Củng cố các nguồn lực cho phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam: Những bài học về việc nâng cao năng lực cho các Nhà quy hoạch đô thị

Thứ sáu, 11/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khi Việt Nam đang trải qua quá trình phát triển nhanh chóng từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang một nền kinh tế định hướng đô thị nhiều hơn, vai trò của công tác quy hoạch và quản lý đô thị cũng đang thay đổi rất nhiều. Bài viết này khảo sát những năng lực mà các nhà quy hoạch và quản lý đô thị chuyên nghiệp cần phải có để có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đô thị. Trong phần kết luận, bài viết đưa ra một số bài học trong việc xây dựng năng lực cho các nhà quy hoạch ở Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai, và trình bày  một số kinh  nghiệm mà chương trình UEPP-Việt Nam đã có được thông qua việc thực hiện quá trình đào tạo về xây dựng năng lực cho phát triển đô thị bền vững.

Những thách thức đối với công tác quy hoạch đô thị ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đô thị, cùng với sự gia tăng dân số tự nhiên cộng thêm các dòng người nhập cư tràn vào từ các vùng nông thôn, đã tạo nên sự bùng nổ của các đô thị về quy mô, số lượng và cả những thách thức cần phải nhận diện. Một mặt, quá trình đô thị hoá đã tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế; nhưng mặt khác, khi mà các nhu cầu đầu tư và sức mua đã tăng lên nhanh chóng, cũng xuất hiện nhu cầu lớn về khai thác các nguồn lực tự nhiên, và điều này có tác động tiêu cực đến chất lượng của môi trường tự nhiên. Vì vậy, một trong những vấn đề khó khăn nhất đặt ra là: đâu là những biện pháp hữu hiệu và bền vững nhất để vừa tận dụng được các cơ hội tăng trưởng kinh tế lại vừa giảm thiểu được các tác động tiêu cực do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đem lại, nhất là tại các vùng nông thôn.

Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả việc thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng, hệ thống quy hoạch của Việt Nam - ở tất cả các cấp - quốc gia, khu vực và địa phương - đang phải vật lộn để bắt kịp với những áp lực phát triển mạnh mẽ của các đô thị, thị trấn trên khắp đất nước. Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách cũng đã bắt đầu nhận thấy rằng: các phương pháp quy hoạch truyền thống - như đã và đang được sử dụng - đã không còn đủ hiệu năng nữa xem hộp 1. Việc thiếu vắng những kế hoạch có tính chiến lược và thực tiễn cho sự phát triển của các khu đô thị luôn đưa đến một mối nguy hại thường trực, đó là: cho dù Việt Nam có một nền kinh tế tăng trưởng vào loại nhất trên thế giới, nó lại được quản lý theo một cách thiếu hiệu quả và không bền vững.

Hộp 1: Một số khiếm khuyết của hệ thống quy hoạch đô thị Việt Nam

Các chương trình quy hoạch đô thị thường thiếu tính tổng thể và thực tiễn, quá nhấn mạnh đến khía cạnh thiết kế và xây dựng hạ tầng vật chất của quy hoạch, trong khi lại ít chú trọng đến các vấn đề quan trọng khác như: tài chính, tổ chức, và các công cụ pháp lý cần phải có để thực hiện các chương trình quy hoạch. Hơn nữa, các chương trình quy hoạch thường thiếu sự hợp nhất thoả đáng của các khía cạnh kinh tế-xã hội, môi trường, xây dựng cơ sở vật chất và quy hoạch vùng khu vực;

Các chương trình quy hoạch đô thị thường được xây dựng và phát triển theo cách thức từ trên xuống thông qua một quá trình cứng nhắc, duy kỹ thuật và quan liêu. Một mặt, các chương trình này thường quá phức tạp, mặt khác, nó lại quá chung chung để có thể diễn giải một cách chính xác và nhất quán đối với các cấp chính quyền địa phương - những người vốn không được đào tạo một cách thích hợp để thực thi chức năng này;

Mặc dầu đã có những chương trình quy hoạch đô thị tổng thể đã được phê duyệt chính thức ở hầu hết các thành phố, việc kiểm soát sự phát triển vẫn ở trong tình trạng yếu kém, dẫn đến sự xâm phạm đất đai, bao gồm các khu vực sinh thái và sông nước, và dẫn đến sự phát triển bị phân tán rải rác rất khó có thể hình thành một hệ thống dịch vụ thống nhất.

