Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đặt ra mục tiêu: Hết năm 2023, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 25% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Để hoàn thành mục tiêu này, cả hệ thống chính trị trên của tỉnh đang tích cực vào cuộc chung tay xây dựng NTM với phương châm "làm từ nhà ra ngõ".
Nỗ lực "cán đích"
Các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn huyện Bình Liêu.
Giữa tháng 8 vừa qua, 3 xã của huyện Bình Liêu (Đồng Văn, Vô Ngại, Lục Hồn) được nhận quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Tính đến nay, Bình Liêu có 5/6 xã đạt chuẩn NTM. Hạ tầng KT-XH trên địa bàn huyện tiếp tục được nâng cấp, củng cố, đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân. Huyện có 15/17 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có nhà văn hóa đa năng, điểm vui chơi, nơi sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có chợ nông thôn hoặc cửa hàng tiện ích; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đạt tiêu chuẩn.... Hiện, huyện đã lắp đặt đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống truyền thanh đến các thôn, bản. Cùng với đó, Bình Liêu luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh toàn huyện đạt 100%.
Người dân thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu phấn khởi đi trên con đường mới được hoàn thành tháng 8/2020.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ để đưa xã Đồng Tâm đạt chuẩn NTM, xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; nâng cao chất lượng xây dựng NTM; phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
Không riêng Bình Liêu, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xét công nhận cho 11 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số là 92/98 xã đạt chuẩn NTM; công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số là 35/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; công nhận 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thành 12/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thời gian tới, tỉnh và các địa phương cũng tập trung nguồn lực đưa 6 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện, huyện Đầm Hà và Hải Hà cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến, hồ sơ của địa phương sẽ hoàn tất trình UBND tỉnh để báo cáo Bộ NN&PTNT trong tháng 9/2021.
Huy động tổng lực
Công trình giếng khoan do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao tặng cho người dân thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ.
Ông Đặng Bá Bắc, Phó trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Mặc dù có nhiều cố gắng song chương trình xây dựng NTM còn gặp những khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tiến độ của chương trình, nhất là việc khảo sát thực tế tại địa phương để lập đề án giai đoạn 2021-2025, công tác đầu tư xây dựng chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn... Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện chương trình đến cuối tháng 4/2021 mới được phân bổ. Trong khi ngân sách cấp tỉnh chỉ phân bổ kinh phí cho 21 xã trong kế hoạch đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gây khó khăn cho địa phương trong việc cân đối ngân sách thực hiện, nhất là các địa phương đã trình HĐND cùng cấp phân bổ hết nguồn vốn đầu tư năm 2021 từ cuối năm 2020...
Các xã đã đạt chuẩn hoặc không nằm trong kế hoạch thì không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh. Điều này gây khó khăn về nguồn lực cho các địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ của chương trình, nâng cao các tiêu chí, phát triển sản xuất... Thêm vào đó, chất lượng hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu còn nhiều hạn chế, thiếu tài liệu minh chứng, tiến độ lập hồ sơ chậm... Một khó khăn hiện nay, mặc dù đã hết giai đoạn song Trung ương chưa ban hành cơ chế, chính sách mới để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.
Thời gian tới, Ban Xây dựng NTM tỉnh tích cực phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Đề án Chương trình xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng đề án tại tỉnh Hà Tĩnh. Trên cơ sở đó, Ban cũng tham mưu ban hành Bộ tiêu chí xây dựng NTM và các chính sách thực hiện. Tỉnh cũng triển khai tổ chức cuộc thi “Tuyến đường thôn kiểu mẫu tiêu biểu”, tập huấn cán bộ NTM, hướng dẫn các xã lập hồ sơ công nhận đạt chuẩn.
Vườn mẫu rộng 1ha trồng na dai của hộ ông Nguyễn Văn Tuân (thôn Khê Thượng, xã Việt Dân, TX Đông Triều) cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, các địa phương đang tích cực rà soát tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM của các xã; xây dựng, duy trì, nâng chất các tiêu chí và gắn xây dựng NTM với thực hiện thôn, vườn, hộ gia đình đạt chuẩn NTM. Đồng thời, đẩy nhanh đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất gắn với giải ngân vốn NTM. Việc xây dựng NTM phải được thực hiện với phương châm làm "từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, huyện và tỉnh, người dân được bàn, tự tổ chức và trực tiếp tham gia"...
Các địa phương dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi “Tuyến đường thôn kiểu mẫu tiêu biểu”, “Vườn đạt chuẩn NTM”, “Hộ gia đình NTM kiểu mẫu” tại cấp huyện và xã trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Ông Đặng Bá Bắc cho biết thêm: Để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM năm nay trong điều kiện thực tế có nhiều khó khăn, Ban đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giảm danh mục dự án, tăng tỷ lệ ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng nông thôn, xem xét phân bổ nguồn lực còn lại phần dự nguồn các nhiệm vụ chi chưa phân khai năm 2021 để bổ sung cho một số huyện khó khăn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực từ xã hội tham gia xây dựng NTM, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.