Xác định chi phí và phương thức đánh giá hiệu quả đầu tư của các loại VLXD, thiết bị và công nghệ mới xuất hiện trên thị trường được sử dụng trong các công trình xây dựng đảm bảo các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường

Thứ ba, 27/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Tổng quan Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ vật liệu và thiết bị xây dựng thì việc xem xét các giải pháp, công nghệ, sản phẩm, thiết bị mới nhằm sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả là một yêu cầu quan trọng.

Trong thời gian gần đây, việc sản xuất và ứng dụng các loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới ở nước ta diễn ra rất mạnh mẽ, mang lại nhiều ích lợi lớn. Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm mức độ tác động đến nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việc thị trường thường xuyên xuất hiện nhiều chủng loại vật liệu xây dựng, trang trí nội thất với nhiều tính năng mới và thuận tiện trong việc lắp đặt, sử dụng là tín hiệu đáng mừng, mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các sản phẩm dân dụng như vách ngăn, trần thạch cao có tác dụng chống cháy, chống ẩm, cách âm và tiêu âm, có trọng lượng nhẹ và che được hệ thống kỹ thuật công trình như điện, nước, đường truyền Internet... đến các giải pháp công nghệ như: Công nghệ tấm Xây dựng 3D; công nghệ chống lún và gia cố bền; Công nghệ lắp đặt điện thông minh; công nghệ Nano nhằm sản xuất gạch Granite và vật liệu mới như: vữa khô; vật liệu chống thấm dẻo, đàn hồi; Sơn gốc nước, gạch Q-con, cửa nhựa có lõi thép gia cường, gạch ceramic tráng men nhìn tương tự chất liệu inox... luôn có sức hấp dẫn mới mẻ đối với nhiều chủ đầu tư và nhà thầu.

2. Tổng quan về chi phí xây dựng công trình

Mục đích của hoạt động xây dựng là tạo ra các sản phẩm dựng theo yêu cầu của các chủ đầu tư. Đó có thể là các công trình, hạng mục công trình hoặc vật kiến trúc với hình dáng, kích thước, công năng sử dụng khác nhau. Hoạt động xây dựng vì vậy mang đặc điểm của một hoạt động sản xuất liên ngành, phức tạp với sự tham gia của nhiều chủ thể. Sản phẩm xây dựng có những đặc thù riêng so với các sản phẩm công nghiệp khác ở chỗ: đây là các sản phẩm đơn chiếc – là kết quả của một quá trình lao động, sản xuất công nghiệp trong một thời gian dài, được định vị với đất, phụ thuộc vào vị trí xây dựng, các điều kiện đất đai, thiên nhiên cũng như không sản xuất đồng loạt được. Sản phẩm xây dựng là sản phẩm gắn liền với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các quá trình sản xuất xây dựng huy động một lực lượng lớn lao động, sử dụng nhiều loại máy móc, thiết bị, vật tư vật liệu, thu hút nhiều chủ thể tham gia như chủ đầu tư, các doanh nghiệp tư vấn xây dựng, các doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư thiết bị, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan... Đây là kết quả tổng hợp nhiều hoạt động sản xuất của xã hội, đòi hỏi yêu cầu về tính khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ và tính kỹ thuật cao. Với các đặc thù đó, sản phẩm xây dựng có tuổi thọ lâu dài và góp phần quan trọng tạo nên cơ sở vật chất, tinh thần của xã hội. Trong phạm trù kinh tế, sản phẩm xây dựng bao giờ cũng đòi hỏi những nguồn vốn lớn nhất và là khoản chi tiêu nhiều nhất của con người trong mọi thời đại.

Trong hoạt động xây dựng, việc lựa chọn các loại vật liệu xây dựng, thiết bị sử dụng để đưa vào công trình có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường. Các chủ đầu tư luôn kỳ vọng bỏ ra mức chi phí thấp nhất có thể để sở hữu hoặc sử dụng công trình phát huy đúng công năng, tác dụng... như yêu cầu của họ trong các bản vẽ thiết kế.

Hiện nay, cùng với việc ứng dụng các công nghệ mới và thành tựu khoa học trong việc sản xuất ra các loại vật liệu thân thiện với môi trường, con người, hạn chế tối đa việc lạm dụng các vật liệu tự nhiên, truyền thống... thì việc đưa các sản phẩm này vào hoạt động xây dựng là vấn đề cần được đặt trong xu hướng chung của nhu cầu tiêu dùng. Vật liệu xây dựng, thiết bị... là các sản phẩm rời rạc trước khi đưa vào công trình nhưng nó sẽ là các bộ phận cấu thành của sản phẩm lớn hơn công trình, hạng mục công trình.