Năng lực của nhà quy hoạch đô thị và các nhà quản lý

Khi chúng ta quan niệm rằng quy hoạch và quản lý đô thị là một biện pháp nhằm cân bằng các mặt tích cực và tiêu cực của sự phát triển, thì các năng lực và phẩm chất mà các nhà quy hoạch cần phải có để thực thi hiệu quả chức năng của mình phải bao gồm những gì? Những năng lực này không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là những kỹ năng và thái độ cần thiết mà các nhà quy hoạch phải có.

Các năng lực là khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cá nhân nhằm đạt đến việc thực thi chức năng một cách tốt nhất. Các mô hình về năng lực được phác hoạ dựa trên các yếu tố căn bản: kiến thức, kỹ năng và thái độ mà một cá nhân hay một nhóm cần phải có để thực thi một công việc, vai trò hay các hoạt động theo một cách hiệu quả nhất.

Mặc dầu các mô hình năng lực có thể khác nhau đôi chút trong các quốc gia khác nhau, nhưng đối với một loại hình công việc nào đó, vẫn có thể xác định được những yếu tố chung căn bản của năng lực. Trong bối cảnh này, mô hình năng lực - do Viện Quy hoạch Đô thị Hoàng gia RTPI của Anh quốc phát triển - là một mô hình quan trọng cần được chú ý xem hộp 2. Trong mô hình này, các năng lực được đưa ra có nhiều ưu điểm vì tính chặt chẽ và đã được trắc nghiệm thông qua rất nhiều các cuộc thảo luận và nghiên cứu ở Anh cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Hộp 2: Mô hình năng lực cho các nhà Quy hoạch đô thị nguồn: Viện Quy hoạch Hoàng gia, Anh quốc

* Khả năng phân tích để đánh giá ảnh hưởng của các vấn đề không gian đối với địa phương va khu vực và tác động của các chính sách khác nhau;

* Khả năng nhìn xa trông rộng nhằm kết nối các giai đoạn, xu hướng và con đường phát triển;

* Khả năng sáng tạo nhằm tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề như các xung đột về không gian và xây dựng các khái niệm chiến lược mới;

* Khả năng về xã hội nhằm hiểu các khía cạnh xã hội của sự phát triển đô thị và khu vực;

* Khả năng về kinh tế nhằm hiểu được các vấn đề chi phí và lợi ích của các phương án đề xuất khác nhau, thiết lập các yêu cầu về vốn và đạt được các lợi ích chung cho cộng đồng;

* Khả năng về môi trường nhằm hiểu được các quy trình, mô hình và các hạn chế của các nhân tố và hệ thống trong môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng;

* Khả năng về thủ tục thể chế nhằm hiểu được chính sách và các khung pháp lý, các thể chế và thủ tục ảnh hưởng hoặc đem lai sự thay đổi;

* Khả năng giao tiếp nhằm đóng góp hữu hiệu vào các quá trình quy hoạch và hoạch định chính sách.

