Tình hình cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo ở Việt Nam

Thứ ba, 03/06/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặc điểm các khu dân cư nghèo ở Việt Nam Khu dân cư nghèo hay khu ổ chuột gọi tắt là LIA theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới thường được gọi là “khu vực thu nhập thấp” là các khu vực chưa được quan tâm hoặc chưa có nguồn vốn của thành phố để đầu tư cải tạo; gồm các khu chung cư đông dân nghèo ở trong nội thị, những nơi ở lấn chiếm, phát triển không theo quy hoạch không được luật pháp công nhận, hợp thức hoá tại khu vực ven đô, thiếu các điều kiện sống và sinh hoạt, như: Các dịch vụ đô thị cơ bản về hạ tầng kỹ thuật nước, vệ sinh, thu gom rác thải, thoát nước mưa, đèn đường, vỉa hè, đường giao thông; và về hạ tầng xã hội trường học, trạm xá, khu vực an toàn cho trẻ em vui chơi, không gian giao tiếp của cộng đồng và các dịch vụ tối thiểu khác.

Cả nước hiện nay còn 2,25 triệu hộ nghèo, trong đó có 30 vạn hộ thường xuyên bị thiếu đói. Đa số người nghèo làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, công việc không ổn định, thu nhập thấp và bấp bênh. Người nghèo dễ bị tổn thương do sống phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu nhập bằng tiền. Họ thường không có hoặc có ít khả năng tiết kiệm và gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn tạo việc làm, thiếu tài sản để đảm bảo tiêu dùng trong những lúc khó khăn, dễ bị tổn thương trước những đột biến bất lợi, ít có khả năng truyền đạt nhu cầu và những khó khăn tới những người có khả năng giải quyết, họ ít được tham gia vào quá trình ra quyết định... nguồn: Báo cáo phát triển Việt Nam 2006: “Nghèo”

Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã làm tăng số lượng người di cư tự do từ các vùng nông thôn đến các đô thị, chủ yếu là trẻ em và người trong độ tuổi lao động. Hiện tại chưa có số liệu thống kê về số lượng người di cư tự do này trong các báo cáo về nghèo đói đô thị. Những người này gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú lâu dài, do đó họ khó có thể tìm kiếm được công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Họ có ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội và phải chi trả cho các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục ở mức cao hơn so với người dân đã có hộ khẩu. Ngoài ra, đói nghèo còn chiếm tỷ lệ cao trong các nhóm đối tượng xã hội khác như những người không nghề nghiệp, người lang thang và người bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội mại dâm, nghiện hút, cờ bạc....

Hầu hết, trong các khu dân cư nghèo, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân, phần lớn là manh mún, nhỏ lẻ và xuống cấp nghiêm trọng. Người dân phải chịu cảnh sống trong các ngõ xóm, đường ra vào ngõ rất nhỏ và xấu, chịu thực trạng từ xưa để lại, tự phát không theo bất kỳ quy hoạch nào, nên đi lại rất khó khăn. Hiện nay, nhiều đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hoá và có cải thiện đáng kể, song vẫn chưa thoát khỏi khó khăn của cảnh nghèo. Tình trạng lầy lội, úng ngập thường xuyên trong các khu nghèo khi có mưa là rất phổ biến, do không có hệ thống thoát nước mưa. Rất ít hộ nghèo được hưởng đầy đủ dịch vụ cung cấp nước sạch, mặc dù ở một số nơi đã được đấu nối, nhưng không đủ nước hoặc không có nước do hệ thống cấp nước xuống cấp, và chưa có kinh phí cải tạo, nâng cấp. Đa số các hộ trong khu nghèo tự khoan đào giếng để sử dụng, nên nước không đảm bảo chất lượng vệ sinh. Hệ thống thoát nước chủ yếu là cống, rãnh hở, mất vệ sinh. Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xả trực tiếp ra cống, đổ ra ao, hồ trong khu vực, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh truyền nhiễm và bệnh hiểm nghèo trong dân. Rác thải thu gom không triệt để, phần lớn đổ xung quanh nhà, đổ không đúng nơi quy định, gây mất vệ sinh trong khu vực dân cư và ảnh hưởng đến môi trường sống của chính mình. Mạng lưới điện cũ, thiếu an toàn, chất lượng dịch vụ cấp điện còn thấp – thường xuyên xảy ra nhiều sự cố... người dân phải chi trả tiền điện với giá cao. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng thì hầu như không có. Dịch vụ bưu chính viễn thông tương đối ổn định hơn so với các dịch vụ khác trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ở các khu nghèo. Song mức độ chi trả tiền dịch vụ quá cao so với thu nhập của người nghèo. Nhà ở với diện tích thấp, đủ loại mái lợp, tường bao khác nhau kiên cố, bán kiên cố, tạm bợ..., các công trình công cộng khác như: chợ, trường học, y tế, công viên, vườn hoa... đều cách xa khu nghèo.

