Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện hiệu quả 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ đó công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống, thu nhập người dân không ngừng nâng lên.
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được các ngành, các địa phương quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện, trong đó đã xây dựng nhiều chuyên mục, chuyên đề, ấn phẩm báo chí, tin bài, phóng sự… để thông tin, phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh về xây dựng nông thôn mới; triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phản ánh các hoạt động nổi bật, những kinh nghiệm thiết thực trong sản xuất và đời sống của người dân; khuyến khích áp dụng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, xây dựng và phát huy liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững tại các địa phương. Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua nhằm xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn an ninh, trật tự tại cộng đồng, khu dân cư… được triển khai sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và người dân tham gia. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho địa phương; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; đồng thời, đã huy động và phát huy tốt các nguồn vốn đầu tư để tập trung phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 04 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 36,4%). Trong đó: thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận; riêng huyện Tuy Phước, Đoàn thẩm định Trung ương đã tổ chức thẩm định, đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Trong 113 xã xây dựng nông thôn mới, có 78 xã đã được công nhận, đạt tỷ lệ 69%; 13 xã thực hiện đạt 15 – 18 tiêu chí. Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2021, tỉnh ta phấn đấu xây dựng 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, các xã Mỹ Thành, Mỹ An huyện Phù Mỹ đạt 17/19 tiêu chí; xã Bình Tân, huyện Tây Sơn đạt 18/19 tiêu chí; xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân đạt 16/19 tiêu chí; xã An Tân, huyện An Lão đạt 17/19 tiêu chí; xã Bình Thành, huyện Tây Sơn đạt 19/19 tiêu chí. Các xã này đang tích cực xây dựng hoàn thành các tiêu chí trước ngày 30/9/2021 để lập hồ sơ, thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt công nhận theo quy định. Đối với 08 xã đăng ký thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021: 08/08 xã cơ bản đạt 12/13 tiêu chí; dự kiến các xã sẽ hoàn thành 13/13 tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận trong năm 2021.
Cầu Thôn 2 xã An Hưng, huyện An Lão đưa vào sử dụng.
Cùng với tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2021 và củng cố, nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn, Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở và đạt được nhưng kết quả to lớn, toàn diện. Toàn tỉnh hiện có 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, với tổng chiều dài 1.505 km; đường trục thôn, xóm được bê tông đạt 96,3%, với tổng chiều dài 2.208 km; đường ngõ, xóm bê tông và cứng hóa không lầy lội đạt 93,9%, với tổng chiều dài 2.320 km. Hệ thống lưới điện trung ấp, hạ áp đã được đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khu vực nông thôn đạt 94,7%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng khu vực nông thôn giảm còn dưới 9,7%%. Toàn tỉnh có 250 điểm phục vụ bưu chính; có 102/159 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 257 khu sinh hoạt văn hóa-thể thao cấp xã; 140 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng lồng ghép một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở… Nhờ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới theo hướng khang trang, hiện đại, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, để hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác xây dựng nông thôn mới đã đề ra, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: (i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội… xây dựng đạt 100% các chỉ tiêu phấn đấu năm 2021, góp phần giành thắng lợi kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. (ii) Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị bền vững gắn với sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, trong đó: ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp điều kiện sản xuất an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại gắn với xây dựng nông thôn mới. (iii) Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn; bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa ở nông thôn gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. (iv) Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phát huy vai trò tự quản, tính tích cực của Nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn nông thôn, triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới… (v) Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. (vi) Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, chất lượng và có hiệu quả, phấn đấu trong năm 2021 có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.