Ngọn lửa khát vọng luôn rực cháy

Thứ sáu, 03/09/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nguyễn Ngọc Vinh đam mê đọc sách từ khi còn cắp sách đếntrường làng ở huyện Yên Mô (Ninh Bình), và thói quen đó theo anh vàokhoa xây dựng công nghiệp trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Một trong những kiến thức mà Vinh thu nhận được từ những trang sách, là tấm gương lập nghiệp của ông Chung Ju Yung - Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc nổi tiếng thế giới. Ông Chung không bao giờ chấp nhận thất bại, luôn luôn coi những khó khăn là thử thách cần phải vượt qua. Khởi đầu, Cty Hyundai non trẻ thiếu thốn máy móc thiết bị, nhận xây dựng một cây cầu trên sông Hàn với giá 56 triệu won, nhưng do gặp nhiều khó khăn khách quan, nên đã phải chi tới 110 triệu won. Để giữ đúng cam kết với nhà đầu tư, ông đã bán hết tài sản cơ nghiệp, nai lưng ra làm bất chấp mưa bão, hoàn thành cây cầu đúng thời hạn. Do Hyundai giữ trọn chữ tín, giữ trọn danh dự, nên Chính phủ Hàn Quốc tín nhiệm giao cho ông Chung xây dựng tiếp nhiều cây cầu lớn. Từ đó, Hyundai lớn mạnh dần, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế hùng mạnh trụ cột của Hàn Quốc.

Năm 2001 tốt nghiệp loại giỏi, anh kỹ sư 24 tuổi Nguyễn Ngọc Vinh phơi phới niềm tin về nhận việc ở một Cty Sông Đà 12 (Tập đoàn Sông Đà). Chàng trai như bị giội gáo nước lạnh khi được giao coi kho kiêm bảo vệ. Nhưng chỉ một tháng sau, Vinh tự hỏi: “Tại sao cuộc đời thử mình, mà mình lại không thử thách chính mình?”, và anh vui vẻ ngày làm nhiệm vụ bơm nước, đêm đi trông coi không để dây điện bị cắt trộm... Anh có thời gian đọc sách, bổ túc trình độ thiết kế, nhất là có điều kiện cùng ăn, cùng ở với công nhân, hiểu được tâm tư, nỗi niềm của mọi người trên công trường xây dựng đầy khó khăn, thử thách. Lãnh đạo Cty nhìn ra năng lực dồi dào của người kỹ sư trẻ có bản lĩnh, nên chỉ sau 2 tháng, Nguyễn Ngọc Vinh đàng hoàng trở thành kỹ sư chính, được tham gia thiết kế, thi công một số công trình. Sau khi đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định, năm 2005 anh Vinh quyết định đứng ra lập Cty CP công nghiệp xây dựng Toàn Phát (TOPACO). Nhớ lại bước ngoặt quan trọng đó của cuộc đời, Vinh nói: “Ngày lập Cty chỉ có vài chục triệu đồng và trên dưới chục người, nhưng chúng tôi không nghĩ là phiêu lưu. Bởi vì chúng tôi có mối quan hệ xã hội rộng và thân thiết, có năng lực đã được kiểm nghiệm thực tế. Quan trọng hơn là chúng tôi luôn có khát vọng làm giàu, khát vọng quyền tự quyết định, mong được dấn thân vào thử thách. Cho nên mới “ra ràng”, TOPACO đã được nhiều Cty của Tập đoàn Sông Đà tin tưởng giao việc”. Với vai trò nhà thầu phụ từ năm 2005 - 2007, TOPACO đã thi công 2 cây cầu vào thủy điện Nậm Chiến 1 (huyện Mường La - Sơn La), 4 si lô xi măng (750m3/si lô), đường bê tông phục vụ thi công, hệ thống cấp nước, bể nước 2.000m3 phục vụ công trường, nhiều hạng mục kho đá vôi, thạch cao, trạm nghiền đá, lắp ghép kết cấu thép,v.v. Tất cả các hạng mục do TOPACO đảm nhiệm đều đảm bảo chất lượng tốt nhất và đúng thời hạn, được các chủ đầu tư tín nhiệm, gây tiếng vang lớn trong ngành Xây dựng. Vì thế, từ năm 2008 TOPACO đã trở thành nhà thầu chính, đảm nhiệm những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, trong đó có thủy điện Nậm Chiến 2 có công suất 32MW, do Cty Đầu tư và Phát triển thủy điện Tây Bắc làm chủ đầu tư. Công trình này bị chậm tiến độ 1 năm, do đơn vị thi công trước đó không bơm cạn hố móng, nên lũ về nhấn chìm công trình. Vì vậy khi nhận nhiệm vụ, TOPACO đã quyết liệt đào hố móng ngày đêm, miệt mài đến tận 28 Tết Kỷ Sửu, và ngày 4 Tết đã huy động đầy đủ máy xúc, cần trục, xe tải nặng tiếp tục công việc, trong khi các đơn vị khác nghỉ Tết sớm vẫn chưa lên công trường. Nhờ đó, thủy điện Nậm Chiến 2 đã phát điện đúng tiến độ, cấp điện trực tiếp cho công trường thủy điện Sơn La.

