Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có công văn 2794/BXD-QHKT ngày 30/6/2023 có ý kiến như sau:
1. Để có cơ sở xem xét, phê duyệt QHC-2023, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung góp ý của các Sở, ngành, địa phương có liên quan và các ý kiến của cộng đồng dân cư; chịu trách nhiệm rà soát các quy hoạch, dự án (không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; không hợp thức, cập nhật các quy hoạch, dự án chưa đủ cơ sở pháp lý), đảm bảo tính chính xác các số liệu đo đạc liên quan đến đất lúa, đất rừng, đất an ninh - quốc phòng và đất đơn vị ở hiện trạng; tuân thủ các quy định pháp luật về: Di sản văn hóa, Bảo vệ và phát triển rừng, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng...
2. Bộ Xây dựng thống nhất đối với một số nội dung liên quan đến quan điểm, mục tiêu, tính chất, cấu trúc phát triển của đồ án QHC-2023, trong đó: Hướng tới thành phố Uông Bí đến năm 2030, đảm bảo tiêu chí là đô thị loại I; là trung tâm, động lực phát triển của tiểu vùng phía Tây tỉnh Quảng Ninh.
3. Nội dung Đồ án cần bổ sung và làm rõ các vấn đề sau:
- Về lý do và sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch: Để có cơ sở điều chỉnh QHC thành phố Uông Bí, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát, làm rõ các điều kiện điều chỉnh, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Trong đó cần bổ sung phân tích, đánh giá các nguyên nhân, các định hướng Quy hoạch chung thành phố Uông Bí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2016 (gọi tắt là QHC - 2016) không thực hiện được; làm rõ các tác động do các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch Tỉnh (về văn hóa, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giao thông...); mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Uông Bí có sự điều chỉnh trong tình hình mới.
- Các nội dung trong đánh giá hiện trạng:
+ Rà soát số liệu với bản vẽ đánh giá hiện trạng sử dụng đất (đặc biệt là chỉ tiêu, số liệu đất đơn vị ở hiện trạng; đất rừng, đất lúa) đảm bảo thống nhất, phù hợp với số liệu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất của ngành tài nguyên môi trường tại thời điểm lập quy hoạch. Xem xét lại bảng hiện trạng sử dụng đất, trong đó cần thống nhất, bổ sung số liệu đất dân dụng (thiếu số liệu đất dịch vụ công cộng, cây xanh, giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị), đất ngoài dân dụng.
+ Phần đánh giá không gian kiến trúc, cảnh quan: Đề nghị làm rõ các giá trị về cảnh quan và hệ sinh thái rừng quốc gia Yên Tử, các không gian gắn với các công trình kiến trúc có giá trị, hệ thống sông, hồ (sông: Uông, Sinh, Đá Bạch, hồ Yên Trung...).
+ Đối với hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và nhà ở: Phân tích (chất lượng, quy mô, so sánh với các tiêu chuẩn của đô thị) và làm rõ hiện trạng nhà ở (các khu hiện hữu và khu đô thị mới), các cơ sở hạ tầng xã hội về: Y tế, giáo dục, cây xanh sử dụng công cộng, công trình thể dục thể thao cấp đô thị và khu vực.
+ Đối với đánh giá cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Hiện trạng hệ thống giao thông cần làm rõ các yếu tố liên kết vùng, hệ thống giao thông đối ngoại và đối nội (lưu ý rà soát hệ thống vận tải công cộng, các bến bãi ven sông); rà soát các yếu tố về môi trường cảnh quan tác động của các khu, cụm công nghiệp ven sông Đá Bạc, sông Uông.
- Về rà soát thực hiện quy hoạch: Không cập nhật các quy hoạch, dự án đầu tư khi chưa phù hợp với quy hoạch cấp trên; xem xét các nội dung không điều chỉnh và cần thiết điều chỉnh, đồng thời nêu rõ những nội dung phù hợp và chưa phù hợp so với QHC - 2016; trên cơ sở đó xác định các vấn đề phải giải quyết, để đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, chiến lược phát triển của thành phố Uông Bí trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng thành phố Uông Bí theo Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại II, hướng tới đô thị loại I (đặc biệt là các chỉ tiêu về hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội); trong đó cần làm rõ các tiêu chuẩn còn yếu và chưa đạt để có cơ sở hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị theo từng giai đoạn.
- Các tiền đề phát triển đô thị:
+ Cần phân tích vị trí, vai trò của thành phố Uông Bí trong tỉnh Quảng Ninh và đối với các khu vực lân cận (Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng); làm rõ các yếu tố khác biệt, nổi trội về vị trí, điều kiện phát triển đô thị, các ngành lĩnh vực khác (văn hóa, công nghiệp, dịch vụ, du lịch…). Bổ sung đánh giá, khớp nối định hướng phát triển các quy hoạch chung các đô thị, khu chức năng các địa phương lận cận.
+ Đối với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án: Xác định rõ các chỉ tiêu chính của đồ án đạt được so với các chỉ tiêu hiện trạng; để đảm bảo tiết kiệm đất đai và phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, đề nghị rà soát chỉ tiêu đất dân dụng toàn thành phố Uông Bí đối với từng giai đoạn (đặc biệt là chỉ tiêu đất đơn vị ở) đảm bảo tuân thủ theo QCVN:01/2021/BXD.
