Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung kiến nghị: “Hiện tại, mức chi hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo còn thấp (chỉ 50 triệu đồng/căn). Nhưng hiện tại giá vật tư, công thợ rất cao, kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng không đủ để có được căn nhà như trước đây nên người dân gặp khó khăn khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Kiến nghị xem xét, nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở lên cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có công văn 995/BXD-QLN có ý kiến như sau:
Hiện nay, ngoài 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 có hợp phần hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo (đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ từ ngân sách trung ương; đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: 2021- 2025 hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ từ ngân sách trung ương và được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng/hộ), Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành 03 chính sách hỗ trợ nhà ở với các định mức hỗ trợ khác nhau (Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện các chính sách), cụ thể là:
- Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng: Thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 61/TTr-BXD ngày 19/12/2022 kèm theo Dự thảo Quyết định mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, dự kiến định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của chính sách là 60 triệu đồng/hộ xây mới hoặc 30 triệu đồng/hộ sửa chữa; ngoài ra huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (ngân sách địa phương, xã hội hoá, dòng họ…) và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ để nâng cao mức hỗ trợ.
- Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều: Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 60/TTr-BXD ngày 19/12/2022 kèm theo Dự thảo Quyết định chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, dự kiến định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của chính sách là 40 triệu đồng/hộ xây mới hoặc 20 triệu đồng/hộ sửa chữa; ngoài ra hộ nghèo còn được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 40 triệu đồng để tăng kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở.
- Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt: Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 62/TTr-BXD ngày 19/12/2022 kèm theo Dự thảo Quyết định chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, dự kiến định mức hỗ trợ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của chính sách là 40 triệu đồng/hộ xây mới hoặc 20 triệu đồng/hộ sửa chữa; ngoài ra hộ gia đình còn được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 60 triệu đồng để tăng kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở.
Cơ sở để xác định mức hỗ trợ của 03 chính sách nhà ở nêu trên được căn cứ vào điều kiện khả năng ngân sách của đất nước trong từng giai đoạn. Theo tính toán, các mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các hộ chính sách, hộ nghèo tại các Dự thảo Quyết định nêu trên là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đều tăng cao hơn mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ chính sách, hộ nghèo trước đây.
Ngoài các mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì Dự thảo cũng quy định được huy động từ nhiều nguồn khác để thực hiện chính sách như: hỗ trợ từ ngân sách địa phương, cộng đồng, dòng họ, hộ gia đình tham gia đóng góp (bằng nhân công, tiền, vật liệu...) và hộ chính sách, hộ nghèo tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đồng thời, Sở Xây dựng các địa phương có trách nhiệm thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo dự toán kinh phí đầu tư xây dựng, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để các hộ chính sách, hộ nghèo áp dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ, cơ bản đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn 3 cứng "nền cứng, khung tường cứng, mái cứng", chất lượng và diện tích theo quy định, sử dụng các vật liệu xây dựng tốt - bền (như gạch, đá, xi măng, sắt thép, gỗ bền chắc, ngói, tôn...), đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh được tác động xấu của thời tiết. Qua đó, điều kiện sống của các hộ chính sách, hộ nghèo được nâng cao hơn.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 995/BXD-QLN.