Các vấn đề đặt ra cho quy hoạch giao thông đô thị khi mở rộng thủ đô Hà Nội

Thứ sáu, 15/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Mở đầu Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải nói chung, giao thông đô thị nói riêng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia, đô thị nhằm định hướng đầu tư, phát triển đồng thời tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có, phát huy năng lực của toàn ngành giao thông- vận tải.

Đối với Thủ đô Hà Nội, trong những năm qua đã có những quy hoạch, đề án, dự án sau đây được nghiên cứu, xây dựng, trình, xem xét, phê duyệt:

- Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, được phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/ QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ giao thông - vận tải, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch đã được phê duyệt với mục tiêu: “Xây dựng vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô trong Định hướng quy hoạch phát triển tổng thể đô thị Việt Nam, phù hợp với phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kết hợp tốt giữa xây dựng, phát triển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải tạo với xây dựng mới nhằm xây dựng Thủ đô trở thành một thành phố vừa dân tộc, vừa hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến, là trung tâm đầu não về chính trị, đồng thời là trung tâm về văn hoá, khoa học kĩ thuật, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; tương xứng với Thủ đô của một nước có quy mô dân số một trăm triệu dân, có vị trí xứng đáng trong khu vực Đông Nam Á và thế giới”.

- Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 được Bộ giao thông - vận tải trình từ đầu năm 2005; từ tháng 10/2000, Bộ giao thông - vận tải đã chủ trì, phối hợp với Uỷ ban  nhân dân thành phố Hà Nội, các bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng Quy hoạch này. Trong quá trình lập quy hoạch, đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, của các cơ quan trong và ngoài ngành, các bộ, ngành liên quan và đã được Bộ Xây dựng thẩm định.

- Dự án “ Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” HAIDEP do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức xây dựng. Tư vấn Nhật Bản nghiên cứu thực hiện từ cuối năm 2004. Nội dung chính của nghiên cứu gồm hợp phần quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết Thủ đô và quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó có giao thông - vận tải vùng và giao thông - vận tải đô thị.

- Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu phát triển: “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng Thủ đô nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển hài hoà, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào Thủ đô Hà Nội trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kĩ thuật diện rộng cấp vùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn vùng”. Nội dung chính của quy hoạch gồm phạm vi lập quy hoạch, dự báo dân số, quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển không gian vùng, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật, trong đó có hệ thống giao thông, các chương trình, dự án ưu tiên và mô hình tổ chức thực hiện.

- Nghị định số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan.

- Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải tỉnh Hà Tây đã được phê duyệt.

- Các văn bản có liên quan: Nghiên cứu Chiến lược tổng thể phát triển hệ thống giao thông - vận tải VIT – RANSS do Bộ giao thông - vận tải và JICA phối hợp thực hiện năm 1997 – 1999; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, Chiến lược phát triển giao thông - vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg ngày 10/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển giao thông - vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Bộ giao thông - vận tải trình; Quy hoạch phát triển ngành giao thông - vận tải đường bộ Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch phát triển ngành giao thông - vận tải đường bộ Việt Nam đến 2020 và định hướng đến 2030 do Bộ giao thông - vận tải đang tổ chức xây dựng; các quy hoạch phát triển các ngành giao thông - vận tải đường thuỷ nội địa hàng không đã được phê duyệt và/ hoặc đã trình: Nghiên cứu Chiến lược tổng thể phát triển bền vững hệ thống giao thông - vận tải Việt Nam đến 2020 và định hướng đến 2030 VITRANSS 2 do Bộ giao thông - vận tải và JICA phối hợp thực hiện, tư vấn Nhật Bản nghiên cứu.

2. Những vấn đề đặt ra

Như trên đã nêu, do có nhiều quy hoạch liên quan đến Thủ đô Hà Nội nên khi mở rộng địa giới hành chính, có thể sẽ có những vấn đề đặt ra trong thời gian tới cần phải xem xét giải quyết. Chúng tôi nêu một số vấn đề liên quan đến quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô sau đây:

a. Quy hoạch tổng thể Thủ đô:

Dựa vào quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được phê duyệt, cần soát xét hoặc cập nhật cấu trúc, việc bố trí, sắp xếp không gian đô thị, phân khu vực hành chính trụ sở cơ quan, khu làm việc, văn phòng; các khu nhà ở các khu tập thể, chung cư; hệ thống đào tạo các trường đại học, cao đẳng; khu công nghệ cao, công nghiệp tập trung chế xuất; làng văn hoá, làng nghề; khu vực nghiên cứu khoa học; khu thương mại chợ, siêu thị, buôn bán; khu y tế - giáo dục, văn hoá - thể thao; khu du lịch sinh thái, tái tạo sức khoẻ, vui chơi giải trí; khu vực công viên, cây xanh; các khu vực sản xuất – tiêu thụ và hệ thống khu dân cư. Do phạm vi không gian được mở rộng hơn, các đường đẳng thời 60 km mở rộng đến Hải Dương, Hưng Yên, Phả Lại, Sông Công, Phủ Lý… đến 40 km gồm Phố Nối, Bắc Ninh, Sóc Sơn, Phúc Yên, Xuân Mai, Hoà Lạc…  nên cần rà soát, nếu cần thì thiết kế, cấu trúc lại tổng thể không gian đô thị cho hợp lý, phục vụ mục đích phát triển lâu dài của Thủ đô.

b. Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải

Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải bao gồm quy hoạch giao thông - vận tải của tỉnh Hà Tây, quy hoạch giao thông - vận tải của Thủ đô Hà Nội, các quy hoạch khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến giao thông - vận tải thủ đô, trước hết là phạm vi quy hoạch có thay đổi, không thể gộp quy hoạch của Thủ đô Hà Nội và quy hoạch của tỉnh Hà Tây thành phạm vi quy hoạch chung; mục tiêu quy hoạch cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với vị thế mới của Thủ đô. Các quan điểm, nguyên tắc cơ bản có một số quan điểm, nguyên tắc có thể cần thay đổi cho phù hợp với các quy hoạch khác mới phê duyệt, cụ thể là quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và phù hợp với tình hình mới. Về nội dung quy hoạch sẽ có các vấn đề sau đây:

- Về kết cấu hạ tầng giao thông: xem xét cập nhật việc bố trí mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, cảng hàng không, sân bay: các quốc lộ, đường cao tốc hướng tâm về cơ bản sẽ không thay đổi như Quy hoạch xây dựng  vùng Thủ đô đã được phê duyệt: đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, các quốc lộ 1, 2, 3, 5, 6, 18, 32,…; các cao tốc song song quốc lộ 1, 5; đường và cao tốc Láng – Hoà Lạc và các đường khác; các đường vành đai thành phố; vành đai 1 sẽ thành đường đô thị, thêm vành đai 4 và sau đó là vành đai 5; các tuyến đường sắt quốc gia, đường thuỷ nội địa quốc gia, cảng hành không sẽ không thay đổi lớn; riêng đường sắt đô thị sẽ có một số tuyến kéo dài; xem xét thêm các đường vành đai, thành phố Hà Đông, thành phố Sơn Tây, nếu có: về đường bộ xem xét thêm mật độ đường, chiều rộng mặt đường, làn đường nội ngoại thành theo quy hoạch quận, huyện đã được phê duyệt, hệ thống nút giao thông giao bằng và khác mức; số lượng cầu cạn trong nội thành, cầu vượt qua các đường trục, đường hướng tâm, vành đai thành phố; cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy và các sông khác; hệ thống cầu vượt, lối qua đường cho người đi bộ nội ngoại thành, có thể cho cả xe thô sơ ở các tuyến đường ngoại thành. Quỹ đất dành cho giao thông động và giao thông tĩnh so với diện tích đất bề mặt đô thị sẽ được cải thiện nhiều do có điều kiện hơn.

 - Về vận tải: mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh và đô thị cần phải được cập nhật, bao gồm hệ thống tuyết buýt đô thị và liên tỉnh, điểm dừng đỗ, dừng cho xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe tải, bãi taxi, ga hành khách, đường sắt, đường thuỷ nội địa… Khi xem xét việc bố trí sắp xếp các khu chức năng cần hết sức lưu ý đến việc bố trí nơi đỗ xe công cộng và xe cá nhân có thể sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn sắp tới. Nên có thêm các bãi đỗ xe ngầm dưới lòng đất dưới công viên, dưới nút giao cắt lập thể… ngoài bãi đỗ xe mặt đất nổi, trên nhà tầng. Chú ý việc thay đổi luồng khách thu hút, phát sinh, thay đổi lưu lượng vận tải trên một số tuyến, tại đầu mối giao thông khi xây dựng các tuyến vận tải khối lượng lớn BRT, tàu điện ngầm, monorail, xe điện mặt đất nếu có; ngoài việc xây dựng mạng lưới tuyến, cần có thêm điểm dừng đỗ, bến đầu cuối, ga ra, trang thiết bị hậu cần khác ở trên cao, mặt đất và đi ngầm dưới đất; bảo đảm đồng bộ giữa các loại kết cấu hạ tầng kĩ thuật khi quy hoạch và xây dựng. Có định hướng phát triển phương tiện vận tải công cộng về số lượng, chủng loại, chất lượng, tỷ lệ giữa phương tiện vận tải công cộng, cá nhân xe con, mô tô, xe máy và taxi; chú trọng quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và ngoại vi, kết nối giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, và với các phương thức vận tải khác các điểm trung chuyển, các hệ thống giao thông tiếp vận tổng hợp.

- Giao thông nông thôn: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hà Đông, Sơn Tây và việc kết nối với các thị trấn, thị tứ khác trong Thủ đô và với các thành phố, tỉnh lị lân cận vùng Thủ đô.

- Về vốn và cơ chế huy động vốn: cần rà soát lại tổng số, các nguồn vốn đầu tư và cơ chế quy hoạch vốn, nhất là nguồn vốn ODA, đầu tư theo các hình thức BOT, BOT, BLT, BT… Thí điểm một số hình thức huy động vốn mà các nước đã áp dụng như: hình thức kết hợp đầu tư công tư PPP, tư nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kêu gọi cổ đông đầu tư và bến bãi đỗ xe, nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho tư nhân thuê khai thác…

- Về danh mục các dự án đầu tư, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi danh mục dự án, nhất là các dự án ưu tiên đầu tư về sự cần thiết và để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mục tiêu kêu gọi, huy động các hình thức, các nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước có khả năng về nguồn lực đầu tư, tài chính thích hợp theo mức độ cấp thiết.

