Hợp tác quốc tế phục vụ phát triển ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Thứ sáu, 30/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện chủ trương đối ngoại của ngành Xây dựng, theo tinh thần đổi mới của Đảng đã được đúc kết trong nhiều nghị quyết Đại hội Đảng, và được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng X, là thực hiện “chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” và vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mà nổi bật là nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, Bộ Xây dựng đã chủ động, kiên trì các hoạt động hợp tác quốc tế mang lại lợi ích thiết thực cho ngành và góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp

Về hợp tác song phương: Đây là hợp tác giữa Bộ Xây dựng với các nước đối tác trên cơ sở các hiệp định thoả thuận giữa hai chính phủ, bao gồm 3 lĩnh vực chính: đầu tư và thương mại; trao đổi chuyên gia, kinh nghiệm và đào tạo; thu hút ODA. Các hoạt động hợp tác được diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, các cấp quản lý của ngành xây dựng nhằm phát huy tối đa hiệu quả thu được cho đất nước, theo đúng tinh thần “ngoại giao toàn dân” của Đảng.

Bộ luôn có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hợp tác quốc tế của các nước để vận động, thu hút sự quan tâm của chính phủ cho các ưu tiên của ngành Xây dựng Việt Nam như GTZ Đức, DANIDA Đan Mạch, FINIDA Phần Lan, JICA Nhật Bản, KOICA Hàn Quốc, NORAD Na Uy, AUSAID Úc, SDC Thuỵ Sĩ với các ngân hàng phát triển của các nước KFW Đức, JBIC Nhật Bản, AFD Pháp, cũng như thông qua các đại sứ quán các nước ở Việt Nam và đại sứ quán Việt Nam ở các nước để kết nối các công việc.

Hàng năm, Bộ Xây dựng đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế đến Việt Nam đánh giá tình hình, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đặt nền tảng quan hệ trong tất cả các lĩnh vực của ngành. Đó là những đoàn từ các cơ quan chính phủ, các nhà chính trị, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó Bộ cũng cử hàng chục đoàn do Lãnh đạo Bộ chủ trì đi khảo sát học tập kinh nghiệm của các nước trên khắp các châu lục, từ đó có phương pháp chỉ đạo có hiệu quả đối với các hoạt động đối ngoại của ngành.

Về hợp tác đa phương: Công tác này có thể chia ra làm 2 loại: hợp tác với các tổ chức quốc tế, có thể là tổ chức tài chính, hay phi chính phủ, mang tính khu vực hay toàn cầu và hợp tác với các quốc gia trong khối, vùng lãnh thổ.

Các tổ chức mang tính đa phương là WB, ADB, UN-Habitat, CA, trong đó các tổ chức tài chính WB và ADB giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ ngành xây dựng các dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật mang tính căn bản, giải quyết các vấn đề bức xúc của quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam.

Các khối quốc gia đa phương bao gồm EU, ASEAN, ASEAN+1, APEC, WTO, CER, SNG. Bộ Xây dựng đã tiến hành cam kết về mở cửa thị trường và đối xử quốc gia tại ASEAN đối với các lĩnh vực dịch vụ kiến trúc, dịch vụ kiến trúc cảnh quan đô thị, dịch vụ tư vấn kỹ thuật xây dựng, dịch vụ xây dựng thi công xây lắp; xây dựng chương trình hành động của ngành tại APEC đối với dịch vụ kiến trúc và dịch vụ xây dựng; xây dựng các phương án cam kết đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Về công tác thu hút vốn ODA: Theo các số liệu thống kê, từ 1993 tới nay Bộ Xây dựng đã tiếp nhận, quản lý và thực hiện 33 dự án viện trợ ODA không hoàn lại qua hình thức Hỗ trợ kỹ thuật, tổng giá trị lên tới hàng chục triệu USD quy đổi. Về cơ cấu, có 33 chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật TA, trong đó:

