Đôi điều bàn về vật liệu và kiến trúc nhìn từ góc độ sáng tác

Thứ ba, 16/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vật liệu luôn là một thực thể khách quan trong thế giới tự nhiên, chỉ thông qua tri thức khoa học và xúc cảm nghệ thuật của con người, cụ thể là KTS, thì vật liệu mới trở nên thực sự có ý nghĩa. Nói như thế có nghĩa là: Người sử dụng phải khách quan với vật liệu, phải hiểu bản chất rồi cảm thụ đúng với nó, đừng lầm trong sử dụng ở cả hai nghĩa: khoa học và nghệ thuật.

Sáng tác kiến trúc và cảm thụ biểu hiện mối quan hệ logic Cho - Nhận, giữa chủ thể sáng tạo và khách thể cảm nhận. Tất cả nhằm biểu đạt cái ý của nghệ thuật mà loại hình kiến trúc đảm trách. Đối với mỗi loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ biểu hiện cụ thể riêng. Ngôn ngữ là phương tiện để biểu đạt nội dung ý.

Trong sáng tác kiến trúc, ngoài các yếu tố, cơ chế sáng tạo, ngôn ngữ kiến trúc đóng vai trò rất quan trọng, luôn nảy sinh từ các loại hình nghệ thuật khác, thông qua cơ chế cảm nhận của chủ thể sáng tác. Như vậy, trong quá trình sáng tác và thể hiện tác phẩm kiến trúc thì công cụ truyền tải năng lực sáng tạo của kiến trúc sư được thể hiện cụ thể ngay trong tổ hợp về hình khối công trình, theo những thủ pháp sáng tạo về ngôn ngữ tạo hình. Trong những cặp phạm trù cơ bản nhằm truyền tải và diễn đạt ý tưởng của tác phẩm kiến trúc thì cặp phạm trù quan hệ Hình - Khối là đối tượng được quan tâm và có nhiều khả năng, sức truyền tải.

Trong Ngôn ngữ hình thức kiến trúc với cặp phạm trù quan hệ Hình - Khối thì vật liệu có vai trò rất quan trọng, làm tăng đáng kể giá trị cảm xúc nghệ thuật công trình, làm nổi bật lên giá trị tinh thần của tác phẩm. Đặc điểm dễ nhận biết là sự biểu hiện của vật  liệu trong diễn đạt Khối.

Những tác phẩm để đời trên thế giới từ cổ đến kim, giá trị trường tồn là giá trị tinh thần. Ở đó vẻ đẹp chứa đựng những triết lý sâu xa, mà cơ sở đầu tiên là sự góp phần quan trọng của vật liệu, được hiểu theo nghĩa biểu hiện của giá trị xúc cảm. Ví dụ, các hiệu ứng bề mặt của vật thể kiến trúc, như hiệu ứng bóng, nhám, sần sùi, nhẵn nhụi, thô ráp…

Khối được tạo ra phải nhờ vào một loại chất liệu nào đó như: gỗ, gạch, đá, bê tông, kính, thép… Công trình kiến trúc phản ánh thuộc tính của vật liệu đó theo các trạng thái, tính chất được gọi là chất liệu kiến trúc, là yếu tố vật chất có trong khối, biểu hiện trên bề mặt khối theo nghĩa thông thường nhất. Chất liệu kết hợp với biểu hiện khối làm cơ sở cho chất lượng không gian kiến trúc toát lên tư tưởng sáng tạo của kiến trúc sư. Theo quan niệm của người Á Đông, các vật liệu như gỗ, gạch nung có đặc tính thô, mềm đem lại cảm giác ấm cúng, thanh mảnh thường được dùng trong những công trình kiến trúc quy mô nhỏ và vừa. Trong khi vật liệu đá với cảm giác đanh cứng, vững chãi sử dụng cho các công trình kiến trúc có quy mô lớn, tạo nên vẻ trường tồn, hoành tráng như lăng tẩm, thành luỹ, hay quần thể kiến trúc Arcopole ở Hy Lạp.

Chất liệu của khối cũng bao gồm một phần thuộc tính chất liệu của hình trên từng bình diện nên thường được coi là sự phản ánh của nội dung, bản chất của khối, phản ánh cấu trúc của Khối, có tác dụng trong tạo cảm xúc và hiệu ứng thị giác. Chính nó tạo nên đường nét hình khối, mầu sắc dưới ánh sáng mặt trời. Từ trái núi đá nhân tạo khổng lồ Kim tự tháp Ai Cập, đến nhà thờ RonChamp - một kiệt tác bất hủ của KTS Lecorbusier, công trình đã phản ánh mối giao hoà giữa tôn giáo tín ngưỡng với văn hoá cộng đồng, bởi ở đó có sự đan xen giữa sự giàu chất thơ, chất văn hoá, lãng mạn, rất riêng của nghệ thuật. Đây là một bài ca về khai thác, sử dụng vật liệu bê tông hết sức tài tình, tinh tế có một không hai. Ngay ở Việt Nam, công trình kiến trúc Chùa Một Cột với vẻn vẹn chưa đầy 5m2 đã thể hiện hình tượng toà sen của Đạo phật hết sức độc đáo, mà thủ đô của Phật giáo với nhiều kiến trúc đồ sộ cũng chưa có sự cô đọng về hình tượng như vậy.