Xây dựng năng lực cho Phát triển Đô thị bền vững ở Việt Nam

Theo truyền thống, các khu vực đô thị ở Việt Nam được quy hoạch và quản lý bởi các chuyên gia được đào tạo trong các trường đại học chuyên về kiến trúc hoặc xây dựng. Các chương trình quy hoạch được xây dựng bởi các chuyên gia này chủ yếu được định hình trong các bản thiết kế và xây dựng hạ tầng mà trong đó thiếu vắng một chiến lược thực thi và ý tưởng chủ đạo thường là quá ôm đồm, thiếu những chỉ dẫn thích hợp và cụ thể đối với các vấn đề kinh tế, xã hội có liên quan. Để khắc phục những hạn chế này, việc xây dựng năng lực cho các nhà quy hoạch cũng có nghĩa là làm cho họ có khả năng phát triển một tập hợp các năng lực tương tự như đã nói ở trên nhằm đáp ứng các thách thức trong khu vực đô thị ở Việt Nam một cách có hiệu quả.

Đối với việc đào tạo các nhà quy hoạch tương lai, điều này cũng ngụ ý rằng: cần phải xây dựng một chương trình đào tạo mới, toàn diện theo nguyên tắc lấy sinh viên làm trung tâm, làm cho sinh viên có thể phát triển được kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện chức năng quy hoạch và tạo nên sự phát triển bền vững. Việc đào tạo này, một mặt nhằm đến và đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật được quốc tế thừa nhận, mặt khác, phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để có thể đáp ứng có hiệu quả trước các nhu cầu và áp lực của công tác quy hoạch và quá trình phát triển.

Đối với việc đào tạo các nhà quy hoạch hiện đang công tác, việc phát triển năng lực cũng ngụ ý rằng: cần phải có các khoá đào tạo tại chức và thiết lập Chương trình Phát triển Chuyên môn liên tục CPD. Theo đó, các nhà quy hoạch tại chức có thể tham gia các khoá đào tạo một cách thường xuyên để cập nhật và phát triển hơn nữa kiến thức, kỹ năng và thái độ của mình. Đồng thời, đào tạo cho các cán bộ đương nhiệm cần được cung cấp bằng cách đưa những nhà quy hoạch đô thị và quản lý này tham gia những dự án thí điểm nhằm mở ra cho họ những các phương thức khác nhau trong việc xác định các thách thức của đô thị.

Các sáng kiến trợ giúp của Chương trình Quy hoạch môi trường đô thị Việt Nam MTQHĐT-VN trong việc xây dựng năng lực phục vụ cho Phát triển đô thị bền vững

Đặc biệt chú trọng đến các yêu cầu về xây dựng năng lực cho các nhà quy hoạch đô thị của Việt Nam, MTQHĐT - Việt Nam cùng hợp tác với ĐHKTHCM và Viện quy hoạch Đô thị-Nông thôn VQHĐTNT và các đối tác từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL đã thiết kế và thử nghiệm một chương trình xây dựng năng lực cho các nhà quy hoạch đô thị hiện nay và trong tương lai.

Chương trình hợp tác giữa MTQHĐT-VN trường ĐHKTHCM và VQHĐTNT đã đổi mới và cập nhật các nội dung đào tạo, giới thiệu phương pháp đào tạo mới và tăng cường năng lực trong đào tạo cho các giảng viên của trường và các cán bộ của Viện. Các nỗ lực xây dựng năng lực cùng với các đối tác của khu vực ĐBSCL đã định dạng một cơ cấu đào tạo, trong đó, các chuyên gia trong nước và nước ngoài làm việc cùng các Bang Liên hiệp trong việc thực hiện những dự án tài trợ nhỏ DATTN.