- Dự án hỗ trợ chuẩn bị dự án vay vốn đầu tư lĩnh vực cấp nước: 03

- Dự án hỗ trợ chuẩn bị dự án lĩnh vực phát triển đô thị, nhà ở: 02 dự án

- Dự án hỗ trợ kỹ thuật do BXD điều phối: 02 dự án

- Dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực: 25 dự án, trong đó có 08 dự án dự án TA tăng cường năng lực ngành nước; 04 dự án TA lĩnh vực môi trường; 04 dự án TA lĩnh vực Quy hoạch Môi trường, kiến trúc cảnh quan; 03 dự án TA lĩnh vực kỹ thuật công nghệ; 05 dự án TA tăng cường thể chế, đào tạo Phụ lục.

Nguồn ODA không hoàn lại của Bộ Xây dựng đã ưu tiên dành cho các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực trọng tâm của ngành, phù hợp với sự bức xúc mà thực tiễn đô thị hoá nhanh chóng trên toàn quốc đặt ra.

Bên cạnh đó Bộ Xây dựng cũng là cơ quan điều phối các nguồn vốn vay ODA cho đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng đô thị ở tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn của Việt Nam. Đến nay gần như toàn bộ 64 thành phố và thị xã tỉnh lỵ của các tỉnh và thành phố thuộc Trung ương đều đã có các dự án đầu tư cấp nước bằng nguồn vốn ODA, ngoại trừ Bắc Cạn và các tỉnh mới tách.

ADB, WB và JBIC Nhật Bản cho Việt Nam vay tới 40% tổng vốn đầu tư lĩnh vực hạ tầng đô thị; WB chú trọng tài trợ cho lĩnh vực thoát nước, cấp nước; JBIC tập trung chủ yếu cho chương trình cấp nước thị trấn, thị tứ; ADB tập trung vào cấp nước và vệ sinh môi trường tại các đô thị vừa và nhỏ miền Trung. Các nhà tài trợ song phương khác thường tập trung cho từng tỉnh hoặc hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án tăng cường năng lực, hỗ trợ thể chế phát triển ngành.

Nguồn vốn vay ODA đã thực sự trở thành nguồn vốn quan trọng để phát triển hạ tầng đô thị, trong đó tỷ trọng ODA đầu tư cho ngành nước trên tổng mức đầu tư cho phát triển cả ngành Xây dựng chiếm khoảng 70% tính trong vòng 10 năm qua, giúp cho nhân dân ở các thành phố vừa và nhỏ trên cả nước có được nước sạch dùng trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khoẻ và quay trở lại phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng đất nước.

Về hoạt động của Diễn đàn Đô thị Việt Nam: Đây là một tổ chức tự nguyện của các cơ quan Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị để hỗ trợ các cơ quan chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định chiến lược, chính sách, thu hút sự quan tâm đóng góp của chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế xem Phụ lục 3. Từ tháng 10 năm 2003, Bộ Xây dựng tiếp nhận điều phối diễn đàn này, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho các chính sách, chiến lược quan trọng của Bộ về phát triển đô thị, quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng đô thị, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong phương pháp luận trong quy hoạch, thực hiện CDS tại các thành phố ở Việt Nam.

Đặc biệt trong 2 năm gần đây, Diễn đàn Đô thị Việt Nam đã tập trung giúp Bộ Xây dựng trong việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mang tính nền tảng, đó là điều chỉnh Định hướng Quy hoạch Tổng thể Phát triển Đô thị Việt Nam tới năm 2020 với sự trợ giúp của WB, SDC và UN-Habitat và các Nghị định về cấp nước với sự trợ giúp của WB, Nghị định về quản lý nước thải tại các đô thị với sự trợ giúp của WB, DANI-DA, GTZ, theo đúng tinh thần mà Đại hội Đảng X đề ra là “Khẩn trương đổi mới thể chế, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo đảm lợi ích quốc gia và phù hợp với các quy định, thông lệ quốc tế” [trang 204].