Chính sách phát triển, giải pháp, biện pháp thực hiện quy hoạch, nhất là giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cũng cần được cập nhật, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện mới, thí dụ nguồn lực có chuyên môn về đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, hệ thống giao thông thông minh ITS, tự động hoá điều khiển giao thông đô thị…

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tổ chức quản lý giao thông - vận tải đô thị gồm tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách; tổ chức giao thông như phân làn, phân luồng, phân giờ hoạt động, tổ chức hệ thống đèn điểu khiển giao thông, tổ chức hệ thống báo hiệu tại nút giao thông, tổ chức quản lý vận tải đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị, xe taxi, phương tiện cá nhân khác; vận tải hàng hoá và các loại vận tải chuyên dùng khác trong đô thị quy hoạch chi tiết; bảo đảm an toàn giao thông gồm hành lang bảo vệ công trình giao thông, quản lý mô tô, xe máy, các loại xe thô sơ, các giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường như bảo đảm các tiêu chuẩn phát thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, kiểm tra, kiểm soát phát thải, đánh giá tác động ô nhiễm môi trường… là việc làm cấp bách cần tiến hành không nên chậm trễ.

Tổ chức thực hiện quy hoạch theo phạm vi địa giới hành chính mới gồm triển khai thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đã được phê duyệt trong thời gian trước đây sau khi đã xem xét, cân nhắc sự cần thiết, sự phù hợp với quy hoạch bổ sung điều chỉnh, quy hoạch vùng Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật cao cấp hơn.

Trong thời gian tới, cần tổ chức xây dựng quy hoạch thành phố, quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội theo địa giới hành chính mới: lấy quy hoạch vùng, quy hoạch chung làm điểm xuất phát để rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh, phê duyệt, triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, không chờ quy hoạch mới. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo, có thể tập hợp những nhà khoa học hàng đầu về đô thị, giao thông - vận tải đô thị để xây dựng quy hoạch phát triển giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội một cách bài bản, có cơ sở khoa học vững chắc, cho tương lai lâu dài hơn. Nhưng việc này là công việc rất công phu, cần thời gian, công sức và đầu tư tốn kém.

Các vấn đề khác như áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các phương pháp vận tải tiên tiến trong giao thông đô thị Thủ đô cũng cần được tổ chức nghiên cứu sớm, cơ bản, đẩy nhanh tự động hoá trong giao thông đô thị, điều khiển hệ thống đèn theo “làn sóng xanh”, áp dụng hệ thống giao thông minh ITS, hệ thống thu phí tự động, hệ thống theo dõi, giám sát phương tiện tốc độ, tuyến đường, thời gian… thông qua camera và chip điện tử, hệ thống tự động tìm nơi đỗ xe cho xe con cá nhân Park and Ride – P & R … Văn hoá giao thông cần phải nghiên cứu, xem xét tập quán, hành vi ứng xử của con người tham gia giao thông, gồm giao thông đô thị và giao thông ngoài đô thị khi cơ cấu nguời tham gia giao thông có sự thay đổi rất lớn.

3. Kiến nghị

Như vậy, so với quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội mở rộng, theo quan điểm hệ thống, không có thay đổi lớn. Trong khi chờ tổ chức nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống quy hoạch giao thông - vận tải đô thị Thủ đô Hà Nội theo phạm vi địa giới hành chính mới cho tương lai lâu dài từ 20 đến 50 năm hoặc dài hơn, trong khi chờ lập, phê duyệt công bố quy hoạch mới, có thể một vài năm hoặc 5 năm sẽ trôi qua, do đó chúng tôi kiến nghị quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đã trình sớm được phê duyệt để có cơ sở kêu gọi các nguồn vốn, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, triển khai thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch. Trong khi tổ chức xây dựng quy hoạch mới hoặc rà soát quy hoạch giao thông đô thị thành phố Hà Nội, cần phải thực hiện sớm việc xem xét, tổ chức lại giao thông - vận tải theo hướng nghiên cứu cụ thể về cơ cấu dòng xe, lưu lượng giao thông để tổ chức, điều hành giao thông đô thị, đặc biệt là trên các tuyến đường ngoại thành bên cạnh các tuyến vành đai, hướng tâm, nội đo nhằm bảo đảm an toàn, thông suốt, trật tự, văn minh giao thông Thủ đô. Kiến nghị xem xét, cải tiến quy trình xây dựng quy hoạch kết hợp với cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thoìa gian lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng quy hoạch và sớm ban hành Luật Quy hoạch để thống nhất quy trình, nội dung và các công việc khác liên quan đến quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập quy hoạch ngành, chuyên ngành giao thông - vận tải và các quy hoạch kết cấu hạ tầng kĩ thuật khác. 



Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)