Giá xây dựng công trình của dự án đầu tư xây dựng là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật cho công trình. Giá xây dựng công trình được biểu thị cụ thể bằng các tên gọi khác nhau và được xác định chính xác dần theo từng giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng công trình. Ở mỗi giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng của dự án thì giá xây dựng xuất hiện ở những thành phần và tên gọi khác nhau tuỳ thuộc chức năng của nó.

- Ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Giá xây dựng công trình ở giai đoạn này được biều thị bằng tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư bao gồm: chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và chi phí dự phòng. Tổng mức đầu tư được xác định trên cơ sở chỉ tiêu suất vốn đầu tư, tư liệu giá xây dựng công trình tương tự,.v.v...

- Ở giai đoạn thực hiện dự án thì giá xây dựng được xác định trên cơ sở hồ sơ thiết kế theo các bước thiết kế phù hợp với loại, cấp công trình là dự toán công trình, dự toán hạng mục công trình. Dự toán công trình bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng của công trình.

- Ở bước lựa chọn nhà thầu thì giá xây dựng có thể biểu thị thông qua một số loại giá như: Giá gói thầu, giá dự thầu, giá đề nghị trúng thầu, giá trúng thầu, giá ký hợp đồng.

- Ở giai đoạn kết thúc dự án: Khi hoàn thành dự án, bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng và kết thúc xây dựng, giá xây dựng được biểu hiện bằng giá thanh toán, quyết toán vốn đầu tư.

Yêu cầu quan trọng nhất của công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình là phải bảo đảm mục tiêu, hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình và các yêu cầu khách quan của kinh tế thị trường. Chi phí đầu tư xây dựng công trình được quản lý theo từng công trình, phù hợp với các giai đoạn đầu tư xây dựng công trình, các bước thiết kế và các loại nguồn vốn. Điều dễ nhận thấy là khi xác lập, tính toán các chỉ tiêu chi phí đầu tư xây dựng công trình Tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình thì các khoản mục chi phí xây dựng, thiết bị gắn liền với loại vật liệu xây dựng, thiết bị sẽ sử dụng. Đương nhiên, vật liệu và thiết bị càng có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao thì càng bền, càng ưu việt về tính năng và vượt trội trong việc tiết kiệm hoặc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Trong cơ chế thị trường, việc xác định chi phí đối với các công trình càng được sử dụng nhiều loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới thì càng đòi hỏi các kỹ sư định giá nhà tư vấn của chủ đầu tư phải am hiểu về tính năng, ưu điểm, khả năng áp dụng... của chúng. Khía cạnh thông tin, quảng bá thương mại, gia tăng các kênh tiếp cận các sản phẩm này luôn giữ vai trò quyết định để đưa các sản phẩm trên vào thị trường xây dựng một cách rộng rãi.

Hoạt động xây dựng ở Việt Nam hiện nay chia ra các mảng rất rõ nét theo nguồn vốn sử dụng cho dự án:

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn công nhìn chung còn chịu nhiều sự ràng buộc và thói quen mang tính lịch sử. Việc Nhà nước là người mua lớn nhất trên thị trường xây dựng ít nhiều cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận nhanh, kịp thời các ứng dụng về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiêu thụ các loại vật liệu mới, thiết bị có tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường...

- Các dự án sử dụng nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn tư nhân các công trình nhà ở, khu vui chơi giải trí... thường là nơi kiểm chứng sự ưu việt của các loại vật liệu, thiết bị và công nghệ mới. Chúng thường được sử dụng sớm và nhanh hơn các công trình khác do tính linh hoạt trong việc chỉnh sửa, thay đổi các yêu cầu trước, trong và sau khi lựa chọn nhà thầu xây dựng.

3. Xác định chi phí xây dựng công trình khi sử dụng các loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới

Vật liệu xây dựng mới và thiết bị lắp đặt vào công trình càng có độ bền cao, an toàn, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện với môi trường... thì càng được các chủ đầu tư quan tâm. Công nghệ mới trong thi công luôn là công cụ cho thấy ưu thế của các nhà thầu xây lắp. Xét cho cùng, nhà thầu thi công là một nhà sản xuất đặc biệt, họ phải luôn không ngừng cải tiến về công nghệ, quy trình, biện pháp thi công... nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu về giá, tiến độ, giải pháp thực hiện gói thầu.