- Định hướng phát triển không gian:
+ Đối với các khu chức năng nằm trong ranh giới thành phố Uông Bí: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 18/02/2013; vì vậy, khi nghiên cứu đồ án QHC-2023 phải tuân thủ ranh giới các vùng bảo vệ di tích, định hướng phát triển không gian liên quan đến khu Di tích trên, làm cơ sở kết nối không gian, lập các quy hoạch xây dựng tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đối với phân khu G thuộc một phần của Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, do quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế này chưa được phê duyệt nên các định hướng phát triển của QHC-2023 đối với khu vực trên chỉ mang tính chất định hướng kết nối, chưa đủ cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Đối với các khu vực khai trường (khu vực mỏ Vàng Danh, Năm Mẫu...), cũng như khu vực Rừng quốc gia Yên Tử khi quy hoạch, thực hiện quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng phải thực hiện theo các quy hoạch chuyên ngành và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Về thiết kế đô thị: Làm rõ hơn (vị trí, quy mô) quy hoạch hệ thống trung tâm, quảng trường, vườn hoa, công viên cấp đô thị và khu vực. Bổ sung phân tích, xác định ranh giới cụ thể đối với từng khu vực: hiện hữu cải tạo, khu vực xây mới, khu vực cấm xây dựng...(có sơ đồ bản vẽ kèm theo); đối với vùng đồi núi phía Bắc và mặt nước phía Nam lưu ý phát triển đô thị xanh gắn với du lịch sinh thái. Lưu ý quản lý chặt chẽ về kiến trúc cảnh quan, môi trường các khu vực ven sông hồ, đồi núi, đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ các hồ thủy lợi, nguồn nước và bảo vệ và phát triển rừng.
- Về quy hoạch sử dụng đất: Đề nghị rà soát lại bản vẽ quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt phân định rõ tính chất các loại đất dịch vụ công cộng đô thị với các đất sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch); đối với việc phát triển đất hỗn hợp phía Đông phân khu A là chưa phù hợp, đề nghị nghiên cứu phát triển thành khu dịch vụ - văn hóa du lịch, nhằm khai thác vùng hoàn nguyên gắn với vùng bảo vệ cảnh quan khu di tích, rừng quốc gia Yên Tử.
Đối với việc phát triển đất khu, cụm công nghiệp, đất kho tàng bến bãi, nhà máy điện ven sông, đề nghị rà soát quy hoạch ngành có liên quan (có giải pháp để đảm bảo vệ cảnh quan, môi trường ven sông); đảm bảo khi phát triển không ảnh hưởng luồng lạch và phòng chống lũ các sông. Đề nghị rà soát các khu vực cấm xây dựng (không phát triển vào khu vực đất an ninh - quốc phòng, bảo vệ di tích, an ninh quốc phòng, đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, hành lang bảo vệ đê điều, hồ đập…). Đối với diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng giảm cần có phân tích, đánh giá sự tuân thủ quy hoạch ba loại rừng và quy hoạch tỉnh.
- Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Đề nghị bổ sung làm rõ sự tuân thủ các quy hoạch ngành cấp trên được duyệt liên quan đến phần hạ tầng kỹ thuật.
+ Quy hoạch mạng lưới giao thông: Làm rõ giải pháp thiết kế các tuyến giao thông đối ngoại, các đường trục chính kết nối các khu chức năng, các trục chính trong đô thị (đặc biệt là các tuyến dọc kết nối đô thị với tuyến đường tốc độ cao Đông Triều - Quảng Yên); bổ sung giải pháp quy hoạch các bến bãi đỗ xe giao thông tĩnh trong các khu vực đô thị và các khu chức năng (khu di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng...).
+ Giải pháp quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật: Sau khi tuyến đường tốc độ cao ven sông kết nối từ Đông Triều đến Quảng Yên được hình thành như tuyến đê cao phía Nam thành phố; đề nghị bổ sung tính toán, có giải pháp thoát nước toàn bộ khu vực các vùng phía Bắc xuống phía Nam đảm bảo khả năng tiêu thoát nước; xem xét giải pháp san nền đối với các khu vực không thuận lợi xây dựng ven sông Đá Bạch, tránh làm ảnh hưởng các khu công nghiệp và các khu vực dân cư lân cận.
+ Đối với quy hoạch cấp nước, cấp điện, nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang cần tuân thủ theo quy hoạch cấp trên; xác định rõ vị trí, quy mô đảm bảo đáp ứng nhu cầu từng giai đoạn.
Về đánh giá, dự báo tác động môi trường: Đánh giá kỹ hiện trạng môi trường các khu dân cư, nguồn nước liên quan đến các khu vực công nghiệp trên địa bàn; bổ sung cụ thể các giải pháp khắc phục môi trường liên quan đến các khu vực nhà máy điện Uông Bí và các khu vực gây ô nhiễm khác tác động đến khu vực thành phố Uông Bí.
- Bổ sung danh mục, quy mô các công trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn ngắn hạn, các dự án hạ tầng khung, dự án phát triển đô thị tạo động lực lan tỏa; các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2794/BXD-QHKT.