Cần nghiên cứu đánh giá các dự án cấp nước tại Việt Nam

Thứ sáu, 30/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong gần 30 năm qua 1981 – 2008, Nhà nước đã đầu tư cải tạo, mở rộng, xây mới nhiều công trình cấp nước, trong đó có các dự án nguồn vốn ODA, vay vốn nước ngoài, hoặc ngân sách nhà nước và địa phương với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Với nguồn vốn trong nước, nhiều dự án cấp nước cho các đô thị, thị trấn, thị tứ, điểm dân cư... được các đơn vị khảo sát, thiết kế cung cấp thiết bị vật tư và thi công xây lắp trong nước thực hiện. Ngoài ra, một loạt các thành phố lớn, các thị xã, các trung tâm kinh tế quan trọng... đã có những dự án đầu tư cho cấp nước bằng nguồn vốn ODA hoặc vay vốn nước ngoài, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long...

Thực tế cho thấy, các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan tài trợ... đều có mục đích đưa công nghệ, thiết bị của hãng mình, nước mình vào Việt Nam. Chính vì thế hiện nay, có nhiều hệ thống cấp nước với những công nghệ và phương pháp sản xuất theo kiểu Pháp, Đức, Italia, Phần Lan, Hàn Quốc, Úc,... Các hệ thống cấp nước này đều có các ưu nhược điểm khác nhau, hiệu quả kinh tế cũng khác nhau. Vì vậy, theo chúng tôi, các chủ đầu tư, các cơ quan quản lí chuyên ngành, các Viện nghiên cứu... cần xem xét, đánh giá các dự án cấp nước một cách toàn diện để tìm ra các ưu nhược điểm cần phát huy và rút ra bài học kinh nghiệm cho các dự án khác.

1. Đối tượng và mục tiêu đánh giá

Các hệ thống cấp nước đều được chia thành 3 bộ phận chính:

+ Các công trình khai thác nguồn nước,

+ Công trình xử lí nước,

+ Hệ thống mạng lưới đường ống phân phối và các công trình trên mạng.

Ngoài ra, do tính đặc thù của nguồn nước, có thể chia ra nước ngầm và nước mặt. Các công trình khai thác nước nguồn và xử lí nước đều liên quan chặt chẽ đến yếu tố này.

Để đánh giá hệ thống cấp nước cần chú ý đánh giá các mục tiêu quan trọng dưới các khía cạnh:

+ Phương pháp, giải pháp công nghệ sản xuất nước.

+ Máy móc, thiết bị và kỹ năng vận hành.

+ Hiệu quả kinh tế.

+ Khai thác bền vững và tác động ảnh hưởng đến môi trường.

Một hệ thống cấp nước muốn hoạt động có hiệu quả còn phải chú ý đến các yếu tố đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Một ví dụ điển hình về tính đồng bộ là trường hợp hệ thống cấp nước sông Sài Gòn với công suất 300.000m3/ngày năm 2003 được xây dựng xong, nhưng mạng lưới truyền tải và phân phối chưa tương xứng nên hiện nay chỉ hoạt động với công suất 150.000m3/ngày. Hệ thống cấp nước Khu công nghiệp Dung Quất năm 2004 có công suất 15.000m3/ngày nhưng thực tế chỉ tiêu thụ khoảng 2000 – 3000m3/ngày, vì hộ dùng nước còn quá ít. Thậm chí có cả những dự án vay vốn nước ngoài cũng không được cân nhắc kỹ; đến khi xây dựng xong, hệ thống chỉ hoạt động với chừng trên dưới 50% công suất. Hệ thống cấp nước thành phố Việt Trì, với nguồn vốn vay từ Chính phủ CHLB Đức 1995 – 2000 cũng nằm trong số các dự án mà công suất hoạt động thấp vì mạng lưới phân phối không tương xứng.

Vì thế, việc xem xét các hệ thống cấp nước một cách khách quan trên cơ sở nghiên cứu so sánh các chỉ tiêu cơ bản của hệ thống là một yêu cầu thực tế và rất quan trọng. Cho nên, cần phải đề cập đến những chỉ tiêu cơ bản khi đánh giá hệ thống.

2. Việc lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số nhóm chỉ tiêu đặc trưng:

2.1. Các chỉ tiêu liên quan đến phương pháp công nghệ

Các chỉ tiêu liên quan đến phương pháp công nghệ cần được xem xét cho tất cả các khâu chủ yếu của hệ thống cấp nước mà chúng ta sẽ đề cập lần lượt dưới đây:

2.1.1. Đối với công trình khai thác nguồn nước

Cần phân biệt rõ nguồn nước là nước ngầm hay nước mặt, ví dụ:

Nước ngầm: Giếng nông hay sâu? ông vách, ông lọc ra sao? Cấu tạo giếng thế nào, loại gì? Các thông số địa chất thuỷ văn cơ bản? Máy bơm: kiểu dáng, hiệu suất, số lượng?

