Quy chuẩn nhà ở và công trình công cộng

Thứ sáu, 11/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ Bộ Xây dựng - TS Nguyễn Trung Hòa trả lời Báo Thanh Niên về việc thực hiện quy chuẩn "Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe".

* Thưa ông, quy chuẩn "Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe" khác gì với yêu cầu về Chứng nhận sự phù hợp chất lượng với các công trình công cộng đã từng có trước đây?

Chứng nhận sự phù hợp chất lượng chủ yếu để đánh giá an toàn về khả năng chịu lực đối với những công trình công cộng mà nếu xảy ra sự cố có thể gây thảm họa; thứ hai là dùng để đánh giá chất lượng công trình theo yêu cầu của bên thứ 3 bảo hiểm, hoặc người mua nhà.... Nhưng quy chuẩn thì khác, theo quy định của Luật Xây dựng, đó là văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật mà tất cả công trình xây dựng đều phải tuân thủ.

Quy chuẩn xây dựng "Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe" ngay từ tên gọi đã phản ánh tương đối đầy đủ nội dung. Với phạm vi áp dụng là nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị..., nó quy định những yêu cầu kỹ thuật phải đạt được của các công trình này nhằm đảm bảo an toàn về sinh mạng và sức khỏe cho con người trong quá trình sử dụng.

*
Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Quy chuẩn trên quy định những yêu cầu cụ thể về phòng chống nước, hơi ẩm và chất độc hại; bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập; an toàn sử dụng kính, chiếu sáng, thông gió và chống tiếng ồn trong các công trình xây dựng. Ví dụ: phải đảm bảo các thông số chống chất gây độc hại có thể có trong vật liệu xây dựng như phóng xạ, nồng độ benzen, asen trong sơn...; quy định cụ thể về chiều cao lan can, độ rộng các khe hở của lan can, cầu thang nhằm chống rơi, ngã từ trên cao...; quy định về độ rọi tối thiểu của ánh sáng trong các công trình nhằm đảm bảo yêu cầu sinh hoạt hoặc làm việc; quy định về chiếu sáng sự cố nhằm đảm bảo cho quá trình thoát thân khi xảy ra sự cố trong công trình xây dựng.

*
Cách đây không lâu ở Hà Nội có vụ một cháu bé rơi từ tầng cao một chung cư xuống và tử vong. Lúc đó người ta mới đặt nhiều câu hỏi xung quanh tiêu chuẩn an toàn cho các chung cư…

Khi vụ việc đó xảy ra thì chưa có quy chuẩn này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế nhà cao tầng đã quy định chiều cao lan can là 1,2m và lan can của tòa nhà nơi xảy ra tai nạn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.

Trong quy chuẩn mới lần này có đưa thêm các quy định chi tiết như khe hở lan can phải không được chui lọt một quả cầu đường kính 10 cm; không bố trí các thanh ngang để trẻ có thể tựa chân trèo qua lan can... Có ý kiến cho rằng phải rào kín không gian lô gia các khu nhà cao tầng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, điều đó sẽ gây cản trở cho việc cứu người từ bên ngoài khi xảy ra sự cố cháy nổ trong công trình. Quy chuẩn xây dựng của các nước khác cũng không cho phép bịt kín các mảng cửa, lô gia, ban công nhà cao tầng.

*
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn thì rất đầy đủ và chuẩn xác nhưng việc kiểm soát thực hiện trong thực tế liệu có khó khăn?

Đúng là việc thực thi còn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý xây dựng ở địa phương, nhất là với các công trình nhà dân tự xây dựng. Trong trường hợp đó, chủ yếu là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân để nâng cao nhận thức và tự thực hiện.

Đối với các công trình lớn, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ kiểm soát khâu thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở trong giai đoạn cấp phép. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình xây dựng, trong đó có việc tuân thủ các quy định của quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, chịu trách nhiệm về an toàn công trình.

*
Trong quy chuẩn có một chương bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập, ông có thể giải thích rõ hơn?

Đây là các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng các công trình nhà ở, công trình công cộng khỏi bị tai nạn. Ở đây có những quy định rất cụ thể như chiều cao bậc cầu thang bao nhiêu? độ hở lan can thế nào? bố trí các tay vịn ra sao? cửa phải có chốt an toàn như thế nào để đảm bảo không va đập vào người đi lại ở hành lang, gây tai nạn.

Trước đây, từng có trường hợp một nữ khách hàng kiện đòi bồi thường khi bị ngã trong một khu nhà vệ sinh công cộng do sàn nhà ở đó không lát bằng vật liệu chống trơn, trượt. Ngoài ra còn có quy định sử dụng cửa kính an toàn, trong đó cửa ra vào bằng kính phải có những biển báo, chỉ dẫn đủ để người đi lại nhận biết và không đập đầu vào kính.

*
Thế trong trường hợp đập đầu vào kính và gây tai nạn thì sao?

Trong trường hợp cửa kính không đảm bảo theo yêu cầu của quy chuẩn, nghĩa là không tuân thủ yêu cầu của văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại do tai nạn va đập ấy gây ra. Người Việt Nam chưa quen với những khiếu kiện như thế này nhưng ở nước ngoài đây là chuyện bình thường. Chính những điều bình thường ấy sẽ giúp cho các quy chuẩn, tiêu chuẩn được tôn trọng.

Theo Báo Thanh Niên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)