Luật Xây dựng ban hành năm 2003, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2004đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng, cũng như hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam... Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào thực tế, Luật Xây dựng đã bộc lộ một số bất cập dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, làm chậm tiến độ dự án, hiệu quả của các dự án chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Những tồn tại này là do hệ thống pháp luật điều chỉnh những vấn đề về đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chưa được điều chỉnh kịp thời. Việc quy định về quản lý đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước cũng như đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn khác chưa thật sự chặt chẽ. Phân cấp quá nhiều quyền cho cơ sở trong khi tổ chức bộ máy và năng lực chưa đủ khả năng đáp ứng.
Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm của các chủ thể chưa rõ ràng, chưa có chế tài đủ mạnh để tạo các căn cứ xử lý sai phạm cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đầu tư những công trình xây dựng...
Vì vậy, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, sẽ tập trung sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng làm rõ chức năng của chủ đầu tư và người quyết định đầu tư. Tránh tập trung hóa, thị trường hóa cách quản lý các nguồn vốn khác nhau, tăng cường vai trò quản lý giám sát của các cơ quan chức năng trong suốt quá trình đầu tư dự án, đồng thời nhấn mạnh vấn đề tiền kiểm các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Xây dựng Luật Xây dựng sửa đổi một cách khoa học, chặt chẽ và gắn liền với thực tiễn cuộc sống.
Dự kiến, đến tháng 6/3013, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi sẽ được Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét.
Theo : Báo Xây dựng điện tử