Nước mặt: Vị trí, kiểu dáng trạm bơm, có hố thu kèm hay không? Các thiết bị ngăn rác; Máy bơm; Kiểu dáng, chủng loại Bơm trục đứng, bơm trục ngang, bơm chìm..., đặc tính kỹ thuật ? Số lượng...?

2.1.2. Các công trình xử lý

Phương pháp công nghệ cần được xem xét cho từng khâu:

- Pha trộn hoá chất thủ công, cơ khí, hay kết hợp...

- Bể phản ứng, bể lắng, bể lọc...

- Khử trùng

- Bể chứa, trạm bơm

- Các thiết bị đo, đếm, kiểm tra, thông tin, phòng thí nghiệm...

2.1.3. Hệ thống mạng lưới đường ống

Ở đây cần ưu tiên xem xét cấu tạo mạng lưới và độ hợp lý của các tuyến truyền tải. Tỷ lệ mét dài mạng lưới so với công suất cấp nước, so với hộ dân... Ngoài ra, nên chú ý đến vấn đề phân phối vùng cao áp, thấp áp, các phương pháp điều chỉnh, đo đạc, áp lực và thực tế việc rò rỉ, thất thoát nước.

Việc đánh giá các công trình trên mạng như đài nước, trạm bơm, cụm tăng áp, họng cứu hoả, hệ thống van điều chỉnh, sửa chữa... mạng lưới cũng có một ý nghĩa thực tiễn lớn.

2.2. Các chỉ tiêu máy móc, thiết bị và kỹ năng vận hành

Các máy móc thiết bị ứng dụng trong các dự án cấp nước đô thị cần được phân biệt theo mức độ.

- Cơ giới hoá

- Tự động hoá

- Năm chế tạo: có thể chia ra các máy móc chế tạo trước năm 1980, từ năm 1981 đến năm 1995 và từ năm 1996 đến nay.

- Về kỹ năng vận hành, điều khiển bằng cơ giới, điện hay bằng khí nén và thuỷ lực hoặc kết hợp điều khiển bằng tay. Có xây dựng phòng điều khiển trung tâm, điều khiển từ xa hay tại chỗ...?

2.3. Hiệu quả của dự án

Đây là nhóm các chỉ tiêu nhạy cảm và phức tạp nhất. Việc so sánh, đánh giá cần nêu rõ:

- Công suất cấp nước xây mới, mở rộng, cải tạo...

- Chất lượng nước theo tiêu chuẩn Việt Nam có so sánh với tiêu chuẩn nước ngoài đối với số chỉ tiêu đặc biệt vượt trội...

- Các chỉ tiêu: hoá chất phèn, polyme, vôi, clo,... điện năng, nhiên liệu... trên 1m3 nước.

- Giá thành đầu tư cho 1m3 công suất, cho 1m chiều dài mạng lưới.

- Số lượng cán bộ, nhân viên, trình độ đào tạo và năng suất lao động cho 1 đơn vị sản phẩm.

- Các số liệu về thất thoát và thất thu cần được phân tích kỹ:

+ Thất thoát nước tại công trình xử lí kể cả nước dùng nội bộ, rửa lọc...

+ Thất thoát nước trên mạng lưới.

+ Số lượng thất thu theo hoá đơn.

+ Tỷ lệ thất thoát, thất thu so với công suất hệ thống...

Các điều kiện kinh tế khác như: tổng tiền thu từ các hoá đơn tiền nước cho nhân dân lao động, cho hộ kinh doanh, dịch vụ, sản xuất, công nghiệp và mục đích công cộng, khấu hao, trả nợ...

2.4. Đánh giá các chỉ số về khai thác bền vững và ô nhiễm môi trường

Sau khi hệ thống cấp nước được đưa vào hoạt động, cần đánh giá số liệu cơ bản về sự bền vững cũng như ô nhiễm môi trường. Ví dụ:

- Độ lắng bùn cặn tại các trạm bơm 1 hoặc cửa nhận nước

- Mức độ suy giảm lưu lượng, hạ thấp mức nước giếng khoan

- Sự ảnh hưởng môi trường do nước rửa bể lắng, lọc, thiết bị hoá chất bùn cặn của khu xử lý nước...

Trên đây là những gợi ý chính cho những nội dung cơ bản trong việc đánh giá hoạt động của hệ thống cấp nước. Các cơ quan chuyên ngành cũng có thể áp dụng thêm một số chỉ tiêu riêng, như: hiệu quả, tài chính, chất lượng... để phong cấp A, B, C... hoặc gắn sao như hệ thống khách sạn... nhằm tạo nên một phong trào thi đua hoàn chỉnh, nâng cấp hệ thống cấp nước trong cả nước.

Làm tốt việc đánh giá dự án cấp nước không những giúp cho các nhà đầu tư tổng kết đánh giá các giải pháp và hiệu quả đầu tư một cách toàn diện hệ thống cấp nước mà còn tìm ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục để nâng cao khối lượng và chất lượng nước cấp, góp phần cải thiện các nhu cầu phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.

Nguồn: TC Xây dựng, số 4-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)