Qua khảo sát của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới World Bank cho thấy: Trong các khu đô thị nghèo: hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu thốn các dịch vụ cơ bản. Tốc độ đô thị hoá hiện đang tăng cao dẫn đến hiện tượng di cư ra thành thị ngày một lớn. Do đó, đói nghèo từ nông thôn đang dần chuyển sang thành thị. Hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của dân nghèo. Năm 2007 đã có hơn 20 triệu người dân nông thôn lên thành thị chiếm 27,1% và dự kiến tới năm 2010 sẽ có khoảng 35% và 2020 là 45%. Trong khi đó, động lực phát triển các đô thị Việt Nam còn yếu, tăng trưởng kinh tế chưa cân xứng với tăng dân số và hạ tầng kỹ thuật đô thị; sự phân bổ dân cư không cân đối và thêm nữa, còn sự cách biệt rất lớn giữa điều kiện sống ở đô thị và nông thôn ngay cả các vùng miền trong cùng một đô thị.

Các khu dân cư nghèo xuất hiện ở nhiều đô thị, rất đa dạng nhưng có thể nêu lên 4 loại khu dân cư nghèo tiêu biểu là:

+ Khu dân cư đánh bắt hải sản dân vạn chài, đó là các khu dân chài nghèo ở các thành phố ven biển. Khu nghèo này chịu nhiều rủi ro kinh tế khi ngư dân đánh bắt gặp phải thời tiết xấu như bão, gió, thiên tai,... liên tục xảy ra. Ngoài đánh bắt hải sản theo mùa, họ còn làm các nghề tự do khác như: sơ chế hải sản, buôn bán chạy chợ và các dịch vụ khác,... vì thế thu nhập thường không ổn định, đời sống bấp bênh.

Nhà ở phần lớn là nhà tạm bợ, diện tích chật hẹp, mỗi căn hộ có khoảng 5 – 6 nhân khẩu sống trong gian nhà 30m2. Cơ sở hạ tầng thấp kém, đường sá hẹp, quanh co, mặt đường bằng đất cát, không được cấp nước, không có cống rãnh thoát nước, khi mưa thì ngập úng, nước thải sinh hoạt tự thấm xuống cát. Vệ sinh môi trường rất kém, không có hố xí tự hoại ở các gia đình. Người dân phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng, thậm chí không có nhà vệ sinh mà phải đi đại tiện ở bãi biển, bãi sông. Các hộ không có công tơ điện thường phải câu nhờ từ hàng xóm.

+ Khu dân cư nghèo nằm ở trung tâm các thành phố lớn.

Đặc điểm của các khu dân cư nghèo này là đa số làm nghề tự do, buôn thúng bán bưng, thu nhập thấp và không ổn định. Mật độ dân số cao: 200 – 300 người/ha. Nhà ở, có tới 70 – 80% là nhà tạm 1 tầng, 1 hộ trung bình có 6 – 7 người sinh sống, thậm chí có nhà chỉ có 30m2 mà có tới 3 thế hệ sống chung với nhau. Giao thông, khu phố có nhiều ngõ, hẻm, chiều rộng mặt hẻm hẹp từ 1 – 1,5 m, đi lại rất khó khăn. Mặt đường là đường cấp phối. Không có hệ thống thoát nước, chỉ có một số đoạn mương hở hoặc mương nắp đan, nước thải sinh hoạt chảy tràn trên mặt đường. Tình trạng vệ sinh rất kém, rác thải chưa được thu gom hết, có nhiều bãi rác đổ ngay trên mương trong khu dân cư, bốc mùi xú uế, nồng nặc. Các đường ống cấp nước và cống thoát nước chồng chéo lên nhau, gây khó khăn cho việc sửa chữa và bảo dưỡng đường ống. Mặt đường chật hẹp đến mức không thể lắp cột điện vào các ngõ, các hộ đều phải câu dây điện từ xa, dây điện mắc nhằng nhịt, không an toàn, tổn thất điện năng lớn.