Về công tác tổ chức hội thảo quốc tế: Những năm gần đây, mỗi năm các đơn vị trong Bộ Xây dựng đã tổ chức hàng chục hội thảo, hội nghị quốc tế về các lĩnh vực công nghệ mới trong xây lắp, vật liệu xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng, quản lý và bảo vệ môi trường đô thị, phát triển đô thị bền vững, quy hoạch vùng đô thị, phát triển hạ tầng đô thị, thu hút hàng trăm chuyên gia quốc tế từ các nước đến giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm, và chia sẻ kiến thức mới với các nhà quản lý, các nhà chuyên môn Việt Nam. Những cuộc hội thảo quốc tế là cơ hội rất tốt để cán bộ ngành xây dựng có thể tiếp thu tại chỗ những thông tin cập nhật nhất trên thế giới về những lĩnh vực chủ chốt của ngành, từ đó xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế.

Đặc biệt Hội nghị Quốc tế về Chiến lược Phát triển Thành phố CDS tháng 11/2004 tại Hà Nội, do Liên minh các Thành phố CA cùng Bộ Xây dựng đồng chủ trì đã mang đến Việt Nam một cách tiếp cận mới trong quy hoạch và phát triển đô thị, làm tiền đề cho WB tài trợ thử nghiệm phương pháp luận mới này ở thành phố Hạ Long và Cần Thơ, từ đó nghiên cứu đưa vào hệ thống pháp luật của Việt Nam để nhân rộng ra các thành phố khác trên toàn quốc.

Bảng 1: Hợp tác song phương của ngành xây dựng với các nước.

Quốc gia

Lĩnh vực hợp tác

Anh

Tiêu chuẩn quy phạm, trao đổi, đào tạo.

Bỉ

Nâng cấp đô thị, thoát nước và xử lý nước thải, rác thải đô thị.

Canada

Chương trình đào tạo về quản lý đô thị, trao đổi cán bộ.

Đan Mạch

Chương trình hợp tác về môi trường, đào tạo về ngành nước, hỗ trợ đầu tư ngành nước.

Đức

Hỗ trợ về quản lý thoát nước và rác thải đô thị, tư vấn kiến trúc và quy hoạch, trao đổi cán bộ, đào tạo.

Hàn Quốc

Sản xuất kết cấu kim loại LILAMA-POSCO, sản xuất dàn giáo xây dựng, sản xuất ống mạ kẽm cấp nước, thầu thi công nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, nhà máy đóng tàu Nha Trang, thi công dự án cấp nước 1A Hà Nội, đưa tu nghiệp sinh sang Hàn Quốc, đào tạo nghiên cứu sinh, trao đổi đào tạo, chuyên gia.

Hoa Kỳ

Trao đổi cán bộ, đào tạo, tham dự hội thảo về quy hoạch, thị trường bất động sản, công nghệ thông tin.

Irắc

Xuất khẩu lao động, sứ vệ sinh.

Italia

Công nghiệp vật liệu xây dựng, cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo.

Lào

Đầu tư tại Lào nhà máy thuỷ điện, cải tạo và xây dựng đường quốc lộ 8, đào tạo sinh viên Lào tại Việt Nam.

Malaysia

Xuất khẩu lao động, vật liệu xây dựng, tìm hiểu khả năng đầu tư vào Việt Nam, đào tạo, trao đổi cán bộ.

Nhật Bản

Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, hỗ trợ cấp nước, công tác quy hoạch đô thị.

Nga

Xuất khẩu vật liệu xây dựng, nhập khẩu thiết bị nhà máy điện, thiết bị thi công, trao đổi đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Phần Lan

Hỗ trợ về chương trình cấp nước sạch đô thị.

Pháp

Công nghiệp xi măng, hệ thống cấp nước của gần 20 tỉnh trong cả nước, sản xuất bê tông, hỗ trợ đào tạo ngành nước, hệ thống xử lý nước thải một số thành phố.

Singapore

Phát triển đô thị mới, trao đổi cán bộ, đào tạo.

