Phát triển giao thông quốc gia gắn với phát triển đô thị bền vững

Thứ sáu, 15/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nói đến đô thị là nói đến trung tâm kinh tế - xã hội của một vùng, một khu vực và một quốc gia, trong đó, hệ thống giao thông là kết cấu hạ tầng hết sức quan trọng của đô thị. Điều đó đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa hệ thống giao thông đô thị với quy hoạch sử dụng đất của vùng và hệ thống giao thông liên vùng, đặc biệt là tại những trung tâm kinh tế - xã hội lớn. Vì vậy, việc phát triển hệ thống giao thông - vận tải gắn với các thành phố lớn của nước ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông - vận tải cũng như kế hoạch triển khai xây dựng các công trình giao thông lớn của nước ta đã được phê duyệt, đặc biệt là tuyến cửa ngõ, vành đai đô thị, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển của các thành phố lớn trên cả nước. Cùng với các dự án đường bộ, các tuyến đường sắt của nước ta cũng được hiện đại hoá, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp và cải tạo nhắm rút ngắn thời gian và đảm bảo an toàn chạy tàu. Ngoài ra, các nhà ga, cảng hàng không quốc tế cũng đã được cải tạo, nâng cấp; một số cảng nước sâu đã được xây dựng…

1. Tác động của việc phát triển hệ thống giao thông - vận tải tới  sự phát triển đô thị

Việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông - vận tải đã có tác động lớn đến sự hình thành và phát triển của các đô thị trên cả nước, thể hiện ở một số phương diện sau:
Về mặt tích cực, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đã tạo ra khung pháp lý cơ bản để định hướng đầu tư trong ngành giao thông - vận tải và phát triển đô thị. Do vậy, bước đầu đã tạo nên mạng lưới giao thông đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải giữa các vùng, địa phương, đặc biệt là gữa các đô thị, trong đó có các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường được nâng cấp, cải tạo đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hoá dọc hành lang các tuyến đường này ví dụ: quốc lộ 5, quốc lộ 51. Nhiều đô thị được hình thành mới, đặc biệt là các đô thị dịch vụ vùng biên phát triển rất mạnh sau khi các tuyến đường liên vận quốc tế được nâng cấp, cải tạo. Các đô thị gắn với các cảng biển, cảng hàng không, các điểm đầu mối giao thông quan trọng cũng không ngừng phát triển khi các công trình giao thông đầu mối được mở mới và nâng cấp.

Một số tuyến đường quốc gia tiếp cận với đô thị đã tạo điều kiện quy hoạch lại việc sử dụng đất, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển và mở rộng đô thị. Đặc biệt, các tuyến đường vành đai sẽ tác động lớn đến việc tạo hình dáng tương lai cho đô thị qua nhiều phương cách khác nhau như: chuyển luồng giao thông liên tỉnh, cải thiện môi trường cho trung tâm thành phố, làm tăng cơ hội phát triển khu vực ven đô, tạo dựng các trung tâm đô thị mới, đồng thời nó còn đóng vai trò làm rào cản để chống lại sự phát triển tự phát ở khu vực ngoại vi. Các tuyến đường tránh đô thị và các công trình giao thông phụ trợ cầu, cống… trong đô thị đã góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị.

Nhìn chung, các đô thị của Việt Nam hiện nay có đặc điểm nhỏ gọn, do vậy, các tuyến đường thường rất ngắn, nhiều đô thị phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới giao thông quốc gia để phục vụ cho nhu cầu vận tải đô thị, đặc biệt là các đô thị nhỏ nằm rải rác dọc các tuyến quốc lộ. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mạng lưới giao thông quốc gia sẽ có tác động rất lớn đến các đô thị và kéo theo là sự phát triển của các đô thị đó.

Bên cạnh những tác động tích cực, hiệu quả của vịêc khai thác mạng lưới giao thông quốc gia và phát triển đô thị, còn một số tồn tại cần khắc phục như sau:

Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, chưa có sự gắn kết nhịp nhàng giữa giao thông quốc gia và giao thông đô thị dưới góc đọ điều tiết vận tải và sử dụng đất, công tác quy hoạch gắn với điều tra và quản lý sau quy hoạch còn hạn chế, vịêc lồng ghép các quy hoạch quy hoạch ngành, quy hoạch lãnh thổ chưa đồng bộ làm cho quy hoạch thiếu tính khả thi, ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đầu tư cho đô thị, đội ngũ tư vấn, nhà quản lý và thông tin định hướng kinh tế - xã hội còn thiếu. Trong tương lại, việc phát triển các tuyến đường có ý nghĩa quan trọng để cải tạo và nâng cấp các khu vực đô thị hịên có. Tuy nhiên, vịêc xây dựng các tuyến đường có thể là mở rộng hoặc xây mới qua khu vực nội thành ngày càng khó khăn hơn do việc thu hồi đất và tái định cư ngày càng phức tạp.

Mặt khác, tốc độ xây dựng và phát triển nhanh các đô thị cùng với sự gia tăng mặt dân số trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp đã gây ra nhiều bất cập. Sự phát triển tự phát ở các vùng đô thị lớn cùng với số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng lên đã làm nảy sinh nhiều vấn đề như: tắc nghẽn, tai nạn, ô nhiễm không khí và tiếng ồn… tại các trung tâm thành phố lớn và dọc các hành lang giao thông chính trong đó có các tuyến giao thông liên vùng. Không những thế, nó còn có thể khiến cho mạng lưới hạ tầng giao thông quốc gia đã được quy hoạch theo cấp độ liên vùng lại trở thành các tuyến đường mang tính nội đô.

