Các phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã có dịp chia sẻ kết quả và các bài học kinh nghiệm của mình cùng các nhà hoạch định, quản ký chính sách các cấp, đối tác phát triển trong và ngoài nước tại “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ DTTS giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của CMCN 4.0” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng quốc gia về Giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức sáng 17-12, tại Hà Nội.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, khoảng sáu triệu người đã thoát nghèo trong bốn năm qua, giai đoạn từ năm 2012 đến 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là làm thế nào đẩy nhanh tốc độ giải quyết tình trạng nghèo kinh niên đang tập trung chủ yếu ở các nhóm DTTS sinh sống ở các vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh.
Trên cơ sở đó, dự án “Hỗ trợ phụ nữ DTTS giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0” được xây dựng và triển khai dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới bảo đảm “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thông qua dự án này, các nhóm DTTS nghèo, đặc biệt là phụ nữ và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách của chính phủ có cơ hội được kết nối, cùng đồng hành trong Hành trình Tăng tốc giảm nghèo (Accelerator Lab Journey).
Tại diễn đàn, các bên tham gia dự án chia sẻ những kết quả, thách thức, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp tục nhân rộng mô hình “Liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản phẩm bản địa ứng dụng nền tảng thương mại điện tử” phù hợp với hộ nghèo và người DTTS gắn kết phương pháp truyền thống, văn hóa bản địa một cách hiệu quả và bền vững tới các địa phương khác, như: Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum,...
Đặc biệt, với Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move - Gặp Gỡ, Kết nối, Đồng hành và Phát triển) được thực hiện trong dự án, năm 2019, đã có 49 hợp tác xã, tổ, nhóm với 784 thành viên được hưởng lợi trực tiếp từ quy trình 4M.
Họ chủ yếu là phụ nữ DTTS được khởi nghiệp, tham gia và mở rộng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá và bán sản phẩm trên thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và nhờ đó thoát nghèo.
Ngoài các đối thượng thụ hưởng trực tiếp, có 2.636 người đã tham gia và hưởng lợi trong chuỗi cung ứng sản phẩm thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ, nhóm sản xuất ở hai tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông (trong đó 1.546 người tại Bắc Kạn và 1.090 người tại Đắk Nông); Kết nối được 16 doanh nghiệp, tổ chức tại Bắc Cạn và 14 tại Đắk Nông cùng tham gia cùng 49 hợp tác xã, tổ, nhóm trong chuỗi giá trị sản phẩm cùng đồng hành phát triển bền vững; 100% HTX tham gia dự án đều cải thiện về sản phẩm, như sản lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì; Doanh thu của các HTX, tổ nhóm đạt từ 500 nghìn đến 5.000 triệu đồng/ngày; một số đạt 600 triệu đồng/tháng (tăng trung bình 50% doanh thu so trước dự án). Một số HTX, như Hợp Giang, Nhung Lũy, hộ sản xuất Lương Ngọc Yến đã ký được hợp đồng dài hạn chuyên cung cấp nấm cho các nhà phân phối lớn, như chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, BigC…
Đồng thời, một bộ tài liệu đã ghi lại toàn bộ hành trình 4M để chia sẻ, nhân rộng các bài học kinh nghiệm và điều kiện để nhân rộng mô hình thành công trong hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS, đặc biệt phụ nữ tăng cường quyền năng kinh tế, thoát nghèo bền vững thông qua ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng quan trọng trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào DTTS góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các kết quả, bài học kinh nghiệm của bà con được chia sẻ tại diễn đàn này là hết sức quan trọng cho các địa phương khác cũng như cho Bộ trong thiết kế và thực hiện chương trình giảm nghèo trong thời gian tới.
Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nêu bật những bài học rút ra từ hành trình tăng tốc công tác giảm nghèo trong quá trình thực hiện dự án. Bà Caitlin Wiesen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ lớn và các HTX bán sản phẩm thông qua các sàn giao dịch trong việc hỗ trợ đồng bào DTTS mở rộng thị trường cho sản phẩm của họ. Và UNDP sẵn sàng hỗ trợ trong việc áp dụng cách tiếp cận “Hành trình tăng tốc giảm nghèo” này trong nỗ lực tìm ra những giải pháp đổi mới sáng tạo để có thể đạt được kết quả trên diện rộng.
Sản phẩm của phụ nữ DTTS được giới thiệu tại diễn đàn.
Theo Nhân dân điện tử