Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển” do UBND TPHCM tổ chức ngày 6/12.
Quy mô sản xuất công nghiệp ngày càng mở rộng
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong thời gian qua, công nghiệp trên địa bàn TPHCM có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp của Thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn Thành phố chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo cả nước, cụ thể, giá trị tăng thêm chiếm 28,62% cơ cấu cả nước, số lượng doanh nghiệp (DN) chiếm hơn 30%, lao động chiếm 16,76%.
Công nghiệp có đóng góp quan trọng trong GRDP của Thành phố, trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp. Cơ cấu giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp của Thành phố chiếm khoảng 20,4% năm 2018 trong GRDP của Thành phố.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2015-2018 ước tăng trung bình 7,66% và có xu hướng tăng cao dần qua các năm (năm 2016 tăng 7,33%, năm 2017 tăng 7,45%, năm 2018 tăng 7,98%, 11 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 là 7,42%) cho thấy quy mô sản xuất công nghiệp Thành phố ngày càng mở rộng, các DN đã đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sản xuất công nghiệp nói chung và 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng của TPHCM phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố.
Phần lớn DN sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn còn chưa cao. Chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng và xu hướng đầu tư ra các tỉnh của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố ngày càng nhiều.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Thành phố thăm gian hàng của DN công nghiệp - Ảnh: VGP/Lê Anh
Phát triển công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số
PGS.TS.Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, trong một thời gian dài Thành phố chủ trương phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, điều này phù hợp với kinh tế Thành phố trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương khác trong cả nước trong mối liên kết vùng, việc xác định 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu để tập trung phát triển không còn phù hợp đối với TPHCM.
Theo hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam được ban hành năm 2019, trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, có đến 11 ngành cấp 2, có 42 ngành cấp 3, có 84 ngành cấp 4 và 107 ngành cấp 5. Do đó, việc ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là rất rộng và dài trải, các nguồn lực khó có thể đáp ứng. Vì vậy, định hướng phát triển công nghiệp TPHCM trong thời gian tới cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế Vùng.
PGS.TS. Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM cho rằng, TPHCM cần nghiên cứu và ban hành cơ chế khuyến khích để thúc đẩy liên kết giữa các DN trong ngành. Trong đó, đặc biệt chú trọng cơ chế khuyến khích thông qua việc hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành.
Ông Lê Hoài Quốc cũng kiến nghị, với ngành công nghiệp điện tử, Nhà nước cần sớm ban hành các biện pháp bảo vệ thị trường điện-điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…), đồng thời tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện-điện tử gia dụng.
Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cần xây dựng các trung tâm hoặc viện công nghệ công nghiệp (CNCN) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) theo mô hình của Viện công nghệ công nghiệp KITECH của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho các DNVVN theo Điều 17 và Điều 19 Luật Hỗ trợ DNVVN. Các trung tâm hoặc viện này hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động theo hình thức đối tác công tư PPP, xã hội hóa (có thể đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM-SHTP).
Các trung tâm hoặc viện CNCN sẽ hỗ trợ, giúp nâng cao năng lực về công nghệ sản xuất cho DN, đóng vai trò là các trung tâm kỹ thuật, được trang bị máy móc dùng chung hiện đại, cung cấp các dịch vụ cải tiến DN, kết nối khách hàng, chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các DN công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực DN công nghiệp hỗ trợ.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, qua tiếp xúc và phản ánh từ các hiệp hội DN cho thấy, các chính sách hỗ trợ của Thành phố cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư, trong khi nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cơ chế, quy định pháp luật về đầu tư sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chưa được giải quyết căn cơ.
Chính vì vậy, theo ông Phong, ưu tiên tới đây của Thành phố là sẽ xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo một cách quyết liệt hơn. Đồng thời, Thành phố cần lập hội đồng phát triển DN ở từng lĩnh vực và đối thoại trực tiếp từng quý để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Trong từng lĩnh vực, Thành phố cũng ưu tiên lựa chọn những DN lớn, đủ mạnh, sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển các thương hiệu.
Theo Chinhphu.vn