Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
Làng nghề mây tre đan thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, là một trong những làng nghề truyền thống của TP Hà Nội. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những “va đập” của thời kinh tế thị trường, đến nay, làng nghề mây tre đan Phú Vinh không những vẫn duy trì được thương hiệu mà còn phát triển khá mạnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương với mức dao động từ 100 đến 150 nghìn đồng/người/ngày. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Phương Quang, nghệ nhân trẻ của làng nghề mây tre đan Phú Vinh, khoảng 10 năm trở về trước, 100% người dân trong làng đều gắn bó và chọn nghề truyền thống để khởi nghiệp, thế nhưng 10 năm trở lại đây, nhiều cụm công nghiệp mọc lên tại địa phương đã thu hút lao động của làng nghề, khiến cho việc sản xuất bị đình trệ. Nhờ có công tác đào tạo nghề và những chính sách hỗ trợ cụ thể của địa phương, nhiều người trẻ hiện nay đã quay trở về với nghề truyền thống.
Để phát triển làng nghề truyền thống, tại Phú Vinh, Câu lạc bộ nghệ nhân được thành lập với sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân tài hoa trong làng. Đây cũng là địa chỉ đào tạo nghề uy tín cho lao động trẻ. Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, chỉ tính riêng năm 2019 chính quyền xã đã mở sáu lớp đào tạo và nâng cao tay nghề mây tre đan cho 200 học viên theo chương trình khuyến nông của huyện trên địa bàn xã. Số học viên sau khi hoàn thành khóa học đều phát huy và vận dụng tốt kiến thức vào hoạt động sản xuất của làng nghề.
Chọn hướng đào tạo nghề xuất phát từ nhu cầu thực tiễn địa phương thông qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân và những kết quả điều tra, dự báo hướng phát triển của các làng nghề truyền thống là hướng đi mà nhiều địa phương của TP Hà Nội lựa chọn. Đây được cho là hướng đi đúng, dễ thành công. Một mặt có thể đem lại nguồn lợi tại chỗ và lâu dài cho người dân, mặt khác có thể thúc đẩy phát triển làng nghề mà không mất quá nhiều vốn đầu tư, lại có thể hạn chế tình trạng di dân tự do, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao của thành phố. Theo UBND huyện Thường Tín, trong năm 2020, toàn huyện sẽ phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 3.500 lao động. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Để đạt được mục tiêu nêu trên, huyện sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có việc gắn kết đào tạo với doanh nghiệp và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở đào tạo.
Nhờ có những giải pháp quyết liệt ngay từ khi lập kế hoạch đào tạo, nên hiệu quả của các lớp đào tạo nghề rất đáng được ghi nhận. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho 700 học viên là lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, trong thời gian tới, để xây dựng NTM nâng cao, huyện sẽ tích cực chỉ đạo giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, trong đó sàn giao dịch việc làm vệ tinh của huyện đã tổ chức được 42 phiên giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.916 lao động, số lao động được công ty tuyển dụng là 337 lao động. Trong sáu tháng đầu năm 2019, huyện đã giải quyết việc làm cho 2.060 lao động, đạt 50,24% kế hoạch. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên theo từng năm. Năm 2018 đạt 45,6 triệu đồng/người/năm, năm 2019 đạt 50,5 triệu đồng/người/năm.
Lý giải cho những thành công này, lãnh đạo huyện Đan Phượng cho rằng, tất cả là nhờ những quyết sách kịp thời trong hỗ trợ về kinh phí đào tạo nghề của thành phố đã được huyện linh hoạt phân bổ đến từng xã. Bên cạnh đó là việc tận dụng những lợi thế giáp ranh với vùng lõi Thủ đô cho nên huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ và công nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện tại, Đan Phượng đã có những mô hình kinh tế điểm thu hút lao động có tay nghề đã qua đào tạo như: HTX rau Cuối Quý, HTX bưởi tôm vàng Thượng Mỗ. Đồng thời xây dựng nhãn hiệu hoa đồng tiền Đan Phượng, hoa Lily Đan Phượng… Tất cả đều được ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản và xây dựng website về nông nghiệp huyện Đan Phượng. Ngoài ra, các hộ ông Trần Văn Bảy, ở xã Thọ Xuân; ông Phạm Hải Đăng, ở xã Liên Trung là những địa chỉ tin cậy sẵn sàng đón nhận lao động địa phương đã qua đào tạo, nhằm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Những nỗ lực của chính quyền và người dân, doanh nghiệp đã và đang cho thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm là hướng đi ngắn nhất, bền vững nhất giúp các địa phương nói riêng, TP Hà Nội nói chung hoàn thành tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, từ đó tạo nguồn lực tại chỗ thúc đẩy chương trình NTM, NTM nâng cao sớm đi đến thành công.
Theo kế hoạch, năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (ba tháng) cho 13.100 lao động nông thôn, trong đó có 8.322 người học các nghề nông nghiệp, 4.778 người học các nghề phi nông nghiệp. Hoàn thành khóa đào tạo, các địa phương bảo đảm giải quyết việc làm mới cho ít nhất 80% số người học hoặc họ sẽ làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hơn 36 tỷ đồng.
Theo Nhân dân điện tử