Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 08/03/2024 17:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến với các nội dung kiến nghị:

1. Kiến nghị số thứ tự 8: “Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng chỉ quy định về điều chỉnh tổng mức đầu tư đã phê duyệt, không có quy định đối với trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của tổng mức đầu tư, do đó, chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định và thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đề nghị trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2021/NĐ-CP theo hướng: bổ sung hướng dẫn, quy định cụ thể về trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của tổng mức đầu tư dự án theo hướng giao thẩm quyền cho chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Các trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựng và điểm đ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo đó, tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt của dự án sử dụng vốn đầu tư công chỉ được điều chỉnh khi điều chỉnh dự án theo quy định. Vì vậy, pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành (Nghị định số 10/2021/NĐ-CP) không quy định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt chỉ do thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư. Trên cơ sở tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án và quản lý chi phí trong phạm vi tổng mức đầu tư được duyệt; đúng, đủ nội dung, mục tiêu, quy mô đầu tư được phê duyệt.

2. Kiến nghị số thứ tự 9: “Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 37 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng quy định về một trong những nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng xây dựng như sau:… “trường hợp vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt thì phải được chấp thuận chủ trương điều chỉnh giá hợp đồng của người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi được giao đối với các dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trước khi thực hiện điều chỉnh…”. Để giảm thiểu thủ tục, thời gian thực hiện, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý chi phí, quản lý dự án đầu tư xây dựng, đề nghị trình Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 3 Điều 36 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP theo hướng: trường hợp điều chỉnh giá hợp đồng làm vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo, xin ý kiến và được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản trước khi điều chỉnh”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Tại Điều 143 Luật Xây dựng về điều chỉnh hợp đồng xây dựng đã quy định: “Khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép”. Nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng xây dựng đã được quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP, theo đó “Giá hợp đồng sau điều chỉnh không làm vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt (bao gồm cả dự phòng cho gói thầu đó) thì chủ đầu tư được quyền quyết định điều chỉnh; trường hợp vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt thì phải được chấp thuận chủ trương điều chỉnh giá hợp đồng của người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…”. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 70 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 về sửa đổi hợp đồng cũng đã quy định: “khi sửa đổi hợp đồng làm thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng hoặc vượt giá gói thầu (bao gồm dự phòng) được duyệt thì phải được người có thẩm quyền cho phép…”.

Như vậy, các quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP là phù hợp với quy định tại Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Mặt khác, các quy định này đã quy định rõ chủ thể, trách nhiệm, thẩm quyền đối với từng trường hợp (vượt giá gói thầu, không vượt giá gói thầu); phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, giảm tối đa thủ tục, thời gian thực hiện; nhưng vẫn kiểm soát được nhu cầu, mục tiêu đầu tư và chi phí của dự án; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1014/BXD-KTXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)