Ngoài ra, trong các quy hoạch phát triển đều chưa có sự phân công về vai trò, nhiệm vụ giữa các đô thị dẫn đến nhiều đô thị phát triển tự phát, làm ảnh hưởng đến quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia. Hệ thống phân khu chức năng trong các đô thị lớn không rõ ràng đã tạo nên những bất lợi, đặc biệt là việc thiếu đất và không gian cho các quần thể công trình công cộng lớn, có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh phù hợp. Chính vì vậy, không thể thiết lập được các tuyến đường giao thông chính với đúng vai trò của nó là liên hệ giữa các khu vực chức năng, là đường cao tốc trong thành phố kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia.

Mặc dù trong các quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đã đề cập đến việc xây dựng các tuyến vành đai, nhưng quá trình triển khai xây dựng thường bị đứt đoạn do hạn chế về vốn, kiểm soát quy hoạch và giải phóng mặt bằng, làm cho khả năng liên kết, khai thác các tuyến đường này kém hiệu quả. Đồng thời, gây nên tình trạng biến dạng của các khu vực chức năng đã được định hình làm cho sự phát triển giao thông đô thị bị lệch lạc, mang lại nhiều bất lợi cho những đô thị đó.

2. Giải pháp phát triển giao thông quốc gia gắn với phát triển đô thị bền vững.

Trước những vấn đề trên, Nhà nước cầm sớm ban hành Luật hoặc Nghị định chung về công tác quy hoạch cho tất cả các ngành, trong đó, chú trọng đến các cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiệc mục tiêu quy hoạch đề ra. Trên cơ sở đó, phân công, phân cấp quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp về thực hiện công tác quy hoạch cho các ngành và địa phương. Quan tâm triển khai quy hoạch các công trình giao thông chi tiết gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Trong quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng các tuyến giao thông, cần chú trọng tới khả năng lưu thông hơn là chỉ chú trọng tới khả năng khai thác cac công trình thương mại dọc tuyến, đặc biệt là sự liên kết đồng bộ giữa các tuyến đường vành đai và hệ thống giao thông của từng đô thị.

Phân công hợp lý, liên hoàn hệ thống giao thông quốc gia. Để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào đường bộ, cần khai thác tốt hệ thống giao thông đường sắt, đường thuỷ nội địa và dịch vụ gom khách hỗ trợ hay kết nối với hệ thống giao thông đo thị nhằm tạo ra sự thông thoáng và ổn định cho mạng lưới giao thông. Phân tách chức năng liên đô thị trên cơ sở các tuyến vành đai và hệ thống giao thông liên tỉnh, tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là giữa các thành phố lớn và các khu vực lân cận thông qua tuyến cao tốc và các phương thức khác như đường sắt, đường sông…

Tăng cường chức năng của các điểm trung chuyển hàng hoá như cảng cửa ngõ quốc tế, càng hàng không… bao gồm: di dời vị trí trung chuyển hiện đang ở trong trung tâm thành phố ra vùng ngoại vi, tăng cường chức năng đa phương thức để cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng hoá và hành khách liên hoàn thông qua liên kết mạng lưới và các dịch vụ của trạm trung chuyển đa phương thức dịch vụ tiếp vận.

Quản lý giao thông luôn là biện pháp quan trọng để tăng cường sự lưu thông của phương tiện, tính an toàn và tiện nghi cho người tham gia giao thông và các hoạt động hai bên đường.

Ưu tiên xây dựng trục các đường vành đai và các đường hướng tâm vì các tuyến đường này sẽ giúp phân luồng từ xa để giải toả áp lực giao thông cho thành phố, đồng thời sẽ tạo nên “bộ khung cơ sở” giúp cho vịêc hình thành và phát triển mạng lưới đường thứ cấp của các quận, huyện, đường nối và các khu công nghiệp phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các đô thị, đặc biệt là khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tích cực gọi vốn đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước để từng bước triển khai các tuyến vận tải đường sắt khối lượng lớn theo quy hoạch ở các thành phố, Uỷ ban nhân dân các thành phố tập trung tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và tham gia góp vốn đầu tư các dự án đang triển khai trên địa bàn theo hướng xã hội hoá và đa dạng hoá nguồn vốn.

Coi phát triển vận tải hành khách công cộng là nhiệm vụ chiến lược. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ cải tạo, mở rộng và xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cần có chính sách phù hợp, có sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư phương tiện, thiết bị nhằm mở rộng và tổ chức khai thác tốt vận tải hành khách công cộng. Trước mắt, khi cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhu cầu đi lại lớn, đòi hỏi Nhà nước cần coi trọng công tác tổ chức quản lý, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông để làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông đô thị và tai nạn giao thông.

Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về giao thông - vận tải trên địa bàn các đô thị và thành phố lớn, trong đó, chủ yếu tập trung vào các nội dung về quản lý trật tự và an toàn vận tải, quản lý hành lang bảo vệ công trình giao thông, chất lượng công trình…

Tóm lại, phát triển giao thông nói chung và giao thông đo thị nói riêng có tác động lớn đến việc hình thành và phát triển đô thị, ngược lại, sự phát triển đô thị cũng là động lực cho việc hình thành và phát triển mạng lưới giao thông. Vì vậy, muốn đô thị phát triển thì phải có các phương án quy hoạch, xây dựng và phát triển các tuyến đường đô thị một cách thuận lợi và hiệu quả thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương nhằm tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, huy động mạnh mẽ nguồn lực trong và ngoài nước, mọi thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư để tái đầu tư phát triển giao thông - vận tải. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý để đưa giao thông - vận tải đô thị phát triển với tốc độ cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng địa phương cũng như của cả nước, xây dựng các phương án quy hoạch xây dựng và phát triển các tuyến đường đô thị thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.



Nguồn: Tạp chí Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)