+ Khu dân cư nghèo là những khu dân cư mới chuyển từ làng xã lên phường từ làng xóm chuyển lên thành phố. Trong mấy năm gần đây, nhiều đô thị đã mở rộng ranh giới, thành lập các quận và phường mới. Đặc điểm chủ yếu của các phường mới chuyển từ xã lên phường là: Thu nhập của các hộ dân là thấp, tỉ lệ hộ thu nhập <300.000 VND/tháng/người là khá cao, chiếm trên 20%, có khu là 45%, vì đang trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề sản xuất công nghiệp và các chức năng chuyên dùng khác. Cơ sở hạ tầng của các khu dân cư nghèo loại này còn rất yếu kém, phổ biến nhất là chưa có hệ thống thoát nước, nước thải sinh hoạt chỉ thấm ra khu xung quanh, có khi chảy tràn trên mặt đường, nhiều khu chưa được cấp nước máy, nhân dân phải dùng nước giếng khơi và nước sông. Chất lượng nước không hợp vệ sinh, đường sá trong các khu dân cư chưa được quy hoạch và phần lớn mặt đường là đường đất, không có chiếu sáng công cộng ở các tuyến đường. Vệ sinh môi trường thấp kém, chỉ có một bộ phận hộ gia đình có hố xí bán tự hoại, số còn lại là dùng hố xí 2 ngăn, 1 ngăn, xí tạm không hợp vệ sinh; Rác thải sinh hoạt ít được thu gom, còn chôn lấp tại vườn nhà.

+ Khu dân cư nghèo bên cạnh các xí nghiệp công nghiệp.

Ngoài những khu nghèo xen kẽ trong các khu đô thị thì hiện tượng các khu nghèo đang bắt đầu xuất hiện của những công nhân lao động tạm bợ bên cạnh các xí nghiệp công nghiệp. Do các khu công nghiệp đầu tư ồ ạt, thiếu vốn, thiếu năng lực, không quan tâm đến nơi ở của công nhân đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường ở đô thị. Sự gia tăng các khu nghèo trong đô thị do tăng nhanh lao động từ công nghiệp và của học sinh các trường đại học dạy nghề mới ở thuê rải rác xen kẽ trong các đô thị lớn và các vùng ven đô đang là mối đe doạ làm cho đô thị nghèo đi và môi trường xuống cấp. Đây chính là một trong những hiện tượng mới, một hình thức làm nhanh chóng phát triển các khu nghèo kiểu mới và sự xuống cấp của các khu đô thị.

Đặc điểm chung của các khu dân cư nghèo tỉ lệ % hộ thu nhập thấp là khá cao, cơ sở hạ tầng, nhà ở thấp kém, môi trường bị ô nhiễm, nhiều bệnh tật phát sinh ảnh hưởng đến sức khoẻ của dân cư và sự phát triển bền vững của đô thị.

2. Tình hình cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo ở Việt Nam.

Nước sạch là một nhu cầu căn bản nhất của con người và là trọng tâm của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nó còn là yếu tố thiết yếu để xoá đói giảm nghèo. Nước sạch góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm thiểu bệnh tật, tăng sức lao động, cải thiện điều kiện sống và mang lại một cuộc sống văn minh đang là đòi hỏi bức bách của người dân sống trong các khu dân cư nghèo.