Thông thường đối với các loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới, khi xác lập các chỉ tiêu chi phí cho công trình thường phải tổ chức xây dựng hoặc điều chỉnh các định mức dự toán và đơn giá xây dựng được công bố cho phù hợp. Quá trình xã hội hoá công tác quản lý chi phí là thuận lợi rất lớn về mặt pháp lý đối với các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước. Ở đây không mô tả lại phương pháp và cách thức lập tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng công trình vì đã được hướng dẫn tương đối kỹ tại các văn bản về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Chỉ xin đề cập tới phương pháp lập định mức dự toán xây dựng công trình và đơn giá xây dựng công trình khi sử dụng các loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới vì đây là những cơ sở quan trọng nhất của việc xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình.

3.1. Lập định mức dự toán xây dựng công trình

Các chủ đầu tư, nhà thầu có thể tổ chức lập định mức dự toán xây dựng công trình phù hợp theo các hướng dẫn sau:

3.1.1. Trình tự lập định mức dự toán xây dựng công trình

- Lập danh mục định mức dự toán xây dựng các công tác xây dựng công trình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện, biện pháp thi công của công trình.

- Rà soát, đối chiếu các yêu cầu, điều kiện nói trên giữa danh mục định mức dự toán xây dựng của công trình với hệ thống thông tin định mức dự toán xây dựng đã có để lựa chọn các phương án:

+ Áp dụng định mức dự toán công tác xây dựng đã có.

+ Vận dụng có điều chỉnh các định mức dự toán công tác xây dựng đã có.

+ Lập định mức dự toán mới cho công tác xây dựng chưa có định mức.

3.1.2 Lập định mức dự toán mới cho công tác xây dựng chưa có định mức

a Các bước tiến hành:

- Bước 1: Xác lập rõ yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công của từng loại công tác cần xây dựng định mức dự toán.

- Bước 2: Xác định thành phần công việc.

- Bước 3: Tính toán xác định hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công.

- Bước 4: Lập các tiết định mức trên cơ sở tổng hợp các hao phí về vật liệu, lao động, máy thi công. Mỗi tiết định mức gồm 2 phần: Thành phần công việc và bảng định mức các khoản mục hao phí.

Các tiết định mức xây dựng được tập hợp theo nhóm, loại công tác hoặc kết cấu xây dựng và thực hiện mã hoá thống nhất.

b Các phương pháp tính toán

Tính toán định mức hao phí của các công tác xây dựng mới thực hiện theo một trong ba phương pháp sau:

- Phương pháp 1: Theo các thông số kỹ thuật trong dây chuyền công nghệ

+ Hao phí vật liệu: Xác định theo thiết kế và điều kiện, biện pháp thi công công trình hoặc trên cơ sở tham khảo hoặc sử dụng định mức cơ sở.

+ Hao phí nhân công: Xác định theo tổ chức lao động trong dây chuyền công nghệ phù hợp với điều kiện, biện pháp thi công của công trình hoặc trên cơ sở tham khảo hoặc sử dụng định mức cơ sở.

+ Hao phí máy thi công: Xác định theo thông số kỹ thuật của từng máy trong dây chuyền hoặc trên cơ sở tham khảo hoặc sử dụng định mức cơ sở và có tính đến hiệu suất do sự phối hợp của các máy thi công trong dây chuyền.

- Phương pháp 2: Theo số liệu thống kê - phân tích

+ Phân tích, tính toán xác định các mức hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công từ các số liệu tổng hợp, thống kê như sau:

+ Từ số lượng hao phí về vật liệu, nhân công, máy thi công thực hiện một khối lượng công tác theo một chu kỳ hoặc theo nhiều chu kỳ của công trình đã và đang thực hiện.

+ Từ hao phí vật tư, sử dụng lao động, năng suất máy thi công đã được tính toán từ các công trình tương tự.

+ Từ số liệu theo kinh nghiệm của các chuyên gia hoặc tổ chức chuyên môn nghiệp vụ.

- Phương pháp 3: Theo khảo sát thực tế

+ Tính toán xác định các mức hao phí từ tài liệu thiết kế, số liệu khảo sát thực tế của công trình theo thời gian, địa điểm, khối lượng thực hiện trong một hoặc nhiều chu kỳ... và tham khảo đối chứng thêm với định mức cơ sở.