Giá trị của kiến trúc, trước tiên là biết sử dụng vật liệu trong việc tạo hình không gian kiến trúc, phù hợp với những không gian chức năng riêng biệt một cách sáng tạo.

Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã xuất hiện ngày càng nhiều loại vật liệu mới, điều đó đã thúc đẩy sự sáng tạo kiến trúc, tạo nên những không gian mới, hình thể mới. Tuy nhiên, cần phải xem xét một cách khoa học thông qua các công trình kiến trúc tiêu biểu.

Vật liệu là thành tố duy nhất để tạo lập không gian kiến trúc. Giới hạn của không gian đều phải do vật liệu tạo thành. Đầu tiên là Điểm rồi Tuyến, Diện và Khối. Vật liệu mới có sự sáng tạo ra hình thể mới. Những bảo tàng nghệ thuật được cấu trúc bộ mái bằng khung thép bọc vỏ ti tan của Frank O Gehry đều là những không gian kỳ thú, dị thường giữa chốn đô thị vốn xưa nay luôn là những khuôn mẫu.

“Vật liệu nào thì cấu trúc đó”, có nghĩa là hình thể, giái pháp kết cấu, cấu tạo, tổ chức thi công xây dựng… phải phù hợp với từng loại vật liệu. Không nên làm giả vật liệu. Cấu trúc vật liệu bê tông mà làm giả gạch, đá cũng tạo nên vòm có độ cong giống kết cấu gạch, đá; hay vật liệu bê tông cốt thép BTCT lại làm giả cột tròn, cũng có kèo, có mộng, đầu con son kiểu vật liệu gỗ; hay nhà khung cột bê tông cốt thép lại đắp thêm rất nhiều gạch nhằm tạo nên các gờ chỉ, phào của kiến trúc nhà gạch…

Phải bắt đầu từ yêu cầu không gian của công năng sử dụng rồi mới lựa chọn vật liệu sử dụng. Tuy nhiên, không thể bỏ qua yếu tố môi trường môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Ví dụ: Sử dụng vật liệu cho gian hàng bún ốc chắc chắn không thể làm bằng nhôm kính hay gỗ đá sang trọng, mà phải là vật liệu hết sức dân dã, giản dị như: tre, nứa, đất, đá, lá… Đây là ý nghĩa cảm thụ nghệ thuật sử dụng vật liệu.

Sử dụng vật liệu cần luôn xác định một loại vật liệu chủ đạo, phối hợp hạn chế với vật liệu khác. Công trình càng sử dụng ít chủng loại vật liệu thì hiệu quả nghệ thuật càng cao, dễ dẫn đến sự khái quát cao về hình tượng kiến trúc. Nhà thờ Ron Champe chỉ bằng một loại vật liệu BTCT chủ đạo, nhà hát Opera Sydney sử dụng loại vật liệu cho phần đế và phần mái là vỏ sò. KTS Lecorbusier đã từng nói: “Những không gian phi thường ở ngay chính những vật liệu hết sức bình thường”.

Như vậy, không phải cứ ham dùng vật liệu quý, công trình mới quý. Điều này rất thấm nhuần trong các sáng tác của KTS Tadao Ando, có lẽ suốt đời ông chỉ dùng một loại vật liệu bê tông trần cùng với kính thép. Thậm chí chỉ ưa một loại cốp pha định hình mà thôi. Vật liệu rất bình thường mà không gian lại hết sức phi thường. Kết hợp vật liệu là sự kết hợp vả về mặt khoa học về tính năng vật lý, cấu trúc, độ bền, niên hạn sử dụng… và không thể bỏ qua sự đồng bộ về cảm thụ nghệ thuật.

Ví dụ: Vật liệu BTCT với thép phản ánh tinh thần chung là lạnh lùng, trí tuệ, vững chãi… Vật liệu gạch, đá với gỗ lại tạo nên sự ấm cũng, gần gũi… Ở nước ta, nhiều công trình đã kết hợp quá nhiều vật liệu, hoặc sử dụng trái ngược về mặt thụ cảm vật liệu dẫn đến khó hiểu ý đồ diễn tả không gian của KTS.

Vật liệu là phương tiện duy nhất để truyền đạt ngôn ngữ riêng của từng KTS. Suốt cuộc đời sáng tác kiến trúc, họ chỉ duy nhất lựa chọn, sử dụng một thứ vật liệu cơ bản như KTS Lecorbusier, Tadao Ando, Maria Bota…

Vấn đề lựa chọn, sử dụng vật liệu sáng tạo kiến trúc là vấn đề học thuật đang cần được quan tâm.



Nguồn: TC Xây dựng, số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)