Một số giải pháp thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải

Thứ năm, 21/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Tình hình chung Với sự chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang được khuyến khích phát triển và ngày càng lớn mạnh. Chính sách tư nhân hoá đã thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tham gia ở nhiều lĩnh vực và đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Mối quan tâm của khu vực kinh tế tư nhân với các vấn đề về môi trường cũng gia tăng và đã có các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực xử lý môi trường. Tuy nhiên, lĩnh vực xử lý nước thải chưa thu hút đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Việc đầu tư và quản lý vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở đô thị được thực hiện bởi chính quyền đô thị, việc quản lý vận hành hệ thống thoát nước thường giao cho Công ty thoát nước đô thị đảm nhận. Phí thoát nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình được thu thông qua lượng nước sạch tiêu dùng hàng tháng và ở mức không quá 10% của chi phí cho nước sạch. Việc Nhà nước, bao cấp, bù lỗ cho thoát nước đô thị đang đặt ra những thách thức đòi hỏi phải từng bước chuyển dần sang cơ chế người trực tiếp hưởng lợi từ các dịch vụ về môi trường thì phải chi trả cho các dịch vụ đó một cách thoả đáng. Chính sách này sẽ tạo nên nguồn thu hợp lý cho việc đầu tư và quản lý vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Các đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam có sự khác nhau về quy mô dân số, điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội. Vì vậy việc nghiên cứu ứng dụng các loại hình công nghệ xử lý nước thải để phù hợp với đặc điểm các đô thị, khu công nghiệp của nước ta và phù hợp với khả năng đầu tư, nguồn vốn đầu tư là hết sức quan trọng và cấp bách trong thời điểm hiện nay. Các giải pháp xử lý nước thải với chi phí thấp và bền vững phù hợp với điều kiện của Việt Nam phải được coi là một phương thức tiếp cận.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2010: 40% các khu đô thị, 70% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và đến năm 2020 thì 100% khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường thì cần thiết phải nghiên cứu để cải thiện cơ chế chính sách đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải nhằm thu hút khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện nay các dự án đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải thường sử dụng các nguồn vốn sau: vốn Ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và vốn của các doanh nghiệp sản xuất bắt buộc phải xử lý nước thải công nghiệp trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung hình thức này hiện chiếm tỷ trọng rất thấp. Vấn đề đặt ra là nguồn vốn đầu tư cho xử lý nước thải sẽ được thu hồi vốn bằng cách nào? Chi phí vận hành, chi phí quản lý lấy từ đâu?

Về nguyên tắc, nguồn thu của các công trình xử lý nước thải từ nguồn thu phí và lệ phí tính cho 1m3 nước thải, công suất nước thải xử lý trong 1 ngày đêm. Doanh nghiệp đầu tư và vận hành công trình xử lý nước thải có thể căn cứ vào công suất xử lý nước thải 1 ngày đêm để tính toán doanh thu,  hiệu quả của dự án. Như vậy Nhà nước sẽ phải nghiên cứu, ban hành các chính sách về đầu tư, thuế, về thu phí thoát nướ, thuế môi trường, về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác. Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực xử lý nước thải thì nhà nước cần phải có các chính sách ưu đãi rất cụ thể và chi tiết để các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này tính toán khả năng đảm bảo việc thu hồi vốn và có lãi.

2. Một số giải pháp thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải

Các chính sách của nhà nước để thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải được xây dựng cần phải theo 3 cách tiếp cận sau:

- Các chính sách bắt buộc

- Các chính sách khuyến khích

- Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Tuỳ theo từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, các chính sách trên có thể được điều chỉnh để tạo ra hiệu quả đối với công tác xử lý nước thải.

Một số giải pháp cụ thể thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải bao gồm:

2.1.  Xác định nguồn vốn đầu tư:

Đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải sẽ bao gồm:

- Vốn ngân sách nhà nước; ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;

- Vốn ODA;

- Vốn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, của các quỹ hỗ trợ phát triển;

- Vốn của các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư vào các công trình  kinh doanh sản xuất;

- Vốn của doanh nghiệp tư nhân đầu tư công trình xử lý nước thải.

2.2.  Về hình thức đầu tư:

Các hình thức đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải gồm:

- Đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn công: từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay, vốn tài trợ và các nguồn vốn khác thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân: Vốn đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân theo hình thức BT, BOT.

- Đầu tư kết hợp giữa nhà nước với tư nhân.

2.3.  Về ưu đãi đầu tư

Chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải gồm:

- Về thuế: Miễn giảm thế thu doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu thiết bị của công trình xử lý nước thải, miễn giảm thuế VAT.

- Về đất đai: Giao đất, không thu tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng  công trình  xử lý nước thải.

- Các ưu đãi khác: Tuỳ vào đặc điểm và điều kiện của từng địa phương có thể đưa ra các chính sách cụ thể như nhà đầu tư khi đầu tư xây dựng công trình  xử lý nước thải của tỉnh, thành phố… thì sẽ được giao một khu đất khác để đầu tư vào các lĩnh vực khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn nhanh hơn ví dụ: xây dựng nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp, khu du lịch vui chơi giải trí…

2.4.  Về mô hình quản lý và vận hành công trình xử lý nước thải:

- Đối với công trình do nhà nước đầu tư: thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu, giao khoán để lựa chọn doanh nghiệp vận hành và quản lý công trình xử lý nước thải có thể là doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước

- Đối với công trình do tư nhân đầu tư: việc quản lý và vận hành do chính doanh nghiệp tư nhân đảm nhận hoặc bàn giao lại cho chính quyền địa phương để lựa chọng đơn vị quản lý vận hành thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu.

Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý vận hành và duy trì các công trình xử lý nước thải được lấy từ nguồn thu phí dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải và thuế môi trường.

2.5.  Rà soát hệ thống pháp luật có liên quan:

Cần tiến hành rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có liên quan đến đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải để khắc phục các điểm còn bất cập, mâu thuẫn và tiến tới hoàn thiện hệ thống khung pháp luật có liên quan. Các văn bản QPPL cần được rà soát gồm:

- Luật môi trường, Lụât đầu tư, Nghị định về thoát nước đô thị…

- Quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nước thải

- Hệ thống văn bản về đầu tư, tài chính, thuế… đối với công trình xử lý nước thải.

- Hệ thống văn bản về thanh tra, kiểm soát, giám sát, thưởng phạt đối với nước thải.

2.6.  Về chính sách tài chính cho xử lý nước thải

Chính sách tài chính cho xử lý nước thải phải dựa trên các nguyên tắc sau:

- Người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý ô nhiễm môi trường.

- Người hưởng lợi từ dịch vụ xử lý môi trường  phải trả chi phí cho dịch vụ này.

Dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được thu phí từ nhưng người được hưởng lợi ích từ dịch vụ đó. Những đối tượng gây ra ô nhiễm môi trường nước thì phải nộp phí bằng hình thức đánh thuế.

Như vậy, để huy động được các thành phần kinh tế cũng như các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải đòi hỏi phải có một khung thể chế hợp lý. Khung thể chế tốt cùng với phương thức quản lý có hiệu quả thì khả năng khai thác nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải sẽ tăng và phát triển bền vững hơn.

  

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Xây dựng số 2/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)