Thành phố Thanh Hóa là đô thị loại II và đang phấn đấu trở thành đô thị loại I trong những năm tới, việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt phải phù hợp với nhu cầu hiện tại và đáp ứng quá trình phát triển đô thị. Đối với thành phố Thanh Hoá, công nghệ xử lý phải đáp ứng yêu cầu về diện tích chiếm đất nhỏ, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn, hạn chế tác động đến môi trường không khí, có điều kiện thuận lợi để mở rộng nhà máy cũng như nâng cao chất lượng nước thải xả ra nguồn tiếp nhận.
1. Tình hình sử dụng công nghệ xử lý nước thải ở Việt Nam:
Hiện nay, tại một số đô thị và khu công nghiệp Việt Nam có một số nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư và đang hoạt động, đó là:
- Đà Nẵng, sử dụng công nghệ hồ kỵ khí;
- Ban Mê Thuột, sử dụng công nghệ hồ sinh học;
- Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, sử dụng bể Aerotenk;
- Đà Lạt, sử dụng bể lọc sinh học;
- Hạ Long, Bắc Giang, Vinh, sử dụng công nghệ xử lý theo mẻ (SBR);
- Yên Sở - Hà Nội, sử dụng công nghệ theo mẻ.
- Khu công nghiệp Biên Hòa, Long Thành, Amata, Nhơn Trạch, sử dụng công nghệ xử lý theo mẻ.
2. Nhận xét về một số công nghệ xử lý nước thải hiện nay:
Mương Ô xy hóa hiện chưa được xây dựng tại các đô thị Việt Nam. Mương Ô xy hoá hoạt động theo nguyên lý bùn hoạt tính tuần hoàn song độ sâu mương chỉ có từ 1 – 1,5m do vậy diện tích chiếm đất lớn. Mặt khác, chất lượng nước sau xử lý thường chỉ đạt chỉ tiêu tại cột B của QCVN: 14/2008 và không có khả năng nâng cao chất lượng xử lý khi có nhu cầu.
Công nghệ xử lý theo mẻ hoạt động theo nguyên lý bùn hoạt tính tuần hoàn, độ sâu bể từ 3m đến 4.5m đã được vận hành tại một số đô thị và tại nhiều khu công nghiệp ở trên cho thấy công nghệ này diện tích chiếm đất nhỏ, có khả năng nâng công suất cũng như chất lượng nước sau xử lý. Theo báo cáo của một số đơn vị quản lý vận hành thì chi phí xử lý nước thải khoảng từ 1.000đ/m3 đến 1.300đ/m3. Công nghệ xử lý theo mẻ thích hợp cho hệ thống thoát nước chung.
3. Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa: Trạm xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa sẽ được xây dựng tại khu vực phía Tây ngay trong giới hạn đường 1A và đường vành đai phía Tây, đây là khu vực phát triển đô thị của Thanh Hóa sau này. Hiện nay, tổng lượng nước thải của thành phố Thanh Hoá là 70.000m3/ngđ, việc nâng công suất xử lý nước thải và nâng tiêu chuẩn trong những năm tới là cần thiết. Nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường, hạn chế sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu phát triển thoát nước đô thị và qua đánh giá ở trên, việc sử dụng công nghệ xử lý theo mẻ cho trạm xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa là phù hợp.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 340/BXD-HTKT.