Tuy nhiên, cho đến nay, ở nhiều khu nghèo, người dân vẫn đang sử dụng nước không hợp vệ sinh cho các nhu cầu sinh hoạt, dẫn tới các hậu quả là tỷ lệ mắc các bệnh lây lan do nước rất cao. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới WHO: 80% các bệnh đường ruột trên thế giới đều bắt nguồn từ nguồn nước không an toàn.

Hiện nay, hầu hết ở các khu nghèo, người dân phải tự lo nguồn nước sinh hoạt cho mình. Họ sử dụng đủ loại nguồn nước. Nước mặt bao gồm: sông, suối, ao, hồ, kênh rạch và các giếng mạch nông như giếng làng. Nước mưa hứng trực tiếp hoặc thu tà các mái nhà. Nước ngầm bao gồm: Nước ngầm mạch nông, mạch nước lộ thiên và nước ngầm sâu. Nước mưa không thiếu, nhưng tới 85 – 90% tổng lượng mưa chỉ tập trung vào mùa mưa, khoảng 4 – 5 tháng. Một vấn đề đáng quan tâm là chất lượng của các nguồn nước này bị ô nhiễm ở mức độ cao, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Hàng ngày, người dân nghèo vẫn tắm giặt, ăn uống bằng những nguồn nước này do không đảm bảo vệ sinh nên nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da là rất cao.

Qua khảo sát tình hình sử dụng nước sinh hoạt của người dân ở những khu nghèo cho thấy, ở nhiều nơi người dân sử dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho nhu cầu ăn, uống, nguồn nước ngầm lấy lên từ các giếng khoan và giếng khơi để tắm, giặt và phục vụ cho các sinh hoạt thường ngày khác. Đối với nước mưa, do sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp kéo theo lượng khí thải thoát ra từ các nhà máy tăng lên nhanh chóng. Khi mưa xuống, những chất thải độc hại theo nước mưa rơi xuống bể chứa nước của người dân. Người dân trực tiếp sử dụng nguồn nước này, rất dễ mắc bệnh.

Còn đối với các nguồn nước ngầm, không phải ở đâu nước lấy lên từ giếng khoan và giếng khơi cũng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Nhiều nơi, hàm lượng sắt trong nước cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, chính vì vậy nếu sử dụng nguồn nước này sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho sức khoẻ. Để hạn chế lượng sắt có trong nước, người dân đã thực hiện loại bỏ bằng cách xây bể lọc nước nhỏ, nhưng với phương pháp và trình độ kỹ thuật hạn chế, những giải pháp mà người dân nghèo đang thực hiện thì hiệu quả không cao. Lượng nước ngầm giờ đây ngày càng bị ô nhiễm do lượng chất thải và nước thải trong sinh hoạt, đặc biệt nguồn nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp ngày càng tăng. Ở những khu nghèo bên cạnh những làng nghề truyền thống như làm hương, dệt nhuộm, thu gom chất phế thải, đúc đồng, thuộc da... thì nguồn nước ngầm lại càng bị ô nhiễm nặng nề hơn. Nguồn nước ngầm người dân đang khai thác để sử dụng không những ngày càng bị ô nhiễm, mà còn có nguy cơ cạn kiệt. Ở nhiều nơi, nguồn nước ngầm không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt tăng đột biến của người dân nghèo trong những tháng hè.

Đặc điểm của việc cấp nước trong các khu nghèo là thường phân tán nhỏ, lẻ. Nước ta trải dài trên 2000 km, điều kiện địa chất, thuỷ văn, khí hậu các vùng khác nhau rõ rệt. Vì vậy, việc lấy nước và sử dụng nước cho các nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng khác nhau:

Đối với khu nghèo vùng ven biển. Nguồn nước ngọt khan hiếm, nước mặt và nước mạch ngang bị nhiễm mặn. Nguồn nước họ dùng chủ yếu là nước mưa. Phương tiện chứa là chum, vại, bể gạch... Nhiều nơi, người dân vẫn dùng nước giếng khơi bị nhiễm mặn nước lợ.

Các khu nghèo ở vùng trung du độ cao 25 – 300m so với mặt nước biển. Có mạch nước ngầm nông, chất lượng nước tốt và đầy đủ. Nước mưa chỉ là nguồn hỗ trợ thêm.

