Năm 2019, tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm hơn 8%, thu ngân sách đạt 2.080 tỷ đồng; tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính; tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức lễ hội; cắt giảm 100% việc tổ chức động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình trọng điểm quốc gia, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương...
Thực hiện kế hoạch nêu trên, tỉnh Tuyên Quang chủ động điều hành dự toán ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên; bố trí hợp lý chi đầu tư phát triển; tăng cường giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí. Ðồng thời, tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát các dự án đầu tư của nhà nước, trong đó chú trọng cơ chế giám sát của cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội, tập trung vào các dự án thực hiện đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong các trường hợp đặc biệt.
Tỉnh đẩy mạnh phân cấp và giao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất, bảo đảm hiệu quả tiết kiệm theo đúng quy định của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hình thức đầu tư BT liên quan đến đất đai, tránh thất thoát, lãng phí.
Vai trò giám sát của MTTQ các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị được phát huy mạnh mẽ để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình; bảo vệ người cung cấp thông tin chống lãng phí.
* Sau hơn tám năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Trà Vinh đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 40 trong tổng số 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai trong tổng số chín đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp. An ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được bảo đảm.
Ðể giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới, tỉnh Trà Vinh sẽ phát huy hơn nữa sức mạnh, sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận cao của toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm tạo thành nền nếp, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tỉnh cũng sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra gắn với việc phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nhân dân.
Theo Nhân dân điện tử