Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh - Tầm nhìn của khu kinh tế mở

Thứ ba, 12/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Hà Tĩnh, gắn với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nằm trên quốc lộ 8A qua biên giới Việt – Lào, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 75 km, cách cảng Vũng Áng 140 km, cách thành phố Vinh 65 km. Từ cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đến thị trấn Lạc Xao của Lào khoảng 35 km, đến đường 13 của Lào dài 148 km, qua Lào đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Đây là vị trí trung điểm của các thành phố lớn Hà Nội - Huế - Viên Chăn. Thông qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh, là cửa ngõ ngắn nhất để nước bạn Lào cũng như các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hướng ra biển Đông và phát triển quan hệ với các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc. Chính vì vậy, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng của tỉnh Hà Tĩnh, các tỉnh Bắc Miền Trung, phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanma trên hành lang kinh tế Đông – Tây.

Cùng với khu kinh tế Vũng Áng, trung tâm nhiệt điện Vũng Áng, Mỏ sắt Thạch Khê và Hệ thống thuỷ nông, thuỷ điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xác định là một trong 5 trọng điểm kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến 2020. Nghị quyết Đại hội XVI tỉnh đảng bộ chỉ rõ: “Tập trung phát triển kinh tế đường 8 và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, gần với khu vực kinh tế dọc đường Hồ Chính Minh, hình thành vùng trọng điểm kinh tế phía Tây của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới…”

Để thực hiện chủ trương trên, khai thác lợi thế, tiềm năng to lớn về thương mại, du lịch, dịch vụ và công nghiệp; phát huy triệt để các chính sách ưu đãi đặc biệt tại Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg ngày19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là hết sức cần thiết và cấp bách, với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành khu kinh tế động lực, đô thị phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh. Gần phát triển kinh tế thương mại, công nghiệp với xây dựng đô thị sinh thái – du lịch. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, tạo điểm bứt phá và liên kết phát triển về kinh tế - xã hội trong khu vực Bắc Trung Bộ, thu hẹp khoảng cách trong phát triển, tiến tới hội nhập với cả nước và Quốc tế. Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Lào, với các nước láng giềng, giữa tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh của Lào, Thái Lan, Mianma có sử dụng đường 8A; tạo điều kiện bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2025, vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế Đông – Tây, các chính sách ưu đãi của chính phủ đối với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các điều kiện thiên nhiên, xã hội hiện có, tầm nhìn quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đến 2025 phải hình thành một khu kinh tế mở, năng động, hội nhập và phát triển.

Xây dựng một khu kinh tế có sức hấp dẫn cao, có môi trường đầu tư thuận lợi, từ đó thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khai thác tối đa lợi thế sẵn có về tài nguyên và nguồn nguyên liệu, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu.

Phát triển đồng bộ khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành đầu mối giao lưu kinh tế thương mại, dịch vụ quan trọng để mở rộng hợp tác với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Mianma thông qua đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tăng cường xuất nhập khẩu, hỗ trợ đường ra biển Đông đối với các nước này. Xây dựng đô thị sinh thái miền núi đáp ứng các yêu cầu về dân cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật và cảnh quan môi trường, ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tọc. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo hiện đại, đồng bộ. Thực hiện cơ chế chính sách phát triển năng động để thu hút các nguồn lực xã hội cho việc phát triển khu kinh tế.

Khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai và hệ thống hạ tầng cơ sở hiện có. Tận dụng các lợi thế sẵn có về giao thông, cảnh quan và quỹ đất xây dựng. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và chính trị để phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tạo khả năng liên kết chặt chẽ, thuận lợi giữa các khu chức năng bên trong cũng như giữa khu kinh tế cửa khẩu khác của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung bộ. Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo theo mô hình khu kinh tế tổng hợp. Các khu chức năng chính bao gồm: khu công nghiệp, khu thương mại – công nghiệp, khu du lịch - dịch vụ, khu đô thị và khu hành chính. Bên cạnh các hoạt động dịch vụ sản xuất công nghiệp, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ đi kèm như: thương mại, xuất nhập khẩu, kho bãi, tài chính ngân hàng, các dịch vụ hậu cần và khai thác các tiềm năng du lịch trong khu vực, phát triển nông lầm nghiệp và bảo vệ hệ dự trữ sinh quyển rừng tự nhiên trong khu kinh tế.

Vấn đề đặt ra đối với công tác quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trước hết là phải nghiên cứu và thực hiện đồng bộ quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành trong khu kin tế, phối hợp giữa việc hình thành khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với phát triển khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh, với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đặc biệt là các nước láng giềng Lào và Thái Lan, nhằm xây dựng khu vực phía Tây tỉnh Hà Tĩnh thành một cực phát triển quan trọng ở Bắc Trung Bộ.

Thứ hai là công tác quy hoạch phải gắn với yếu tố môi trường sinh thái, môi trường công nghiệp, cảnh quan đô thị, bảo vệ đất, phòng chống lũ quét ở các khu dân cư, khu du lịch dọc hai bên đường 8A, đảm bảo cho khu kinh tế phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Để đáp ứng những vấn đề trên, công tác quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cần phải lựa chọn tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm. Trong xu thế hội nhập và yêu cầu của công tác quy hoạch khu kinh tế, việc thuê tư vấn nước ngoài trong lập quy hoạch xây dựng hay kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia, của các trường đại học đối với quy hoạch sử dụng đất là rất cần thiết và được ưu tiên. Có như vậy mới đảm bảo cho khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phát triển cả kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, mở rộng quan hệ đối ngoại với khu vực và Quốc tế, sớm trở thành khu kinh té mở như mục tiêu đề ra.



 Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)