Ở vùng núi thấp độ cao 300 – 600m so với mặt nước biển. Các khu nghèo ở vùng này chủ yếu là dân tộc thiều số. Nguồn nước tự nhiên bị ảnh hưởng do nạn phá rừng. vào mùa khô, hồ chứa cạn nước, giếng đào cũng cạn. Đây là vùng khó khăn nhất về nguồn nước sinh hoạt.

Vùng núi cao độ cao từ 600m trở lên. Ở đây, chủ yếu là dân tộc thiểu số sinh sống, vùng này có mật độ nghèo cao nhất trong cả nước. Các khu nghèo ở đây vẫn còn phong tục tập quán lạc hậu. Nguồn nước sinh hoạt của họ chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm mạch lộ thiên chảy từ các khe núi.

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nguồn nước mặt phong phú, các hộ nghèo dùng nước sông, nước ở các kênh rạch để uống còn rất phổ biến. Qua khảo sát ngẫu nhiên ở 100 hộ gia đình trong một khu nghèo thuộc tỉnh Long An cho thấy: Hơn 50% hộ nghèo uống nước sông, kênh, rạch trong mùa nắng. Trong mùa mưa, tỉ lệ này giảm xuống những vẫn ở mức cao hơn 30%.

Còn ở Vĩnh Long, qua khảo sát ngẫu nhiên ở 100 hộ gia đình trong một khu nghèo cho thấy:

Vào một mùa nắng, có 61% hộ gia đình sử dụng nước sông để uống. Vào mùa mưa, tỷ lệ này có thấp hơn nhưng vẫn ở mức trên 10%.

Vấn đề đáng lo ngại ở đây là hầu như nước lấy lên từ sông, rạch chỉ được xử lý qua loa trước khi uống. Đa số người sử dụng nước sông, mưa hoặc giếng đều nói là họ có xử lý nước trước khi uống. Tuy nhiên, khái niệm xử lý của những người được phỏng vấn có thể không hoàn toàn giống nhau. Đối với 85,2% người dùng nước sông, kênh có xử lý trong mùa mưa và 98,8% có xử lý trong mùa nắng, cách xử lý phổ biến nhất là cho lắng trong bằng phèn hoặc để lắng trong tự nhiên.

Chưa có một khảo sát quy mô về tình hình ô nhiễm của các dòng sông và kênh rạch ở Đông bằng Sông Cửu Long ĐBSCL. Nhưng trên thực tế dễ dàng thấy sự ô nhiễm trầm trọng của những con sông, kênh rạch bởi phân người từ những “cầu tiêu ao cá” trên sông, từ thói quen vứt tất cả xuống kênh, rạch của người dân. Khuynh hướng sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng tăng dẫn đến một dư lượng thuốc trừ sâu tích lũy ngày càng nhiều trong nước sông. Trong tình hình dịch cúm gia cầm đang hoành hành như hiện nay, mức độ ô nhiễm ngày càng lớn bởi xác gia cầm, bởi phân và chất thải của loài thuỷ cầm bị bệnh. Lắng phèn và lắng trong tự nhiên không thể tách các độc chất như thuốc trừ sâu, các mầm gây bệnh nguy hiểm ra khỏi nước uống. Hàng ngày, người dân đang tự đầu độc cơ thể họ thông qua uống nước sông, kênh, rạch.

Có hai nguyên nhân khiến các hộ trong khu nghèo ở các tỉnh ĐBSCL vẫn uống nước sông:

Nguyên nhân khách quan: Khan hiếm nước ngọt, nhất là trong mùa nắng không còn nước mưa “trời cho”. Chỉ có những hộ khá giả mới có lu chứa đủ nước để uống nước trong mùa khô. Những hộ nghèo, không có khả năng trữ nước mưa, trong khi đó, các giếng đào thì cạn kiệt. Một số địa phương như Đồng Tháp Mười có 6 tháng mùa nước nổi, người dân có khuynh hướng không sắm nhiều lu chứa nước mưa để khỏi mất công di chuyển chúng theo con nước, và cớ sao họ phải lo trữ nước khi xung quanh họ bốn bề là nước?