Chương trình đổi mới về Quy hoạch đô thị của trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh ĐHKTHCM

Sự hiệp tác giữa MTQHĐT-VN và ĐHKTHCM tập trung vào việc phát triển chương trình đào tạo 3 năm chuyên ngành bậc ĐH và sau đại học về Quy hoạch đô thị để những chương trình đào tạo này đáp ứng được những thách thức của đô thị Việt Nam hiện nay và đồng thời phản ánh được chất lượng cao về học thuật và đạt được tiêu chuẩn đào tạo mang tính quốc tế. Đối với cả hai cấp độ đào tạo này, cả hai bên cơ quan đã cùng xem xét chi tiết các môn học hiện có, nhu cầu và yêu cầu đào tạo các nhà quy hoạch trong tương lai, và các năng lực mà đội ngũ giảng viên cần phải có để thực hiện chương trình đào tạo mới. Việc hợp lý hoá các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học đã được đúc kết trong việc hình thành một cấu trúc chương trình theo kiểu mô-đun, dựa trên nguyên tắc xuyên suốt là lấy sinh viên làm trung tâm để hình thành các năng lực thích hợp cho các nhà quy hoạch tương lai. Xem hộp 3

Hộp 3: Các đặc điểm chính của Chương trình đổi mới ngành Quy hoạch đô thị bậc ĐH tại ĐHKTHCM

Chương trình được thiết kế để phát triển các năng lực kiến thức, kỹ năng và thái độ của sinh viên tương thích với việc thực thi vai trò là các nhà quy hoạch đô thị trong tương lai.

·                   Các môn học đều áp dụng một cách có hệ thống và nhất quán một hệ thống tín chỉ - một hệ thống phản ánh khối lượng công việc học tập mà sinh viên được yêu cầu phải hoàn thành và có thể cho phép sinh viên có thể chuyển đổi các tín chỉ được cấp ở Việt Nam sang các hệ thống tín chỉ khác và ngược lại.

·                   Toàn bộ chương trình được thiết kế như là một hệ thống mô-đun, cho phép mở ra các cơ hội phát triển các chuyên ngành cũng như việc trao đổi giữa các chương trình khác nhau.

·                   Việc sắp xếp các môn học chính và các môn học bổ sung trong toàn bộ chương trình cũng như trong từng học kỳ đều dựa trên nguyên tắc rằng: đảm bảo trình tự lô-gic và sự phát triển có tính tiến hoá của quá trình hình thành các năng lực.

·                   Trong một học kỳ, có sự tổng hợp của 3 môn lý thuyết và một môn đồ án. Môn đồ án sẽ được thực hiện thông qua làm việc nhóm, trong đó sinh viên sẽ được trợ giúp để vận dụng kiến thức và kỹ năng đã được học trong các môn lý thuyết.

·                   Sử dụng các phương pháp đào tạo mới với nguyên tắc sinh viên là trung tâm, bao gồm: bài tập nhóm, bài tập cá nhân, tham quan thực địa, thảo luận, hội thảo trong suốt chương trình.

·                   Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan giáo dục quốc tế, việc thiết kế và phát triển chương trình đã đảm bảo được rằng: giáo trình mới thể hiện được các lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn được quốc tế thừa nhận, và đồng thời, phù hợp với điều kiện của Việt Nam thông qua việc nghiên cứu sâu các vấn đề của quy hoạch đô thị ở Việt Nam.

·                   Đội ngũ giáo viên đã cải thiện được năng lực giảng dạy của mình thông qua việc tham dự các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cả ở Việt Nam lẫn ở châu Âu.

Cấu trúc Chương trình đổi mới Ngành Quy hoạch Đô thị bậc đại học và các phương pháp giảng dạy được vận dụng theo đó tại ĐHKTHCM nhằm khuyến khích sinh viên tư duy và thực hành một cách có phê phán về các lý thuyết quy hoạch, các vấn đề và khả năng thực tiễn cũng như sự tương tác giữa các lý thuyết đó. Đồng thời, chương trình cũng nhằm phát triển một hệ thống các kỹ năng cho sinh viên. Theo đó, mục tiêu cuối cùng của chương trình là: sau khi hoàn thành khoá học, sinh viên sẽ trở nên tự tin và đủ năng lực như một nhà quy hoạch đô thị chuyên nghiệp có khả năng đáp ứng một cách có hiệu quả trước những thách thức và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Đào tạo cho cán bộ ngành Quy hoạch đô thị thực hiện bởi VQHĐT-NT, Bộ Xây dựng BXD

