Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cho biết: Đề án 01 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) của Chính phủ có ý nghĩa to lớn và đáp ứng được mong mỏi lớn nhất của xã hội, đặc biệt là hàng triệu người dân nghèo, những người nông dân mất đất, ly hương ra thành phố kiếm việc làm, những nông dân hóa công nhân.
Thực tế, nhu cầu nhà ở giá rẻ của người dân rất lớn, lớn đến mức 01 triệu căn NƠXH cũng chưa đáp ứng đủ. Vì ngay ở Thủ đô, hàng nghìn người lao động nghèo từ nông thôn lên họ chỉ thuê những chỗ ở tạm bợ sống qua ngày, thậm chí phải đối mặt với không ít rủi ro về cháy nổ, trộm cắp, an toàn...
Từ khi có Đề án 01 triệu căn NƠXH, không ít nông dân, người lao động tiếp xúc với chúng tôi bày tỏ mong muốn tha thiết được mua một căn nhà để ổn định cuộc sống gia đình. Có chị kể với tôi về việc bản thân đã đăng ký mua nhiều dự án NƠXH ở địa phương chị ấy đang sống nhưng không được vì số lượng nhà quá ít, hết trước khi đến lượt chị ấy bốc thăm.
Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ông Định chia sẻ thêm: Nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng bày tỏ nguyện vọng tha thiết nhiều dự án NƠXH xây dựng để họ có thể mua được một căn. Điều đó cho thấy ý nghĩa to lớn của Đề án 01 triệu căn NƠXH. Vì nếu triển khai thành công, đề án sẽ tạo ra xung lực mới, niềm tin mới và lan tỏa tinh thần cam kết đồng hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu và quyền tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã nỗ lực và đạt được một số kết quả nhất định trong việc tạo điều kiện để người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp được cải thiện về nhà ở. Đặc biệt, kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực thì việc thực hiện chủ trương này đã được triển khai rộng khắp trong cả nước, nhiều đối tượng là người lao động, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã được nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ về nhà ở. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với nhu cầu rất lớn của xã hội hiện nay, vì vậy, việc thực hiện thành công đề án 01 triệu căn NƠXH có ý nghĩa rất to lớn.
Vì vậy, thông qua Hội thảo này, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều hơn nữa giải pháp, góp ý và kiến nghị của người dân, chuyên gia, doanh nghiệp và những giải đáp vướng mắc của cơ quan quản lý, địa phương để đề án 01 triệu căn NƠXH triển khai thành công.
Gắn phát triển nhà ở xã hội với trách nhiệm địa phương
Chia sẻ về nhiệm vụ phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho rằng người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng cần giữ vai trò thúc đẩy, có trách nhiệm quyết liệt thực hiện. Qua đó cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế.
"Phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý Nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân" - ông Hà Quang Hưng nêu quan điểm.
Đồng thời, để đẩy nhanh được tiến trình phát triển số lượng NƠXH, cần có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó là chính sách nhằm hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Việc triển khai thực hiện theo quan điểm "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển NƠXH, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Trong đó đảm bảo xây dựng NƠXH phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo.
Giải phóng nguồn lực đang vướng nút thắt pháp lý về nhà ở xã hội
Về triển khai nhiệm vụ được giao tại đề án, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết: Hiện nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó chính sách về NƠXH được đề xuất cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ 01/01/2024), bao gồm nhóm chính sách về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển NƠXH; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thực hiện rà soát các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước lập danh mục dự án xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.
"Đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng... việc sắp xếp quy hoạch, bố trí các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân độc lập cần triển khai tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội", ông Hà Quang Hưng phân tích.
Ngoài ra, nhằm giải phóng các nguồn lực còn đang vướng mắc, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thực hiện rà soát tháo gỡ những nút thắt pháp lý, tài chính. Đặc biệt đối với các dự án đã có đất sạch, có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng NƠXH, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án.
Cần có một quỹ đầu tư lâu dài và cần cơ chế linh hoạt
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế cho rằng việc triển khai NƠXH ở Việt Nam thời gian qua vẫn chưa đi đến đâu và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra nếu không có đột phá.
"Tại Hàn Quốc chỉ 2 năm triển khai họ đã đạt chỉ tiêu 5 triệu căn hộ NƠXH, chúng ta đặt mục tiêu 1 triệu căn hộ, nhưng 10 năm triển khai vẫn chưa xong” – TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, điểm nhấn của vấn đề triển khai đầu tư nhà ở xã hội là chính sách, quỹ đất, nguồn vốn.
Theo TS. Lực, điểm nhấn của vấn đề triển khai đầu tư nhà ở xã hội là chính sách, quỹ đất, nguồn vốn. Với nguồn vốn như hiện nay, sẽ vô cùng khó khi triển khai đầu tư xây dựng NƠXH.
