Thừa ủy quyền của UBND tỉnh, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hội nghị. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến 9 điểm cầu huyện, thị, thành phố.
Hội nghị đã phổ biến Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai Kế hoạch số 1906/KH-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương năm 2022.
Theo đó, mục tiêu tổng thể của năm 2022 là tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Kế hoạch chuyển đổi số, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh tạo điều kiện, cơ sở để tăng tốc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn mới.
Toàn cảnh hội nghị
Kế hoạch đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ các nội dung: Thủ tục hành chính được thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn quy trình xử lý, tác nghiệp; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục; giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công; cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối liên thông với hệ thống thông tin của tỉnh được đưa vào khai thác, sử dụng; thống kê, báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và quốc gia.
Gia tăng các tỷ lệ: Hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; dân số có điện thoại thông minh; sử dụng hóa đơn điện tử; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử; người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; người dân có kỹ năng số cơ bản; địa phương trên địa bàn tỉnh thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.
Ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi một số nội dung tại hội nghị
Đưa 38 sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP trong năm 2021 của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm tiêu biểu phù hợp để hướng tới đạt được chứng nhận OCOP; đạt trên 7.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp (SMEdx).
Vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC tỉnh) giai đoạn 1 và bước đầu hình thành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của 03 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và 02 thị xã: Bến Cát, Tân Uyên; xây dựng và thực hiện đề án, kế hoạch chuyển đổi số cho các ngành ưu tiên như: Giáo dục, Y tế, Tài nguyên và Môi Trường, Giao thông Vận tải.
Mục tiêu cụ thể về phát triển chính quyền số đến năm 2025: 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp được hỗ trợ bởi các công cụ thông minh dựa trên dữ liệu; 100% cơ quan khối Đảng, đoàn thể thực hiện liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc từ cấp tỉnh đến cấp xã; tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức định kỳ hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; 80% thủ tục hành chính được thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn quy trình xử lý, tác nghiệp; trung bình mỗi năm thực hiện chuyển đổi số 20% khối lượng thủ tục hành chính. Trước năm 2023, hình thành Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại tỉnh và tại các thị xã, thành phố; các huyện còn lại thực hiện trước năm 2024.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc phụ trách IOC tỉnh giới thiệu về hoạt động của IOC tỉnh
Mô hình IOC tỉnh Bình Dương
Để đạt các mục tiêu trên, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị các cấp thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số phục vụ công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình. Gắn mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số với chương trình hành động, kế hoạch hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Các địa phương, doanh nghiệp, trường học thành lập Tổ công nghệ cộng đồng phục vụ công tác chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp, học sinh. Tổ chức các hoạt động với mục tiêu liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghiệp số với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác.
Đại diện sở, ngành trao đổi về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2022
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, huyện, thị, thành phố đã trao đổi các nội dung liên quan đến việc triển khai kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, các đơn vị đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai chuyển đổi số thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý. Để triển khai thành công kế hoạch, các sở, ngành, địa phương kiến nghị tỉnh cần tạo điều kiện trong việc đấu thầu các gói thầu về công nghệ thông tin; giải pháp về đầu tư hạ tầng viễn thông; ban hành lộ trình tư vấn xây dựng đề án/kế hoạch chuyển đổi số đối với từng ngành, lĩnh vực trong năm 2022; đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng số dùng chung đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cơ quan nhà nước phục vụ yêu cầu phát triển chính quyền số và đô thị thông minh…
Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, ông Lê Tuấn Anh ghi nhận các kiến nghị của các sở, ngành, địa phương và cho biết, một số ngành của tỉnh đã có nền tảng để thực hiện chuyển đổi số rất tốt như ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp… Để triển khai thành công kế hoạch, ông đề nghị các ngành, địa phương nghiên cứu thêm các văn bản, quy định của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số; vận hành cụ thể vào từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính… Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh chế độ, chính sách đặc thù đối với đội ngũ nhân lực làm công nghệ thông tin, hỗ trợ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.