Giải pháp chung sống an toàn với lũ

Thứ tư, 16/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Miền Trung là dải đất hẹp, phần lớn diện tích nằm ở sườn phía đông dốc đứng ở dãy Trường Sơn, đồng bằng ven biển bị chia cắt bởi những dãy núi ngang nhô ra sát biển và Tây Nguyên có độ cao trên một ngàn mét. Do điều kiện địa hình, khí hậu cùng cơ chế hoàn lưu khí quyển, hằng năm miền Trung phải hứng chịu nhiều trận bão, áp thấp nhiệt đới, mưa to và rất to trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày làm ngập lụt hàng trăm làng mạc, gây thiệt hại to lớn về người và của cho nhân dân địa phương. Liên tiếp trong các năm gần đây, thiên tai xảy ra ở miền Trung càng thường xuyên hơn, trầm trọng hơn, mức độ tàn phá càng cao hơn. Để giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân khu vực miền Trung, ngày 22/5/2008, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Xây Dựng đã tổ chức hội thảo “Đề án chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung”. Đây là một chương trình lớn, phạm vi điều tiết rộng bao gồm 11 tỉnh TP từ Thanh Hóa đến Phú Yên, đồng thời là một chương trình nghiên cứu tổng hợp vừa mang tính cấp bách cho những năm trước mắt, vừa đảm bảo tính ổn định và bền vững cho phát triển lâu dài.

Theo số  liệu thống kê, năm 2006 có tổng cộng 24 cơn bão, 6 lần xảy ra áp thấp nhiệt đới trên toàn bộ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó có 10 cơn bão, 6 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Đặc biệt, số lượng cơn bão mạnh và rất mạnh cường độ cấp 12 chiếm tới 70% tổng số các trận bão trong năm. Như vậy, năm 2006 thiệt hại do thiên tai gây ra là rất nghiêm trọng: 312 người chết, hơn 1700 người bị thương, 65 người mất tích. Tổng số thiệt hại về kinh tế khoảng 1,2 tỷ USD. Cụ thể như  cơn bão số 3 xuất hiện vào tháng 7/2006 đã ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam, gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hay cơn  bão số 1 Phan Chu, tuy không đổ bộ vào đất liền nước ta, nhưng đã gây thiệt hại rất nặng nề đối với ngư dân các tỉnh miền Trung. Từ tháng 9 đến 10 ngày đầu tháng12/2006, nhiều cơn bão đã hoạt động trên biển Đông với cường độ rất mạnh như bão số 6,7,8 và số 9. Riêng bão số 6 xảy ra  đêm 30/9 rạng sáng ngày 1/10/2006 có sức gió mạnh cấp 12, giật đến cấp 13, 14 là cơn bão mạnh nhất trong các cơn bão đổ bộ vào Trung Trung Bộ trong vòng 10 năm trở lại đây. Cơn bão này đã đổ bộ vào Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Trung Trung Bộ, gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ làm thiệt hại lớn về người và của… Miền Trung nắng lắm, mưa nhiều, bởi đây là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bão và áp thấp nhiệt đới, chiếm tới 65% số cơn bão ảnh hưởng đến nước ta. Hàng năm có từ 3-4 cơn bão, 2-3 áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào khu vực này. Đáng lưu ý là bão đổ bộ vào miền Trung thường liên tiếp trong một thời gian ngắn như: tháng 9/1964; tháng 9/1978, chỉ trong 15 ngày, miền Trung đã hứng chịu 3 cơn bão mạnh; năm 1998 chỉ trong vòng 1 tháng 14/11- 14/12 đã có 4 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung. Với loại hình thời tiết này thường gây ra mưa, lũ lụt đặc biệt lớn, trên toàn vùng. Thiệt hại do loại hình này gây ra, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại hình thiên tai xảy ra trong những năm qua. Từ năm 1964 tới nay đã có 20 đợt bão hoặc bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào miền Trung. Một số cơn bão mạnh hoặc áp thấp nhiệt đới  kết hợp với không khí lạnh gây mưa to và đặc biệt to như bão NanCy, chiều 22/9/1979 di chuyển vào Quảng Bình, Quảng Trị kết hợp với không khí lạnh gây mưa rất to lượng mưa trung bình từ 700-1000 mm. Áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Phú Yên ngày 29/10/1983 kết hợp với không khí lạnh gây mưa to trên một dải dài từ Hà Tĩnh đến Khánh Hoà.

Nhìn chung, miền Trung là nơi hứng chịu nhiều nhất thiên tai, bão, lũ lụt. Ít thì cũng vài ba tỉnh, nhiều có thể trên toàn vùng như những năm:1964, 1970, 1975, 1985, 1987, 1996, 1998, 1999,  2003, 2006 và 2007. Những trận mưa như thác đã nhấn chìm nhiều làng mạc, cá biệt có những làng bị lũ quét sạch, hàng trăm người chết, tổn thất về vật chất là vô cùng lớn. Theo thống kê năm 2007, chỉ tính riêng ba cơn lũ xảy ra tại miền Trung đã làm 155 người thiệt mạng; 21 người mất tích, 137 người bị thương; gần 58 ngàn hộ gia đình phải đi sơ tán; 5 ngàn ngôi nhà bị sập đổ; gần 19 ngàn hécta lúa và hơn 37 ngàn hécta hoa màu bị ngập; hơn 35 ngàn tấn  lương thực bị ướt và bị lũ cuốn trôi. Tổng thiệt hại về vật chất lên tới gần 4500 tỷ đồng.