Đến tháng 10/2009, TOPACO liên tiếp trúng thầu 7-8 dự án xây dựng thủy điện, song song với phát triển thêm 3 Cty chi nhánh ở Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang. Hiện nay, 3 Cty con đó đang thi công thủy điện trên sông Bắc Giang (huyện Bình Gia - Lạng Sơn), thủy điện Nậm Ly (huyện Xín Mần - Hà Giang) và thủy điện Tà Cọ (huyện Sốp Cộp - Sơn La). Ngoài ra, còn đang xây dựng một số công trình dân dụng ở Hà Nội và xúc tiến dự án hạ tầng giao thông. Từ chỗ vài chục triệu đồng vốn ban đầu, nay sau 5 năm, TOPACO đã có giá trị sản lượng 200 tỷ đồng, với hơn 500 kỹ sư, công nhân lành nghề, hơn 20 xe tải nặng, hàng chục cần cẩu các loại, nhiều loại máy xúc, máy ủi, trạm trộn bê tông... Chủ tịch HĐQT - TGĐ TOPACO Nguyễn Ngọc Vinh tự hào và biết ơn đội ngũ cán bộ, công nhân, vì chính những con người đó đã biến những khát vọng chính đáng của anh thành hiện thực. Anh Vinh bộc lộ cảm xúc từ đáy lòng: “TOPACO làm việc quyết liệt về cường độ và tốc độ, quyết sách dứt khoát và nhanh chóng, là do cán bộ, công nhân coi Cty là nhà mình, lợi ích của Cty là lợi ích của mình. Tôi đã mời chuyên gia tư vấn cấp cao Nguyễn Tất Thịnh (Học viện hành chính quốc gia) nhiều lần về nói chuyện, nhờ đó anh em công nhân thấu hiểu sâu sắc hơn về tình yêu và sự biết ơn đối với gia đình, vợ con, đối với cuộc đời. Từ đó anh em luôn luôn mẫu mực trong lao động và cuộc sống, tài trợ học sinh nghèo vượt khó ở Hà Giang, tham gia Chương trình 30A của Chính phủ, tặng phòng học cho học sinh nghèo ở Sơn La, để tri ân lại cuộc đời đã cho mình công ăn việc làm. Đội ngũ công nhân đó chính là vốn quí nhất, to lớn nhất của Cty, là nhân tố quyết định mọi thành công của TOPACO”.

Luôn luôn giữ chữ tín, nâng cao trình độ năng lực điều hành, giải pháp thi công, đảm bảo chất lượng công trình, đoàn kết gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, TOPACO đã trưởng thành vượt bậc chỉ sau 5 năm tuổi. Năm 2009 đạt doanh thu 100 tỷ đồng, năm nay là 200 tỷ, năm 2011 là 400 tỷ, đến 2015 sẽ 2.000 tỷ đồng. Không có gì là phiêu lưu, vì Cty đã nhận được đầy đủ công việc từ nay đến năm 2015. Trong tương lai không xa, TOPACO sẽ tăng vốn điều lệ, xây dựng mô hình Cty mẹ -Cty con, thể hiện sức sống mãnh liệt của TOPACO, đã được thể hiện trên lôgô có hình cánh buồm căng gió ra khơi, với tay lái vững vàng của người thuyền trưởng tài năng Nguyễn Ngọc Vinh.
 
Theo : Báo Xây dựng điện tử
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)