+ Hao phí vật liệu: tính toán theo số liệu khảo sát thực tế và đối chiếu với thiết kế, quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật.

+ Hao phí nhân công: tính theo số lượng nhân công từng khâu trong dây chuyền sản xuất và tổng số lượng nhân công trong cả dây chuyền, tham khảo các quy định về sử dụng lao động.

+ Hao phí máy thi công: tính toán theo số liệu khảo sát về năng suất của từng loại máy và hiệu suất phối hợp giữa các máy thi công trong cùng một dây chuyền, tham khảo các quy định về năng suất kỹ thuật của máy.

3.1.3. Vận dụng có điều chỉnh các định mức dự toán công tác xây dựng đã có

Khi vận dụng các định mức dự toán đã có, nhưng do yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công hoặc biện pháp thi công của công trình có sự khác biệt so với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công hoặc biện pháp thi công đã nêu trong định mức dự toán đã có thì tiến hành điều chỉnh các thành phần hao phí vật liệu hoặc hao phí nhân công hoặc hao phí máy thi công có liên quan cho phù hợp.

a Điều chỉnh hao phí vật liệu

Đối với hao phí vật liệu cấu thành nên sản phẩm theo thiết kế thì căn cứ qui định, tiêu chuẩn thiết kế của công trình để tính toán hiệu chỉnh. Đối với vật liệu biện pháp thi công thì hiệu chỉnh các yếu tố thành phần trong định mức đã có theo tính toán hao phí từ thiết kế biện pháp thi công hoặc theo kinh nghiệm của chuyên gia và các tổ chức chuyên môn.

b Điều chỉnh hao phí nhân công

Tăng, giảm thành phần nhân công trong định mức công bố và tính toán hao phí theo điều kiện tổ chức thi công hoặc theo kinh nghiệm của chuyên gia và các tổ chức chuyên môn.

c Điều chỉnh hao phí máy thi công

- Trường hợp thay đổi do điều kiện thi công thì tính toán điều chỉnh tăng, giảm trị số định mức theo điều kiện tổ chức thi công.

- Trường hợp thay đổi công suất máy thi công thì điều chỉnh theo nguyên tắc: công suất tăng thì giảm trị số và ngược lại.

3.1.4. Áp dụng định mức dự toán công tác xây dựng đã có

Đối với các công tác xây dựng, lắp đặt,... của công trình có yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công tương tự với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của định mức dự toán đã có thì áp dụng các định mức đã có.

Khi lập định mức dự toán xây dựng công trình thì người làm công tác định giá cần có những tài liệu sau:

- Hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế tổ chức thi công, biện pháp thi công, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình...

- Các định mức dự toán đã được công bố, đã có ở các công trình khác.

- Tham khảo định mức thi công định mức vật tư, định mức lao động, định mức năng suất máy thi công công bố.

3.2. Phương pháp xác định đơn giá xây dựng công trình

Yêu cầu của việc xây dựng đơn giá xây dựng công trình là phải thể hiện đầy đủ đặc điểm công trình, vị trí thi công, yêu cầu kỹ thuật điều kiện thi công, biện pháp thi công, chế độ chính sách và mặt bằng giá cả thị trường tại thời điểm thi công xây dựng công trình.

Theo mức độ chi tiết hoặc tổng hợp của đơn giá thì có thể chia thành đơn giá chi tiết xây dựng công trình và đơn giá tổng hợp xây dựng công trình. Theo nội dung chi phí của đơn giá thì có thể chia thành đơn giá xây dựng công trình không đầy đủ chỉ bao gồm các thành phần chi phí trực tiếp vật liệu, nhân công, máy thi công và đơn giá xây dựng công trình đầy đủ bao gồm cả chi phí trực tiếp và các thành phần chi phí như trong dự toán như chi phí chung thu nhập chịu thuế tính trước, thuế. Tuỳ thuộc vào đối tượng sử dụng đơn giá phục vụ yêu cầu của chủ đầu tư hoặc phục vụ xây dựng giá dự thầu, các đặc điểm về nguồn vốn sử dụng cho dự án, tính chất công việc xây lắp, đắc điểm vật liệu xây dựng... mà chúng ta có thể lựa chọn loại đơn giá tương ứng.