"Gần đây, chúng ta phấn khởi hơn khi NƠXH đã và đang được quan tâm. Một số doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đã bắt đầu dành phần vốn cho phân khúc NƠXH. Tuy nhiên, đã có nguồn vốn đúng nghĩa cho phân khúc này hay chưa, tôi cho là chưa hẳn", TS. Lực đánh giá.
TS. Lực nhận định, về vấn đề nguồn vốn, mọi người nghĩ là nguồn vốn ngân hàng, dù đúng nhưng chưa trúng, bởi ngân hàng chỉ là tín dụng thương mại có ưu đãi, chứ không phải tín dụng kinh tế nhân văn. Do đó, rất khó cho doanh nghiệp và khó cho chúng ta.
Thiếu nguồn vốn tài trợ bền vững cho phân khúc này, đa số các dự án NƠXH tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện.
Các dự án NƠXH rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án NƠXH là rất ít, điều kiện - thủ tục phức tạp, trong khi nguồn cung NƠXH còn ít.
Ông Lực cho rằng, nỗ lực rất lớn của ngân hàng thương mại đã hy sinh lãi suất giảm 2-3%. Trong khi đó, doanh nghiệp bị khống chế khung định mức về diện tích nhà ở, do đó, cần phải có một quỹ đầu tư lâu dài và cần cơ chế linh hoạt.
Không có đột phá, khó có khả thi 1 triệu căn nhà ở xã hội
Tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính khẳng định với những cách làm hiện nay, xây dựng NƠXH sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Theo ông Cường, để giải quyết câu chuyện NƠXH, cần phải chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của ba bên, trong đó có Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính.
Với vai trò Nhà nước, hiện chúng ta mới chỉ làm một thứ là miễn giảm thuế đất, còn chúng ta chưa miễn giảm thuế và phí. Với doanh nghiệp, chúng ta đừng kỳ vọng ngân hàng thương mại họ làm tốt, bởi không ai trông vào lợi nhuận khi làm NƠXH. Nếu không có lợi ích kèm theo khác, doanh nghiệp khó làm, bản thân doanh nghiệp làm NƠXH không phải là làm kiểu từ thiện, nếu họ làm thì cũng cần có chính sách thuế khác khuyến khích, chứ không phải chính sách chung chung như hiện nay.
Ông Cường lấy ví dụ: "Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cần có mặt bằng đất sạch, địa phương cần giao đất sạch cho họ. Rồi tiếp sau là miễn giảm các loại thuế, phí liên quan...", ông Cường nói.
Đối với người dân, là đối tượng, khách hàng, ông Cường cho rằng: "Lâu nay, chúng ta đang hiểu NƠXH đang quá đơn giản, là NƠXH chỉ dành cho người thu nhập thấp. Tại sao lại chỉ giới hạn như vậy? Trong khi nhóm đối tượng người thu nhập trung bình cũng cần có nhà ở. Vậy chúng ta cần thiết phải quy định nhóm nào được tham gia mua NƠXH để phổ cập thêm phạm vi, khách hàng, nhằm hỗ trợ người dân", ông Cường phân tích.
Ông Cường cho rằng, không có chính sách phân biệt ưu đãi khiến hạn chế về phạm vi NƠXH đang đi vào đường hẹp. "Chúng ta cần có chính sách, người có mức thu nhập từ trung bình, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi thấp hơn. Người có mức thu nhập thấp, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn và người ưu tiên đặc biệt sẽ được hưởng mức ưu đãi đặc biệt, trong đó có lãi suất và thời gian vay", ông Cường nói.
Theo ông Cường, thực tiễn người có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân 11 triệu đồng/tháng quy định là không được mua NƠXH. Tuy nhiên, quyền sở hữu nhà ở được hiến định, tại sao chúng ta ngăn chặn việc họ phải đóng thuế thu nhập, không được mua NƠXH khi họ có nhu cầu và mức thu nhập chịu thuế hiện rất thấp.
Để phát triển mạnh mẽ phân khúc NƠXH như thời điểm 2010-2016, theo vị chuyên gia đến từ Học viện Tài chính, Nhà nước cần tham gia hỗ trợ bằng chính sách, thuế, phí chứ không chỉ có hỗ trợ bằng 2-3% lãi suất. "Chúng ta cần Nghị quyết Trung ương về vấn đề nhà ở, vì nhiều năm chưa giải quyết được nhà ở. Nếu cứ những khó khăn như hiện nay, mục tiêu 2030 có 1 triệu căn nhà là gần như bất khả thi. Nếu chúng ta chia sẻ lợi ích ba bên Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thì mới giải quyết được, còn vẫn chỉ lợi ích chủ quan Nhà nước và thị trường thì cực kỳ khó giải quyết", ông Cường nói.