Xu hướng tổ chức và mở rộng không gian Thành phố Vinh: Xưa và nay

Thứ tư, 04/06/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ xa xưa Vinh đã được các triều đại phong kiến xác định là vị trí quân sự quan trọng của đất nước. Thời kỳ Pháp thuộc, qua đạo dụ của vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định mà 3 thị xã kề cận nhau ra đời gồm Vinh - Bến Thuỷ - Trường Thi. Sau đó ngày 10/12/1927 Toàn quyền Đông Dương Mông - ghi - giô ra Nghị định thành lập TP Vinh - Bến Thuỷ và từ những năm 1899 người Pháp đã cho thành lập 6 đô thị ở miền Trung nhưng nổi trội hơn cả vẫn là Vinh, Huế, Đà Nẵng và có lẽ Vinh được coi trọng hơn khi được nâng cấp lên thành TP 1927 trước Huế 2 năm 1929. Giai đoạn này Vinh có nhiều lợi thế như là đầu mối giao thông quan trọng có đường sắt nối với Hà Nội, đường bộ nối với Lào đường số 6, 7, có sân bay, cảng Bến Thuỷ. Thời đó, Vinh đã là một đô thị công nghiệp dịch vụ nhộn nhịp với 18.000 dân được chia thành 3 khu: Trung tâm TP là khu vực thành cổ và bao quanh thành cổ có khu vực người Pháp ở, khu buôn bán của người Việt, người Hoa; vùng Trường Thi là nhà máy xe lửa Bắc Trung kỳ và sân bay; vùng Bến Thuỷ là trung tâm công nghiệp, có cảng sông, tàu bè đi lại sầm uất.

Nhờ vào vị trí thuận lợi để khai thác rừng tự nhiên phong phú của Nghệ An nên tư bản Pháp đầu tư vào khu vực Bến Thuỷ những công trình công nghiệp lớn như: Nhà máy cưa, diêm, điện, sữa chữa xe lửa, cá hộp, cảng Bến Thuỷ… với tổng số lao động công nghiệp khoảng 7.000 người. Ngoài ra TP còn lập trường Quốc học và là cái nôi đào tạo nhân tài cho khu vực Bắc miền Trung. Xét trên bình diện kinh tế thời đó Vinh là TP công nghiệp thương mại lớn nhất Bắc Trung bộ và là cửa ngõ thông ra biển của nước Lào. Vì thế, không gian đô thị của TP được tổ chức kéo dài từ thành cổ phía Tây đến cảng Bến Thuỷ phía Đông và chia làm 2 khu vực rõ ràng: Phía Tây là trung tâm hành chính và dân dụng, phía Đông từ nhà máy xe lửa đến bờ sông là khu công nghiệp. Giai đoạn này yếu tố mặt nước được khai thác vào vận tải phục vụ hoạt động thương mại, công nghiệp đồng nghĩa với việc thiên nhiên được đưa vào khai thác, sản xuất chứ không được khai thác nhằm nâng cao chất lượng sống đô thị.

Thời kỳ đầu sau chống Pháp thắng lợi thời kỳ Việt Nam DCCH 1962 -1973, tư duy về vai trò trung tâm vùng của Vinh vẫn còn nguyên vẹn và còn được bổ sung bởi ánh hào quang là quê hương của Hồ Chủ tịch. Các ý tưởng quy hoạch đều đưa Vinh ra sát bờ sông Lam tạo nên một đô thị ven sông và đây cũng là ý tưởng của người Pháp khi xây dựng Bến Thuỷ với những nhà máy đang còn hoạt động dọc sông Lam. Thế nhưng với dòng sông thuỷ chế thất thường như sông Lam một năm có từ 2 - 5 trận lũ lớn thì việc xây dựng một TP thơ mộng ven sông là rất khó thực hiện. Thêm vào đó, năm 1965 chiến tranh phá hoại lan rộng đã gác lại một ý tưởng mà sau này vẫn là niềm đam mê của các nhà quy hoạch.


TP Vinh nhìn về phía quê Bác.