Được hỗ trợ bởi chương trình QHMTĐT-VN, VQHĐT-NT đang phát triển và thử nghiệm một chương trình đào tạo cho các nhà quy hoạch tại chức ở Việt Nam. Dựa trên những đánh giá về các nhu cầu đào tạo, một loạt các vấn đề ưu tiên đã được xác định để xây dựng nội dung cho chương trình. Đối với khoá đào tạo tại chức này, mục tiêu tổng thể là: giới thiệu và cập nhật cho các nhà chuyên môn, các quan chức và các nhà hoạch định chính sách các vấn đề chủ yếu như: quá trình ra quyết định chính sách, quá trình thực thi quy hoạch đô thị và các hoạt động liên quan, trong đó đặc biệt chú trọng đến quy hoạch môi trường và quy hoạch dựa trên tham gia cộng đồng.

Sự hợp tác giữa CTQHMTĐT-VN và VQHĐT-NT còn thể hiện ở kết quả trên nội dung 04 mô-đun đào tạo cán bộ đương nhiệm như sau:

·                   Giới thiệu về Quy hoạch Đô thị.

·                   Quy hoạch Phát triển & Thực thi các Quy hoạch Đô thị

·                   Quy hoạch Môi trường và Các chiến lược Quy hoạch Môi trường

·                   Quy hoạch đô thị dựa trên Tham gia Cộng đồng.

Mỗi mô-đun có thời lượng là 4,5 ngày và sẽ được giới thiệu thí điểm 3 lần cho các nhà quy hoạch đô thị ở khu vực ĐBSCL. Việc thực hiện thí điểm 3 lần sẽ tạo nhiều cơ hội để cải tiến các nội dung và phương pháp đào tạo dựa trên những đóng góp từ phía các học viên tham gia. Hơn nữa, điều này sẽ giúp cho giảng viên có đủ thời gian đề hình thành sự tự tin cũng như các kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Việc trao đổi các ý tưởng, các vấn đề và giải quyết vấn đề và học hỏi lẫn nhau là một phương pháp rất tốt cho đào tạo tại chức. Phương pháp học chủ yếu sẽ tập trung vào việc phát triển các kỹ năng thông qua các hoạt động trao đổi trực tiếp càng nhiều càng tốt hoặc thông qua việc cung cấp các tài liệu đọc. Để hỗ trợ cho các hoạt động trao đổi ở trình độ cao này, các phương pháp lấy người học làm trung tâm như: động não, thảo luận nhóm, tranh luận, nghiên cứu trường hợp và các điển hình sẽ được áp dụng trong quá trình thực hiện các mô-đun đào tạo.

Theo dự kiến, 4 mô-đun nói trên sẽ hợp thành một bộ phận của một chương trình xây dựng năng lực quy mô hơn, bao gồm một dải rộng các mô-đun nội dung khác nhau. Một chương trình như vậy - thường được gọi là Chương trình phát triển chuyên môn liên tục - sẽ cung cấp cho các nhà quy hoạch đô thị một cơ hội và khả năng để họ có thể cập nhật và phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ trên cơ sở thường xuyên hơn.

Đào tạo thông qua việc triển khai và thực hiện các Dự án tài trợ nhỏ DATTN

Sau một quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt và mang tính cạnh tranh, UEPP-VN đã cấp 10 gói tài trợ để thực hiện các dự án nhằm góp phần cải thiện môi trường đô thị tại các tỉnh ở vùng ĐBSCL. Các DATTN này đã được triển khai thực hiện dưới sự quản lý và điều hành của các Ban liên hiệp - một tổ chức bao gồm các đại diện của các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cộng đồng dân cư. Các DATTN đang trong quá trình nhận diện các vấn đề về Quản lý rác thải, Cấp thoát nước, Cây xanh đô thị xem mô tả tổng quan về các DATTN này trong Hộp 4 sau đây.

