Những thành tựu của ngành xây dựng trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch sau 20 năm đổi mới

Thứ ba, 27/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công cuộc đổi mới đất nước trong 20 năm qua đã thu được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa rất quan trọng. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và đạt được những thành tựu to lớn. Trong những năm đổi mới đó, ngành Xây dựng đã có những đóng góp to lớn, thể hiện trên các mặt sau:

1. Về quy hoạch

Quy hoạch đô thị trong nền kinh tế thị trường đã trực tiếp phục vụ môi trường đầu tư, góp phần tạo ra sự tăng trưởng ổn định ở các đô thị, bước đầu khẳng định vị trí và vai trò của đô thị trong công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội của cả nước, là biểu hiện sức sống và khả năng bứt phá của quốc gia.

Trong những năm vừa qua công tác lập quy hoạch xây dựng QHXD phục vụ phát triển đô thị đã được triển khai rộng rãi, bám sát yêu cầu phục vụ các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, thể hiện nguyện vọng của nhân dân, là cơ sở để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị.

Đô thị hoá là một quá trình phát triển phản ánh sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước. Từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tỉ lệ đô thị hoá trên toàn quốc chỉ đạt ở mức rất thấp là 18% vào năm 1986, tới nay đã đạt gần 28%. Sự tăng trưởng không chỉ về số lượng đô thị, qui mô dân số và đất đai mà đã hướng tới việc nâng cao chất lượng đô thị, phát triển bền vững để đô thị Việt Nam có môi trường sống và làm việc tốt, có tính cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế và thực sự là hạt nhân của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

QHXD luôn đi trước một bước là cơ sở cho việc hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, các khu kinh tế và phục vụ công tác quản lý xây dựng, từng bước đưa việc xây dựng đô thị đi vào nề nếp. Chất lượng các đồ án QH đã được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý tại địa phương và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đến nay cả nước đã có 51/ 64 tỉnh, TP có QH vùng tỉnh được phê duyệt. Các đô thị thuộc các tỉnh, TP hầu hết đều đã có QH chung xây dựng được lập và phê duyệt trừ một số tỉnh, TP còn một số ít trị trấn chưa có QH chung chiếm khoảng 2%.

Tính đến hết tháng 6/ 2006, cả nước đã có 729 đô thị trong đó:

- Đô thị loại đặc biệt: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

- Đô thị loại 1: Có 3 TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và TP Huế

- Đô thị loại 2: Có 14

- Đô thị loại 3: Có 31

- Đô thị loại 4: Có 42

- Đô thị loại 5: Có 587

Các đô thị đã thực sự đóng vai trò trung tâm chính trị kinh tế văn hoá của địa phương, nhiều đô thị được nâng cấp với chất lượng đô thị được cải thiện, nhiều khu đô thị mới hình thành làm thay đổi cơ bản diện mạo không gian kiến trúc đô thị và điều kiện sống của dân cư. Kinh tế đô thị đóng góp một tỷ trọng lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhìn tổng quan quá trình phát triển đô thị Việt Nam, sau 20 năm đổi mới, đô thị Việt Nam đã có những bước tiến dài, định hình được mạng lưới đô thị quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Các thành tựu cơ bản của quá trình phát triển đô thị của cả nước là:

- QHXD phục vụ phát triển đô thị đã thực sự trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước, là công cụ điều tiết vĩ mô trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. QHXD đã cụ thể hoá các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý đất đai và phát triển không gian và hạ tầng đô thị. Trong những năm qua nhờ có QHXD các địa phương đã chủ động triển khai các chương trình phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư.

- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xây dựng đô thị và QH đã được ban hành đầy đủ, là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai công tác lập QH và quản lý xây dựng theo QH. Sau khi Luật Xây dựng ra đời vào năm 2003, các Nghị định về QHXD NĐ số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005, Nghị định về quản lý kiến trúc đô thị NĐ số 29/NĐ-CP ngày 27/02/2007 và các Nghị định liên quan về hạ tầng đô thị NĐ số 41/2007/NĐ-CP ngày 22/3/2007 về xây dựng ngầm đô thị, NĐ số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 về quản lý chất thải rắn, NĐ số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 về thoát nước đô thị và khu công nghiệp, NĐ số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch... của Chính phủ đã được ban hành.

Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn tạo các cơ sở và căn cứ cho công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị, giảm dần các vướng mắc góp phần loại bỏ nhiều quy định không phù hợp tại các địa phương.

- Xây dựng những khu đô thị mới hiện đại với các điều kiện sống và làm việc tiếp cận với những tiêu chuẩn đô thị tốt nhất của thế giới và khu vực. Các khu đô thị mới không chỉ đảm bảo chỗ ở mà còn cung cấp đầy đủ một không gian đô thị hài hòa với các điều kiện hạ tầng hiện đại thuận lợi cho cộng đồng cư dân. Tính riêng về nhà ở, trong thời gian các năm từ 2001 đến 2006, cả nước đã xây dựng được khoảng 12 triệu m2 trong đó nhà ở xây dựng theo dự án khoảng 2 triệu m2, trong đó nhà ở do dân tự xây dựng khoảng 10 triệu m2

- Hệ thống hạ tầng đô thị trong những năm gần đây đã được đầu tư cơ bản và rộng khắp, thay đổi và nâng cao điều kiện sống và làm việc của dân cư trong các đô thị. Nhiều dự án lớn về phát triển giao thông đô thị được triển khai như hệ thống tàu điện ngầm, xây dựng các bãi đỗ xe ngầm tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các nút giao thông, xây dựng nhiều cầu lớn bắc qua sông ở các đô thị, triển khai các dịch vụ vận tải công cộng. Chất lượng phục vụ của giao thông công cộng ngày càng tốt hơn và được thể hiện qua sản lượng vận chuyển khách công cộng hàng năm tăng cao, các dịch vụ cung cấp nước sạch, công tác xã hội hoá trong việc thu gom vận chuyển chất thải rắn có nhiều tiến bộ, cung cấp thông tin liên lạc phát triển và thuận tiện nhanh chóng... Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước bình quân khoảng 65 – 70%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn trung bình đạt 70 – 75% tai các TP lớn và khoảng 30 – 50% tại các đô thị vừa và nhỏ. Tỷ lệ chiếu sáng các đường phố chính đô thị trung bình đạt 85 – 100% và hầu hết các đô thị tỉnh lỵ, huyện lỵ đều có chiếu sáng công công.

- Trình độ quản lý đô thị của các cơ quan quản lý của chính quyền địa phương được nâng cao qua quá trình quản lý thực tiễn, các khoá đào tạo và chương trình nâng cao năng lực. Chính quyền các đô thị đã đóng vai trò điều phối tạo cơ chế và hành lang pháp lý cho công tác phát triển đô thị qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội nâng cao vị thế của từng đô thị.

- Quá trình phát triển đô thị đã thu hút được một nguồn vốn đầu tư lớn cho công tác phát triển hạ tầng đô thị và nâng hiệu quả sử dụng đất đô thị, mang lại một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

- Trên cơ sở QHXD đô thị được duyệt, một khối lượng lớn các nguồn vốn đầu tư xây dựng đô thị thuộc các thành phần kinh tế đã được huy động; không gian đô thị không ngừng mở rộng, bộ mặt đô thị đã có những thay đổi rõ nét. Nhiều công trình, đường phố, khu đô thị đã được xây dựng theo QH, nhất là ở các đô thị lớn. Tại nhiều TP trên cả nước đã xuất hiện một số khu phố mới khang trang với những công trình kiến trúc có hình khối, bố cục, đường nét của kiến trúc hiện đại, thể hiện sự phát triển của đát nước trong thời kỳ đổi mới với.

2. Về kiến trúc

Cùng với cải cách và đổi mới kiến trúc Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã có nhiều bước phát triển đột phá ở cả khu vực đô thị, khu vực nông thôn và các lĩnh vực kiến trúc công trình. Nền kiến trúc nước ta phát triển nhanh chóng, kết nối kiến trúc Việt Nam với kiến trúc thế giới với những công trình kiến trúc hiện đại khẳng định xu hướng hội nhập và tăng cường tính cạnh tranh quốc tế chất lượng và thẩm mỹ các công trình kiến trúc đã được nâng cao rõ rệt.

a. Khu vực đô thị: Tại đây kiến trúc đã phát triển khá mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng thể hiện ở các mặt sau:

- Kiến trúc ở các đô thị đã phát triển với quy mô lớn làm thay đổi cấu trúc không gian và hình ảnh đô thị;

- Kiến trúc phát triển khá đa dạng với nhiều thể loại và hình thức phong phú, trong đó một số công trình có chất lượng thẩm mỹ cao, có sự tìm tòi và sáng tạo mới nhờ việc hành nghề kiến trúc được tạo điều kiện thuận lợi.

