này hoặc là:

- Nhiều địa phương lại cho rằng Luật Đấu thầu không cho phép áp dụng hợp đồng điều chỉnh giá vì chỉ có hợp đồng theo đơn giá, thực ra Điều 50 Luật Đấu thầu đã định nghĩa gộp cả 2 hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng giá điều chỉnh của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.

Những rắc rối như trên gây phiền hà, thậm chí còn bị kết luận là “vi phạm pháp luật” nhưng thực tế là do cách dùng từ thiếu thống nhất. Vì lẽ đố rất cần có một tài liệu thống nhất các thuật ngữ sử dụng trong pháp luật của lĩnh vực đầu tư và xây dựng.

- Như đã đề cập trong một số bài trước, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng do liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều ngành, nhiều cấp bao gồm cả các tổ chức cho vay và cấp phát vẫn thiếu đồng bộ tính đến thời điểm này.

Một trong những vấn đề nổi cộm, bức xúc gần đây như: về luật pháp đã cho phép áp dụng các hình thức tổng thầu: thiết kế và xây dựng, thiết kế - mua sắm thiết bị và xây dựng EPC, chìa khoá trao tay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có các văn bản ban hành hoặc công bố về lập hồ sơ mời thầu, về hợp đồng  thanh toán cho các hình thức tổng thầu nói trên đặc biệt là tổng thầu EPC hoặc chìa khoá trao tay đang được các ngành, các địa phương triển khai áp dụng. Đơn cử một thí dụ: một tổ chức ngân hàng của hệ thống ngân hàng Nhà nước vẫn đòi hỏi hợp đồng tổng thầu EPC khi thanh toán phải kê khai chi tiết bản khối lượng hoàn thành và đơn giá chi tiết trong khi các hợp đồng tổng thầu EPC theo tập quán và quy định quốc tế chỉ là “khối lượng gộp” không cần chi tiết vì hồ sơ mời thầu và dự thầu được lập và dự thầu trong giai đoạn thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật của Việt Nam mà không phải là dựa trên thiết kế bản vẽ thi công và đơn giá chi tiết như hợp đồng thi công xây dựng phổ biến hiện nay ở nước ta. Nếu so sánh với thế giới là giai đoạn thiết kế kỹ thuật tổng thể FEED tương đương như thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật Việt Nam thực tế này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc thanh toán theo hợp đồng EPC giữa Chủ đầu tư và nhà thầu làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hiện nay. Mặt khác, các tổ chức do vay cần tập trung vào việc thẩm tra chặt chẽ hiệu quả tài chính hoặc kinh tế - xã hội của dự án, cũng như các điều kiện thanh toán được ghi cụ thể trong hợp đồng giữa các bên thay vì việc đi sâu quá chi tiết từng m3 bê tông hay m3 đất đá theo tập quán quản lý của thời kỳ kế hoạch hoá tập trung bao cấp trước đây.   




Nguồn:  TC Xây dựng,  số 8/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)