Hộp 4: Các DATTN do UEPP-VN hỗ trợ

Ban liên hiệp

Dự án

1. Phòng Quản lý đô thị thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Bảo dưỡng cây cổ thụ va trồng mới cây xanh đường phố và trong công viên

2. Ban Quản lý chợ Phước Thọ, Phường 8, đường Nguyễn Trung Trực, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Quy hoạch cải thiện môi trường khu chợ cũ, chợ Phước Thọ, phường 8, thị xã Vĩnh Long

3. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang

Xây dựng mô hình thí điểm hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị cho thành phố Rạch Giá trên cơ sở phân loại rác tại nguồn có sự tham gia của cộng đồng

4. Uỷ ban Nhân dân thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Phân loại rác thải tại nguồn và tín dụng vệ sinh

5. Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau

Dự án thiết kế, chỉnh trang tuyến dân cư ven sông rạch trung tâm thành phố Cà Mau tuyến sông Tắc Thủ, đoạn từ cầu Gành Hào đến kênh 16

6. Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ

Cải thiện chất lượng môi trường tại khu vực

7. Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng

Cải tạo hạ tầng, vệ sinh môi trường khu dân cư nhóm 2, phường 3, thị xã Sóc Trăng

8. Sở Xây dựng tỉnh Long An

Thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thị xã Tân An

9. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang

Xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng ở phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

10. Uỷ ban Nhân dân thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang

Thu gom, vận chuyển, xử lý rác và Nâng chất cây xanh Khu du lịch Núi Sam

Các DATTN nêu trên đã tạo ra các cơ hội thực tế để tiến hành đào tạo ngay trong công việc đối với các thành viên trong các Ban liên hiệp trên một giải rộng các vấn đề như: i Các giải pháp kỹ thuật thích hợp đê nhận diện và giải quyết các vấn đề về môi trường; ii sự tham gia của các cộng đồng cư dân trong việc cải thiện các điều kiện sống; iii quản lý các dự án, bao gồm việc giám sát và đánh giá; tài chính và quản lý hành chính; iv các kế hoạch nâng cấp và nhân rộng

Kết luận

Một trong những biện pháp chủ yếu để tạo nên các đô thị vận hành tốt hơn và bền vững hơn là thay đổi quá trình đào tạo mà các nhà quy hoạch và quản lý đô thị phải trải qua. Đồng thời, cần phải nhận thức rõ ràng, xây dựng năng lực là một quá trình phức hợp đòi hỏi có nhiều nỗ lực lớn trong một thời gian dài.

Những thách thức đối với quá trình phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam như đã nêu ở trên không chỉ liên quan đến năng lực của những người can dự trực tiếp vào việc quy hoạch và quản lý các khu vực đô thị, mà còn thể hiện sự khiếm khuyết trong hệ thống các công cụ pháp lý về thể chế đang vận dụng cho lĩnh vực này.

Nếu vậy, xây dựng năng lực tập trung vào củng cố và phát triển các nguồn nhân lực phải đi đôi với việc cải thiện các thể chế và hệ thống tổ chức chẳng hạn như: các văn bản hướng dẫn, các công cụ pháp lý, cơ cấu hoạch định chính sách, hệ thống lương…. Việc cải thiện này sẽ tạo nên một môi trường thuận lợi hơn cho các nhà quy hoạch thực thi chức năng của mình. Tuy nhiên, khó có thể có được các kết quả rõ rệt chỉ trong một thời gian ngắn. Vì vậy, sự cam kết và ủng hộ của tất cả những người tham dự vào quá trình xây dựng năng lực là yếu tố có tầm quan trọng quyết định đến thành công.

Nguồn: Bài tham luận của Joris van Etten tại Hội thảo "Phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam", tháng 4/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)