3.2.1. Đối với đơn giá chi tiết xây dựng công trình không đầy đủ

Đơn giá xây dựng công trình chi tiết thường bao gồm ba thành phần chi phí là chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí máy thi công. Cơ sở dữ liệu để lập Đơn giá xây dựng công trình chi tiết gồm định mức dự toán xây dựng của công trình đã được xác định theo nội dung nêu trên; giá vật liệu đến hiện trường xây dựng; đơn giá nhân công của công trình; giá cả máy và thiết bị xây dựng của công trình xây dựng; đơn giá nhân công của công trình; giá cả máy và thiết bị xây dựng của công trình.

Trình tự lập Đơn giá xây dựng công trình chi tiết gồm:

- Bước 1: Lập danh mục các công tác xây dựng và lắp đặt của công trình với những yêu cầu kỹ thuật, điều kiện và biện pháp thi công kèm theo.

- Bước 2: Tập hợp những định mức xây dựng công trình của công tác xây dựng và lắp đặt theo các danh mục nêu trên. Những định mức này đã được lập trước theo phương pháp nêu ở chuyên đề 4 của tài liệu này.

- Bước 3: Lập bảng danh mục và tính giá vật liệu đến hiện trường công trình, giá nhân công công trình, giá cả máy công trình theo phương pháp nêu ở chuyên đề 4 của tài liệu này.

- Bước 4: Xác định các thành phần chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công của đơn giá.

- Bước 5: Tổng hợp kết quả tính toán, hoàn thiện tài liệu với hướng dẫn áp dụng và những ghi chú kèm theo.

Khi xác định chi phí vật liệu thì giá vật liệu đến hiện trường là vấn đề cần được lưu tâm. Giá từng loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới thường chưa có tính phổ biến nên cần được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình xây dựng trên cơ sở giá thị trường do tổ chức có năng lực cung cấp, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự nếu có. Giá vật liệu đến công trình phải bao gồm giá gốc, chi phí vận chuyển bốc xếp, vận chuyển, hao hụt, trung chuyển, nếu có, chi phí tại hiện trường bốc xếp, hao hụt lưu kho, vận chuyển nội bộ công trình.

Chi phí nhân công và máy thi công thì xác định theo các phương pháp hiện hành nhưng cần tính tới độ phức tạp, khả năng tiếp cận vật liệu, thiết bị... của người lao động để tính toán cho phù hợp.

3.2.2. Đơn giá chi tiết xây dựng công trình đầy đủ

Đơn giá chi tiết xây dựng công trình đầy đủ được xác định theo các bước như trên đối với các thành phần chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công. Ngoài ra còn bao gồm các thành phần chi phí như chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế theo quy định của pháp luật về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

3.2.3. Đối với đơn giá tổng hợp xây dựng công trình không đầy đủ

Đơn giá tổng hợp xây dựng công trình không đầy đủ thể hiện chi phí trực tiếp cần thiết để hoàn thành một đơn vị sản phẩm kết cấu xây dựng, gồm 3 chi phí thành phần là: Chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí máy thi công.

Trình tự lập đơn giá tổng hợp xây dựng công trình không đầy đủ gồm:

- Bước 1: Xác định nhóm danh mục công tác xây lắp, bộ phận kết cấu cần xây dựng đơn giá xây dựng tổng hợp của công trình đối với đơn vị tính phù hợp.

- Bước 2: Tính khối lượng xây lắp của từng loại công tác xây lắp cấu thành nên đơn giá xây dựng tổng hợp.

- Bước 3: Áp chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công đã có sẵn trong từng công tác xây lắp trong đơn giá xây dựng chi tiết.

- Bước 4: Xác định chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công cấu thành đơn giá xây dựng tổng hợp.

- Bước 5: Tổng hợp kết quả từng khoản mục chi  phí trong đơn giá xây dựng tổng hợp.

3.2.4. Đối với đơn giá tổng hợp xây dựng công trình đầy đủ

Đơn giá tổng hợp xây dựng công trình đầy đủ được xác định theo các bước như đơn giá tổng hợp không đầy đủ đối với các thành phần chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công; ngoài ra còn tính thêm các thành phần chi phí như chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế theo tỉ lệ quy định.

4. Hiệu quả của việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới

Hiệu quả của dự án đầu tư là toàn bộ mục tiêu đề ra của dự án, được đặc trưng bằng các chỉ tiêu định tính thể hiện ở các loại hiệu quả đạt được và bằng các chỉ tiêu định lượng thể hiện quan hệ giữa chi phí đã bỏ ra của dự án và các kết quả đạt được theo mục tiêu của dự án.