Năm 1973 với sự giúp đỡ của các chuyên gia quy hoạch CHDC Đức, một mô hình đô thị hiện đại phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Trong khoảng quy mô dân số được xác định từ 18 - 22 vạn dân, cấu trúc đô thị là một số các trục phố chính hướng vào nhân trung tâm, không gian đô thị đan xen với không gian cảnh quan tự nhiên của sông Lam, núi Quyết và đồng ruộng ngoại vi. Quả thật không có gì thân thiện với môi trường hơn một đô thị kiểu này, thế nhưng nền sản xuất nhỏ đã phá vỡ hoàn toàn định dạng đô thị kiểu hình tia. Bằng chứng là thời kỳ đó nền sản xuất nhỏ, kinh tế gia đình còn rất lớn nên nhu cầu làm nhà gần trung tâm, dọc các phố chính kết hợp với buôn bán dịch vụ đã thắng thế, yếu tố môi trường chưa hề được quan tâm, đầu tư vào các hoạt động công nghiệp, tài chính, du lịch, thương mại còn rất nhỏ so với tầm cỡ cũng như vai trò của TP. Chính sự vượt trội của yếu tố “buôn bán nhỏ” đã làm phá vỡ cơ cấu đô thị bàn tay xoè, đẩy thiên nhiên ra xa TP, tước đi một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống mà trong thời kỳ bộn bề “cơm, áo, gạo, tiền” chúng ta chưa kịp nghĩ đến.

Từ năm 1990, dân số đô thị Vinh đã vượt qua con số 18 vạn, các vùng lõm của cấu trúc bàn tay xoè bị đóng kín bởi các khu nhà chia lô và các khu chức năng khác. Đô thị phát triển xung quanh nhân trung tâm đã bắt đầu đủ độ lớn, bán kính ảnh hưởng đã đến mức tối đa. Tuy sông nước luôn là nỗi khát khao của các đô thị nhưng không ai nghĩ đến một bờ sông đầy bất trắc và ý tưởng về một TP tắm biển, nghỉ mát được phôi thai, hướng phát triển về Cửa Lò được lựa chọn. Như vậy, yếu tố nước vẫn là cái đích hướng tới và phương án quy hoạch này tỏ ra hợp với xu hướng phát triển và thực sự đi vào đời sống đô thị. Cho đến nay, TP đang phát triển mạnh về hướng Đông Bắc và định hướng đô thị phát triển theo hướng này vẫn được thừa nhận.

Từ năm 2000 đến nay, sau nhiều phân tích đánh giá việc Vinh là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ đã được khẳng định nhưng điều này không có nghĩa Vinh hiển nhiên là trung tâm mà cái chính là chỉ ra những thuận lợi và cơ hội để TP có thể vươn lên đảm trách vai trò này. Vinh lại trăn trở tìm hướng đi đến đích, tuy nhiên nhìn lại 5 năm thực hiện quy hoạch 2000 - 2005 về kinh tế - xã hội Vinh vẫn mới chỉ là tỉnh lỵ Nghệ An, chưa có một sản phẩm “vùng” nào xuất hiện ngoài Trường Đại học Vinh. Từ 2005 đến nay, Vinh đã có bước phát triển về nhiều mặt bằng việc xuất hiện các KĐTM ở trung tâm TP, kéo theo đó là các dịch vụ thương mại, ngân hàng, y tế, giáo dục… Vinh hôm nay đang đổi thay từng ngày, nhịp sống đô thị không còn là những bước đi chầm chậm mà hối hả khác thường và để đi đến tương lai, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu con đường Vinh đang đi có phải là con đường duy nhất không khi mà quy hoạch Vinh dù đã có định hướng cụ thể nhưng vẫn còn nhiều bất cập, các yếu tố mặt nước được xem là cải tạo khí hậu của TP đang dần bị lợi thế thương mại chiếm giữ. Vinh có thể là đô thị loại 1 trong tương lai không xa nhưng dù có là đô thị loại 1 đi nữa về mặt hành chính nếu không có sự bứt phá vượt ra ngoài biên giới Nghệ An thì Vinh mãi mãi cũng chỉ là TP tỉnh lỵ mà thôi và cũng có thể tác động của yếu tố quy hoạch không thể vượt qua văn hoá vùng, miền.

TP Vinh xứng đáng được nâng lên đô thị loại I

Đây là một phần của Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An hồi đầu tháng 4/2008. Theo đó, Bộ Xây dựng ủng hộ và xác định TP Vinh là Trung tâm kinh tế văn hoá vùng Bắc Trung bộ, nhiều chỉ tiêu đạt mức chuẩn cao, xứng đáng được nâng lên đô thị loại I. Bộ Xây dựng đồng tình và giao cho các vụ, viện phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An để hoàn chỉnh hồ sơ thông qua Hội đồng của Nhà nước trong tháng 7/2008, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận TP Vinh thành đô thị loại I, đáp ứng kịp thời kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung đô và 45 năm thành lập TP Vinh.

Bộ trưởng lưu ý tỉnh Nghệ An và TP Vinh tăng cường xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP đặc biệt là việc xử lý nước thải, rác thải, tăng quy mô và chất lượng dân số để xứng tầm là đô thị loại I.


Nguồn: Báo Xây dựng, số 45/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)