Để có thể sống chung an toàn với bão lũ, Hội thảo đã đề xuất một loạt các giải pháp mang tính lâu dài cho toàn khu vực. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống và khắc phục hậu quả sau thiên tai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người dân về phòng chống bão lụt giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo vệ rừng nguyên sinh, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng mới; phủ xanh đồi trọc, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong khu vực thường xuyên bị bão lụt, cần trồng các loại cây ngắn ngày, tăng vụ để tránh các mùa mưa bão và nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thuỷ văn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó là sắp xếp lại dân cư tại khu vực ngập lụt; nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông; kiên cố hoá các công trình nhà ở và công cộng; xúc tiến điều tra để lập các dự án xây hồ chứa nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và điều hoà lượng nước trong khu vực; xây dựng các công trình điều chỉnh dòng chảy của sông, đê điều và các công trình cảnh báo. Trước mắt, để giảm nhẹ thiệt hại do bão lũ gây ra, tiếp tục áp dụng các giải pháp hiệu quả tại các địa phương và cần bổ sung các giải pháp mang tính lâu dài như: Quy hoạch sắp xếp lại dân cư khu vực đặc biệt nguy hiểm, di dời kết hợp với tái định cư; lập hồ sơ thiết kế, tiêu chuẩn thiết kế để hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố… nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia QL!A, đường sắt và hệ thống giao thông của các địa phương; cải tạo dòng chảy xây kè chắn lũ tại những khu vực trọng yếu, tiến hành nạo vét, chỉnh trị dòng sông, đặc biệt là các cửa sông nhằm tiêu nước nhanh, giảm ngập lụt…

Từ các giải pháp trên, đề án “ Chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung” đã đưa ra các nhóm chương trình để thực hiện mục tiêu của đề án. Cụ thể hoá các chương trình ngắn hạn 2008-2010: tập trung vào các nội dung trọng yếu trước mắt nhằm giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai cho các khu vực dân cư đặc biệt nguy hiểm là xây dựng bản đồ ngập lụt và phần mềm mô hình ngập lụt cho 11 tỉnh từ Thanh Hoá đến Phú Yên; Quy hoạch, sắp xếp và tái định cư các khu vực đặc biệt nguy hiểm; xây dựng các công trình kiên cố để vượt lũ, mục tiêu của các công trình này nhằm xây dựng các công trình hạ tầng xã hội kiên cố làm nơi tránh bão lũ cho cả cộng đồng, đồng thời nghiên cứu, phát triển mẫu nhà ở phù hợp để sống chung với lũ; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các vùng trọng yếu, xây mới và kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi giảm lũ, cắt lũ, các công trình đê kè chống sạt lở…; chương trình các dự án về dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, nâng cấp và xây dựng mới một số hệ thống các trạm quan  trắc tại các khu vực còn thiếu với số lượng các công trình cần đầu tư xây dựng là 27 trạm; nâng cấp trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, thuyền, áo phao cứu sinh, loa phóng thanh không dây sẽ được trang bị đến cấp xã. Tiếp nối các chương trình ngắn hạn là các chương trình dài hạn. Được thực hiện trong  giai đoạn từ giữa 2011- 2015- 2020 và xa hơn. Các chương trình này sẽ được phát triển, hoàn thiện từ các chương trình đã được thực hiện trong giai đoạn đầu, nhưng với quy mô và chiều sâu lớn hơn. Việc xây dựng các công trình dài hạn đóng vai trò hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Các chương trình dài hạn bao gồm: Nhóm chương trình nghiên cứu điều tra về tự nhiên, biến đổi khí hậu, tổng thể phát triển rừng, hệ thống công trình thuỷ lợi, thuỷ điện… với mục tiêu là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho các vấn đề liên quan đến phòng và chống lụt bão nhằm giảm tối đa thiệt hại do bão lụt gây ra cho 11 tỉnh miền Trung; nhóm chương trình quy hoạch là hoàn thành các quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, khu chức năng là quy hoạch hệ thống các đô thị, khu kinh tế vùng duyên hải, hệ thống các khu du lịch, các vùng sinh thái tự nhiên nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lụt bão. Nhóm chương trình trồng rừng  phòng hộ đầu nguồn và phòng hộ ven biển, thực hiện mục tiêu đến 2015 sẽ hỗ trợ và lồng ghép với chương trình 5 triệu hécta rừng để phủ kín 50% diện tích rừng đầu nguồn, phòng hộ ven biển của 11 tỉnh miền Trung; Nhóm chương trình dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, mục tiêu là tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống các công trình trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn tại các sông lớn của 11 tỉnh thành miền Trung. Bên cạnh các chương trình, mục tiêu và kế hoạch thực hiện, đề án “Chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung” cũng đã đề xuất các cơ chế chính sách và phương án tổ chức thực hiện. Đồng thời kiến nghị với Nhà nước sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thực hiện các dự án, công trình phòng chống và hạn chế tác động của thiên tai.

Hội thảo đã nhận được hàng chục ý kiến đóng góp của các bộ, ban ngành và các địa phương. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã tổng hợp các ý kiến trong hội thảo, đồng thời nêu ra những phần, những mục trong đề án cần bổ sung, sửa đổi dể làm rõ hơn, phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên, xã hội của toàn vùng và phong tục tập quán của người dân địa phương.

 Nguồn: TC Xây dựng, số 6-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)