Mới đây, tỉnh Quảng Trị đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là một bước phát triển mới trong nỗ lực cải cách TTHC của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp, cải thiện, nâng cao các chỉ số CCHC, chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đầu mối tập trung để các cơ quan, đơn vị bố trí công chức đến thực hiện việc giải quyết TTHC. Việc giải quyết TTHC tại trung tâm theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tại trung tâm có 20 sở, ban, ngành của tỉnh và 4 cơ quan trung ương theo ngành dọc bố trí cán bộ đến làm việc để giải quyết các TTHC. Mọi TTHC của các sở, ngành được giải quyết thông qua hệ thống CNTT và truyền thông. Trung tâm đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng để xây dựng trang thiết bị CNTT hiện đại hóa dịch vụ này, sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử 1 cửa và ứng dụng cổng dịch vụ công trực tuyến kết nối trên Zalo, Facebook để người dân, doanh nghiệp, tổ chức tra cứu các TTHC, tra cứu quá trình giải quyết TTHC. Tỉnh đã hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; các TTHC xử lí trực tuyến, ứng dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành trong các lĩnh vực như: Giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, Y tế, giao thông - vận tải…; các phần mềm giám sát, đánh giá mức hài lòng… Hiện tại, bộ TTHC 3 cấp được cập nhật lên cổng hằng ngày. Đến ngày 30/11/2019, trên cổng có 1.771 TTHC, trong đó có 1.437 TTHC cấp sở, 249 TTHC cấp huyện và 85 TTHC cấp xã; có 197 TTHC mức độ 3 và 87 TTHC mức độ 4. Chữ kí số cũng được ứng dụng trong dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả. Nhờ đó, các dịch vụ TTHC được giải quyết nhanh chóng, nhiều thủ tục được giải quyết trong ngày, hoặc chỉ 2-3 ngày, những thủ tục trước đây cần vài tháng nay rút xuống còn 15- 20 ngày.
Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Công Tuấn cho biết: “Việc thành lập cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh tập trung, thống nhất tạo điều kiện rất thuận lợi cho tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từng bước tổ chức việc chuyển đổi hồ sơ, tài liệu giấy liên quan đến việc giải quyết TTHC thành hồ sơ điện tử và xây dựng quy trình tin học hóa giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính. Việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết TTHC giúp kiểm tra, kiểm soát một cách toàn diện, bao quát từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khi trả kết quả giải quyết, được thực hiện thông qua phần mềm một cửa điện tử và camera giám sát, đảm bảo chính xác và quản lí chặt chẽ hơn so với trước đây”.
Từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2782/ QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị; năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1765/ QĐ-UBND về Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018- 2023, tầm nhìn đến 2030 và Kế hoạch số 3224/ KH-UBND ngày 17/7/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ đó cho thấy Quảng Trị tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện các nhiệm vụ phát triển chính quyền số, đô thị số. Triển khai ứng dụng chữ kí số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, đến nay toàn tỉnh đã cấp mới chứng thư số chuyên dùng cho 1.994 cá nhân và 738 cơ quan, đơn vị. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử tỉnh. Sở Khoa học và công nghệ đã tổ chức 6 lớp tập huấn về an toàn và bảo mật thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT tỉnh và cán bộ công chức cấp tỉnh; tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lí, bồi dưỡng kĩ năng ứng dụng CNTT trong dạy học cho giáo viên các cấp học với hơn 2.691 học viên nhằm nâng cao năng lực CNTT cho cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao nhận thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ứng dụng CNTT và truyền thông hiện đại để xây dựng chính quyền điện tử là một xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại công nghệ số hiện nay. Vì thế, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông, thì việc nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức cần được chú trọng hơn nữa. Tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ 4.0 để xây dựng có hiệu quả chính quyền điện tử cũng nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ CBCCVC, góp phần chống tệ nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, cửa quyền của một bộ phận CBCCVC tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức khi có nhu cầu giao dịch TTHC thì được thực hiện một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian, công sức, từ đó họ yên tâm, tin tưởng vào cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo điều hành, đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp với thực tiễn, đẩy mạnh thực hiện CCHC theo hướng dân chủ, trong sạch, hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH ở địa phương.
Theo báo Quảng Trị