Sơn trên bề mặt sắt thép mạ kẽm - phốt-phát hóa: Phương pháp xử lý chống ăn mòn hiệu quả

Thứ tư, 13/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một nghiên cứu về tốc độ ăn mòn của một số kim loại tại các trạm ven biển Nha Trang, Đồ Sơn và Quảng Ninh cho thấy, Nha Trang - Khánh Hòa thuộc vùng có tốc độ ăn mòn cao nhất. Hiện nay, tại Khánh Hòa, các công trình xây dựng đã được sử dụng một số biện pháp chống ăn mòn nhưng một số công trình vẫn bị ăn mòn khá nhanh. Dễ nhận thấy như công trình khung chắn kè đường Trần Phú, lan can, rào chắn ven biển…, tuy mới xây dựng được vài năm nhưng lớp sơn đã bị phá hủy đáng kể. Ngay cả những cấu kiện bằng thép không gỉ inox, khi đặt ở ven biển cũng bị gỉ mạnh sau vài tháng. Để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do hiện tượng ăn mòn gây ra, duy trì mỹ quan và độ an toàn cho các công trình xây dựng, năm 2005, Sở Xây dựng đã “đặt hàng” Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang NC-ƯDCNNT thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xử lý chống ăn mòn kim loại cho các công trình xây dựng ven biển Khánh Hòa”. Đề tài do Thạc sĩ Phạm Trung Sản, Phó Viện trưởng Viện NC-ƯDCNNT làm chủ nhiệm, vừa được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu.
Xử lý mẫu.

Đề tài nhằm ứng dụng một số phương pháp xử lý chống ăn mòn bề mặt thép xây dựng và đề xuất các biện pháp nâng cao tuổi thọ công trình xây dựng ven biển. Kết quả đề tài là cơ sở cho các cơ quan quản lý bổ sung, cụ thể hóa biện pháp giảm thiểu ăn mòn các cấu kiện thép trong không khí khi thiết kế các công trình xây dựng ven biển. Đề tài gồm các nội dung nghiên cứu chính: Xác định tốc độ ăn mòn thép xây dựng trong môi trường khí hậu biển Khánh Hòa tại các trạm thử nghiệm: Vật liệu Hòn Chồng, số 2 Hùng Vương và Trạm Vật liệu thuộc Viện Kỹ thuật Nhiệt đới Chụt - Nha Trang; nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của các phương pháp xử lý bề mặt trước khi sơn, hiệu quả bảo vệ của lớp sơn trong điều kiện khí hậu Khánh Hòa gồm: sơn trực tiếp trên thép sơn không qua xử lý bề mặt, sơn trên bề mặt được phủ lớp biến tính gỉ; sơn trên bề mặt thép sau khi phốt-phát hóa, sơn trên bề mặt thép được mạ kẽm và cromát hóa, sơn trên bề mặt được mạ kẽm và phốt-phát hóa. Trên cơ sở kết quả thu được, đề tài xây dựng bộ số liệu về ảnh hưởng của khí hậu ven biển Khánh Hòa dẫn đến quá trình ăn mòn thép xây dựng và các lớp sơn phủ được xử lý bằng các phương pháp trên và đề xuất phương pháp xử lý để chống ăn mòn kim loại cho các công trình xây dựng ven biển.

Thạc sĩ Phạm Trung Sản và các đồng sự phân tích các mẫu.

Kết quả thử nghiệm cho thấy: Các mẫu sơn trên lớp biến tính gỉ và sơn trực tiếp lên bề mặt thép không xử lý, sau 15 tháng tại trạm thử nghiệm núi Chụt và 18 tháng ở các trạm khác xuất hiện khuyết tật ăn mòn sớm nhất. Mẫu sơn trên bề mặt phốt-phát hóa xuất hiện gỉ sau 18 tháng thử nghiệm tại trạm Chụt và 21 tháng tại các trạm khác. Mẫu sơn trên lớp mạ kẽm-cromát hóa xuất hiện hiện tượng phồng rộp sau 18 tháng tại trạm Chụt và 24 tháng tại các trạm khác. Mẫu sơn trên lớp mạ kẽm - phốt-phát hóa xuất hiện hiện tượng phồng nhẹ sau 24 tháng tại trạm Chụt. Như vậy, mẫu sơn trên thép sau khi mạ kẽm và xử lý cromát hay phốt-phát hóa cho kết quả tốt hơn hẳn so với các phương pháp khác. Sau 24 tháng, tính năng bảo vệ của màng sơn sử dụng vẫn ở loại I loại bảo vệ tốt. Tuy thời gian thực hiện đề tài là 24 tháng nhưng nhóm đã thử nghiệm đến 30 tháng và kết quả vẫn cho thấy, mẫu sơn mạ kẽm - phốt-phát hóa có khả năng bảo vệ tốt nhất.

Từ kết quả nghiên cứu, Thạc sĩ Phạm Trung Sản và các đồng sự kiến nghị, để tăng tuổi thọ các công trình kim loại, đặc biệt là các công trình ven biển có kết cấu chính là thép, nên sử dụng lớp mạ nhúng nóng kẽm hoặc hợp kim kẽm đối với các công trình không đề cao tính thẩm mỹ; áp dụng phương pháp sơn trên lớp mạ kẽm sau khi phốt-phát hóa với những công trình cần tính thẩm mỹ cao. Phương pháp này không chỉ làm tăng độ bền màng sơn mà còn là lớp bảo vệ kép lớp mạ kẽm dưới lớp sơn cũng là lớp bảo vệ chống ăn mòn rất hữu hiệu, giúp kéo dài tuổi thọ kim loại gấp nhiều lần.

K.N


Quy trình công nghệ của phương pháp mạ kẽm phốt-phát hóa: Mạ kẽm với độ dày tối thiểu 8µm; phốt-phát hóa trong dung dịch phốt-phát hóa kẽm 15 - 30 phút để đạt độ dày lớp phốt-phát hóa 3 đến 5µm; sơn lót 1 - 2 lớp; sơn ngoài 2 - 3 lớp.

 

Theo Báo Khánh Hoà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)