Các độc chất khác trong nước như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc cá có khuynh hướng tích luỹ nồng độ dần dần trong cơ thể. Do vậy, sẽ làm hao mòn sức khoẻ từ từ chứ không xảy ra tức thời. Tất cả đã tạo cho người nghèo tâm lý phớt lờ, mặc kệ, thậm chí họ không tin uống nước như vậy là có hại cho sức khoẻ. Khi được hỏi, câu trả lời của họ thường là “uống vậy từ đời nào tới giờ có ai bị bệnh đâu”.

Nguyên nhân chủ quan: Người dân hiểu và tin rằng: Nước sạch là nước trong. Trong đợt khảo sát trên 500 người ở 5 tỉnh ĐBSCL Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp vào tháng 2 năm 2007, thì có đến 400 người chiếm tỷ lệ 80% trả lời: “Nước sạch là nước trong”. Chính vì tin như vậy nên người dân chỉ cần lấy nước sông lên lắng phèn hoặc để lắng bùn cho nước trong là uống.

3. Kết luận

Vấn đề cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo trên thực tế còn nhiều khó khăn. Nhìn chung, các khu dân cư nghèo ở nước ta hiện nay chưa có hệ thống cấp nước công cộng, mà chỉ có nguồn nước công cộng với phương thức khai thác thủ công là sức người gánh nước từ các nguồn về nhà. Hơn nữa, sự hiểu biết về vệ sinh và sức khoẻ của người dân trong các khu nghèo còn thấp . Số đông dân cư ít quan tâm đến vệ sinh, xem việc cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh chỉ là phụ. Phần lớn người dân không ý thức được hậu quả của việc dùng nước mất vệ sinh. Hơn nữa, họ còn có thói quen xem cấp nước và vệ sinh là lính vực được Nhà nước bao cấp và đầu tư.

Thiên tai cũng là nguyên nhân gây trở ngại không nhỏ trong quá trình cải thiện việc cấp nước sạch. Nguồn nước ở nhiều vùng bị nhiễm mặn, các vùng núi cao và vùng đá vôi thường thiếu nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Trong những năm vừa qua, khí hậu thời tiết có nhiều biến đổi bất thường, lũ lụt và hạn hán thường xuyên xảy ra làm cho tình hình cấp nước ngày càng khó khăn hơn. Chỉ một cơn lũ cũng có thể phá huỷ hoặc làm hỏng hàng nghìn giếng nước, công trình vệ sinh của người dân trong các khu nghèo.

Đề đạt được mục tiêu “phát triển thiên niên kỷ về nước sạch và vệ sinh môi trường” đến năm 2015 giảm một nửa tỷ lệ người dân không được tiếp cận bền vững nước sạch và môi trường. Vấn đề cần phải thực hiện trước mắt:

Đẩy mạnh công tác thông tin – giáo dục – truyền thông về nước sạch cho người nghèo nhằm từng bước thay đổi hành vi uống nước của người dân. Cụ thể như sau:

Truyền thông cần giúp người nghèo hiểu rõ tác hại của nước uống không sạch đến sức khoẻ của họ. Cần làm cho họ hiểu thế nào là nước sạch.

Nên phối hợp các kênh truyền thông đại chúng với kênh truyền thông trực tiếp. Truyền thông đại chúng nên sử dụng ở giai đoạn đầu để làm tăng kiến thức của người dân, truyền thông trực tiếp mới là kênh chủ yếu giúp người dân thay đổi.

Khuyến khích người nghèo nấu nước chín trước khi uống, song song – cung cấp các hoá chất xử lý nước cho vùng lũ, những vùng khó khăn về chất đốt.

Vấn đề cần phải thực hiện trong tương lai:

Huy động sự tham gia mạnh mẽ của các ban, ngành, các nguồn tài trợ quốc tế và trong nước, vì cấp nước sạch là một lĩnh vực rộng lớn, nếu không có sự hợp tác và triển khai từ nhiều phía thì khó có thể thành công.

Xã hội hoá cấp nước cho khu nghèo, đầu tư xây dựng các mô hình cấp nước sạch phù hợp với khu nghèo ở từng địa phương.

Nguồn: TC Xây dựng, số 4-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)