Cùng với chính sách phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã được huy động vào mục đích xây dựng đô thị sự phong phú của nguồn vật liệu cũng như nhiều công nghệ kỹ thuật mới được du nhập từ nước ngoài tạo ra sự đột phá trong kiến trúc.

- Việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá lịch sử và cảnh quan thiên nhiên bước đầu đã được coi trọng. Nhiều di sản văn hoá lịch sử và cảnh quan thiên nhiên được tu bổ, nâng cấp và đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới như cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An.

- Đối với kiến trúc nhà ở: Những năm 90, nhà ở đô thị phát triển mạnh mẽ. Sự ra đời của hàng loạt nhà ở, đặc biệt là nhà ở do dân tự xây đã nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân dân tăng lên rõ rệt. Tất cả các căn hộ đều được thiết kế khép kín. Chất lượng đã có nhiều tiến bộ nay đã có nhiều mẫu căn hộ đẹp, có mức tiện nghi khác nhau.

Sự xuất hiện nhiều loại nhà ở: biệt thự, chung cư cao tầng, nhà liền kề do nhà nước xây dựng hoặc nhân dân tự xây dựng có sự quản lý của Nhà nước về mặt QHXD và sử dụng đất đai đã góp phần làm phong phú thêm kiến trúc khu ở nói riêng và đô thị nói chung tạo nên diện mạo mới cho kiến trúc đô thị.

- Đối với kiến trúc các công trình công cộng: Kiến trúc các công trình dân dụng đã có bước phát triển vượt bậc, với sự ứng dụng ngày càng nhiều các thành tựu khoa học công nghệ và vật liệu mới. Sự hội nhập bước đầu với kiến trúc thế giới đã làm cho kiến trúc công cộng trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn. Nhiều thể loại công trình mới đa dạng trong sử dụng, phức tạp về kỹ thuật, có quy mô lớn và đáp ứng những đòi hỏi cao về kiến trúc và thẩm mỹ, nhất là các công trình văn phòng, các trung tâm thương mại, các cao ốc, khách sạn cao cấp, tượng đài, công viên, vườn hoa,... với ngôn ngữ, hình thức kiến trúc mới, phong phú góp phần đổi mới hình ảnh đô thị.

- Đối với kiến trúc các công trình công nghiệp: Tốc độ phát triển kiến trúc công nghiệp đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Khoảng 70 khu chế xuất, một trong 50 khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao mới đã được thành lập với sự đầu tư của nước ngoài và trong nước. Hình thức kiến trúc đã hướng tới tính giản dị, nhẹ nhàng cùng với kết cấu thép không gian khoáng đạt. Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho các khu công nghiệp phát triển và nhờ vậy kiến trúc các công trình công nghiệp đã có bước tiến đáng kể, trở thành một bộ phận quan trọng của kiến trúc nước nhà.

b. Ở khu vực nông thôn: Cùng với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kiến trúc nông thôn đã phát triển với các nội dung chính:

- Ngói hoá và kiên cố hoá nhà ở nông thôn bằng nguồn lực tự có của người dân thay thế nhà tranh tre vách đất.

- Phát triển các công trình dịch vụ công cộng như trường học, nhà trẻ, trạm xá, nhà văn hoá bằng vốn ngân sách và vốn tự có.

- Bê tông hoá đường làng ngõ xóm với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tất cả đã tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn nước ta thời kỳ đổi mới.

Những thành tựu ngành Xây dựng đạt được trong lĩnh vực kiến trúc QH sau 20 năm đổi mới, thể hiện đường lối chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ và sự cố gắng lao động sáng tạo của toàn thể cán bộ, công nhân trong ngành. Cùng nhân dân trong cả nước, trong thời gian tới, ngành Xây dựng sẽ đạt được nhiều thành tích to lớn hơn, đóng góp vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.  

Nguồn: TC Xây dựng, số 4-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)