Tây Ban Nha

Công nghiệp vật liệu xây dựng, trao đổi cán bộ, đào tạo.

Thuỵ Điển

Khoá đào tạo, nghiên cứu triển khai.

Thuỵ Sĩ

Công nghiệp xi măng, trao đổi cán bộ, quy hoạch đô thị.

Trung Quốc

Các thiết bị sản xuất gạch, kính, xi măng, tư vấn thiết kế các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, đầu tư nhà máy điện, gang thép, thầu thi công khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, giám sát dự án TT Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, phát triển phần mềm xây dựng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ bê tông, công nghệ thép, trao đổi đào tạo, tổ chức hội thảo, hội nghị.

Úc

Hỗ trợ đầu tư cấp nước, trao đổi cán bộ, đào tạo.

Về hoạt động của Uỷ ban Liên chính phủ: Hiện nay Bộ trưởng Bộ xây dựng đang điều phối hoạt động hợp tác và giữ chức Đồng Chủ tịch của 3 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Cu Ba, Việt Nam – Angiêri và Việt Nam – Libi. Quan hệ giữa Việt Nam và Cu Ba là rất tốt đẹp về chính trị, song lại rất khiêm tốn về kinh tế, hiện nay Cu Ba còn đang khó khăn do bị cấm vận của Mỹ, nhưng Cu Ba vẫn giúp Việt Nam về đào tạo đại học, tư vấn quy hoạch và xây dựng, y tế, công nghệ sinh học. Việt Nam giúp Cu Ba về lương thực, máy tính, hàng hoá tiêu dùng, tín dụng. Tại các kỳ họp UBLCP hàng năm Việt Nam – Cu Ba, thường xuyên có khoảng 20 lĩnh vực được cam kết hợp tác và thực hiện tốt.

Bảng 2: Hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế

Tổ chức quốc tế

Lĩnh vực hợp tác

WB

Hỗ trợ đầu tư nâng cấp đô thị, cấp nước đô thị, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý rác thải đô thị; hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển đô thị hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng chiến lược, chính sách quản lý đô thị;

ADB

Hỗ trợ đầu tư thoát nước và vệ sinh môi trường tại các đô thị vừa và nhỏ; hỗ trợ kỹ thuật quản lý dự án và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.

UN-Habitat

Hội nghị, hội thảo, hỗ trợ xây dựng chính sách.

CA

Hội nghị, hội thảo quốc tế về Chiến lược Phát triển Thành phố.

Bảng 3: Các dự án vốn vay của WB cho ngành xây dựng

Dự án

Ngày phê duyệt

Số tín dụng

triệu USD

Dự án Cấp nước

Tháng 6/1997

98,6

Dự án Giao thông đô thị

Tháng 8/1998

42,7

Dự án Vệ sinh Ba thành phố

Tháng 5/1999

80,5

Dự án Vệ sinh Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 3/2001

166,3

Dự án Nâng cấp Đô thị

Tháng 4/2004

222,5

Dự án Phát triển cấp nước đô thị

Tháng 12/2004

112,6

Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam

Tháng 1/2005

222

Tổng

945,2

Trong quan hệ hợp tác với Angiêri, từ 1984 đến 1987, Bộ Xây dựng đã cử hơn 1000 người gồm chỉ huy, đốc công, công nhân kỹ thuật sang Angiêri tham gia xây dựng Tổ hợp Đại học O-Răng, theo hình thức khoán gọn từng hạng mục công trình đạt chất lượng tốt. Các hoạt động hợp tác giữa hai nước cho đến nay mới dừng lại ở trao đổi các đoàn cán bộ học hỏi kinh nghiệm. Tháng 2/2006, Kỳ họp lần thứ 7 đã đề ra nội dung hợp tác trong phát triển nhà ở xã hội, thầu xây dựng các công trình lớn tại Angiêri và hợp tác về công tác quy hoạch lãnh thổ. Năm 2008, Bộ được phía Angiêri mời tham gia chương trình xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra các thị trường quốc tế tại Châu Phi.

