Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 251/BDN thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng với nội dung kiến nghị:Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường học, nhà văn hóa, v.v...) khi xây dựng dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị cho phù hợp với những vùng đô thị mới với đặc điểm chuyển đổi từ làng, xã lên phố, phường.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có công văn 2010/BXD-PTĐT xin trả lời như sau:
Những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng. Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng phát triển, từng bước đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Trong đó, việc quản lý và phát triển cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường học, nhà văn hóa,...) tại những khu đô thị mới, khu vực chuyển đổi từ làng, xã lên phố, phường đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, nhà ở, tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể như:
Để tăng cường quản lý, đánh giá chất lượng hạ tầng đô thị, giai đoạn từ 2009-2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về phân loại đô thị; giai đoạn 2016 đến nay, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Ngoài ra, trong quản lý đầu tư phát triển đô thị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Bộ Xây dựng ban hành Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Các văn bản pháp luật trên đây là những công cụ pháp lý hiệu quả đảm bảo gắn kết chặt chẽ nhu cầu về phát triển đô thị với yêu cầu tương ứng về phát triển cơ sở hạ tầng vật chất và kết cấu hạ tầng; kiểm soát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; kiểm soát sự phù hợp về quy hoạch, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của toàn khu vực và đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở.
Để thống nhất hóa các quy định về quản lý và phát triển đô thị hiện đang thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều cấp độ khác nhau, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri Thành phố Hà Nội về các vấn đề liên quan đến quy định trong việc xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng và sẽ cụ thể hóa trong nội dung Luật Quản lý phát triển đô thị.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2010/BXD-PTĐT.