Hiểm hoạ đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật đô thị khi thi công các công trình ngầm và công trình cao tầng

Thứ năm, 14/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hệ thống công trình ngầm kĩ thuật hạ tầng gồm: Hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống các đường hầm, đường ống chứa cáp thông tin truyền hình, điện chiếu sáng, công trình ngầm dưới các nhà máy, kho xăng dầu, vật liệu nổ…

Song song với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, tốc độ đô thị hoá những năm gần đây của thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất nhanh. Dân số từ khoảng 3 triệu năm 1975 đến nay đã vượt 7 triệu và xấp xỉ gần 10 triệu dân tính cả vãng lai. Điều này dẫn đến các nhu cầu về nhà ở, giao thông, điện, nước… đều tăng cao. Môi trường đô thị bị đe doạ nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng kĩ thuật đô thị xuống cấp nhanh do quá tải.

Đô thị phát triển do nhu cầu đòi hỏi ngày một lớn trong khi mặt bằng không đáp ứng do vậy đã hình thành cao trào xây dựng các công trình ngầm, công trình cao tầng. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình này trong điều kiện thiếu kiến thức, thiếu kĩ thuật, thiếu hồ sơ lưu trữ, các văn bản pháp quy thì có thể dẫn đến hiểm hoạ khó tránh. Chúng ta có thể xét một vài sự cố điển hình:

Đối với công trình nhà cao tầng có tầng hầm:

- Tháng 5/2006, việc đào móng xây tầng hầm của công trình “The Manor Phasell” đã làm trên 50 nhà dân phường 22, quận Bình Thạnh lún sụt nứt tường vách, đứt khung bê tông chịu lực, đứt gãy các công trình kỹ thuật hạ tầng như các hệ thống thoát nước… đe doạ môi trường và sinh mạng cư dân quanh cao ốc.

- Sự cố xây tầng hầm cao ốc Pacific gây sập toà nhà của Viện Khoc học và xã hội phía nam ngày 9/10/2007, tiền sảnh của Sở Ngoại vụ các công trình cấp thoát nước của các cơ quan này cũng bị đe doạ nghiêm trọng.

- Quá trình thi công đào đất xây tầng hầm công trình cao ốc Sài Gòn Residences vào ngày 31/10/2007 đã làm lún sụt vỉa hè sát chung cư 6 tầng số 5 Nguyễn Siêu làm hàng trăm người dân sống trong chung cư phải sơ tán gấp ở nhờ chung cư khác.

Đối với công trình giao thông - vận tải:

- Cuối năm 2004, trong quá trình thi công đường thuộc tuyến Rừng Sác huyện Cần Giờ, sau quá trình bóc đất hữu cơ thay thế bằng cát hạt trung, nhà thầu chất tải gia cố đường đã làm đầy tuyến đường nhựa hiện hữu chạy song song bên cạnh lệch tim 8m. Trong đó hệ thống đường điện chiếu sáng trên ta luy đường cũng bị kéo lệch theo, may mắn chưa gây ra sự cố.

- Việc xây dựng hầm đi bộ cầu chui Văn Thánh 2 do khâu khảo sát thiết kế, tính toán không đầy đủ cũng gây lún sụt, nứt hầm, cuối cùng phải bỏ không sử dụng được, gây lãng phí.

Từ những sự cố nêu trên có thể thấy một số nguyên nhân sau:

Địa chất thành phố Hồ Chí Minh là địa chất kiến tạo, địa chất công trình và địa chất thuỷ văn thuộc vùng phù sa bồi lắng, đất yếu, ngậm nước. Lớp đất bùn dày 18 – 23 m chủ yếu là bùn nhão pha cát lẫn mùn cây cỏ, thiếu độ dính kết, độ ma sát ít, chịu lực yếu. Mặt khác, khi khảo sát thiếu tài liệu địa chất, nên khi thi công đào rỗng chỗ này, hoặc chất tải lên chỗ khác sẽ làm mất thăng bằng của vùng bên cạnh, dễ gây sụt lở, lún sụt.

Kỹ thụât xây dựng công trình ngầm có những đặc thù riêng, mặt khác điều kiện thi công khó khăn hơn, nhất là trong quá trình đô thị hoá của chúng ta vừa cải tạo cũ, vừa xây dựng mới, xu hướng tận dụng cái cũ. Do vậy, dưới mặt đất hiện đã và đang có các loại công trình kĩ thuật hạ tầng lắp đặt hàng thế kỉ, các công trình này khác nhau về tầm cỡ, kích thước, kĩ thuật và tuổi thọ. Vì vậy, khi muốn xây dựng các công trình ngầm, nhà cao tầng, công trình có tải lớn, nhất thiết phải có quá trình điều tra, thu nhập tài liệu quá khứ và hiện tại để làm căn cứ cho việc thiết kế, thi công và bảo vệ công trình lân cận.

Giải pháp đề xuất:

Khi xây dựng các công trình ngầm hoặc công trình có tải lớn, phải có:

- Tài liệu địa chất khoáng sản của khu vực nhằm nắm được tính chất cơ lý của đất đá khu vực dự kiến đặt công trình.

- Tài liệu địa chất cùng mặt cắt địa chất.

- Tài liệu địa chất thuỷ văn: độ ẩm, độ thẩm thấu, mực nước ngầm, lưu lượng, tốc độ nước ngầm.

- Bản đồ các loại công trình ngầm, đường sá, cầu cống, hạ tầng kĩ thuật cấp thoát nước… của vùng khảo sát thiết kế nhằm xây dựng phương án bảo vệ.

- Các tài liệu lịch sử, những sự cố đã xảy ra trong quá khứ, các tài liệu tham khảo công trình tương tự.

Trong quá trình cải tạo và chỉnh trang đô thị, để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, thành phố nên ban hành một quy chế quy định bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Sở Xây dựng để Sở Xây dựng xây dựng, củng cố trung tâm lưu trữ số liệu, và thẩm định thiết kế trước khi xây dựng các công trình lớn, cao tầng, hoặc các công trình ngầm nhằm hạn chế các sự cố đáng tiếc.

Quy định cụ thể đối với tất cả các ban ngành sử dụng hạ tầng kĩ thuật đô thị phải nộp về Sở Xây dựng các thiết kế xây dựng công trình ngầm nhằm bổ sung và cập nhật cho kho dữ liệu của thành phố và phục vụ cho công tác xây dựng các công trình sau này.

Thành phố nên tổ chức các cuộc hội thảo rộng rãi về xây dựng công trình ngầm và xử lý nền đất yếu. Mặt khác thông qua hội thảo nhằm thông báo những vùng có địa chất tốt như Củ Chi, quận 12, huyện Hóc Môn, các vùng địa chất yếu như quận 7, quận 2, Nhà Bè… để các nhà đầu tư, các tổ chức thiết kế nắm được trước khi có quyết định đầu tư và đề xuất giải pháp xử lý trong quá trình thiết kế.



 Nguồn: Tạp chí Giao thông Vận tải số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)