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Libi còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung vào vấn đề trả nợ cho Libi thông qua xuất khẩu gạo. Một loạt các dự kiến về hợp tác thương mại, tài chính, đầu tư, dầu khí, giao thông – thông tin liên lạc, công nghiệp... đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 10 Uỷ ban liên Chính phủ tổ chức ở Việt Nam vào cuối năm 2007.

Về công tác hội nhập kinh tế quốc tế: Cùng với tiến trình chung hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước, ngành Xây dựng đã cam kết và thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu trong ASEAN theo Chương trình giảm thuế CEPT/AFTA và tại WTO đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng chủ yếu bao gồm xi măng, kính xây dựng, gốm sứ vệ sinh, gạch ceramic và clinke; cam kết tại ASEAN và WTO về mở cửa thị trường và đối xử quốc gia đối với các lĩnh vực dịch vụ kiến trúc, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ quy hoạch và kiến trúc cảnh quan đô thị và dịch vụ xây dựng thi công xây lắp; cam kết tại Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đối với dịch vụ kiến trúc, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ và dịch vụ xây dựng. Nhìn chung, các cam kết đều đảm bảo mức độ phù hợp với điều kiện phát triển của Ngành, đảm bảo vừa khuyến khích sự tham gia hoạt động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường xây dựng Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao trình độ và năng lực thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại Ngành đang xúc tiến cùng với các nước thành viên ASEAN đàm phán và cam kết trong khuôn khổ thực hiện các hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN với các đối tác nước ngoài khối như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc & Niu Di-lân...

Bộ Xây dựng đã ban hành chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tồ chức Thương mại thế giới. Chương trình hành động được thực hiện tốt sẽ thúc đẩy công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Ngành, khai thác triệt để cơ hội thuận lợi và vượt lên trước những khó khăn thách thức của việc gia nhập WTO.

Đánh giá mặt được: Thực sự trong những năm qua, ngành xây dựng đã đóng góp phần mình một cách tích cực trong việc thực hiện các chủ trương đối ngoại đổi mới của Đảng và Nhà nước ta “góp phần giữ vững môi trường hoà bình, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, cụ thể như sau:

- Tạo ra được những công trình quan trọng cho đất nước, là hình ảnh tốt đẹp của tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước anh em, các nước bè bạn trên thế giới;

- Cải thiện về căn bản điều kiện vệ sinh môi trường, chất lượng hạ tầng đô thị, chất lượng cuộc sống tại các thành phố lớn, các thị xã, thị trấn trên toàn quốc, góp phần củng cố và phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam theo hướng bền vững;

- Nâng cấp đáng kể năng lực về sản xuất, quản lý vận hành các công trình xây dựng, tay nghề cho cán bộ, công nhân viên ngành xây dựng, góp phần tạo nền tảng cơ sở vật chất cho xã hội;

- Thực hiện chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ giảng dạy và sinh viên các chuyên ngành thuộc lĩnh vực xây dựng, góp phần tạo nên một đội ngũ trí thức cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

- Cải thiện một bước môi trường chính sách quản lý vĩ mô của nghành liên quan tới các lĩnh vực xây lắp, quy hoạch và phát triển đô thị, hạ tầng đô thị, vật liệu xây dựng và phát triển nhà ở đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của ngành ở cấp vĩ mô và cấp vi mô, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Kèm theo đó là năng lực về quản lý, năng lực xây dựng chính sách của cán bộ quản lý ngành cũng được nâng cao một cách rõ rệt.

Những thành tích đó của các hoạt động hợp tác quốc tế ngành xây dựng đang góp phần “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” theo tinh thần Đại hội Đảng X.