Xác định hiệu quả đầu tư của dự án là một vấn đề lớn, phức tạp và đòi hỏi phải có kiểm chứng từ thực tế. Về mặt lý thuyết, có thể xem xét, phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư xây dựng công trình theo các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế – tài chính và các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế – xã hội. Trình tự chung để thực hiện phân tích, đánh giá hiệu quả dự án gồm:

- Xác định các tham số cần thiết cho việc tính toán các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả theo yêu cầu phương pháp luận;

- Tính toán các chỉ tiêu theo phương pháp thích hợp;

- Phân tích, đánh giá hiệu quả theo các chỉ tiêu đo hiệu quả.

Đánh giá hiệu quả cũng cần phân tích rủi ro nhằm đánh giá các điều kiện khả thi và tính chắc chắn của dự án. Nội dung chung của bước này bao gồm: Xác định những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án; tính toán các chỉ tiêu đánh giá rủi ro và thực hiện phân tích rủi ro.

Đứng từ góc độ kinh tế thì hiệu quả mang lại từ việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới có thể được thể hiện ở một số nội dung như:

- Tính năng thi công, lắp dặt nhanh, gọn, dễ dàng luôn được đặt lên hàng đầu. Các kiểu dáng thường được thiết kế phù hợp với phong cách sang trọng, hiện đại và tiện dụng.

- Chi phí bỏ ra thấp hơn hoặc ngang bằng với vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ thông thường nhưng tính năng sử dụng vượt trội hơn, độ bền cao hơn; phát huy đầy đủ hơn công năng của công trình, thuận lợi trong khai thác, sử dụng; an toàn hơn cho người và công trình lân cận chống cháy, nhẹ, không thấm nước, tránh va đập...

- Thuận lợi khi vận hành, sửa chữa, thay thế trong quá trình sử dụng.

- Tiết kiệm năng lượng khi vận hành, thân thiện với môi trường: Đây là những ưu thế và mục tiêu luôn được chú trọng trong tương lai.

- Đẩy nhanh tiến độ dự án, giảm công sức lao động, tăng hàm lượng và tỷ lệ cơ giới hoá trong xây dựng.

- Thuận lợi hơn trong kiểm soát và quản lý chi phí.

- Hạn chế rủi ro trong thực hiện dự án.

Các yếu tố hiệu quả này hữu ích đối với không chỉ riêng chủ đầu tư mà cả đối với nhà thầu và các chủ thể liên quan hoặc có cùng mối quan tâm. Chủ đầu tư ngoài việc tiết kiệm chi phí thì có thể giảm được thời gian thực hiện dự án, sớm được khai thác, sử dụng công trình. Nhà thầu có điều kiện cạnh tranh lành mạnh, rõ nét hơn; cơ quan quản lý giảm công việc phải hướng dẫn quá tỷ mỉ về xác lập và quản lý chi phí... Dưới góc độ xã hội, thậm chí cả quốc gia, công nghệ mới luôn phản ánh sức mạnh và tiềm lực khoa học công nghệ, thay thế hoặc sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn tài nguyên, vật liệu tự nhiên.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần đặt ra trong chủ đề này là cần tạo lập thói quen của các chủ đầu tư, người sử dụng đối với các vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới trong các công trình xây dựng. Tâm lý e ngại đâu đó vẫn còn tồn tại và cải chính là do thiếu thông tin về sản phẩm và sức thuyết phục trong minh chứng. Đối với các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, kỹ sư định giá chuyên nghiệp.... thì việc nhận thức hậu quả mang lại từ việc sử dụng các vật liệu, thiết bị và công nghệ mới là tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, đại bộ phận các chủ đầu tư người mua tiềm năng vẫn còn xa lạ với các khái niệm vật liệu mới thân thiện với môi trường, thiết bị mới thay đổi cách nghĩ, công nghệ mới thay đổi cách làm... Hy vọng tất cả những ai tham gia hoạt động xây dựng, những người quản lý, sử dụng công trình sẽ tích cực hưởng ứng chương trình bằng những hành động thiết thực, góp phần thực hiện chiến lược và tài nguyên quốc gia.

Nguồn: Tham luận của Nguyễn Trí Dũng – Phòng Cơ chế chính sách-Viện Kinh tế Xây dựng Bộ Xây dựng- tại Hội Thảo "VLXD, thiết bị và công nghệ mới sử dụng đảm bảo an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong công trình xây dựng", tháng 5-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)