Đánh giá mặt hạn chế: Nhìn chung hoạt động đối ngoại của ngành xây dựng vẫn thể hiện một số yếu kém như sau:

Về phía ta chưa chủ động đề xuất hợp tác được hình thành một cách khoa học từ những chiến lược phát triển, quy hoạch và kế hoạch phát triển trên địa bàn toàn quốc, nhiều khi ta ở thế bị động tiếp nhận dự án do các đối tác nhận thấy là cần thiết. Do vậy tính hiệu quả của các hoạt động cụ thể như dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án hỗ trợ đầu tư chưa phát huy được hết hiệu quả.

Các hoạt động đối ngoại còn chưa mang tính hệ thống, đồng bộ, và chưa thực sự hỗ trợ nhau một cách hiệu quả, đặc biệt các hoạt động kinh tế đối ngoại của các cấp quản lý từ trung ương xuống địa phương, giữa các đơn vị trong ngành, do vậy mà kết quả mang tính cục bộ, không có khả năng nhân rộng.

Các hoạt động hợp tác còn mang tính dàn trải, tự phát, chưa có trọng tâm, trọng điểm và phân giai đoạn rõ ràng. Dường như hoạt động hợp tác với nước ngoài là tập hợp của các đề xuất từ cơ sở và phụ thuộc vào sự nhạy bén, năng động của cơ sở.

Nguyên nhân của hạn chế:

Chưa có một chiến lược chung trong hợp tác quốc tế của cả ngành đề ra những nguyên tắc cơ bản trong việc tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế của các cấp, các đơn vị; sự phối hợp nhịp nhàng và đồng thuận trong tìm kiếm các cơ hội hợp tác, trong xử lý các tình huống hợp tác.

Còn thiếu hoặc chưa cập nhật các chiến lược phát triển của các lĩnh vực trong ngành Xây dựng: quy hoạch phát triển đô thị, vật liệu xây dựng, nhà ở, hạ tầng để làm cơ sở hoạch định ra các đường lối đối ngoại cơ bản của ngành.

Công tác quản lý điều phối chưa tập trung vào đầu mối chính, còn chồng chéo về trách nhiệm giữa các đơn vị trong Bộ, mô hình thực hiện các dự án hợp tác còn chưa rõ ràng như mô hình ban quản lý dự án độc lập, ban quản lý dự án phụ thuộc.

Năng lực chuyên môn và năng lực quản lý các hoạt động hợp tác của cán bộ đối ngoại còn hạn chế, đặc biệt là kỹ năng về ngoại ngữ, về làm chủ công nghệ mới công nghệ thông tin, dẫn đến thiếu mạnh dạn, thiếu tự tin trong hợp tác.

Ý thức về công tác hợp tác quốc tế còn chưa đúng đắn trong suy nghĩ của nhiều cán bộ trong ngành, đó là ý thức đối nghịch về sùng ngoại và bài ngoại một quan điểm cho rằng ta cũng biết hết rồi, không cần phải học tập họ, hoặc họ đến với dụng ý không tốt; một quan điểm cho rằng của nước ngoài thì cái gì cũng quí, cũng học tập được, ý thức của tư duy bao cấp còn rơi rớt lại như chờ đợi, lệ thuộc, dưới xin, trên ban ơn, làm triệt tiêu đi sự sáng tạo năng động cần thiết trong hoạt động đối ngoại.

Hoạt động hợp tác quốc tế là một thể loại hoạt động tổng hợp, kết hợp nhiều phương thức, nhiều lối đi, nhiều hình thức tiếp cận để đạt được mục đích tăng trưởng của ngành Xây dựng. Kỷ niệm 50 năm truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam cũng là dịp chúng ta nhìn nhận lại quá trình hội nhập quốc tế của ngành để cùng nhau nhận thức rõ vai trò quan trọng của các mối quan hệ quốc tế, các mối giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác kinh tế quốc tế, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đưa đất nước ta mau chóng thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ, với các thành tích và mối quan hệ quốc tế tốt đẹp sẵn có, chắc chắn ngành Xây dựng sẽ tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, tận dụng tốt các cơ hội để công tác hợp tác quốc tế đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đi lên của ngành.

Nguồn: TC Xây dựng, số 4-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)